142. Sẽ có thêm nhiều hàng hoá, dịch vụ bị hạn chế kinh doanh?

(ĐBND) – Một trong những nội dung cơ bản của dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 59/2006/NĐ – CP ngày 12.6.2006 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Thương mại về hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh, hạn chế kinh doanh và kinh doanh có điều kiện là thay đổi 3 phụ lục về hàng hóa, dịch vụ kinh doanh, hạn chế kinh doanh và kinh doanh có điều kiện. Xung quanh vấn đề này vẫn còn nhiều điều cần thảo luận thêm.

Luật sư có phải doanh nhân?

Theo điều 2 của dự thảo NĐ này áp dụng đối với các thương nhân theo quy định của Luật Thương mại và tổ chức, cá nhân khác thực hiện các hoạt động liên quan đến thương mại. Tuy nhiên, tại phụ lục III, đã đưa hoạt động của luật sư vào Danh mục hàng hóa, dịch vụ có điều kiện. Trên thực tế, hoạt động của luật sư chịu sự điều chỉnh của Luật Luật sư và bản thân hoạt động của luật sư không nhằm mục đích kiếm lời, vì chức năng xã hội của luật sự là hoạt động nghề nghiệp nhằm góp phần bảo vệ công lý, phát triển kinh tế và xây dựng xã hội, công bằng, dân chủ, văn minh. Hơn nữa, luật sư không phải là chủ thể trong Luật Thương mại vì họ không được coi là thương nhân, trừ trường hợp theo Khoản 3 Điều 1 Luật Thương mại 2005 khi giao kết hợp đồng với thương nhận chọn Luật Thương mại áp dụng. Mặt khác, để được cấp phép hành nghề, luật sư phải có rất nhiều điều kiện như : Chứng chỉ hành nghề luật sự, Thẻ luật sư… được quy định tại Luật Luật sư. Vậy với quy định như dự thảo không chỉ không phù hợp với pháp luật chuyên ngành mà đi ngược với tinh thần cải cách thủ tục hành chính.  Tuy nhiên trên thực tế cần phân biệt rõ trường hợp nào áp dụng theo luật Luật sư và các văn bản pháp luật liên quan và  trường hợp nào áp dụng theo luật thương mại. Điều này giúp tránh lỗ hổng pháp luật dẫn đến vận dụng tùy tiện trong khi thực thi.

Ngoài việc đưa luật sư vào danh mục dịch vụ có điều kiện thì tại phụ lục III, dự thảo cũng đưa tổ chức hành nghề công chứng là dịch vụ có điều kiện. Trong khi đó hoạt động của tổ chức này chịu sự điều chỉnh của Luật Công chứng. Đây là những quy định chưa nhận được sự đồng tình của nhiều người, đặc biệt là giới luật sư, hành nghề công chứng – một lĩnh vực mà hiện đang khuyến khích xã hội hoá.

Điều đáng nói hơn, hiện nay một tổ chức cũng hoạt động tương tự như tổ chức hành nghệ công chứng, luật sư là Văn phòng thừa phát lại đang được thí điểm tại TP Hồ Chí Minh nhưng chưa thấy dự thảo đề cập tới.

 Thêm nhiều hàng hóa, dịch vụ bị cấm kinh doanh

Theo dự thảo NĐ có 24 loại hàng hóa và 10 dịch vụ bị cấm kinh doanh. Liên quan đến vấn đề này có nhiều ý kiến cho rằng, danh mục này càng ngày càng có chiều hướng phát triển. Theo Luật sư Trương Thanh Đức, nếu năm 1999 mới có 29 loại hàng hóa, dịch vụ bị đặt vào vòng cấm kinh doanh, hạn chế kinh doanh và kinh doanh có điều kiện thì đến tháng 8.2010 có đến 152 hàng hóa dịch vụ.

Chẳng hạn theo Điểm 6 Mục B Phụ lục I dự thảo, hoạt động kinh doanh vàng trên tài khoản bị cấm kinh doanh. Thực tế, hoạt động này mới bị Ngân hàng Nhà nước cấm kinh doanh với lý do thiếu Quy chế pháp lý và mang tính rủi ro cao, ảnh hưởng trực tiếp đến nền kinh tế. Đây là điều hoàn toàn phù hợp trong tinh hình hiện nay. Tuy nhiên, đây cũng chính là một hoạt động đầu tư tài chính cao cấp và chuyên nghiệp. Việc kinh doanh không nhằm hướng tới việc giao, nhận vàng thực, hữu hình mà nhằm đầu cơ về giá vàng trong tương lai để kiếm lời. Hay nói cách khác, các nhà kinh doanh mua vàng trên tài khoản với giá thỏa thuận vào thời điểm hiện tại, và thanh toán và nhận vàng vào thời điểm ấn định trong tương lai. Do đó, lợi nhuận hay rủi ro mà nhà kinh doanh được hưởng hay phải chịu hoàn toàn phụ thuộc vào độ chính xác trong phán đoán của họ về giá vàng trong tương lai.

Theo Th.s Nguyễn Thị Yến – Đại học Luật Hà Nội thì hoạt động kinh doanh vàng trên tài khoản hoàn toàn tương đồng với hoạt động mua bán hàng hóa qua Sở giao dịch hàng hóa được Luật Thương mại và các văn bản hướng dẫn thi hành quy định và cho phép. Hơn nữa, sau khi các sản giao dịch vàng bị cấm hoạt động, các nhà kinh doanh lại chuyên sang giao dịch bạc trên tài khoản – một hoạt động kinh doanh không bị cấm; hay chuyển sang một hình thức giao dịch tương tự vì họ vẫn có nhu cầu kinh doanh và sẵn sàng chấp nhận rủi ro. Từ sự phân tích đó, nên chăng thay bằng quy định cấm kinh doanh mặt hàng này bằng quy định là mặt hàng kinh doanh có điều kiện, có cơ chế kiểm soạt chặt chẽ, tránh việc đầu cơ, lũng đoạn thị trường.

Với tinh thần là một văn bản quy nạp, tổng hợp các loại hàng hóa, dịch vụ mà Nhà nước cần quản lý chặt hơn các loại hàng hóa, dịch vụ khác tạo điều kiện thuận lợi giúp các thương nhân hoạt động kinh doanh. Thiết nghĩ, một câu hỏi mà các nhà làm luật cần đặt ra và trả lời được là việc quy định này có ảnh hưởng đến lợi ích chính đáng của các doanh nhân cũng như lợi ích xã hội trước các loại hàng hóa, dịch vụ hạn chế kinh doanh, cấm kinh doanh và kinh doanh có điều kiện.

Hơn nữa, việc sửa đổi, bổ sung NĐ này sẽ liên quan đến hàng loạt văn bản khác như Bộ luật Hình sự, Pháp lệnh Xử lý các vi phạm hành chính, các văn bản khác liên quan đến các lĩnh vực thuộc Bộ Y tế, Bộ NN và PTNT, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng… Sau khi NĐ này được sửa đổi, bổ sung ban hành mà các văn bản khác chưa được bổ sung các danh mục hàng hóa mới, trong việc thực hiện sẽ gặp nhiều khó khăn, người thực hiện không biết áp dụng văn bản nào? Đây cũng chính là các vấn đề liên quan cần được giải quyết động bộ, kịp thời.

Hải Toàn

—————————————————————–

Người đại biểu Hội đồng Nhân dân 29-8-2010:

Bài viết 

308. Mất tiền từ séc giả, trách nhiệm thuộc...

(VNB) - Khi sự việc xảy ra, cần xác định ai là người có lỗi, lý do, nguyên...

Bình luận 

427. Bình luận về Luật siêu dễ: Hồi hộp đến...

(VTV3) Bình luận về Luật siêu dễ: Hồi hộp đến phút cuối với chủ đề...

Phỏng vấn 

4.362. Xôn xao "nghi án" trang cờ bạc trực tuyến...

Xôn xao "nghi án" trang cờ bạc trực tuyến quảng cáo trá hình thông qua...

Trích dẫn 

3.860. Chung cư mini lần đầu được quy định cụ...

(VOV GT) - Luật Nhà ở năm 2023 có hiệu lực từ 01/8/2024, nhà ở nhiều tầng nhiều...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 224,160