Pháp luật bảo vệ người tiêu dùng dịch vụ ngân hàng
(TCNH) Quyền lợi của người tiêu dùng trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng là một vấn đề rất ít được quan tâm và gần như chưa được ghi nhận trong các văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ người tiêu dùng. Ba lĩnh vực hoạt động ngân hàng còn nhiều vấn đề phải kể đến là, bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền tiết kiệm, của người vay vốn tiêu dùng và người sử dụng một số dịch vụ ngân hàng.
1. Bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền tiết kiệm
1.1. Người tiêu dùng trong quan hệ gửi tiền tiết kiệm
Pháp lệnh Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng số 13/2009/PL-UBTVQH10 ngày 27-4-1999 cũng như Nghị đinh số 55/2008/NĐ-CP ngày 24-4-2008 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đều không giải thích thế nào là Người tiêu dùng. Dự thảo 4, Luật Bảo vệ quyền người tiêu dùng đã giải thích: ““Người tiêu dùng” là các cá nhân, tổ chức mua hoặc sử dụng hợp pháp hàng hoá, dịch vụ không nhằm mục đích kinh doanh”. Vậy, người gửi tiền tiết kiệm tại ngân hàng, là người cho ngân hàng vay tiền, là người “bán tiền vốn” cho ngân hàng, có phải là người tiêu dùng hay không? Dường như còn thiếu những quy định cần thiết để xác định rõ điều này.
Hành vi gửi tiền tiết kiệm tại ngân hàng, về bản chất pháp lý đồng thời chứa đựng những đặc điểm của hai loại hợp đồng theo quy định của pháp luật, đó là:
– Hợp đồng vay tài sản theo quy định tại các điều, từ Điều 471 đến Điều 478 của Bộ luật Dân sự năm 2005, trong đó người gửi tiền là bên cho vay và ngân hàng là bên đi vay tài sản;
– Hợp đồng gửi giữ tài sản theo quy định tại các điều, từ Điều 559 đến Điều 566 của Bộ luật Dân sự, trong đó người gửi tiền là bên gửi và ngân hàng là bên giữ tài sản.
Nếu theo loại hợp đồng vay tài sản, thì ngân hàng là người đi vay tiền, khách hàng là người cho vay tiền. Theo đó, về nguyên tắc chung, ngân hàng phải trả lãi cho khách hàng. Nếu theo loại hợp đồng gửi giữ tài sản, thì khách hàng là bên gửi tiền, còn ngân hàng là bên giữ tiền. Theo đó, về nguyên tắc chung, khách hàng “phải trả tiền công” cho ngân hàng vì đã giữ gìn an toàn tài sản theo yêu cầu của mình. Tuy nhiên, việc bên nào phải trả tiền cho bên nào chỉ là tương đối, vì Bộ luật Dân sự cũng có quy định, bên vay tiền có thể không phải trả lãi (Điều 471) và bên gửi tiền cũng có thể không phải trả tiền công (Điều 566).
Quy định của Luật Các TCTD (năm 1997 và 2010) cũng như Quy chế Tiền gửi tiết kiệm, ban hành kèm theo Quyết định số 1160/2004/QĐ-NHNN ngày 13-9-2004 (đã được sửa đổi, bổ sung theo Quyết định số 47/2006/QĐ-NHNN ngày 25-9-2006) của Thống đốc NHNN đều không xác định rõ quan hệ gửi tiền tiết kiệm là thuộc loại Hợp đồng gửi giữ hay Hợp đồng vay tài sản theo quy định của Bộ luật Dân sự, mà chỉ khẳng định đó là “tiền gửi” của khách hàng và việc “nhận tiền gửi” của các ngân hàng.
Theo tôi, hoạt động nhận tiền gửi tiết kiệm của ngân hàng là một loại hợp đồng dân sự đặc biệt, đồng thời có cả đặc điểm của hợp đồng gửi giữ và hợp đồng vay tài sản. Với tư cách là người giữ tài sản, ngân hàng được hưởng “tiền công” từ việc sử dụng tiền vốn của người gửi tiền. Đồng thời, với tư cách là người vay tài sản, ngân hàng phải trả lãi cho người gửi tiền. Nếu chỉ xác định việc gửi tiền tiết kiệm theo một quan hệ hợp đồng là không đầy đủ. Xét một ví dụ tương tự về gửi tài sản, đó là đưa một khối vàng vào gửi ngân hàng. Nếu người gửi đưa vào ngân hàng theo chế độ gửi tài sản quý hiếm, thì phải trả tiền công giữ vàng cho ngân hàng. Còn nếu cũng số vàng ấy, theo chế độ gửi tiết kiệm bằng vàng, thì lại được ngân hàng trả lãi. Cuối cùng đều được ngân hàng trả lại vàng đúng với số lượng và chất lượng ban đầu.
Với đặc điểm như trên, cần phải đặt người gửi tiền tiết kiệm vào vị trí của người sử dụng dịch vụ ngân hàng, hay người “mua hàng”, chứ không phải là người “bán hàng” trong quan hệ với ngân hàng.
Như vậy, còn thiếu một quy định rõ ràng trong Bộ luật Dân sự cũng như trong Luật Các TCTD để bảo đảm cơ sở pháp lý cho quan hệ pháp luật gửi và nhận tiền gửi tiết kiệm. Luật Các TCTD chỉ mới nhắc đến quyền nhận tiền gửi tiết kiệm của các TCTD. Còn nội dung quan hệ gửi tiền tiết kiệm hiện nay hoàn toàn chỉ dựa vào một văn bản ở tầm thông tư. Điều này là chưa bảo đảm quyền lợi của người gửi tiền, với tư cách là người tiêu dùng. Nếu xét trên góc độ người gửi tiền tiết kiệm là ngưởi tiêu dùng, thì có nhiều vấn đề cần được xem xét giải quyết như dưới đây.
1.2. Về việc rút tiền tiết kiệm trước hạn
Khoản 3, Điều 473 về “Nghĩa vụ của bên cho vay” của Bộ luật Dân sự quy định một trong những nghĩa vụ của bên cho vay là: “Không được yêu cầu bên vay trả lại tài sản trước thời hạn”, trừ đối với hợp đồng gửi tiền có kỳ hạn và với điều kiện “được bên vay đồng ý” (khoản 1, Điều 478 của Bộ luật Dân sự).
Trên cơ sở đó, khoản 1, Điều 16 về “Rút tiền gửi tiết kiệm trước hạn” của Quy chế Tiền gửi tiết kiệm, ban hành kèm theo Quyết định số 1160/2004/QĐ-NHNN ngày 13-9-2004 (đã được sửa đổi, bổ sung theo Quyết định số 47/2006/QĐ-NHNN ngày 25-9-2006) của Thống đốc NHNN quy định: “Người gửi tiền được rút tiền gửi tiết kiệm trước hạn nếu có thoả thuận với tổ chức nhận tiền gửi tiết kiệm khi gửi tiền và phải thông báo trước yêu cầu rút tiền trước hạn theo quy định của tổ chức nhận tiền gửi tiết kiệm.”.
Trường hợp nói trên, ngân hàng nhận tiền gửi sẽ toàn quyết quyết định hai vấn đề: Thứ nhất là thời hạn mà người gửi tiền phải báo trước và thứ hai là mức lãi suất mà ngân hàng sẽ trả cho người gửi tiền. Mức lãi suất trong trường hợp rút tiền gửi trước hạn thường là thấp hơn mức lãi suất rút tiền đúng hạn. Và trường hợp người rút tiền trước hạn không có thoả thuận trước với ngân hàng hoặc không thông báo trước đủ thời hạn theo quy định của ngân hàng, thì có thể phải trả thêm cho ngân hàng một mức phí nhất định đối với khoản tiền gửi tiết kiệm rút trước thời hạn (khoản 3, Điều 16). Không loại trừ mức phí này còn nhiều hơn cả số tiền lãi mà người gửi tiền nhận được. Như vậy, nếu không xác định rõ tư cách của người gửi tiền tiết kiệm, thì sẽ không thể xác định được tính chất của khoản phí này là tiền phạt do vi phạm hợp đồng gửi tiền về thời hạn gửi hay là khoản tiền gì. Đồng thời, để bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền, thì pháp luật cần có quy định rõ: Trường hợp người gửi tiền có nhu cầu rút tiền trước hạn thì chịu thiệt hại ở mức cao nhất là không được hưởng lãi, chứ không thể là nhận về một số lãi âm, tức là mất thêm tiền cho việc gửi tiền tại ngân hàng.
1.3. Về việc rút tiền tiết kiệm thừa kế
Điều 17 về “Rút tiền gửi tiết kiệm theo thừa kế” của Quy chế Tiền gửi tiết kiệm, ban hành kèm theo Quyết định số 1160/2004/QĐ-NHNN ngày 13-9-2004 nói trên quy định: “Thủ tục rút tiền gửi tiết kiệm theo thừa kế do tổ chức nhận tiền gửi tiết kiệm quy định phù hợp với các quy định về thừa kế tại Bộ luật Dân sự và các văn bản pháp luật có liên quan.”
Theo quy định về thừa kế tại Bộ luật Dân sự thì có hai loại là thừa kế theo pháp luật và thừa kế theo di chúc. Nhưng cái khó ở đây là ngân hàng hoàn toàn không có quyền cũng như không có trách nhiệm xác định việc thừa kế tiền gửi tiết kiệm trong các trường hợp cụ thể là theo pháp luật hay theo di chúc. Và dù có muốn trả tiền cho người thừa kế, thì ngân hàng cũng không có đủ cơ sở pháp lý để khẳng định được rằng ai mới đúng là người được rút tiền và được hưởng thừa kế theo pháp luật hay được hưởng thừa kế theo di chúc. Kể cả trường hợp di chúc đã được công chứng, chứng thực, thì ngân hàng cũng không thể tự mình khẳng định rằng nội dung và hình thức của di chúc có đúng không, có hợp pháp hay không. Thậm chí nếu bản di chúc đó là hoàn toàn hợp pháp, thì cũng chưa chắc đã có giá trị pháp lý để phân chia di sản thừa kế, vì có thể không phải là bản di chúc cuối cùng.
Do vậy, trên thực tế, thường rất khó khăn cho những người được hưởng thừa kế tiền tiết kiệm, nhất là trường hợp có yếu tố nước ngoài. Ngân hàng không biết phải làm thế nào cho đúng luật. Nếu muốn trả tiền cho người thừa kế một cách thật sự hợp pháp, chỉ có một cách duy nhất là căn cứ vào bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Toà án. Mà để có được bản án thì đôi khi buộc phải “xui” khách hàng khởi kiện ra toà, mặc dù những người thừa kế hoàn toàn không mong muốn và phải mất rất nhiều năm tháng. Các ngân hàng thường linh hoạt chấp nhận trả tiền tiết kiệm dựa trên cam kết của những người thừa kế và luôn thường trực mối lo ngại gặp phải rắc rối về mặt pháp lý khi có sự khiếu nại, kiện cáo của những người liên quan. Khi ấy, ngân hàng sẽ rất dễ sai với việc đặt ra thủ tục rút tiền không biết thế nào “phù hợp với các quy định về thừa kế tại Bộ luật Dân sự và các văn bản pháp luật có liên quan” theo quy định tại Điều 17 nói trên.[1]
Do vậy, pháp luật cần có quy định cụ thể để giải quyết các trường hợp người gửi tiền chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự, để tránh việc gây ra nhiều khó khăn, vướng mắc cho người được thừa kế và thân nhân của người gửi tiền khi người gửi tiền lâm vào tình trạng này, đồng thời cũng giải thoát trách nhiệm cho ngân hàng.
1.4. Về lãi suất tiền gửi
Lãi suất tiền gửi là do và phải do cung cầu thị trường quyết định. Việc can thiệp thô bạo và không hợp lý sẽ dẫn đến sự lệch lạc, méo mó thị trường,[2] làm ảnh hưởng đến cả hai phía, người cho vay và đi vay, trong đó có người gửi tiền ngân hàng, với tư cách là người tiêu dùng.
Từ 01-01-1996, NHNN đã bỏ quy định về mức lãi suất huy động cụ thể bắt các ngân hàng phải tuân theo không có bất kỳ sự lựa chọn nào khác.[3] Trong điều kiện bình thường, mức lãi suất tiền gửi là bao nhiêu sẽ do mỗi ngân hàng tự quyết định và do sự cân nhắc lựa chọn của khách hàng trên cơ sở cung cầu thị trường tiền tệ.
Tuy nhiên, cũng từ 01-01-2006 trở đi, lãi suất tiền gửi ngân hàng lại bị giới hạn không được vượt quá 150% lãi suất cơ bản theo quy định tại Điều 476 về “Lãi suất” của Bộ luật Dân sự, do quan hệ này cũng được xác định là một Hợp đồng vay tài sản như phân tích tại Mục 1.1 nói trên.
Xét trong mối quan hệ tổng thể, thì lãi suất huy động phải thấp hơn lãi suất cho vay của ngân hàng. Tuy nhiên, xét riêng từng trường hợp, tại từng thời điểm, cũng như về mặt pháp lý thì hoàn toàn có thể xảy ra tình huống, lãi suất huy động cao hơn lãi suất cho vay. Nếu Nhà nước muốn điều tiết để đạt mục tiêu kinh tế vĩ mô và chính sách tiền tệ quốc gia, thì cần giải quyết bằng các công cụ kinh tế, tài chính, chứ không nên sử dụng các công cụ hành chính, yêu cầu các ngân hàng không được huy động với lãi suất cao như trong thời gian vừa qua, làm ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của người gửi tiền.
Đồng thời, việc quá nhấn mạnh quan điểm rằng lãi suất tiền gửi phải luôn thực dương (cao hơn so với tỷ lệ lạm phát) cũng không hợp lý. Khoản 9, Điều 20 về “Giải thích từ ngữ” của Luật Các TCTD năm 1997 quy định “Tiền gửi được hưởng lãi hoặc không hưởng lãi”. Điều đó cũng có nghĩa là các bên được phép tự do thoả thuận đến mức lãi suất tiền gửi có thể bằng không phần trăm. Không có quy định nào ràng buộc lãi suất phải đạt mức cao hơn so với lạm phát trong mọi thời điểm. Nếu cứ bắt lãi suất tiền gửi ngân hàng phải thực dương, bất kể thị trường thế nào, thì cũng đồng nghĩa với việc bắt các ngân hàng phải cho vay với lãi suất cao và đó lại là điều khó chấp nhận với nền kinh tế. Biện pháp ép lãi suất tiền gửi xuống là bất lợi cho người gửi tiền, còn biện pháp bám chặt quan điểm lãi suất phải thực dương là có lợi cho người gửi tiền. Tuy nhiên cả hai điều này đều không phù hợp với quy luật tự do cạnh tranh và cung cầu thị trường. Do vậy, pháp luật điều chỉnh về quan hệ gửi tiền tiết kiệm cần xử lý cả hai trạng thái nêu trên để bảo đảm quyền lợi hợp lý cho người gửi tiền.
1.5. Về trách nhiệm chịu rủi ro trước hành vi gian lận
Để bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền, Điều 8 và 15 của Quy chế Tiền gửi tiết kiệm, ban hành kèm theo Quyết định số 1160/2004/QĐ-NHNN ngày 13-9-2004 nói trên đã quy định về thủ tục nhận và trả tiền gửi của ngân hàng đều phải yêu cầu đối chiếu đúng chữ ký, đúng họ tên, đúng số và nhận dạng theo giấy chứng minh nhân dân. Từ đó, dẫn đến quy định tại khoản 6, Điều 27 về “Trách nhiệm của tổ chức nhận tiền gửi tiết kiệm”, là ngân hàng phải “Chịu trách nhiệm về những thiệt hại, vi phạm, lợi dụng đối với tiền gửi tiết kiệm do lỗi của tổ chức nhận tiền gửi tiết kiệm.”
Tuy nhiên, Điều 25 về “Trách nhiệm của người gửi tiền” của Quy chế nói trên lại quy định, người gửi tiền có trách nhiệm: “Thông báo kịp thời việc mất thẻ tiết kiệm cho tổ chức nhận tiền gửi tiết kiệm khi phát hiện bị mất thẻ tiết kiệm để tránh bị lợi dụng làm tổn thất tài sản.” (khoản 3) và “Chịu trách nhiệm về những thiệt hại do không khai báo kịp thời việc mất thẻ tiết kiệm với tổ chức nhận tiền gửi tiết kiệm.” (khoản 4). Như vậy, khách hàng rất có thể chịu thiệt hại mất tiền gửi chỉ vì “không khai báo kịp thời việc mất thẻ tiết kiệm”.
Vấn đề đặt ra là, luôn đòi hỏi 3 yếu tố bắt buộc để rút được tiền gửi tiết kiệm từ ngân hàng là thẻ tiết kiệm, chữ ký và chứng minh nhân dân khớp đúng. Như vậy, nếu làm đúng, thì ngân hàng không thể trả tiền cho người khác, khi họ chỉ có thẻ tiết kiệm hay thậm chí là có cả chứng minh nhân dân của người gửi tiền. Trong khi, thẻ tiết kiệm là yếu tố ít quan trọng nhất, vì nó chỉ là bằng chứng xác nhận đã gửi tiền, không có dấu hiệu hiệu nhận dạng và không có giá trị quyết định việc rút tiền. Dữ liệu về tiền gửi thật sự và trước hết nằm trong hệ thống sổ sách, cơ sở dữ liệu của ngân hàng. Vì vậy, các ngân hàng đều quy định, người gửi tiền mất thẻ tiết kiệm có thể được cấp thẻ khác và vẫn rút được tiền. Như vậy, người gửi tiền không thể “chịu trách nhiệm về những thiệt hại do không khai báo kịp thời việc mất thẻ tiết kiệm”.
Vụ bà Nguyễn Thị Mai gửi tiết kiệm tại Sở giao dịch Hà Nội của Agribank là một ví dụ. Ngày 24-12-2008, bà Mai phát hiện và báo mất thẻ tiết kiệm. Số tiền hơn 294 triệu đồng của bà Mai đã bị Nguyễn Thị Nết lấy trộm thẻ tiết kiệm và chứng minh nhân dân rút hết vào ngày 11-11-2008. Ngân hàng đã viện dẫn căn cứ pháp lý là Điều 25 nói trên và còn bổ sung quy định nội bộ của mình “Nếu tại thời điểm báo mất sổ tiền gửi tiết kiệm đã bị kẻ gian lợi dụng do lỗi của người gửi tiền thì người gửi tiền chịu hoàn toàn trách nhiệm” để từ chối trách nhiệm trả tiền cho người gửi. Trong vụ này, cơ quan pháp luật đã tìm ra và truy tố kẻ phạm tội, đồng thời yêu cầu ngân hàng phải chịu trách nhiệm trả tiền cho người gửi tiền. Còn rất nhiều vụ “thất lạc” thẻ tiết kiệm khác, nếu không tìm ra thủ phạm chiếm đoạt, thì nguy cơ phần thua thiệt thường rơi vào khách hàng.
1.6. Về việc bảo hiểm tiền gửi
Pháp luật hiện nay quy định số tiền bảo hiểm được trả cho tất cả các khoản tiền gửi bao gồm cả gốc và lãi của một người gửi tiền tại một ngân hàng, tối đa là 50 triệu đồng.[4] Nếu như tại thời điểm ấn định mức bảo hiểm này, số tiền tương đương với trên 17 lần mức lương tối thiểu, thì đến thời điểm này chỉ còn chưa bằng 7 lần mức lương tối thiểu. Quy định mức tiền bảo hiểm này đã quá lạc hậu, không bảo đảm quyền lợi của người gửi tiền. Vì vậy, cần tăng số tiền bảo hiểm để cho khách hàng gửi tiền không phải quá lo lắng về sự an toàn đối với tiền gửi bằng cách phải gửi tại nhiều ngân hàng và không được hưởng sự ưu đãi đối với khách hàng lớn.
Hiện nay, ngoài tiền gửi tiết kiệm, người tiêu dùng còn mua một số loại giấy tờ có giá của ngân hàng, nhưng lại không được bảo hiểm.[5] Chẳng hạn, việc mua trái phiếu (không chuyển đổi) do ngân hàng phát hành thì về bản chất cũng không khác gì tiền gửi tiết kiệm, nhưng người mua lại không được bảo hiểm.
Người gửi tiền được phép gửi và rút đồng ngoại tệ một cách hợp pháp, nhưng số tiền bảo hiểm lại không được tính cho đồng ngoại tệ. Đó cũng là một điều cần được xem xét để bảo vệ quyền lợi chính đáng của người gửi tiền, ít ra là cần quy đổi ngoại tệ ra đồng Việt Nam để bảo hiểm.
Một trong những yêu cầu đặt ra là cần khẩn trương ban hành Luật Bảo hiểm tiền gửi và tiến tới việc bảo hiểm toàn bộ tiền gửi để bảo vệ tốt hơn quyền lợi của người gửi tiền.
2. Bảo vệ quyền lợi của người vay vốn tiêu dùng
2.1. Đặc điểm của vay vốn tiêu dùng
Việc vay vốn nói chung, vay vốn phục vụ nhu cầu tiêu dùng nói riêng được quy định tại Luật các TCTD năm 1997 và Quy chế Cho vay của TCTD đối với khách hàng, ban hành kèm theo Quyết định số 1627/2001/QĐ-NHNN ngày 31-12-2001 của Thống đốc NHNN (đã được sửa đổi, bổ sung theo Quyết định số 127/2005/QĐ-NHNN ngày 03-02-2005 và Quyết định số 783/2005/QĐ-NHNN ngày 31-5-2005). Trong các văn bản quy phạm pháp luật này, không sử dụng thuật ngữ tín dụng tiêu dùng, mà được gọi một cách dài dòng là cho vay để đáp ứng nhu cầu đời sống và các dự án đầu tư phục vụ đời sống.[6]
Tín dụng tiêu dùng gồm nhiều lĩnh vực vay vốn như mua nhà ở, đất ở; mua sắm phương tiện giao thông như ô tô, mô tô, xe máy; mua sắm đồ gia dụng; du học; chữa bệnh; du lịch; hiếu hỷ;… Như một sự vận động tất yếu, các ngân hàng ngày càng quan tâm đẩy mạnh lĩnh vực cho vay tiêu dùng. Tuy nhiên vay vốn tiêu dùng thường là những khoản nhỏ, ngân hàng phải bỏ ra nhiều chi phí, rủi ro chậm trả và mất vốn tương đối cao, nên lãi suất thường ở mức cao hơn so với cho vay vốn sản xuất, kinh doanh.
2.2. Về việc vay vốn mua bất động sản
Tín dụng bất động sản dưới chuẩn xuất phát từ Mỹ là một trong những nguyên nhân gây ra khủng khoảng tài chính thế giới trong mấy năm qua. Tín dụng bất động sản tiêu dùng ở Việt Nam còn chưa phát triển, tổng dư nợ còn thấp, thời hạn vay ngắn (thường chỉ trung hạn, chứ ít cho vay dài hạn trên 5 năm), số tiền cho vay ít và hầu như cho vay có tài sản bảo đảm tương đối chắc chắn. Tuy nhiên, NHNN liên tục yêu cầu siết chặt tín dụng bất động sản nói chung. Vì vậy, việc vay vốn để mua nhà đất phục vụ nhu cầu tiêu dùng là rất khó khăn. Các ngân hàng cũng chỉ mạnh dạn cấp tín dụng cho người mua nhà tại các dự án bất động sản có liên kết với ngân hàng. Vì vậy, phần lớn các nhu cầu vay vốn mua bất động sản khác gặp nhiều khó khăn.
Trong mấy năm gần đây, tín dụng đầu tư vào lĩnh vực bất động sản chỉ chiếm khoảng 10% trong tổng dư nợ tín dụng của ngành Ngân hàng. Trong đó phần tín dụng cho đầu tư, kinh doanh và đầu cơ bất động sản chiếm phần lớn, còn tín dụng bất động sản phục vụ nhu cầu tiêu dùng chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ, có lẽ chỉ một vài % tổng dư nợ.
Nếu người mua ký hợp đồng mua bán bất động sản với sự cấp vốn hoặc thông qua sự bảo lãnh của ngân hàng, thì quyền lợi sẽ được bảo đảm tương đối chắc chắn. Ngân hàng chỉ giải ngân theo tiến độ xây dựng hay thanh toán theo chỉ định của các bên, khi đã đáp ứng được các điều kiện nhất định. Tuy nhiên, trên thực tế, người mua còn ít tận dụng vai trò của ngân hàng, nhất là nghiệp vụ bảo lãnh thanh toán mua bán bất động sản. Khách hàng chủ yếu sử dụng dịch vụ vay vốn ngân hàng để trả trước với nhiều hình thức như nộp tiền ứng trước, góp vốn, đóng “tiền thành ý”,… mà khi xảy ra vi phạm cam kết, thì phần thua thiệt luôn thuộc về người mua. Một nguyên nhân quan trọng là pháp luật về bất động sản có những quy định hạn chế người mua không được ký hợp đồng một cách chính thức trong nhiều trường hợp, dẫn đến các bên có nhu cầu thật buộc phải ký hợp đồng giả, hợp đồng lách luật để đạt được mục tiêu chính đáng của mình.
Một trong những khó khăn thường vấp phải đối với người vay vốn ngân hàng để mua nhà, là tính hợp pháp của các giao dịch. Người vay vốn rất khó được ngân hàng chấp nhận cho vay mua nhà đất mà mới chỉ có giấy tờ hợp lệ, chứ chưa có giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng hợp pháp. Người vay vốn cũng thường bị vướng mắc trước số tiền vay được tính trên giá cả theo hợp đồng mua bán, trong khi phổ biến tình trạng các giao dịch nhà đất chỉ ghi số tiền thấp hơn nhiều so với giá cả thật để nhằm giảm thuế thu nhập đối với người bán và lệ phí trước bạ đối với người mua.
2.3. Về lãi suất tiền vay trong hạn
Từ giữa năm 1990 trở về trước, lãi suất huy động và cho vay của ngân hàng đều do Chính phủ quy định. Sau đó, NHNN ấn định cụ thể mức lãi suất huy động và cho vay trên cơ sở quy định về nhiệm vụ của NHNN là: “Công bố lãi suất các loại tiền gửi và cho vay; hối xuất chính thức giữa đồng Việt Nam với các ngoại tệ, sau khi được Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng phê chuẩn”.[7]
Từ ngày 05-8-2000 trở đi, NHNN không quy định chốt cứng một mức lãi suất cố định, mà đưa ra biên độ về lãi suất cho vay.[8]
Từ ngày 01-6-2002 trở đi, NHNN thực hiện chính sách tự do hoá lãi suất. [9]
Tuy nhiên từ ngày 01-01-2006 trở đi, lãi suất cho vay lại phải thực hiện theo quy định tại khoản 1, Điều 476 về “Lãi suất” của Bộ luật Dân sự: “Lãi suất vay do các bên thoả thuận nhưng không được vượt quá 150% của lãi suất cơ bản do NHNN công bố đối với loại cho vay tương ứng”. Quy định về trần lãi suất cho vay của Bộ luật Dân sự nhằm bảo vệ quyền lợi của người vay vốn nói chung. Tuy nhiên, trên thực tế nó hoàn toàn không có tác dụng, không chỉ đối với các giao dịch vay vốn bên ngoài, mà kể cả đối với các giao dịch vay vốn trong ngành ngân hàng. Lãi suất là do quy luật cung cầu thị trường chứ bản thân các ngân hàng thương mại không thể tự quyết định. Vì vậy, các ngân hàng đã phải tìm đủ mọi cách để vượt rào, nhằm bảo đảm lãi suất cho vay cao hơn lãi suất huy động, bằng cách thu phí, thu lãi trước, giữ lại tiền vay,… để không bị thua lỗ. Chính NHNN, trong thời kỳ kiên quyết yêu cầu các ngân hàng không được vượt trần lãi suất, tự mình cũng đã chấp nhận lãi suất đấu thầu giấy tờ có giá lên tới 171% lãi suất cơ bản vào giữa tháng 2-2008.[10]
Đặc biệt, từ năm 2008 đến năm 2010, NHNN đã có nhiều văn bản cho phép các ngân hàng được cho vay vượt trần 150% lãi suất cơ bản nói trên, như:
- Quyết định số 33/2008/QĐ-NHNN ngày 03-12-2008 “Về mức lãi suất cho vay bằng đồng Việt Nam của Quỹ tín dụng nhân cơ sở đối với khách hàng” (được phép cho vay bằng 165% lãi suất cơ bản);
- Thông tư số 01/2009/TT-NHNN ngày 23-01-2009 “Hướng dẫn về lãi suất thoả thuận của TCTD đối với cho vay các nhu cầu vốn phục vụ đời sống, cho vay thông qua nghiệp vụ phát hành và sử dụng thẻ tín dụng”;
- Thông tư số 07/2010/TT-NHNN ngày 26-02-2010 “Quy định về cho vay bằng đồng Việt Nam theo lãi suất thoả thuận của TCTD đối với khách hàng”;
- Thông tư số 12/2010/TT-NHNN ngày 14-4-2010 “Quy định về cho vay bằng đồng Việt Nam theo lãi suất thoả thuận của TCTD đối với khách hàng”.
Việc quy định trần lãi suất của Bộ luật Dân sự đương nhiên là ảnh hưởng đến quyền lợi của một trong hai phía người tiêu dùng trong quan hệ với ngân hàng. Vì cứ bắt ngân hàng phải cho vay với lãi suất thấp, thì cũng sẽ đồng nghĩa với việc bắt các ngân hàng phải huy động với lãi suất thấp hơn.
Trường hợp ngân hàng cho vay với mức lãi suất cao trên 150% lãi suất cơ bản là vi phạm điều cấm của pháp luật. Tuy nhiên, cho đến tháng 11-2010, chưa có chế tài nào để xử lý đối với loại vi phạm này. Nghị định số 202/2004/NĐ-CP ngày 10-12-2004 của Chính phủ về Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng không có quy định về việc xử phạt đối với việc cho vay vượt quá trần lãi suất. Dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng đang soạn thảo cũng vẫn tiếp tục không có hình thức xử phạt đối với việc vượt giới hạn lãi suất.
Bộ luật Hình sự năm 1999 quy định trường hợp cho vay với mức lãi suất cao hơn mức lãi suất cao nhất mà pháp luật quy định từ 10 lần trở lên (tức là từ 1.500% lãi suất cơ bản trở lên) và có tính chất chuyên bóc lột, thì sẽ phạm tội cho vay lãi nặng (Điều 163). Tuy nhiên, nếu như ngân hàng cho vay với mức lãi suất này thì cũng không xử lý được, vì thứ nhất là không thể chứng minh đó là việc cho vay “có tính chất chuyên bóc lột” và thứ hai, đây là vi phạm của pháp nhân, trong khi Bộ luật Hình sự chỉ xử phạt hình sự đối với cá nhân. Tóm lại là pháp luật hầu như không bảo vệ được người tiêu dùng trong trường hợp này.
Lãi suất cho vay tiêu dùng thường cao hơn lãi suất cho vay sản xuất, kinh doanh, vì mức độ rủi ro của loại cho vay này thường cao hơn. Về nguyên tắc, lãi suất này sẽ do thị trường điều tiết. Tuy nhiên, có những thời kỳ, trần lãi suất bị khống chế chung một cách chặt chẽ, nhưng NHNN lại vẫn cho phép nâng cao lãi suất vay vốn tiêu dùng vượt trần lãi suất: Cụ thể, không được thực hiện lãi suất thoả thuận cao hơn trần lãi suất đối với các khoản vay đầu tư, kinh doanh bất động sản, nhưng lại được thoả thuận nâng lãi suất vượt trần đối với nhu cầu tiêu dùng để mua nhà đất để ở và trả nợ bằng tiền lương. Thậm chí vay vốn để mua nhà ở mà không trả nợ bằng tiền lương thì cũng phải chịu lãi suất cao hơn là vay để đầu tư kinh doanh nhà ở.[11] Điều đáng nói là, kể cả những khoản vay bảo đảm an toàn, nguồn trả nợ và tài sản bảo đảm rất tốt, cũng chịu chung số phận lãi suất tiêu dùng cao hơn hẳn kinh doanh. Điều này là một sự phân biệt đối xử vô lý và đã gây thiệt thòi rất lớn cho người vay vốn mua bất động sản phục vụ mục đích tiêu dùng.
Người tiêu dùng cũng dễ bị nhầm lẫn trước các cách tính lãi khác nhau trong tín dụng tiêu dùng. Nhiều khách hàng vay vốn không hiểu rõ về cách tính lãi suất theo số nợ gốc ban đầu (add-on), dễ lầm tưởng vay theo hình thức này sẽ phải trả ít tiền lãi hơn, nhưng thực tế nếu tính toán quy đổi theo một mặt bằng, thì tổng số tiền lãi mà khách hàng phải trả thường là cao hơn nhiều so với phương thức trả lãi dựa trên dư nợ thực tế.
Ví dụ: Hợp đồng tín dụng vay 100 triệu đồng, với lãi suất 12%/năm, trong thời hạn 20 tháng, trả nợ gốc và lãi hằng tháng. Nếu theo cách tính lãi suất thông thường theo dư nợ thực tế, tức là lấy số tiền nợ gốc còn lại (giảm dần) nhân với lãi suất, thì tổng số tiền lãi phải trả sẽ là 10,5 triệu đồng. Nếu theo cách tính lãi suất trên số nợ gốc vay ban đầu (không đổi), thì tổng số tiền lãi phải trả sẽ là: 100 triệu đồng x 20 (tháng) x 12%/năm = 20 triệu đồng, gần gấp đôi cách tính thứ nhất. Như vậy, nếu cách tính lãi này quy đổi theo cách tính lãi thứ nhất, thì tuy công bố là lãi suất 12%/năm, nhưng thực chất mức lãi suất sẽ lên đến trên 21,63%/năm. Đây cũng là cách lách luật trong thời kỳ các ngân hàng bị yêu cầu không được cho vay vượt quá 150% lãi suất cơ bản. Nhưng điều đáng nói là, cho đến nay, vẫn không có văn bản nào nhắc nhở, yêu cầu về việc giải thích rõ ràng, hay phải có bảng đối chiếu so sánh cách tính lãi này với cách tính lãi theo dư nợ thực tế để người tiêu dùng không bị nhầm lẫn.
Trong hợp đồng tín dụng thường xuất hiện hai dạng thoả thuận về lãi suất như sau, cũng dễ gây thiệt thòi cho người tiêu dùng:
- Dạng thứ nhất, thoả thuận trong hợp đồng là: Lãi suất các kỳ hạn x trở đi theo quy định của ngân hàng, theo công bố của ngân hàng, theo lãi suất thị trường,… Thoả thuận dạng này không có cơ sở cụ thể để xác định lãi suất, mà phụ thuộc hoàn toàn vào ý chí của bên cho vay;
- Dạng thứ hai thoả thuận trong hợp đồng là: Lãi suất các kỳ hạn x trở đi theo thông báo của ngân hàng, trên cơ sở mức lãi suất tiết kiệm của chính ngân hàng cho vay hoặc của một ngân hàng khác cộng với biên độ y%. Lãi suất này có cơ sở tương đối cụ thể, rõ ràng. Tuy nhiên, thường lại “thòng” thêm một điều kiện là không thấp hơn y%. Như vậy thì cũng không bảo đảm quyền lợi của người vay, vì tuy lãi suất thay đổi bám sát lãi suất huy động cụ thể, nhưng lại chặn dưới, không cho lãi suất xuống tương xứng với lãi suất thị trường nếu giảm nhiều.
Ngoài ra, mấy năm gần đây, năm nào Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cũng làm đầu mối để thống nhất giữa các ngân hàng về mức lãi trần lãi suất huy động và trần lãi suất cho vay. Những thoả thuận này, nếu được lợi cho bên này, thì bên kia sẽ chịu thiệt. Như vậy, kiểu gì cũng có một số người tiêu dùng nhất định bị ảnh hưởng bởi cơ chế hành chính, độc quyền, đi ngược lại cơ chế tự do thoả thuận theo thị trường. Việc này về mặt nào đó có thể mang lại lợi ích chung cho nền kinh tế, nhưng về mặt pháp lý vẫn không chấp nhận được vì vi phạm pháp luật cạnh tranh.
2.4. Về lãi suất trả nợ trước hạn
Gọi là phí trả nợ trước hạn nhưng thực chất là một loại lãi suất, một khoản tiền tương tự với tiền phạt vi phạm thời hạn trả nợ đã cam kết. Trong hợp đồng tín dụng, các ngân hàng thường đưa ra thoả thuận mẫu với nội dung như sau: Trường hợp bên vay trả nợ trước hạn, thì phải trả một khoản phí trả nợ trước hạn theo quy định của ngân hàng.
Vay vốn tiêu dùng thường xuyên xảy ra tình trạng trả nợ trước hạn, vì cả người vay và ngân hàng đều khó tính toán khớp đúng nguồn trả nợ như cho vay sản xuất, kinh doanh. Người vay thường không biết phí trả nợ trước hạn do ngân hàng quy định là bao nhiêu và mức phí đó có thể thay đổi bất kỳ lúc nào. Đặc biệt là cả khi hợp đồng tín dụng không có thoả thuận về phí trả nợ trước hạn, nhưng người vay vẫn phải trả và thậm chí phải trả một khoản rất lớn. Trong trường hợp này, về mặt pháp lý, ngân hàng hoàn toàn có thể được quyền đơn phương thu toàn bộ số tiền lãi của toàn bộ thời hạn vay vốn theo thoả thuận ban đầu. Vì khoản 2, Điều 478 về “Thực hiện hợp đồng vay có kỳ hạn” của Bộ luật Dân sự đã quy định rõ: “Đối với hợp đồng vay có kỳ hạn và có lãi thì bên vay có quyền trả lại tài sản trước kỳ hạn, nhưng phải trả toàn bộ lãi theo kỳ hạn, nếu không có thoả thuận khác.”
Mặc dù, trên thực tế, nhiều ngân hàng không thu phí trả nợ trước hạn hoặc chỉ thu với tỷ lệ từ vài đến vài chục phần trăm so với số tiền lãi của thời hạn vay còn lại, nhưng quy định trên của Bộ luật Dân sự vẫn là một nội dung rất bất lợi cho người vay tiền, với tư cách là người tiêu dùng.
2.5. Về lãi suất tiền vay quá hạn
Hầu hết các ngân hàng vẫn thoả thuận trong hợp đồng tín dụng về lãi suất quá hạn bằng 150% lãi suất cho vay trong hạn đối với chính hợp đồng tín dụng đó, là không đúng pháp luật. Mức lãi suất quá hạn không quá 150% này là do NHNN quy định dựa trên cơ sở Bộ luật Dân sự năm 1995 giao cho NHNN quy định mức lãi suất quá hạn.
Nhưng từ năm 2006 trở đi, khoản 5, Điều 474 về “Nghĩa vụ trả nợ của bên vay” của Bộ luật Dân sự năm 2005 đã thay đổi nội dung này bằng quy định mới: “Trong trường hợp vay có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả hoặc trả không đầy đủ thì bên vay phải trả lãi trên nợ gốc và lãi nợ quá hạn theo lãi suất cơ bản do NHNN công bố tương ứng với thời hạn vay tại thời điểm trả nợ”. Ngoài việc quy định cũ và mới của Bộ luật Dân sự chưa hợp lý, thì có một vấn đề quan trọng là hai quy định này có sự khác nhau đáng kể, có thể tạo ra số tiền chênh lệch lớn đối với cùng một khoản nợ quá hạn, nhất là trong thời kỳ lãi suất có sự biến động lớn.[12]
Ví dụ: Ngân hàng B. cho ông C. vay tiền, với mức lãi suất là 14%/năm. Theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 1995, nếu khoản nợ bị chuyển sang quá hạn, thì mức lãi suất áp dụng tối đa là 14% + 7% = 21%, không phụ thuộc vào lãi suất cơ bản tại thời điểm quá hạn là bao nhiêu.
Còn theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2005, nếu lãi suất cơ bản tại thời điểm quá hạn là 6%/năm, thì lãi suất quá hạn trong ví dụ trên chỉ còn 14% + 6% = 20%/năm. Ngược lại, nếu lãi suất cơ bản lại là 8%/năm, thì lãi suất quá hạn sẽ là 14% + 8% = 22%/năm.
Như vậy, theo cách tính thứ nhất, thì lãi suất quá hạn sẽ phụ thuộc vào mức lãi suất cho vay, còn theo cách tính thứ hai, thì lãi suất quá hạn sẽ phụ thuộc vào lãi suất cơ bản. Như vậy, đối với những khoản cho vay tiêu dùng với lãi suất cao hơn 16% hiện nay, thì người vay vốn sẽ bị thiệt hại so với quy định của Bộ luật Dân sự khi bị áp dụng lãi suất quá hạn bằng 150% lãi suất trong hạn.
Trên thực tế, các ngân hàng thương mại hiện nay vẫn áp dụng lãi suất quá hạn trái luật theo thói quen có từ 18 năm trước. Không những thế một số văn bản của Chính phủ và NHNN cũng vẫn áp dụng theo quy định cũ mà không cập nhật quy định khác hẳn của Bộ luật Dân sự năm 2005.[13]
2.6. Về những vấn đề khác
Trong hợp đồng tín dụng thường có nội dung do ngân hàng đưa ra là: Người vay vi phạm bất kỳ thoả thuận nào trong hợp đồng tín dụng, thì phía ngân hàng lập tức dừng giải ngân tiếp, chuyển sang nợ quá hạn, thu hồi nợ trước hạn và xử lý tài sản bảo đảm tiền vay. Đây là một điều khoản bất lợi cho người vay vốn, làm cho họ rơi vào tình trạng yếu thế, luôn luôn gặp nguy cơ.
Về mặt hình thức, hợp đồng tín dụng do các ngân hàng đưa ra rất giống với hợp đồng theo mẫu, với lợi thế hoàn toàn nghiêng về phía ngân hàng. Theo quy định tại Điều 407 về “Hợp đồng dân sự theo mẫu” của Bộ luật Dân sự thì “Trong trường hợp hợp đồng theo mẫu có điều khoản không rõ ràng thì bên đưa ra hợp đồng theo mẫu phải chịu bất lợi khi giải thích điều khoản đó” (khoản 2) và “Trong trường hợp hợp đồng theo mẫu có điều khoản miễn trách nhiệm của bên đưa ra hợp đồng theo mẫu, tăng trách nhiệm hoặc loại bỏ quyền lợi chính đáng của bên kia thì điều khoản này không có hiệu lực, trừ trường hợp có thoả thuận khác.” (khoản 3). Tuy nhiên, về bản chất, thì đó lại không hẳn là một hợp đồng theo mẫu, vì không đúng với quy định tại khoản 1, Điều 407: “Hợp đồng theo mẫu là hợp đồng gồm những điều khoản do một bên đưa ra theo mẫu để bên kia trả lời trong một thời gian hợp lý; nếu bên được đề nghị trả lời chấp nhận thì coi như chấp nhận toàn bộ nội dung hợp đồng theo mẫu mà bên đề nghị đã đưa ra.” Vì về nguyên tắc, hợp đồng tín dụng do ngân hàng đưa ra chỉ là bản dự thảo để thuận tiện cho việc đàm phán, khách hàng có thể thoả thuận thay đổi nhiều nội dung trong đó. Điều này khác với hợp đồng theo mẫu của các tổ chức cung ứng dịch vụ điện lực, điện thoại, nước sạch. Như vậy, mẫu hợp đồng tín dụng của các ngân hàng có phải là hợp đồng theo mẫu theo quy định của Bộ luật Dân sự hay không và người tiêu dùng có được lợi thế từ việc giải thích hợp đồng hay không là vấn đề cần được giải thích.
Về mặt pháp lý, khách hàng cá nhân vay vốn tham gia với tư cách cá nhân và tự chịu trách nhiệm về việc ký hợp đồng tín dụng. Tuy nhiên, trên thực tế, các ngân hàng thường còn bắt người vợ hoặc chồng còn lại ký vào hợp đồng tín dụng với tư cách người đồng trả nợ, người đồng trách nhiệm. Đây là một thực tế tạo thuận lợi cho việc đôn đốc và xử lý nợ của ngân hàng, tuy nhiên lại ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng, nhất là những trường hợp vợ, chồng đi xa hoặc có sự không thống nhất.
3. Bảo vệ quyền lợi của người sử dụng một số dịch vụ ngân hàng
3.1. Dịch vụ giao dịch tiền mặt
Quy định trong văn bản quy phạm pháp luật cho phép “TCTD và khách hàng có thể thoả thuận áp dụng phương thức thu nhận tiền mặt theo túi niêm phong.”[14] Tức là ngân hàng có thể nhận tiền theo túi niêm phong của khách hàng. Tuy nhiên ngân hàng lại không được phép làm ngược lại: “Trong bất kỳ trường hợp nào, cũng không được chi bó (túi, bao) tiền nguyên niêm phong (trên niêm phong ghi tên NHNN, TCTD, KBNN) cho khách hàng.” Đây chỉ là nội dung nêu tại công văn hướng dẫn trong nội bộ ngành Ngân hàng, chứ không phải quy định chính thức của pháp luật.[15] Trên thực tế, người tiêu dùng vì không có chuyên môn, khó kiểm đếm ngay tại quầy giao dịch, nên rất muốn nhận cả bó tiền (10 thếp) niêm phong, nhất là trường hợp nhận số lượng nhiều. Và ngân hàng cũng vẫn thường giao nguyên bó tiền, nhưng lại bóc đi tờ niêm phong để đối phó với hướng dẫn nói trên. Sau đó, người rút tiền mới kiểm đếm, phân chia, mang đi thanh toán, nếu tiền hư hỏng, thiếu, lẫn loại mệnh giá nhỏ thì cũng không có cơ sở khiếu nại. Kể cả trường hợp bó tiền vẫn còn nguyên niêm phong, với quy định rất rõ ràng là “Người có họ và tên, chữ ký trên giấy niêm phong phải chịu trách nhiệm tài sản về bó, túi, hộp hay bao, thùng tiền đã niêm phong.”[16], thì người nhận vẫn không được bảo vệ. Vì ngân hàng vẫn không chịu trách nhiệm khi người rút tiền ra khỏi quầy giao dịch dựa trên quy định khác là: “Người lĩnh tiền mặt, ngoại tệ, giấy tờ có giá phải kiểm đếm lại trước khi rời khỏi quầy chi của ngân hàng”[17].
Trong giao dịch tiền mặt, ngân hàng đòi hỏi khách hàng là người nộp tiền phải “sắp xếp tiền theo thếp, bó, phân loại tiền đủ tiêu chuẩn lưu hành riêng, tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông riêng”. Khách hàng tiêu dùng rất khó đáp ứng chính xác yêu cầu này. Và yêu cầu này cũng không phải là quy phạm pháp luật, mà chỉ là những hướng dẫn nghiệp vụ nội bộ trong ngành Ngân hàng.[18]
Các ngân hàng cũng thường yêu cầu khách hàng nộp tiền phải lập bảng kê từng loại tiền. Theo quy định trước đây thì bảng kê này phải được lập thành 2 bản để mỗi bên giữ 1 bản và ngân hàng có trách nhiệm bảo quản trong thời hạn 2 năm.[19] Nhưng trên thực tế, trừ trường hợp bảng kê được lồng vào chứng từ giao dịch khác, còn khi làm thành bảng kê riêng thì các ngân hàng thường chỉ lập thành 1 bản. Do đó chỉ phía ngân hàng giữ bảng kê, còn khách hàng thì không được giữ bằng chứng chi tiết về việc giao nhận tiền này. Đây là một trong những vấn đề bất lợi cho người tiêu dùng trong giao dịch nộp và rút tiền mặt tại ngân hàng. Việc này đã gây ra tranh luận gay gắt, phức tạp trong vụ án tranh chấp hợp đồng tín dụng giữa nguyên đơn là Maritime Bank với bị đơn là ông Vũ Trung Đát, do TAND TP Hà Nội xử sơ thẩm trong hai ngày 11 và 12-01-2006; Toà Phúc thẩm TAND Tối cao tại Hà Nội xét xử ngày 05-7-2006.
Mặc dù yêu cầu về việc lập bảng kê tiền mặt nói trên trong giao dịch giữa ngân hàng và khách hàng không còn được quy định trong “Chế độ giao nhận, bảo quản, vận chuyển tiền mặt, tài sản quý, giấy tờ có giá”, ban hành kèm theo Quyết định số 60/2006/QĐ-NHNN ngày 27-12-2006 của Thống đốc NHNN, nhưng hiện nay các ngân hàng vẫn áp dụng, vì NHNN lại hướng dẫn gần như bắt buộc trong một công văn là: “TCTD có thể tham khảo quy định các loại bảng kê thu (chi) của NHNN để quy định về bảng kê (hoặc các hình thức khác tương tự bảng kê) như các loại tiền thu (chi) ngay mặt sau chứng từ giao dịch và hướng dẫn thực hiện trong hệ thống nhằm đảm bảo an toàn tài sản, thuận tiện trong quản lý tài sản cho TCTD, tăng độ tin cậy của khách hàng trong giao dịch”.[20]
Trong quá trình nhận tiền mặt của người khác, rất có thể gặp phải tiền giả và tiền nghi giả mà người tiêu dùng không thể phát hiện ra. Mức độ giả tinh vi đến ngay cả nhân viên kiểm ngân của ngân hàng cũng rất khó phát hiện. Nhưng khi người tiêu dùng nộp tiền vào ngân hàng, thì bị lập biên bản thu giữ theo quy định.[21] Số tiền đó sẽ bị tịch thu, thậm chí nếu có từ 5 tờ tiền giấy giả (hoặc 5 miếng đối với tiền kim loại giả) trở lên trong một giao dịch thì còn phải gặp rắc rối vì buộc phải làm việc với cơ quan công an. Người tiêu dùng gặp trường hợp này đành phải chịu hoàn toàn trách nhiệm.
3.2. Dịch vụ thẻ ATM
Tương đối phổ biến là trường hợp máy đã chấp nhận giao dịch, tài khoản đã bị khấu trừ, nhưng tiền không được nhả ra. Nếu người giao dịch không báo kịp thời cho ngân hàng thì rất có thể bị mất tiền oan. Trường hợp đã thông báo kịp thời thì thường cũng phải chờ nhiều tuần mới được giải quyết, nhất là trường hợp dùng thẻ của ngân hàng này rút tiền qua máy của ngân hàng khác. Nếu vô tình giao dịch bất thành trùng lặp với sự nhầm lẫn khác như nạp thiếu tiền, giao dịch rút tiền khác bị thừa tiền hay có sự gian lận thì khách hàng chịu mất tiền mà không thể chứng minh được rằng chưa hề được cầm tiền từ máy ATM.
Người tiêu dùng cũng gặp trường hợp rút được tiền rách, tiền bẩn, không đủ tiêu chuẩn lưu thông, mang đi tiêu không được chấp nhận, thậm chí chính ngân hàng nạp tiền vào máy cũng không chấp nhận. Trường hợp này phải mất phí bằng 4% tổng giá trị tiền để đổi lại chính đồng tiền mà mình đã rút ra từ máy ATM của ngân hàng.[22] Tuy nhiên người tiêu dùng lại không có cơ sở nào khiếu nại về việc đó, vì không thể chứng minh được đó chính là tiền rút tại máy ATM của ngân hàng đó. Người tiêu dùng không chỉ bực mình khi rút được tiền hư hỏng, mà còn phải mất thời gian và mất chi phí để đến ngân hàng đổi lại những đồng tiền khác. [23]
An toàn trong việc sử dụng máy ATM cũng là một vấn đề lớn đối với người tiêu dùng. Chỉ qua một đợt kiểm tra vào đầu năm 2010 tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, đã phát hiện hàng trăm máy ATM dò điện gây nguy hiểm đến sức khoẻ cho người sử dụng, trong đó có hàng chục máy có dòng điện thừa sức gây thiệt hại đến tính mạng. Nạn nhân bị thiệt mạng đầu tiên là cháu Châu Linh Uyên tại máy ATM ở Phòng giao dịch Nguyễn Thái Bình, Chi nhánh Mạc Thị Bưởi, Ngân hàng Agribank (quận 1, TP HCM) chiều ngày 01-4-2010 đã được bồi thường. Nhưng còn nhiều người bị điện dò từ máy hoặc buồng đặt ATM giật thót tim, thậm chí đến mức bị lăn đùng, ngã ngửa mà không được xin lỗi, bồi thường và cũng không được khắc phục kịp thời.
Một số trường hợp người sử dụng thẻ ATM của ngân hàng tự dưng bị mất tiền, nhưng rất khó có thể chứng minh được lỗi của ngân hàng. Dù cho người tiêu dùng không hề có lỗi gì, nhưng vẫn có thể mất tiền oan. Vụ án bà Trần Thị Thanh Thủy, nhân viên Xí nghiệp Thương mại Mặt đất Nội Bài kiện Techcombank là một trường hợp điển hình. Bà Thuỷ khẳng định rằng mình không tiết lộ mã số (PIN) và không đưa cho ai thẻ ATM. Nhưng trong các ngày từ 10 đến 12-01-2005 thẻ này đã bị rút mất 30 triệu đồng thông qua 16 giao dịch. Tuy nhiên, bà Thủy không có cách gì bác bỏ được bằng chứng do ngân hàng cung cấp rằng, các giao dịch trên đều được thực hiện bằng thẻ ATM và số PIN của khách hàng, nên cuối cùng đành hoàn toàn thua kiện tại phiên toà dân sự sơ thẩm của TAND quận Hoàn Kiếm vào hai ngày 22 và 23-9-2005, cũng như tại phiên toà dân sự phúc thẩm của TAND TP Hà Nội vào ngày 29-11-2005.
Một khó khăn khác với người sử dụng ATM là có mấy chục ngân hàng phát hành thẻ, với rất nhiều máy ATM khác nhau, mà người sử dụng không thể nhớ được ngoài ngân hàng phát hành, thì thẻ ATM của mình còn có thể sử dụng được tại máy ATM của ngân hàng nào khác. Trong khi đó, có nhiều trường hợp, đút thẻ vào không đúng máy, lập tức bị nuốt thẻ. Các máy ATM không có thông báo thẻ nào được sử dụng, cũng không có cảnh báo nếu sử dụng thẻ không phù hợp thì sẽ bị nuốt mất.
3.3. Dịch vụ mua ngoại tệ
Thường xuyên xảy ra tình trạng khách hàng không mua được ngoại tệ từ ngân hàng để sử dụng cho mục đích du học, du lịch, đi công tác nước ngoài,… nhất là trong những thời kỳ giá trần thấp hơn thị trường tự do. Khi đó, người tiêu dùng đành ra chợ đen mua, chấp nhận đó là giao dịch bất hợp pháp, không được pháp luật bảo vệ.
Ngân hàng là đầu mối duy nhất được phép bán ngoại tệ trong trường hợp này, nhưng nếu người tiêu dùng không mua được thì cũng không thể khiếu nại. Tình trạng này đã trở lên quá phổ biến và gần như không thay đổi trong nhiều năm qua.
3.4. Bảo vệ bí mật thông tin của người sử dụng dịch vụ ngân hàng
Khoản 2, Điều 104 về “Bảo mật thông tin ngân hàng” của Luật Các TCTD năm 1997 chỉ quy định: “TCTD được quyền từ chối yêu cầu của tổ chức, cá nhân về việc cung cấp thông tin liên quan đến tiền gửi, tài sản của khách hàng”, “trừ trường hợp có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật hoặc được sự chấp thuận của khách hàng.” Trên cơ sở này, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 70/2000/NĐ-CP ngày 21-11-2000 về việc giữ bí mật, lưu trữ và cung cấp thông tin liên quan đến tiền gửi và tài sản gửi của khách hàng. Theo quy định tại Điều 5 của Nghị định này, thì ngân hàng chỉ được cung cấp thông tin về tiền gửi và tài sản gửi của khách hàng trong các trường hợp sau:
- Theo yêu cầu bằng văn bản của khách hàng hoặc người được khách hàng uỷ quyền theo quy định của pháp luật (không được cung cấp thông tin nếu khách hàng yêu cầu bằng điện thoại);
- Phục vụ hoạt động nội bộ của tổ chức nhận tiền gửi và tài sản gửi của khách hàng;
- Theo yêu cầu bằng văn bản của Tổng Giám đốc tổ chức bảo hiểm tiền gửi khi tổ chức này thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình theo quy định của Chính phủ về bảo hiểm tiền gửi và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan;
- Theo yêu cầu bằng văn bản của các cơ quan Nhà nước trong quá trình thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án thuộc thẩm quyền theo quy định của pháp luật. Trong trường hợp này, văn bản yêu cầu tổ chức cung cấp các thông tin liên quan đến tiền gửi và tài sản gửi của khách hàng phải do những người có thẩm quyền nhất định ký;
- Ngoài ra còn một số trường hợp khác cung cấp như theo yêu cầu bằng văn bản của cơ quan thuế cung cấp thông tin về người nộp thuế, các hồ sơ, giao dịch qua tài khoản theo quy định của Luật Quản lý thuế năm 2006,…
Tuy nhiên, trên thực tế, thông tin về tiền gửi và tài sản gửi của khách hàng còn chưa được bảo mật, vì nhiều lý do mà khách hàng rất khó kiện ngân hàng. Nhiều khi việc lộ thông tin chỉ là do vô tình, như việc gửi thư chào sản phẩm dịch vụ mới hay thông báo công khai giải thưởng trong các đợt khuyến mại,… Pháp luật cũng chưa có quy định rõ về những trường hợp này.
Đặc biệt, phạm vi bảo mật thông tin của khách hàng sắp tới sẽ được mở rộng đáng kể, bảo vệ tốt hơn quyền lợi của người tiêu dùng. Điều 14 về “Bảo mật thông tin” của Luật Các TCTD năm 2010 (có hiệu lực từ 01-01-2011) đã quy định: “TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải bảo đảm bí mật thông tin liên quan đến tài khoản, tiền gửi, tài sản gửi và các giao dịch của khách hàng tại TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.” (khoản 2) và “TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được cung cấp thông tin liên quan đến tài khoản, tiền gửi, tài sản gửi, các giao dịch của khách hàng tại TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cho tổ chức, cá nhân khác, trừ trường hợp có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật hoặc được sự chấp thuận của khách hàng.” (khoản 3). Như vậy, nếu như trước kia, chỉ có thông tin về tiền gửi và tài sản gửi của khách hàng tại ngân hàng mới là thông tin bí mật, thì theo Luật các TCTD năm 2010, các thông tin liên quan đến tài khoản và thông tin liên quan đến các giao dịch của khách hàng tại ngân hàng cũng được coi là thông tin mật. Điều đó có nghĩa là các giao dịch khác như thanh toán, chuyển tiền hay việc vay vốn của khách hàng cũng đều phải được bảo mật. Thậm chí, nếu theo đúng từ ngữ như điều luật nói trên, thì kể cả các thông tin trong hồ sơ vay vốn như thu nhập, chi tiêu hay việc cầm cố, thế chấp, bảo lãnh để vay vốn cũng đều là thông tin phải được ngân hàng bảo mật.
Điều này đòi hỏi pháp luật quy định cụ thể, chi tiết để tránh vi phạm và để bảo đảm quyền lợi hợp pháp của người tiêu dùng.
¶ ¶
¶
Tóm lại, quyền lợi của người tiêu dùng sử dụng dịch vụ ngân hàng, tuy không bức xúc và gây ra nhiều thiệt hại cụ thể, rõ ràng như các lĩnh vực khác, nhưng cũng có nhiều vấn đề cần phải được quan tâm. Pháp luật về việc bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng trong lĩnh vực này nói chung và trong ba lĩnh vực gửi tiền tiết kiệm, vay vốn tiêu dùng và một số dịch vụ ngân hàng nói riêng gần như còn là khoảng trống hoặc tuy ít nhiều đã đề cập đến, nhưng chưa tiếp cận vấn đề từ góc độ bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.
Trong quá trình hoàn thiện pháp luật, mà trước mắt là việc xây dựng các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Các TCTD năm 2010, đề nghị các cơ quan từng bước quan tâm giải quyết những vấn đề nói trên.
————————————–
Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên VIAC.
Bài viết đăng Tạp chí Ngân hàng số 1 tháng 1-2011 ngày 15-01-2011.
—-
Pháp luật bảo vệ người tiêu dùng dịch vụ ngân hàng*
1/2 bài (tổng số 14 bài) được giới thiệu trên bìa 1.
* Bài trình bày tại Hội thảo Quốc tế Pháp ngữ “Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng: Từ hai góc nhìn Á – Âu” do Nhà Pháp luật Việt – Pháp và Bộ Công thương tổ chức tại Hà Nội từ 27-28/9/2010.
[1] Xem “Vai trò của nhân viên pháp chế trong hoạt động ngân hàng” – Luật sư Trương Thanh Đức, Tạp chí Ngân hàng số 5, tháng 3-2008.
[2] Xem “Những nghịch lý của lãi suất ngân hàng” – Luật sư Trương Thanh Đức, Tạp chí Kinh doanh số 42 ngày 31-5-2010.
[3] Quyết định số 381/QĐ-NHNN1 ngày 28-12-1995.
[4] Điều 4, Nghị định số 89/1999/NĐ-CP ngày 01-9-1999 của Chính phủ về Bảo hiểm tiền gửi (đã được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định số 109/2005/NĐ-CP ngày 24-8-2005).
[5] Điều 3, Nghị định số 89/1999/NĐ-CP ngày 01-9-1999 của Chính phủ về Bảo hiểm tiền gửi (đã được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định số 109/2005/NĐ-CP ngày 24-8-2005).
[6] Điều 50, Luật các TCTD năm 1997 và Điều 1, Quy chế Cho vay của TCTD đối với khách hàng, ban hành kèm theo Quyết định số 1627/2001/QĐ-NHNN ngày 31-12-2001.
[7] Khoản 10, Điều 2, Nghị định số 138-HĐBT ngày 08-5-1990 của Hội đồng Bộ trưởng về Chức năng, nhiệm vụ và tổ chức bộ máy NHNN Việt Nam.
[8] Quyết định số 242/QĐ-NHNN ngày 02-08-2000.
[9] Quyết định số 546/2002/QĐ-NHNN ngày 30-05-2002.
[10] Xem “Luật cho – không dám; luật cấm – được làm” – Luật sư Trương Thanh Đức, Thời báo Kinh tế Sài Gòn số 15 ngày 02-3-2009.
[11] 3 Công văn số 1288/NHNN-CSTT ngày 27-2-2009; số 7525/NHNN-CSTT ngày 25-9-2009 và số 8889/NHNN-CSTT ngày 12-11-2009 của NHNN hướng dẫn về lãi suất thoả thuận của TCTD đối với cho vay các nhu cầu vốn phục vụ đời sống, cho vay thông qua nghiệp vụ phát hành và sử dụng thẻ tín dụng quy định tại Thông tư số 01/2009/TT-NHNN ngày 23-01-2009.
[12] Xem “Cơ sở pháp lý áp dụng lãi suất quá hạn” – Luật sư Trương Thanh Đức, Tạp chí Ngân hàng số 13 tháng 7-2008.
[13] Nghị định số 151/2006/NĐ-CP ngày 20-12-2006 của Chính phủ về Tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu của Nhà nước; Quy chế Chiết khấu, tái chiết khấu giấy tờ có giá của NHNN đối với các ngân hàng, do Thống đốc NHNN ban hành năm 2003, sửa đổi năm 2008.
[14] Khoản 1, Điều 9 về “Thu, chi tiền mặt với khách hàng”, “Chế độ giao nhận, bảo quản, vận chuyển tiền mặt, tài sản quý, giấy tờ có giá”, ban hành kèm theo Quyết định số 60/2006/QĐ-NHNN ngày 27-12-2006 của Thống đốc NHNN.
[15] Đoạn 3, Điều 8 về “Kiểm đếm tiền mặt, ngoại tệ, giấy tờ có giá”, “Chế độ giao nhận, bảo quản, vận chuyển tiền mặt, tài sản quý, giấy tờ có giá”, ban hành kèm theo Quyết định số 60/2006/QĐ-NHNN ngày 27-12-2006 của Thống đốc NHNN.
[16] Khoản 3, Điều 4 về “Niêm phong tiền mặt”, “Chế độ giao nhận, bảo quản, vận chuyển tiền mặt, tài sản quý, giấy tờ có giá”, ban hành kèm theo Quyết định số 60/2006/QĐ-NHNN ngày 27-12-2006 của Thống đốc NHNN.
[17] Đoạn 3, Điều 8 về “Kiểm đếm tiền mặt, ngoại tệ, giấy tờ có giá”, “Chế độ giao nhận, bảo quản, vận chuyển tiền mặt, tài sản quý, giấy tờ có giá”, ban hành kèm theo Quyết định số 60/2006/QĐ-NHNN ngày 27-12-2006 của Thống đốc NHNN.
[18] Điểm b, mục 4, Phần II, Công văn số 696/NHNN-PHKQ ngày 19-01-2007 của NHNN V/v “Hướng dẫn thực hiện Chế độ giao nhận, bảo quản, vận chuyển tiền mặt, tài sản quý, giấy tờ có giá theo QĐ số 60/2006”.
[19] Điều 44, “Chế độ Quản lý kho, quỹ trong ngành ngân hàng”, ban hành kèm theo Quyết định số 184/NH-QĐ ngày 10-10-1991 của Thống đốc NHNN; Điều 42, “Chế độ giao nhận, bảo quản, vận chuyển tiền mặt, tài sản quý, giấy tờ có giá”, ban hành kèm theo Quyết định số 247/1999/QĐ-NHNN6 ngày 14-7-1999; Điều 7, “Chế độ giao nhận, bảo quản, vận chuyển tiền mặt, tài sản quý, giấy tờ có giá” ban hành theo Quyết định số 269/2002/QĐ-NHNN ngày 01-4-2002.
[20] Mục 3, Phần II, Công văn số 696/NHNN-PHKQ ngày 19-01-2007 của NHNN V/v “Hướng dẫn thực hiện Chế độ giao nhận, bảo quản, vận chuyển tiền mặt, tài sản quý, giấy tờ có giá theo QĐ số 60/2006”.
[21] Điều 4 về “Thu giữ tiền giả”, Quy định về việc xử lý tiền giả, tiền nghi giả trong ngành ngân hàng, ban hành kèm theo Quyết định số 28/2008/QĐ-NHNN ngày 10-10-2008 của Thống đốc NHNN.
[22] Khoản 1, Điều 8 về “Phí đổi tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông”, Quy chế Thu đổi tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông, ban hành kèm theo Quyết định số 24/2008/QĐ-NHNN ngày 22-8-2008 của Thống đốc NHNN.
[23] “Lại khốn khổ vì ATM ‘nhè’…tiền rách”, http://www.vietnamnet.vn/kinhte/201003/Lai-khon-kho-ve-ATM-nhetien-rach-900383/.