144. Luật miễn thuế, thông tư bắt nộp!

Luật miễn thuế, thông tư bắt nộp!

(KTSG) Theo luật định, thì thu nhập từ lãi tiền gửi tại tổ chức tín dụng không phải nộp thuế thu nhập cá nhân. Tuy nhiên, quy định ấy đi vào thực tế thì đã bị biến dạng quá lớn, để rồi chỉ thu nhập từ lãi tiền gửi tiết kiệm là được miễn thuế; còn các khoản thu nhập từ lãi tiền gửi khác, trong đó có gửi vàng thì vẫn phải nộp thuế.
Quy định về “tiền gửi”

Khoản 7, Điều 4 của Luật Thuế thu nhập cá nhân năm 2007 quy định rõ một trong những khoản được miễn thuế thu nhập cá nhân là “Thu nhập từ lãi tiền gửi tại tổ chức tín dụng.” Khoản 7, Điều 4, Nghị định số 100/2008/NĐ-CP ngày 08-9-2008 của Chính phủ Quy định chi tiết một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân cũng không hướng dẫn gì khác, trừ chèn thêm một từ thừa là “ngân hàng” vào câu “Thu nhập từ lãi tiền gửi tại ngân hàng, tổ chức tín dụng”.

Luật và Nghị định đều không giải thích thế nào là tiền gửi tại tổ chức tín dụng. Như vậy thì đương nhiên phải hiểu “tiền gửi” theo khoản 9, Điều 20 về “Giải thích từ ngữ” của Luật các tổ chức tín dụng năm 1997 (hết hiệu lực từ ngày 01-01-2011) như sau: “Tiền gửi là số tiền của khách hàng gửi tại tổ chức tín dụng dưới hình thức tiền gửi không kỳ hạn, tiền gửi có kỳ hạn, tiền gửi tiết kiệm và các hình thức khác. Tiền gửi được hưởng lãi hoặc không hưởng lãi và phải được hoàn trả cho người gửi tiền.”  Như vậy, tiền gửi theo giải thích này gồm ba loại khác nhau là: Tiền gửi kỳ hạn, tiền gửi tiết kiệm và các hình thức tiền gửi khác. Khoản 13, Điều 4 của Luật các tổ chức tín dụng năm 2010 (có hiệu lực từ ngày 01-01-2011) cũng giải thích tương tự như vậy thông qua cụm từ “nhận tiền gửi”.

Các hình thức tiền gửi khác trong Luật các TCTD có thể hiểu đó là các giấy tờ có giá như kỳ phiếu, tín phiếu, trái phiếu, chứng chỉ tiền gửi và giấy tờ có giá khác nữa. Điều này được giải thích qua một loạt quy định ở các điều luật sau: Điều 321 của Bộ luật Dân sự năm 2005; Điều 3, Nghị định số 89/1999/NĐ-CP ngày 01-9-1999 của Chỉnh phủ về Bảo hiểm tiền gửi (đã được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định số 109/2005/NĐ-CP ngày 24-8-2005); khoản 9, Điều 3, Nghị định số 163/2006/NĐ-CP ngày 29-12-2009 của Chính phủ về Giao dịch bảo đảm; Điều 4, Quy chế phát hành giấy tờ có giá trong nước của tổ chức tín dụng (đã được sửa đổi, bổ sung theo Thông tư số 16/2009/TT-NHNN ngày 11-8-2009) của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước. Trong các loại giấy tờ có giá do tổ chức tín dụng phát hành, ngoại trừ cổ phiếu và trái phiếu chuyển đổi, còn các loại khác thì đều mang tính chất tương tự như tiền gửi, nhất là xét theo mục tiêu miễn thuế, nhằm tận dụng mọi nguồn vốn nhàn rỗi của dân cư để đưa vào sản xuất kinh doanh, thông qua kênh ngân hàng.

Căn cứ xác định “tiền gửi”

Thế nhưng khoản điểm 7, Mục III về “Các khoản thu nhập được miễn thuế”, Phần A, Thông tư hướng dẫn số 84/2008/TT-BTC ngày 30-9-2008 của Bộ trưởng Bộ Tài chính (đã được bổ sung theo Thông tư số 02/2010/TT-BTC), thì lại thu hẹp hẳn nghĩa của “tiền gửi”. Khi xác định lãi tiền gửi được miễn thuế, Thông tư này quy định chỉ được dựa trên một căn cứ duy nhất: “Đối với thu nhập từ lãi tiền gửi là sổ tiết kiệm (hoặc thẻ tiết kiệm) của cá nhân.” Như vậy Thông tư số 84/2008/TT-BTC đã đồng nhất “tiền gửi” với “tiền gửi tiết kiệm”, vì chỉ duy nhất loại tiền gửi tiết kiệm mới có “sổ tiết kiệm (hoặc thẻ tiết kiệm)”.

Tiếp theo, điểm 3, Mục II về “Các khoản thu nhập chịu thuế”, Phần A của Thông tư số 84/2008/TT-BTC còn liệt kê các khoản thu nhập từ đầu tư vốn phải chịu thuế gồm: “Thu nhập nhận được từ các khoản lãi trái phiếu, tín phiếu và các giấy tờ có giá khác do các tổ chức trong nước phát hành”. Như vậy, rõ ràng thu nhập lãi từ một loạt hình thức tiền gửi khác như tiền gửi không kỳ hạn, tiền gửi có kỳ hạn, tiền gửi dưới các hình thức kỳ phiếu, tín phiếu, trái phiếu, chứng chỉ tiền gửi và giấy tờ có giá khác tại tổ chức tín dụng bỗng nhiên không còn được gọi là lãi tiền gửi, tức là bị loại khỏi diện được miễn thuế thu nhập cá nhân. Và tất cả đã bị chuyển sang mảng hoạt động “đầu tư vốn”, với bằng chứng pháp lý được gọi chung là các “các giấy tờ có giá”. Theo đó, các ngân hàng phải có nghĩa vụ khấu trừ 5% thuế thu nhập cá nhân trước khi trả lãi đối với các hình thức tiền gửi khác ngoài tiền gửi tiết kiệm. Theo tôi, hướng dẫn này của Thông tư số 84/2008/TT-BTC là trái luật, không phản ảnh đúng nội dung và mục đích của quy định về miễn thuế đối với thu nhập từ tiền gửi tại tổ chức tín dụng.

Gửi vàng có là “tiền gửi”?

Một trong những hệ quả theo hướng dẫn của Thông tư số số 84/2008/TT-BTC là, thu nhập từ việc gửi tiết kiệm bằng vàng tại các tổ chức tín dụng cũng phải chịu thuế thu nhập cá nhân.

Trước đây, Quyết định số 432/2000/QĐ-NHNN1 ngày 03-10-2000 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước “về nghiệp vụ huy động và sử dụng vốn bằng vàng, bằng VND bảo đảm giá trị theo giá vàng của TCTD” (đã được sửa đổi, bổ sung theo Quyết định số 1019/2001/QĐ-NHNN ngày 14-8-2001) quy định việc huy động vốn bằng vàng “được thực hiện dưới hình thức tiết kiệm có kỳ hạn hoặc phát hành chứng chỉ huy động VND”. Như vậy, khi nhận gửi vàng của khách hàng, nếu tổ chức tín dụng phát hành “thẻ tiết kiệm”, thì người gửi vàng đương nhiên được miễn thuế thu nhập cá nhân. Còn nếu tổ chức tín dụng phát hành “chứng chỉ huy động”, thì người gửi vàng lại không được miễn thuế. Như vậy, bản chất thì hoàn toàn như nhau, quan điểm cũng không hề có sự thay đổi, nhưng chỉ bằng cách sử dụng câu chữ khác nhau, mà thu nhập phải nộp thuế nghiễm nhiên trở thành được miễn thuế và ngược lại.

Đặc biệt, từ khi xuất hiện Thông tư số 22/2010/TT-NHNN ngày 29-10-2010 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Quy định về huy động và cho vay vốn bằng vàng của TCTD, thay thế cho Quyết định số 432/2000/QĐ-NHNN1 nói trên, thì thu nhập lãi từ việc gửi vàng lại thuộc diện phải nộp thuế trong mọi trường hợp. Tất cả chỉ vì một lý do đơn giản, hoàn toàn không liên quan gì đến quan điểm đánh thuế, đó là Thông tư số 22/2010/TT-NHNN đã bỏ đi các cụm từ “hình thức tiết kiệm” và “chứng chỉ huy động” mà thay bằng cụm từ “huy động vốn bằng vàng thông qua phát hành giấy tờ có giá”. Thế là tất cả các trường hợp thu nhập từ gửi vàng tại tổ chức tín dụng đương nhiên bị đánh thuế thu nhập theo khoản mục “đầu tư vốn”. Trong khi đó, nếu hiểu các khái niệm “tiết kiệm”, “chứng chỉ huy động” hay “giấy tờ có giá” đều là các hình thức khác nhau của “tiền gửi”, thì thu nhập lãi từ việc gửi vàng tại các tổ chức tín dụng từ trước đến nay cũng vẫn không phải nộp thuế thu nhập cá nhân, chứ không phụ thuộc vào cách dùng từ của Ngân hàng Nhà nước hay của các tổ chức tín dụng.

Như vậy, nhiều khoản thu nhập lãi từ giao dịch với tổ chức tín dụng có phải nộp thuế thu nhập cá nhân hay không, hoàn toàn phụ thuộc vào cách giải thích về “tiền gửi”. Theo quy định của một loạt văn bản quy phạm pháp luật thì rõ ràng, tiền gửi tại các tổ chức tín dụng phải được hiểu là bao gồm tiền gửi tài khoản, tiền gửi tiết kiệm, kỳ phiếu, tín phiếu, trái phiếu, chứng chỉ tiền gửi và giấy tờ có giá khác, chứ không thể nào chỉ bó hẹp trong một loại “tiền gửi tiết kiệm” duy nhất như giải thích của Thông tư số 84/2008/TT-BTC.

 


Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên VIAC. 

——

Bài viết đăng Thời báo Kinh tế Sài Gòn số 03 ngày 13-01-2011:                                           

 

Đăng lại:

  1. http://klvn.vn/home/tin-tai-chinh/55547-thu-nhap-tu-lai-tien-gui-luat-mien-thue-thong-tu-bat-nop.html
  2. http://ndhmoney.vn/web/guest/tai-chinh-ca-nhan/thue-bao-hiem/thue/view/-/journal_content/journal_content_INSTANCE_6Fvc/10136/2705441?_journal_content_INSTANCE_6Fvc_version=1.0
  3. http://phapluatviet.com/dich-vu-tu-van/tai-chinh-ngan-hang/1677-luat-mien-thue-thong-tu-bat-nop.html
  4. http://thuychung.net.vn/thuvienductai/tinchonloc.asp
  5. http://tncn.tct.vn/2011/01/luat-mien-thue-thong-tu-bat-nop.html
  6. http://tintuc.xalo.vn/00-1602670389/Luat_mien_thue_thong_tu_bat_nop.html?mode=print
  7. http://vietstock.vn/ChannelID/758/Tin-tuc/178792-thu-nhap-tu-lai-tien-gui-luat-mien-thue-thong-tu-bat-nop.aspx.
  8. http://www.baomoi.com/Info/Luat-mien-thue-thong-tu-bat-nop/126/5580235.epi
  9. http://www.hcgf.com.vn/component/content/article/104-module-tai-chinh-quoc-te/4063-lut-min-thu-thong-t-bt-np.html
  10. http://www.toantamtax.vn/public/news.php?page=4&group_news_id=2&id=172
  11. http://www.toitim.net/luat-mien-thue-thong-tu-bat-nop-3376932.html
  12. http://www.vinacorp.vn/news/luat-mien-thue-thong-tu-bat-nop/ct-431896

 

Thông tư số 12/2011/TT-BTC ngày 26-01-2011 của Bộ Tài chính sửa đổi Thông tư 84/2008/TT-BTC Hướng dẫn Luật Thuế thu nhập cá nhân và Thông tư 02/2010/TT-BTC Hướng dẫn Thông tư 84/2008/TT-BTC đã giải quyết bất cập đặt ra trong bài này.

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.421. Năm mới 2025: Cấp thiết gỡ "nút thắt của...

Năm mới 2025: Cấp thiết gỡ "nút thắt của nút thắt" để đất nước vươn...

Trích dẫn 

3.969. Không gia hạn Thông tư số 02/2023/TT-NHNN, nợ...

Không gia hạn Thông tư số 02/2023/TT-NHNN, nợ xấu gia tăng nhưng tốt...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 236,376