145. Đánh đu với pháp luật.

Đánh đu với pháp luật

(NQL) Sống và làm việc theo pháp luật đã trở thành một đòi hỏi tất yếu, không bàn cãi. Tuy nhiên, mỗi năm lại nảy sinh nhiều điều khó khăn, vướng mắc từ luật pháp. Do sự bất cập từ con người, cơ chế chính sách, cho đến chính pháp luật.
“Hủ tục” hành chính

Thủ tục hành chính từ lâu đã trở thành những rào cản ghê gớm thách thức sự phát triển. Câu chuyện bức xúc dài kỳ ấy cuối cùng cũng đã được “cắt tỉa” bằng mấy chục Nghị quyết của Chính phủ về đơn giản hoá thủ tục hành chính trong tháng 12-2010. Tuy nhiên, cũng chỉ là hy vọng trong tương lai thôi, vì nó mới chỉ là chỉ đạo định hướng, chứ chưa phải là văn bản pháp quy để có thể áp dụng được ngay. Muốn thành hiện thực, thì còn phải chờ đợi sửa đổi dễ tới cả ngàn văn bản luật, nghị định và thông tư liên quan.

Nếu quyết tâm thì hoàn toàn có thể bỏ được 30% số thủ tục hành chính, nhưng điều đó chưa đáng gì so với những thủ tục “hành là chính”. Một thủ tục hành chính dù hợp lý, cần thiết đến đâu, một khi đã bị biến dạng thành “hủ tục” thì cũng đều trở thành tai hoạ. Thủ tục cấp giấy chứng nhận về bất động sản là vô cùng cần thiết và quy định cũng không quá rắc rối, phức tạp. Thế nhưng đến ông Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường còn phải nghiến răng chịu mất “oan” hơn chục triệu đồng để lấy được “sổ đỏ”. Như vậy, vị tổng tư lệnh về “điền thổ” đã công khai “làm gương” cho thiên hạ kéo “cờ trắng” đầu hàng “hủ tục”. Vì vậy, để đạt được hiệu quả thật sự, thì còn phải chờ “sửa” được cả cung cách và tư cách của nhiều vạn người đang là công bộc phục vụ nhân dân. Điều này khó hơn gấp cả trăm, ngàn lần việc cải cách thủ tục hành chính.

Vì có quá nhiều việc, nên vẫn có những việc thiết thực nhưng chưa bao giờ được đưa vào tầm ngắm cải cách thủ tục hành chính. Đó là những việc tưởng chừng vô cùng nhỏ nhặt, nhưng nếu chỉ quan tâm một chút thôi, thì cũng có thể tiết kiệm được cả núi tiền của. Đơn cử như các mẫu biểu về đăng ký kinh doanh lâu nay, tuy được làm mới mấy lần nhưng có thể nói là trình độ đánh máy, trình bày văn bản vẫn dừng lại ở mức i tờ, kiểu như đánh hàng trăm dấu chấm quá đỗi thủ công để kẻ dòng, thay vì chỉ cần nhấn một phím “táp”. Chỉ cần một người có trình độ tin học cơ bản, chịu khó chỉnh sửa trong một vài ngày, thì đỡ khổ cho hàng triệu lượt người phải bực mình, tốn kém không biết bao nhiêu thời gian, công sức để sửa mẫu mà vẫn thiếu chuẩn mực.

Vụ việc lớn, lỗ hổng to

Quá trình xử lý vụ gây ô nhiễm môi trường tai hại nhất từ xưa đến nay, trong đó thủ phạm là Công ty Vedan, lại nổi lên đều day dứt bế tắc đã lâu của pháp luật. Đến bao giờ mới chèn thêm được mấy điều xử tội hình sự đối với doanh nghiệp gây ra ô nhiễm môi trường đặc biệt nghiêm trọng? Bao nhiêu năm nay, các cơ quan hữu quan vẫn cứ say sưa với lý sự tranh cãi về việc có hay không việc xử phạt hình sự pháp nhân, trong khi thiên hạ đã quyết việc này từ thuở nào.

Vụ vỡ nợ của Tập đoàn Vinashin là một kỷ lục chưa từng có. Nhưng khi nhắc đến trách nhiệm, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã thắng thắn cho rằng mình không có trách nhiệm gì cả. Thậm chí chính Quốc hội mới là địa chỉ phải chịu trách nhiệm, vì đã bấm nút thông qua những điều luật sơ hở, giao quyền tự quyết quá lớn cho công ty nhà nước. Nếu như chỉ xét về khía cạnh pháp lý, thì đó là một điều khó có thể chối cãi. Chỉ có điều, như vậy thì trách nhiệm pháp lý và trách nhiệm quản lý vẫn sẽ mãi là một lỗ hổng lớn.

Vụ Techcombank đẩy vọt lãi suất từ 14 lên 17%/năm vào tháng 12-2010, đã cho thấy khoảng trống pháp luật cứ tiếp tục bị bỏ ngỏ suốt mấy năm nay. Cú vượt trần lãi suất của các ngân hàng từ năm 2008, đã bộc lộ tình trạng bất cập “Tuyên bố xử phạt các ngân hàng vượt trần lãi suất đã được ban ra. Chỉ có điều, về luận lý thì có thể là không sai, nhưng về pháp lý thì lại là không đúng.” (Luật sư Trương Thanh Đức, bài “Luật lệ lắt léo, bóp méo thị trường”, Tạp chí Nhà Quản lý số 60/2008). Hơn 2 năm đã trôi qua, vi phạm về vượt trần lãi suất vẫn không hề được bổ sung vào Nghị định về Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng. Thế nhưng, năm 2010 Ngân hàng Nhà nước vẫn cứ xử phạt cảnh cáo Techcombank vì huy động lãi suất cao, vẫn giống như đã xử phạt cho vay vượt trần lãi suất mà không có cơ sở pháp lý từ 2 năm trước.

Thuế cao, phí nặng

Lại một năm giá cả leo thang chóng mặt, mọi thứ đều tăng giá, chỉ riêng tiền tệ và ngân hàng là mất giá. Trong bối cảnh ấy, càng thấy gánh nặng của các khoản thuế, phí và lệ phí, mà thuế thu nhập cá nhân là một điển hình về việc đánh thuế một cách bất hợp lý.

Pháp lệnh Phí và lệ phí năm 2001 quy định mức thu lệ phí “không nhằm mục đích bù đắp chi phí”, tức nó chỉ là một khoản thu rất thấp để trang trải một phần chi phí đối với các cơ quan nhà nước. Thế nhưng lệ phí trước bạ, theo Nghị định số 176/1999/NĐ-CP ngày 21-12-1999 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2003 và 2008), lại có thể lên đến 15% giá trị xe ô tô. Rồi từ cuối năm 2010 dự thảo Nghị định mới lại dự kiến sẽ đưa lên đến 20%. Thu theo tỷ lệ cao như thế thì là đánh thuế theo luật thuế, chứ sao cứ gượng ép gọi là lệ phí được?

Cũng liên quan đến phí cao, không thể bỏ qua phí công chứng. Mặc dù đã sau 3 năm thực hiện, với tỷ lệ lạm phát mấy chục phần trăm, nhưng vẫn thấy mức phí cao về công chứng giao dịch bất động sản. Với mức phí công chứng tối đa là 10 triệu đồng, mỗi ngày một công chứng viên chỉ cần chứng nhận một hợp đồng, thì một năm đã kiếm được vài tỷ đồng. Mà hầu hết giao dịch mua bán, chuyển nhượng, thế chấp, cho thuê,… nhà đất thì lại bắt buộc phải công chứng.

Phí xây dựng cũng là một gánh nặng đối với thị trường bất động sản, là một trong những thủ phạm làm cho giá nhà ở đứng vào nhóm đỉnh của thế giới. Mức phí này cao hay thấp thuộc toàn quyền của chính quyền địa phương, nhiều nơi thu đến mấy phần trăm giá trị công trình. Thế thì lại là thuế bất động sản, chứ đâu còn là phí nữa. Cuối năm vừa qua, Thủ tướng đã mạnh tay quyết định miễn loại phí này. Đỡ một gánh nặng cho bao người ky cóp từng đồng mong mỏi có căn nhà thoát cảnh chui rúc.

Luật khung, luật ống

Luật là những quy định cơ bản nhất, quan trọng nhất, phải ấn định được cái gì là hợp pháp hay phi pháp, được làm hay không được làm. Nhưng ở ta thì không phải thế, vì luật vẫn là luật khung, luật ống, vẫn đóng vai phụ, còn nghị định, thông tư vẫn có vai trò quyết định chi phối trong nhiều trường hợp.

Những nhà đầu tư chứng khoán mừng bao nhiêu trước vụ việc đầu tiên bị truy tố tội thao túng giá chứng khoán ở Công ty DVD, thì lại lo bấy nhiêu trước số phận của mình. Có tội hay không có tội thao túng giá chứng khoán, không vì luật mà phụ thuộc vào nhận định của cơ quan điều tra. Bộ luật Hình sự không chỉ ra được vạch cấm để phân biệt giữa việc vi phạm hành chính với hành vi phạm tội thao túng giá chứng khoán. Thị trường chứng khoán vẫn tiếp tục phải chờ đợi văn bản hướng dẫn để phân biệt ranh giới mong manh giữa phạm tội và vô tội trong một lĩnh vực hết sức nhạy cảm.

Tưởng đâu luật khung, luật ống như vậy thì chúng sẽ “trường thọ”, ổn định lâu dài. Ấy vậy mà nhiều đạo luật cũng chỉ duy trì gượng gạo được một vài năm. Đời sống của các đạo luật quá ngắn, chỉ vài ba năm đã phải sửa đổi, bổ sung, thậm chí phải thay thế. Rất hiếm đạo luật “sống” trọn vẹn được 10 năm mà không phải sửa đổi, bổ sung một vài lượt. Luật Nhà ở đi vào đời sống năm 2006, năm 2009 đã phải sửa. Luật Chứng khoán có hiệu lực năm 2007, năm 2010 đã phải sửa. Luật Thuế thu nhập cá nhân thực hiện từ năm 2009, đầu năm 2011 đã phải trình sửa cấp tốc. Đáng tiếc là những lý do sửa đổi này đã được chỉ rõ từ khi chuẩn bị ban hành (như mức khởi điểm tính thuế, mức miễn trừ gia cảnh và thuế suất). Một quy định thường phải mất nhiều năm tháng mới đi vào cuộc sống, nhưng chưa kịp làm quen với quy định mới, thì đã thành điều luật quá khứ. Luật pháp điều chỉnh cuộc sống ví như luật chơi điều khiển cuộc chơi, nếu cứ bị thay đổi liên tục, thì người chơi ắt tối tăm mặt mũi và khó tài nào tránh được việc phạm luật.

Luật khung, luật ống còn dẫn đến tình trạng thông tư, nghị định thay đổi như chong chóng, gây mất ổn định cho đời sống xã hội. Câu chuyện hình thức, nội dung của “bìa đỏ”, “bìa trắng”, “bìa hồng”, rồi việc giải toả, đền bù, ghi nợ tiền sử dụng đất,… là một ví dụ điển hình. Hay lãi suất cơ bản có hiệu lực ngay trong ngày công bố như Quyết định số 2619/QĐ-NHNN ngày 05-11-2010 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, thì có bao nhiêu dân thường cập nhật được tức thời để mà thực hiện cho đúng những điều quy định về lãi suất trong Bộ luật Dân sự?

Nhưng rồi, lại giật mình với một đạo luật quy định cụ thể, chi tiết, thì sự bất cập cũng lại nảy sinh chính từ sự tiến bộ ấy. Luật Công chứng năm 2006 được hết lời khen ngợi vì đã tạo ra nhiều văn phòng công chứng phục vụ tốt nhu cầu, thì chưa đầy 3 năm sau chính điều ấy lại bị phê phán là quá dễ dãi, và yêu cầu phải sửa đổi theo hướng thắt chặt trở lại. Thế là luật khung, luật ống, chung chung cũng không được, mà luật cụ thể, chi tiết cũng không xong!

Luật cũng “lách” luật

Từ trước đến nay, xuất hiện không ít văn bản quy phạm pháp luật là Nghị định, thông tư trái luật và lách luật, thậm chí trái Hiến pháp. Ngay cả Luật “làm luật” cũng không là ngoại lệ: Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008. Với mục đích đơn giản hoá hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, Luật này đã lách đến mức độ trái Hiến pháp. Điều 116 của Hiến pháp năm 1992 quy định, Bộ trưởng “ra quyết định, chỉ thị, thông tư và kiểm tra việc thi hành các văn bản đó đối với tất cả các ngành, các địa phương và cơ sở.” Như vậy, buộc phải hiểu là, quyết định, chỉ thị và thông tư là 3 loại văn bản đặc biệt, mang tính quy phạm pháp luật điển hình, nên mới được khẳng định rõ trong Hiến pháp. Để thực hiện trách nhiệm quản lý Nhà nước của mình, Bộ trưởng được ban hành rất nhiều loại văn bản, nhưng không hề được đề cập đến trong Hiến pháp như báo cáo, biên bản, chương trình, công điện, công văn, dự án, đề án, giấy giới thiệu, giấy mời, giấy uỷ quyền, hợp đồng, hướng dẫn, kế hoạch, phiếu gửi, phiếu chuyển, phương án, quy chế, quy định, thông cáo, thông báo, tờ trình,… Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 1996 trước đây cũng đã từng quy định: Bộ trưởng được ban hành 3 loại văn bản quy phạm pháp luật là quyết định, chỉ thị và thông tư. Tuy nhiên cho đến Luật năm 2008, thì Bộ trưởng chỉ còn được ban hành một loại văn bản quy phạm pháp luật duy nhất là thông tư. Như vậy, lẽ ra phải sửa đổi điều này trong Hiến pháp, thì Luật đã “sửa” luôn hình thức ban hành văn bản quy phạm pháp luật của bộ trưởng.

Luật Nhà ở quy định tiêu chuẩn của nhà chung cư chỉ có loại “nhà ở thư­ơng mại” phải có diện tích không thấp hơn 45 m2 nhưng Nghị định số 71/2010/NĐ-CP lách luật bằng cách đẩy loại nhà này vào thành loại “nhà ở riêng lẻ của hộ gia đình, cá nhân” và đưa thêm một tiêu chuẩn 30 m2 thay vì phải sửa luật hạ thấp tiêu chuẩn quá cao về diện tích nhả ở tối thiểu.

Một xu thế đáng lo ngại đang diễn ra, một loạt Giấy phép con trong các thông tư không hợp lý, không đúng thẩm quyền, thay vì phải bị xoá bỏ, thì đã lẳng lặng biến hoá thành giấy phép to, được đưa vào hợp pháp hoá trong các đạo luật và nghị định. Đặc biệt, sau khi bị nhiều ý kiến phản đối quy định “hạn chế chuyển nhượng cổ phần tối thiểu trong vòng 01 năm kể từ ngày hoàn thành đợt chào bán” tại Nghị định số 01/2010/NĐ-CP là trái với Luật Doanh nghiệp, thì nó đã nhanh chóng được đẩy vào Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán. Điều bất hợp lý này đã được hợp pháp hoá, nhưng rõ ràng cổ phiếu mới không đáng bị đối xử như thế. Nguyên tắc cổ phiếu cùng loại tạo ra các quyền và nghĩa vụ của cổ đông như nhau và nguyên tắc tự cho chuyển nhượng cổ phần đã bị phá bỏ.

Nhờ có sự góp ý phản biện mạnh mẽ, trong đó có Tạp chí Nhà quản lý, nên năm qua cũng đã thay đổi được một số bất hợp lý trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật. Chẳng hạn đòi hỏi tất cả các trường hợp thay thế người đại diện theo pháp luật của công ty cổ phần đều phải có biên bản họp Đại hội đồng cổ đông, đã được bãi bỏ trong Nghị định số 43/2010/NĐ về Đăng ký doanh nghiệp. Đồng thời cũng đã tránh được mấy quy định trái luật trong dự thảo không bị đưa vào Nghị định số 102/2010/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Doanh nghiệp. Đó là quy định về việc cổ đông cứ vắng mặt tại các cuộc họp Đại hội đổng cổ đông, thì sẽ được coi như đương nhiên uỷ quyền cho các thành viên HĐQT. Hay người được “người đại diện theo pháp luật” uỷ quyền lại được phép làm “người đại diện theo pháp luật” thứ hai của doanh nghiệp. Rồi sự không cần thiết phải ban hành Nghị định mới về hàng hoá, dịch vụ cấm kinh doanh, hạn chế kinh doanh và kinh doanh có điều kiện, đã được Văn phòng Chính phủ thông báo vào ngày 30-12-2010,…

Như vậy, chất lượng văn bản quy phạm pháp luật là một trong những điểm yếu đáng lo ngại, cần phải được quan tâm nhiều hơn. Phải hoàn thiện theo hướng để cho các đối tượng liên quan nhận thấy sự hợp lý và dễ dàng thực hiện, tránh tình trạng luôn phải đánh đu với pháp luật.

———————

Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên VIAC. 

——

Bài viết đăng trên Tạp chí Nhà Quản lý – Tết Tân Mão 01-2011:                                            

Đăng lại:

  1. http://hcmls.org/forums/f102/danh-du-voi-phap-luat-10593.html
  2. http://nguoibaovequyenloi.com/User/ThongTin_ChiTiet.aspx?MaTT=110217009
  3. http://phannghiemlawyer.groupsite.com/post/nh-u-v-i-ph-p-lu-t
  4. http://thongtinphapluatdansu.wordpress.com/2011/02/12/dnh-du-v%E1%BB%9Bi-php-lu%E1%BA%ADt/
  5. http://tuphap.wordpress.com/2011/02/15/danh-du-v%e1%bb%9bi-phap-lu%e1%ba%adt/
  6. http://twitter.com/luatsuvietnam/status/36165667572948992
  7. http://vn.360plus.yahoo.com/phannghiemlawyer/article?mid=653&prev=654&next=652
  8. http://www.sunlaw.com.vn/news/danh-du-voi-phap-luat.aspx

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.421. Năm mới 2025: Cấp thiết gỡ "nút thắt của...

Năm mới 2025: Cấp thiết gỡ "nút thắt của nút thắt" để đất nước vươn...

Trích dẫn 

3.973. Nợ xấu tiếp tục là thách thức đối với...

Nợ xấu tiếp tục là thách thức đối với ngành ngân hàng. (CT) –...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 236,662