(ĐTCK) – Báo ĐTCK số 111, ra ngày 15/9/2010 có bài viết: “Nghịch lý cơ chế giao dịch trên TTCK Việt Nam” và đăng tải ý kiến của ông Trương Anh Tuấn, Phó chủ nhiệm Đoàn luật sư tỉnh Bắc Ninh nhận định, việc cấm cùng mua bán một loại chứng khoán trong phiên là vi phạm Luật Dân sự. Ngay sau khi số báo này phát hành, Báo ĐTCK đã nhận được quan điểm đồng tình của nhiều luật sư chuyên ngành và các NĐT.
Nhiều luật sư chuyên ngành và các NĐT đều cho rằng, việc cấm mua bán cùng một chứng khoán trong phiên là sai luật – Ảnh minh họa: Hoài Nam |
Bà Ngô Thị Thu Hà
Đoàn luật sư Yên Bái
Tôi hoàn toàn ủng hộ việc NĐT được cùng mua bán một loại chứng khoán trong phiên với quan điểm cho rằng, bất kỳ một hành động cấm đoán hay hạn chế giao dịch của NĐT ngoài vi phạm nguyên tắc kinh doanh nói chung thì còn vi phạm một trong những quy định chung nhất tại Luật Chứng khoán. Nguyên tắc hoạt động chứng khoán và TTCK tại Điều 4 Luật Chứng khoán đã nêu rõ: tôn trọng quyền tự do mua, bán, kinh doanh và dịch vụ chứng khoán của tổ chức, cá nhân; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của NĐT…
Thậm chí, tại Điều 5 của Luật này về chính sách phát triển TTCK cũng đã nêu rõ: Nhà nước có chính sách khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để tổ chức, cá nhân thuộc các thành phần kinh tế, các tầng lớp nhân dân tham gia đầu tư và hoạt động trên TTCK nhằm huy động các nguồn vốn trung hạn và dài hạn cho đầu tư phát triển. Như vậy, việc hạn chế trên có còn là tạo điều kiện để NĐT dễ dàng tham gia đầu tư trên TTCK hay không?
Ông Trương Thanh Đức
Giám đốc Công ty Luật ANVI
Việc Luật cho phép nhưng Quy chế giao dịch của Sở thì lại cấm, không khác nào trên cho dưới cấm, cho thấy sự thiếu đồng bộ trong luật về giao dịch chứng khoán, khiến NĐT không biết thế nào mà lần. Theo tôi, với mục tiêu quan trọng nhất là tạo ra tính thanh khoản của cổ phiếu, nên có hướng dẫn cụ thể về giao dịch cùng mua bán trong phiên.
Bà Dương Thị Thu Hương
Công ty Luật hợp danh Luật Việt
Nếu Luật Chứng khoán không cấm và ngoài ra cũng không có công văn hướng dẫn hay nhắc nhở nào của Bộ Tài chính hay Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) cấm việc này thì mọi hành vi cấm đoán giao dịch đều là sai phạm. Trong khi chờ một thông tư hướng dẫn chi tiết về giao dịch này, trong khi thị trường còn chưa rõ khái niệm trên, không biết đã có CTCK nào lên tiếng thông qua việc gửi công văn hỏi ý kiến UBCK để được giải thích rõ hơn về nội dung này hay chưa. Nếu chưa thì theo tôi, CTCK, với tư cách là nhà tư vấn, nơi NĐT mở tài khoản giao dịch phải lên tiếng thông qua việc gửi công văn hỏi ý kiến cơ quan quản lý để có cách hiểu đúng về giao dịch này.
Ông Lê Vinh Sơn
Văn phòng luật sư Chương Dương
Theo chúng tôi, Bộ Tài chính với tư cách là đơn vị chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về chứng khoán và TTCK nên sớm ban hành thông tư hướng dẫn về giao dịch này cũng như ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật về chứng khoán và TTCK. Ngoài ra, nên ban hành một bộ luật bảo vệ quyền lợi của NĐT. Quy định cấm mua bán cùng một loại chứng khoán trong phiên dù được ban hành theo sự hướng dẫn và chấp thuận của cơ quan nào thì do trái luật nên không thể xem là có hiệu lực thực thi.
Huy
(dc_huy56@yahoo.com)
Luật Thương mại quy định, giao dịch hàng hóa thông qua Sở giao dịch hàng hóa không bị cấm cùng mua và bán trong phiên. Trong Luật Chứng khoán, không có nội dung nào cấm NĐT cùng mua và bán một loại chứng khoán trong phiên. Các quy định pháp lý hiện nay cũng không có một chế tài hay căn cứ nào để xử phạt NĐT đặt lệnh mua và bán cùng một loại chứng khoán trong phiên. Vậy nhưng, trên thực tế, Sở lại có văn bản cấm. Quy định này tác động xấu đến cung – cầu trên thị trường, làm sai lệch giá trị của chứng khoán. Hạn chế quyền tự do bán một tài sản đã thuộc sở hữu của NĐT, theo tôi, đó là việc làm vi phạm pháp luật. Muốn cho TTCK Việt Nam hội nhập và phát triển, là nơi huy động vốn tốt nhất cho nền kinh tế thì bản thân cơ quan quản lý trước hết phải kiểm điểm lại, phải được xử lý nghiêm trước pháp luật nếu cố tình làm trái pháp luật, bất kể lý do gì.
Nguyễn Đức Tuấn
(Josepttuan yahoo@ mail.com)
Cho phép hay không chẳng có giá trị, từ lâu NĐT đã dùng nhiều tài khoản. Các nhà quản lý nói mãi về việc sẽ cho phép thực hiện một số nghiệp vụ mới, như bán chứng khoán ngày T+2, mà mãi chẳng thấy. Phải nói thẳng, cơ quan quản lý TTCK yếu quá. NĐT đang trông chờ vào Luật Chứng khoán sửa đổi.
Hiếu Phạm
(hp0889@yahoo.com.vn)
Thật bất công khi NĐT lớn được áp dụng phương thức thanh toán chứng khoán T+1 đối với các giao dịch thỏa thuận từ 100.000 cổ phiếu trở lên, trong khi NĐT nhỏ lẻ chịu thiệt với thời hạn T+4. Tiếp sau phản ánh về việc cấm mua bán chứng khoán trong phiên, đề nghị Báo ĐTCK viết một loại bài về những bất cập như vậy để làm minh bạch hóa thị trường và đem lại quyền lợi cho NĐT nhỏ lẻ. Lành mạnh hóa thị trường là cách phát triển TTCK lâu dài và đem lại lợi ích cho tất cả các bên.
Cao Tôn Phương
(caotonphuong@yahoo.com)
Việc cấm mua – bán cùng loại chứng khoán trong một phiên giao dịch thì ai cũng biết. Đây là một nghịch lý, là điều vi phạm quyền tự do mua bán của công dân. Tuy nhiên, việc này tồn tại lâu rồi. Sẽ còn nhiều điều nghịch lý nữa nếu như các quan chức điều hành chứng khoán Việt Nam chưa học được văn hóa từ chức của các nước bạn. Nếu không làm được điều có lợi cho dân, cho nước thì nên thẳng thắn nhận trách nhiệm và từ chức. Đó là điều tôi muốn gửi gắm đến những nhà hoạch định chính sách và điều hành chứng khoán Việt Nam.
Diệu Trang – Bình Duy thực hiện
———————————————
Đầu tư Chứng khoán 17-9-2010