Bồi thường môi trường
(ANVI) – Quy luật rất khớp thực tế ở chỗ rằng: Hễ gia tăng sản xuất công nghiệp, thì dính liền với nỗi khiếp đảm môi trường thường bị đe dọa. Không ít vụ dân tình hoảng hốt kêu cứu ô nhiễm như Vedan miền Nam bức hại sông Thị Vải, Thanh Thái miền Trung chôn dấu chất thải kinh hãi kịch độc thuốc sâu,…
Nạn nhân chết ngay cũng đã, mà hậu quả dai dẳng cả đời cũng có. Doanh nghiệp thủ phạm điêu đứng đã từng mà tưng bừng sống khỏe cũng thấy. Bộ luật Hình sự 2015 mạnh tay hơn chút: Xử tội cả cá nhân lẫn doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường. Phạt tù cao nhất 7 năm, phạt tiền nhiều nhất 10 tỷ đi đôi với đóng cửa vĩnh viễn cơ ngơi.
Điều đau, nỗi khổ là ở chỗ, việc bồi thường thiệt hại trong những trường hợp này gay go, khó khăn, trăm cay, nghìn đắng. Nguyên tắc bồi thường ô nhiễm môi trường quá ư lạc hậu, vẫn cứ phải chứng minh được thiệt hại thực tế. Vậy là nạn nhân đành chấp nhận được chăng hay chớ, dở khóc, dở cười.
Ấy là chưa kể nó không chỉ gây thiệt hại cho những con người, hoa mầu, vật nuôi cụ thể, liền kề, trực tiếp, mà uy hiếp, ảnh hưởng đến thiên nhiên, môi trường, trời đất, côn trùng, cỏ dại, sinh thái bao la.
Tội ác gây ô nhiễm hủy hoại, môi trường không tù tội nào bù đắp, khắc phục được. Chỉ có yêu cầu bồi thường theo ước tính và định lượng gấp rất nhiều lần thiệt hại, thì may ra mới chống lại cái kiểu làm ăn giết người ác độc.
ANVI, ngày 04-5-2016