146. Đánh và tránh trên sàn

(DTCK) Đoan chắc là chữ sàn trong sàn chứng khoán cùng gốc với chữ này trong sàn đấu. Lên sàn đấu là lên võ đài công khai, minh bạch để thi đấu, chơi đấu, đánh võ, đánh vật gì đó. Vì vậy mua bán chứng khoán trên sàn còn được gọi nôm na là chơi chứng khoán hay là đánh chứng khoán bên cạnh thuật ngữ chính thức là đầu tư chứng khoán.

 Nhân sàn chứng khoán đóng cửa nghỉ Tết, xin mạn đàm về việc chơi, việc đánh, việc đầu tư chứng khoán và luật lệ trên sàn chứng khoán.

Chơi chứng khoán

Sau mấy năm hình thành thị trường chứng khoán, thiên hạ bắt đầu đổ xô lên sàn. Người chơi chứng khoán đầu tiên phải biết luật chơi của thị trường. Luật chơi thì cũng đơn giản, vài buổi là nhoay nhoáy đặt lệnh mua đi bán lại. Nhưng luật chơi đúng nghĩa trên sàn chứng khoán chủ yếu là luật pháp, vấn đề xin bàn ở phần dưới.

Đòi hỏi vốn liếng để có thể bước chân vào thị trường chứng khoán cũng rất “bèo”, chỉ cần 100.000 đồng là đã có thể mua được một lô tối thiểu 10 cổ phiếu loại rẻ cỡ ngang mệnh giá. Hàng hoá thật là đặc biệt. Mua bán chỉ bằng một vài động tác ra lệnh, tự động khớp lệnh thành công, người chơi không phải làm gì ngoài việc duy nhất là “điều khiển” đồng tiền “quay” trong tài khoản. Kinh doanh hàng hoá kiếm lời mà không hề phải vận chuyển, bảo quản, chế biến, tiêu thụ, chẳng cần phải tìm mối để nhập vào hay kiếm khách để bán ra. Ngồi trong sàn cũng được, mà ở giữa quán cà phê “hành nghề” cũng xong. Lại còn một số thời kỳ, may luôn hơn khôn, cứ nhắm mắt cộp tiền vào bất cứ mã chứng khoán nào hôm trước, tức thì hôm sau có lãi vài ba phần trăm. Vì vậy, đã có thời người người, nhà nhà chơi chứng khoán. Nhưng rồi cuộc chơi nào cũng tàn canh, làm cho người nào nhà nào cũng “chết” vì chứng khoán.

Rõ ràng chứng khoán không phải là một trò vui chơi giải trí có thưởng, không còn là nơi mua chơi, bán chơi kiếm tiền dễ như bỡn. Thế là hết thời chơi chứng khoán, chuyển sang thời đòi hỏi cao hơn một chút, gọi là đánh chứng khoán.

Đánh chứng khoán

Đánh chứng khoán là bắt đầu tham gia một cuộc đấu mặc dù không hề có sát phạt, gươm đao, đấm đá, bạo lực, nhưng bắt đầu cam go, quyết liệt đấu mưu và đấu sức,. Người nào trí kém hay sức kém thì đều dễ bị đánh văng khỏi sàn. Cần trí để nắm bắt thông tin, học hỏi kiến thức, để sáng suốt phán đoán, phân tích, nhìn nhận mọi nhẽ, phòng ngừa rủi ro, hay ít nhất cũng là để biết “bám đuôi” đại gia nào, nương theo trào lưu gì để bắt kịp bước nhảy nghệ thuật vào ra sàn, để đánh “con” nào, bỏ “con” nào. Cần sức để dẻo dai đeo bám sàn; gan dạ, kiên cường, để thần kinh vững vàng; không lo ngại, sợ hãi trước thua lỗ, nợ nần chồng chất; không hoang mang, hoảng hốt trước muôn vàn tin đồn thất thiệt ngược xuôi. Khi vui vẫn tỉnh táo giữ được túi tiền, khi buồn vẫn tự lạc quan an ủi bằng lời dạy của thánh hiền: Mất tiền bạc là không mất gì cả, mất can đảm mới là mất hết. Phòng ngừa và chế ngự căn bệnh nan y: Thấy siêu lãi cũng không ném sạch tiền vào một giỏ, thấy đại lỗ cũng không vội tháo chạy cả vốn lẫn lời.

Nhưng chẳng có mưu sĩ nào dự báo nổi thị trường kỳ lạ ngoài mọi sức tưởng tượng như ở xứ mình. Chỉ số VN-index luôn nhảy nhót khôn lường. Mức cao nhất đã từng chênh so với mức thấp nhất tới 9 lần. Chỉ riêng trong vòng 6 tháng của năm 2001, mà chỉ số đã tụt xuống chỉ còn 1/3, hay chỉ từ năm 2007 sang năm 2008 mà đã rớt xuống chỉ còn 1/4. Tức là trong thời gian vài trăm ngày ấy, cứ bỏ ra 1 triệu đồng, thì tự dưng mất đứt 600-700.000 đồng.

Thị trường ngày một quy củ, loại dần những người chơi ngẫu hứng và những tay ngang đánh chứng khoán để tuyển lựa thành đội ngũ các nhà đầu tư chứng khoán thật sự.

Đầu tư chứng khoán

Dù có gọi là chơi, đánh hay đầu tư chứng khoán thì cũng đều mong thị trường nóng lạnh, tăng giảm, lên xuống, trồi sụt thất thường với một mức độ nào đó. Như thế thì mới hy vọng mua đi bán lại liên tục để kiếm lời. Và chính việc miệt mài lướt sóng dài sóng ngắn ấy mới là yếu tố quyết định tạo nên thị trường sôi động, tạo ra tính thanh khoản cao cho cổ phiếu. Người không lướt sóng, thì chỉ là cổ đông góp vốn, chứ không đóng vai của nhà đầu tư chứng khoán.

Cũng như đầu tư kinh doanh nói chung, đầu tư chứng khoán cũng là đánh bạc với tương lai, nếu xét về khía cạnh kinh tế. Mà tương lai thì chả biết chắc thế nào, ai đoán tương lai lụi bại thì thoát ra, ai tin tương lai khởi sắc thì nhảy vào. Tương lai thực sự diễn ra thì chỉ có một, nhưng lại được tạo nên bởi những dự đoán trái ngược nhau hoàn toàn. Nếu tất cả đều phán đoán như nhau, thì sẽ cùng mua hoặc cùng bán và khó có giao dịch hai chiều để tạo thành dòng chảy thị trường.

Không chỉ cờ bạc mới là bác thằng bần, chứng khoán cũng làm nhiều người mất sạch tiền bạc, gia tài, nhà cửa, đất đai, vì mang hết tiền biếu cho thiên hạ. Nếu chơi và đánh chứng khoán chỉ biết cuốn theo phong trào, thì cũng chẳng khác nào phó thác vào may rủi như trò đánh bạc.

Muốn đầu tư chứng khoán an toàn, bền vững, lâu dài thì ngoài những bài phòng ngừa rủi ro về đầu tư, đồng thời còn phải biết tránh đòn pháp luật. Nhà đầu tư không thể không quan tâm đến luật pháp chứng khoán, trước hết để ngừa lỗi hành chính, sau là để tránh tội hình sự.

Ngừa lỗi hành chính

Thị trường chứng khoán không chỉ nhạy cảm về lãi lỗ tiền bạc, mà còn là nơi đồi hỏi chặt chẽ về pháp lý. Đánh bạc trái luật chỉ bị phạt theo một điều luật về hành chính, với mức cao nhất là 20 triệu đồng, trong khi đánh chứng khoán sai luật thì coi chừng bị phạt bởi hàng chục điều luật và tiền phạt đối với mỗi hành vi có thể lên tới 500 triệu đồng.

Từ cổ đông nhỏ, trở thành cổ đông lớn (sở hữu 5% cổ phiếu) hay đã “lớn” rồi, khi mua, bán cho, tặng, thừa kế,… vượt 1% số lượng cổ phiếu mà quên báo cáo hay báo cáo không đúng thời hạn thì có thể mất tới 50-70 triệu đồng. Hoặc tuy nhớ đấy, nhưng khinh suất quên mất 1 trong 3 địa chỉ báo cáo sau thì cũng vẫn là vi phạm: Công ty đại chúng, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước và Sở giao dịch chứng khoán.

Mượn danh nghĩa người khác hoặc đổi tên để giao dịch chứng khoán, thì hãy chuẩn bị sẵn 70 triệu đồng tiền phạt.

Chỉ riêng một động tác xin phép vào “chợ”, nếu làm không đến nơi đến chốn thì cũng có thể tổn thất đến 70 triệu đồng trong các trưởng hợp: Đã chào mua rồi, mà lại cả gan thực hiện 1 trong 9 hành vi như: “mua hoặc cam kết mua cổ phiếu đang được chào mua bên ngoài đợt chào mua”; “bán hoặc cam kết bán cổ phiếu đang chào mua”; hay “đối xử không công bằng với những người sở hữu cùng loại cổ phiếu đang được chào mua”; hoặc “từ chối mua cổ phiếu từ bất kỳ cổ đông nào…”. Thậm chí chót “ôm” hàng vào rồi, thì sàn sập cũng ráng chịu, nếu không muốn ăn phạt vì “bán ra số cổ phiếu đã mua trong vòng 6 tháng kể từ khi kết thúc đợt chào mua công khai”. Còn nếu “thích” nộp vào kho bạc 100 triệu đồng, thì cứ việc nhảy vào mua mà bỏ quên màn “chào hỏi” hay tuy đã “chào” đúng “nghi lễ” rồi, nhưng lại nổi hứng “thay đổi ý định chào mua công khai đã công bố”.

Những người trong cuộc, có lợi thế nắm bắt thông tin chứng khoán của nội bộ càng dễ bị pháp luật sờ gáy. Họ có thể bị phạt đến 200 triệu đồng nếu chót “sử dụng thông tin nội bộ để thực hiện mua, bán chứng khoán cho chính mình hoặc bên thứ ba”. Thậm chi chẳng mua, chẳng bán, chỉ cần rượu bia hứng chí “tiết lộ, cung cấp thông tin nội bộ hoặc tư vấn cho bên thứ ba mua, bán chứng khoán trên cơ sở thông tin nội bộ” cũng có thể bị phạt giống như bản thân trực tiếp mua bán.

Trả giá đắt nhất là có thể buộc phải ném nửa tỷ đồng “qua cửa sổ” nếu có những hoạt động “gian lận, tạo dựng thông tin sai sự thật hoặc bỏ sót các thông tin cần thiết gây hiểu nhầm nghiêm trọng làm ảnh hưởng đến hoạt động phát hành, niêm yết, giao dịch, kinh doanh, đầu tư chứng khoán và các dịch vụ chứng khoán” hay “công bố thông tin sai lệch nhằm lôi kéo, xúi giục việc mua, bán chứng khoán hoặc không công bố kịp thời, đầy đủ thông tin về các sự kiện xảy ra có ảnh hưởng đến giá chứng khoán”. Trực tiếp chịu phạt đã đành, gián tiếp tham gia cũng không được tha miễn.

Nhưng mất tiền như trên vẫn còn dễ chịu, thậm chí một số nhà đầu tư còn chủ động vi phạm và “vui vẻ” nộp phạt. Duy nhất điều cấm kỵ, phải tránh thật xa, là đừng vi phạm quá đà đến mức chuyển sang phạm tội hình sự.

Tránh tội hình sự

Một số hành vi phạm luật kể trên, không chỉ dừng lại ở mức độ vi phạm hành chính, mà rất dễ thái quá biến thành tội hình sự. Đặc biệt là 3 nhóm hành vi có ranh giới vô cùng mong manh: “Cố ý thông tin sai lệch hoặc che giấu sự thật”; “Sử dụng thông tin nội bộ để mua bán chứng khoán”; và “Thao túng giá chứng khoán”. Dính vào nhóm này, nhẹ nhất là bị phạt tiền theo quy định tại Nghị định số 85/2010/NĐ-CP của Chính phủ về “Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán”. Rất nguy hiểm là có thể bị phạt tù 5-10 năm, theo quy định tại 3 điều 181a, 181b và 181c của Bộ luật Hình sự. Điều nan giải là ở chỗ, khi nào thì mắc lỗi hành chính và lúc nào thì phạm tội hình sự, khi mà các dấu hiệu vi phạm đối với hai loại được mô tả gần như trùng khít nhau.

Trong khi hành vi phạm tội đánh bạc đã được vạch rõ ranh giới cả trong Bộ luật Hình sự cũng như văn bản hướng dẫn thi hành, thì ranh giới phạm tội về chứng khoán vẫn còn trong vòng mờ mịt. Lại thêm “bất công” ở chỗ, một con bạc khét tiếng thiên hạ, thì cũng chỉ phải ngồi ngắm nhà đá tối đa đến 7 mùa xuân. Nhưng người nhập cuộc chứng khoán sai luật thì có thể phải ngồi “bóc lịch” tận 10 năm. Rồi mất cả đống tiền nộp phạt hành chính và hình sự vẫn chưa hết, còn có thể bị tịch thu toàn bộ khoản đắc lợi có được do “giỡn mặt” pháp luật. Vụ án hình sự thao túng giá chứng khoán đầu tiên của một số cá nhân ở Công ty Dược Viễn Đông DVD là một tiếng chuông cảnh báo điển hình. Người nào coi luật hình sự bằng vung, thì cứ việc nhảy tứ tung vào vùng cấm.

Các nhà đầu tư chứng khoán chỉ cần nhớ kỹ, tránh xa 3 điều luật “độc phát độc a bờ cờ” (181abc) nói trên, thì cứ an tâm lên cả 3 sàn trước muôn vàn cơ hội tài lộc quanh năm!

———————

Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên VIAC. 

——

Bài viết đăng Báo Đầu tư Chứng khoán số tết Tân Mão 2011 (số 13-17 ngày 31-01-2011):  

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu...

Mục "Bài viết" cập nhật các bài viết của các Luật sư ANVI đăng...

Bình luận 

429. Bình luận về việc sửa đổi Luật Thuế...

Bình luận về việc sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt. (Dự thảo Luật...

Phỏng vấn 

4.377. Thương mại điện tử bước vào cuộc chiến...

Thương mại điện tử bước vào cuộc chiến mới (*): Ứng phó cơn...

Trích dẫn 

3.892. Sửa đổi Luật Chứng khoán và bài toán...

Sửa đổi Luật Chứng khoán và bài toán nâng hạng thị trường. (TBNH)- Tại...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 228,413