(ANVI) – Văn phòng Chính phủ HN 02-11-2011
Theo đề nghị của Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ, tôi xin tham gia ý kiến về Dự thảo Nghị định về Quản lý hoạt động kinh doanh vàng như sau:
- Giải thích từ ngữ không chính xác:
- Vàng miếng và vàng trang sức, mỹ nghệ được quy định các chế độ pháp lý hoàn toàn khác biệt. Tuy nhiên Dự thảo Nghị định chưa giải thích phân biệt được rõ 2 loại vàng này:
- Khoản 1, Điều 3 quy định “Vàng trang sức, mỹ nghệ” được giải thích là các sản phẩm… “đã qua gia công, chế tác để phục vụ nhu cầu trang sức, trang trí mỹ thuật”. Còn “Vàng miếng” được giải thích tại khoản 1 là “vàng được dập thành miếng, có đóng chữ số chỉ khối lượng, chất lượng và ký mã hiệu của nhà sản xuất…”
- Đến khoản 1, Điều 6 thì lại yêu cầu doanh nghiệp hoạt động sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ phải “thực hiện đóng mã ký hiệu và hàm lượng vàng trên sản phẩm”.
- Như vậy, định nghĩa vàng miếng khác vàng trang sức, mỹ nghệ ở dấu hiệu có “đóng chữ số chỉ khối lượng, chất lượng và ký mã hiệu của nhà sản xuất”, nhưng sau đó lại yêu cầu vàng trang sức, mỹ nghệ cũng phải có dấu hiệu “hàm lượng vàng” (đồng nghĩa với chất lượng vàng) và “ký mã hiệu của nhà sản xuất”. Và nếu như nhà sản xuất, gia công đóng thêm “chữ số chỉ khối lượng” lên vàng trang sức, mỹ nghệ thì cũng là điều hoàn toàn cần thiết và bình thường (không thể ngăn cấm, nếu không muốn nói là cần khuyến khích), thì gần như sẽ không còn ranh giới để phân biệt 2 loại vàng này.
- Trong cùng một Nghị định, khoản 3, Điều 3 giải thích “vàng nguyên liệu” chỉ liệt kê là “vàng dưới dạng khối, thỏi, hạt, miếng và các loại vàng khác”, nhưng đến khoản 8, Điều 15 lại xuất hiện: “vàng nguyên liệu dưới dạng bột, dung dịch, vẩy hàn, muối vàng…”
- Yêu cầu về đo lường không thống nhất:
- Khoản 3, Điều 9 quy định về trách nhiệm của doanh nghiệp kinh doanh mua, bán vàng trang sức, mỹ nghệ phải “tuân thủ các quy định pháp luật về đo lường”
- Trong khi Điều 6 quy định về trách nhiệm của doanh nghiệp hoạt động sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ và Điều 13 quy định về trách nhiệm của doanh nghiệp sản xuất vàng miếng, doanh nghiệp, tổ chức tín dụng hoạt động kinh doanh mua, bán vàng miếng thì lại không nhắc đến “đo lường”?
- Yêu cầu chấp hành quy định không cần thiết:
- Khoản 3, Điều 6 quy định về trách nhiệm của doanh nghiệp hoạt động sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ; khoản 2, Điều 9 quy định về trách nhiệm của doanh nghiệp kinh doanh mua, bán vàng trang sức, mỹ nghệ; điểm b, khoản 1 và điểm c, khoản 2, Điều 13 quy định về trách nhiệm của doanh nghiệp sản xuất vàng miếng, doanh nghiệp, tổ chức tín dụng hoạt động kinh doanh mua, bán vàng miếng, đều có một trong những yêu cầu là “Chấp hành các quy định của pháp luật về chế độ kế toán, lập và sử dụng hoá đơn, chứng từ”.
- Đó là một trong những trách nhiệm đương nhiên của mọi doanh nghiệp, đã được quy định tại Điều 9 về Nghĩa vụ của doanh nghiệp, Luật Doanh nghiệp năm 2006. Nếu đưa quy định này vào thì tại sao không đưa những quy định khác đã được nêu tại cùng Điều của Luật Doanh nghiệp như thực hiện chế độ thống kê, báo cáo, nộp thuế và thực hiện các nghĩa vụ tài chính khác,…?
- Quy định về điều kiện hoạt động sản xuất vàng miếng không hợp lý:
- Điểm d, khoản 1 của Điều 10 quy định một trong những điều kiện của doanh nghiệp hoạt động sản xuất vàng miếng là phải “Chiếm từ 25% thị phần sản xuất vàng miếng trong nước trở lên trong 3 năm liên tiếp gần nhất”. Quy định này đã xác định rõ 1 doanh nghiệp duy nhất đạt điều kiện tại thời điểm hiện nay, loại bỏ toàn bộ các doanh nghiệp khác, vì doanh nghiệp lớn thứ hai chiếm thị phần khoảng 10%.
- Đặc biệt là quy định này đã chốt cứng vĩnh viễn chỉ 1 doanh nghiệp được sản xuất vàng miếng, muôn đời sẽ không còn doanh nghiệp thứ hai được phép, vì tất cả các doanh nghiệp khác sẽ phải chấm dứt hoạt động, không bao giờ còn doanh nghiệp nào khác đạt được bất cữ phần trăm thị phần nào.
- Nếu vì một lý do nào đó, doanh nghiệp duy nhất được cấp phép sản xuất vàng miếng chấm dứt hoạt động, thì cũng sẽ không bao giờ cấp phép được cho bất kỳ một doanh nghiệp nào khác.
- Quy định về điều kiện cấp Giấy phép kinh doanh mua bán, vàng miếng không hợp lý:
- Khoản 1, Điều 12 quy định doanh nghiệp mua, bán vàng miếng phải đáp ứng được một số điều kiện, trong đó phải:
- Có kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh mua, bán vàng từ 2 năm trở lên;
- Có số thuế đã nộp của hoạt động kinh doanh vàng từ 500 triệu đồng/năm trở lên trong 2 năm liên tiếp gần nhất.
- Như vậy, việc cấp phép chỉ xảy ra duy nhất lượt đầu tiên sau khi có Nghị định này, vì sau này, tất cả các doanh nghiệp đã không được cấp phép, không được hoạt động kinh doanh mua bán vàng, thì vĩnh viễn không bao giờ có được 2 điều kiện trên.
- Quy định về xuất khẩu, nhập khẩu vàng không hợp lý:
- Việc xuất nhập khẩu vàng đều phải xin phép, nhưng Điều 14 và 15 lại chỉ quy định việc xuất nhập khẩu vàng trang sức, mỹ nghệ và vàng nguyên liệu. Đề nghị quy định cả xuất nhập khẩu vàng miếng để trong trường hợp cần thiết thì vẫn có thể thực hiện được.
- Thuế xuất nhập khẩu vàng nguyên liệu quy định cố định là 0% cũng cần xem lại.
- Quy định về cấm sử dụng vàng làm phương tiện thanh toán không hợp lý:
- Cần xem lại quy định tại khoản 4, Điều 20 về việc không được “sử dụng vàng làm phương tiện thanh toán”. Hàng ngàn đời nay, khi mua bán nhà cửa, vật có giá trị lớn có thể trả toàn bộ hoặc một phần bằng vàng. Không nên cấm đoán tuyệt đối ngay và cấm đoán toàn bộ.
- Theo đúng quy định này, người dân tích cóp cả đời được một vài chỉ hay cây vàng, khi mang ra mua vật gì đó, mà người bán cũng muốn lấy vàng, nhưng vẫn buộc người mua phải bán vàng, rồi người bán phải đi mua lại. Còn nếu thanh toán cho nhau trực tiếp thì sẽ bị tịch thu và bị phạt tiền lên đến 300-500 triệu đồng theo quy định tại Nghị định số 95/2011/NĐ-CP. Đây là cách xử lý quá hà khắc, quá bất hợp lý.
Trân trọng tham gia!
——————————————-
Địa chỉ liên hệ:
ĐC: Công ty Luật ANVI, tầng 2, Tòa nhà Savina, số 1 Đinh Lễ, phố Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, HN
FB: Trương Thanh Đức (www.facebook.com/LSTruongThanhDuc)
E-mail: duc.tt @anvilaw.com
Web: www.anvilaw.com
ĐT: 090.345.9070