(SGTT) – Người tiêu dùng đang yếu thế hơn trong mối quan hệ với các nhà cung cấp dịch vụ, hàng hoá nhưng không được bảo vệ. Vị thế của họ sẽ tốt hơn khi có luật bảo vệ người tiêu dùng dự kiến được thông qua cuối năm nay.
Người tiêu dùng thường phải chấp nhận những hợp đồng soạn sẵn khi giao dịch với nhà cung cấp dịch vụ. Ảnh chỉ mang tính minh hoạ. Ảnh: Lê Quang Nhật |
Bà Nguyễn Thị Mai gửi tiết kiệm tại sở giao dịch số 2 Láng Hạ, Hà Nội của ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) nhưng bị mất thẻ tiết kiệm và chứng minh nhân dân. Số tiền 294 triệu đồng của bà Mai đã bị rút hết nhưng ngân hàng đã từ chối chịu trách nhiệm do viện dẫn căn cứ pháp lý là điều 25 trong quy định nội bộ của mình là: “Nếu tại thời điểm báo mất số tiền gửi tiết kiệm đã bị kẻ gian lợi dụng do lỗi của người gửi tiền thì người gửi tiền hoàn toàn chịu trách nhiệm”. Sau khi khởi kiện, cơ quan pháp luật đã tìm ra và truy tố kẻ phạm tội và yêu cầu ngân hàng phải trả tiền cho người gửi. Tuy nhiên, còn nhiều vụ thất lạc thẻ tiết kiệm khác nếu không tìm ra thủ phạm thì phần thua thiệt thường rơi vào khách hàng.
Nhà cung cấp ở vị thế “ông lớn”
Viện dẫn ra nhiều quy định của các ngân hàng hiện thời, ông Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI cho rằng trong rất nhiều vị trí, kể cả gửi tiền tiết kiệm, vay vốn, rút tiền tiết kiệm trước hạn hay rút tiền tiết kiệm thừa kế, mua bán ngoại tệ… người tiêu dùng luôn là những người yếu thế. Tại hội thảo về bảo vệ người tiêu dùng được tổ chức ngày 27 và 28.9 tại Hà Nội, ông Đức cho rằng người tiêu dùng hiện không được bảo vệ trong mối quan hệ với những “ông lớn” ngân hàng và buộc phải chấp nhận luật chơi do những “ông lớn” này tạo ra.
Ông Nguyễn Như Phát, viện trưởng viện Nhà nước và pháp luật, thành viên ban soạn thảo luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng kể ra một câu chuyện, đó là quyền thoả thuận các điều khoản trong hợp đồng mua điện, nước với công ty mua bán điện, nước sinh hoạt hàng ngày với người dân. “Sẽ không ai dám mặc cả hay thoả thuận các điều khoản trong hợp đồng, vì nếu không đồng ý, các công ty độc quyền này sẽ ngay lập tức cắt điện, nước thì dùng thay thế bằng cái gì?”, ông Phát đặt câu hỏi. Như vậy, trong thế đứng cao hơn, người tiêu dùng đang bị áp đặt các điều khoản từ nhà cung cấp dịch vụ và không có quyền phản hồi.
Khởi kiện sẽ dễ hơn
Một khảo sát xã hội học từ viện Khoa học pháp lý thuộc bộ Tư pháp thực hiện, có tới 64,9% người được hỏi khẳng định bị thiệt hại do hàng hoá không đảm bảo chất lượng. Báo cáo khảo sát thực trạng xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng và thực tiễn bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ở Việt Nam do cục Quản lý cạnh tranh thuộc bộ Công thương cho thấy trong số doanh nghiệp được khảo sát có 17,6% vi phạm quy định về chất lượng, 15,1% vi phạm quy định về ghi nhãn, 12,3% vi phạm về đo lường, 9,9% kinh doanh hàng giả và các vi phạm khác chiếm 45,1%. Tiến sĩ Lê Hồng Hạnh, viện trưởng viện Khoa học pháp lý thuộc bộ Tư pháp cho rằng, tình trạng xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng chưa có xu hướng giảm cho thấy những giải pháp bảo vệ người tiêu dùng thời gian qua chưa phát huy tác dụng.
“Theo quy định mới ở dự thảo luật bảo vệ người tiêu dùng, nhà cung cấp sản phẩm dịch vụ phải chứng minh sản phẩm, dịch vụ của mình là đúng, nhằm giảm bớt gánh nặng cho người tiêu dùng khi khởi kiện.” |
“Hiện tại đã có các cơ chế xử lý vi phạm và giải quyết tranh chấp nhưng qua kết quả khảo sát thực tiễn cho thấy, người tiêu dùng ít sử dụng đến các cơ chế này vì để thoả mãn các yêu cầu của pháp luật hiện hành về chứng minh thiệt hại, căn cứ khởi kiện… không dễ dàng với đại đa số người tiêu dùng Việt Nam”, tiến sĩ Hạnh nói.
Theo ông Bạch Văn Mừng, cục trưởng cục Quản lý cạnh tranh thuộc bộ Công thương, vị trí của người tiêu dùng sẽ được cải thiện hơn khi dự thảo luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng dự kiến sẽ được Quốc hội thông qua vào cuối năm nay. Theo ông Mừng, dự thảo luật hiện thời có quy định các trách nhiệm của nhà cung cấp hàng hoá, dịch vụ. Ở đó quan trọng nhất là quy định về sự trung thực trong cung cấp các thông tin liên quan tới sản phẩm.
Ông Mừng cho biết, các thủ tục khởi kiện sẽ đơn giản hơn trước đây để người tiêu dùng coi việc khởi kiện là một việc bình thường buộc các nhà cung cấp sản phẩm, dịch vụ phải tuân thủ các cam kết về chất lượng. Điều khác biệt lớn nhất là trước đây muốn khởi kiện, người tiêu dùng phải phải chứng minh được sản phẩm, dịch vụ của nhà cung cấp là sai với cam kết chất lượng nhưng theo quy định mới ở dự thảo luật bảo vệ người tiêu dùng, nhà cung cấp sản phẩm dịch vụ phải chứng minh sản phẩm, dịch vụ của mình là đúng nhằm giảm bớt gánh nặng cho người tiêu dùng khi khởi kiện.
Lê Phượng
————————————-
Sài Gòn Tiếp thị 01/10/2010