151. Bình luận về thuế thu nhập cá nhân.

(ANVI) – Hội thảo về Tổng kết 2 Luật thuế thu nhập                                       Bộ Tài chính 08-11-2011

 

  1. Nhận xét chung:

Có nhiều nội dung bất hợp lý, không công bằng (mức giảm trừ gia cảnh, mức thu nhập của người phụ thuộc, không trừ chi phí cần thiết hợp lý,…), gây phản ứng không tốt cho người nộp thuế.

Với cách thu thuế như hiện nay thì đơn giản cho cơ quan thuế, khó khăn cho cá nhân người nộp thuế, chỉ túm “người có tóc” làm công, ăn lương, bỏ lọt nhiều người có thu nhập hàng chục, hàng trăm triệu đồng.

  1. Về mức thu nhập khởi điểm chịu thuế:

Rất nhiều ý kiến cho rằng mức thu nhập khởi điểm phải nộp thuế 4 triệu đồng/tháng tháng là quá thấp, không đủ sống mà vẫn phải nộp thuế. Vấn đề bất hợp lý thực chất là ở chỗ khác và tổng thể nhiều vấn đề, chứ không phải ở mức thu nhập khời điểm phải nộp thuế. Đa số dân số hiện nay có mức thu nhập dưới xa mức ấy và lương tối thiểu mà Nhà nước ban cho cán bộ, công chức phải sống trong sạch chỉ có 830.000 đồng/tháng. Như vậy mức khởi điểm thu nhập chịu thuế cao gần gấp 5 lần mức lương tối thiểu đối với cán bộ, công chức nhà nước.

Chưa nói đến chính sách miễn giảm thuế tạm thời đang áp dụng, với mức thu nhập 4-5 triệu đồng, thì chỉ phải nộp số tiền thuế từ 0 đồng đến tối đa là 50.000 đồng, thu nhập 6 triệu đồng/tháng cũng chỉ nộp có 100.000 đồng, 7 triệu/tháng nộp 150.000 đồng/tháng, 10 triệu/tháng nộp 350.000 đồng,… Như vậy, hoàn toàn hợp lý, chấp nhận được và đúng với quan điểm đánh thuế thu nhập, chứ không phải là thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao.

Vấn đề thật sự bất hợp lý ảnh hưởng đến số tiền phải nộp, đó là không được loại trừ chi phí cần thiết, công với nhiều mức thuế suất và thuế suất quá cao.

  1. Về các mức thuế suất:

Mức thuế suất khởi điểm 5% là thấp, tuy nhiên nó chỉ là sự đánh lừa cảm giác sưu thuế nhẹ nhàng, vì chỉ nộp cho mức thu nhập từ 4-9 triệu đồng, tức là chỉ được hưởng “ân huệ” từ mức thuế suất này từ 1.000 đến tối đa là 250.000 đồng.

Các mức thuế suất 25%, 30% và đặc biệt là lên tới 35% đối với phần thu nhập từ 80 triệu đồng trở lên là quá cao, quá “dã man”. Như vậy, nếu một người có thu nhập 100 triệu đồng/tháng thì phải nộp tới gần 24 triệu đồng (tương đương 25% thu nhập) hay thu nhập 200 triệu đồng/tháng thì phải nộp gần 59 triệu đồng (tương đương 30% thu nhập).

Có 7 mức thuế suất (5% – 10% -15% – 20% – 25% – 30% – 35%) đối với biểu thuế lũy tiến từng phần là quá nhiều, quá phức tạp; không cần thiết; khó khăn cho việc nộp thuế cũng như công tác theo dõi, quản lý. Bước nhảy thuế suất ở các bậc đầu, đặc biệt là từ bậc đầu tiên từ bậc 1 lên bậc 2 chỉ có 5 triệu đồng là quá ngắn.

Vì vậy, đề nghị nâng khoảng cách thu nhập giữa bậc 1 lên bậc 2 từ 5 triệu lên 10 triệu đồng, đồng thời mở rộng khoảng cách thu nhập giữa các bậc khác và giảm còn 4 bậc thuế suất là: 5% – 10% – 15% và 20%.

  1. Về thu thuế chuyển nhượng bất động sản:

Thuế suất TNCN từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản tính trên thu nhập ròng là 25% là quá cao, quá bất công so với thuế thu nhập doanh nghiệp, vì doanh nghiệp đã được loại trừ mọi khoản chi phí hợp lý. Trong khi đó thu nhập cá nhân lại chỉ được tính trên số tiền chênh lệch từ một phép trừ giản đơn giữa giá mua và giá bán. Đến thu nhập trúng thưởng là khoản thu nhập “trời cho” mà cũng chỉ phải nộp thuế 10%. Vì vậy cần giảm bớt sự bất công với những hoạt động này bằng cách giảm thuế suất.

Với cách tính thứ 2 đối với trường hợp giá chuyển nhượng ghi trên hợp đồng chuyển nhượng, trên tờ khai thuế thấp hơn giá đất, giá tính lệ phí trước bạ do UBND cấp tỉnh quy định tại thời điểm chuyển nhượng; đồng thời không có hoá đơn, chứng từ hợp pháp chứng minh giá chuyển nhượng, giá vốn thì cơ quan thuế tính thuế 2% trên giá đất, giá tính lệ phí trước bạ nhà do UBND cấp tỉnh quy định. Thu thuế đối với cách tính này thì lại dẫn đến tình huống thu thuế cả đối với những trường hợp không hề có thu nhập.

  1. Về thu thuế đối với thu nhập từ cổ tức:

Việc đánh thuế thu nhập cá nhân đối với các cổ tức, lãi chia cho người góp vốn sẽ vi phạm nguyên tắc không được đánh thuế thu nhập hai lần đối với cùng một khoản thu nhập chịu thuế. Luật doanh nghiệp cũng quy định các khoản thu nhập từ việc góp vốn cổ phần, vốn liên doanh, liên kết… nếu đã bị đánh thuế thu nhập doanh nghiệp thì không phải chịu thuế nữa. Đề nghị bỏ mức thuế suất 5% với thu nhập từ cổ tức.

  1. Về miễn thuế với khoản tiền thưởng:

Theo khoản 2, Điều 3, Luật Thuế thu nhập cá nhân thì các khoản tiền thưởng đối với sáng chế được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận; tiền thưởng kèm theo các danh hiệu được Nhà nước phong tặng; tiền thưởng kèm theo giải thưởng quốc gia, quốc tế đều không thuộc diện chịu thuế. Quy định này là không hợp lý, nhất là trong trường hợp được trao tặng những khoản tiền rất lớn từ nguồn khác ngoài ngân sách Nhà nước. Nếu có thì chỉ nên loại trừ “các khoản tiền thưởng, giải thưởng có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước”.

  1. Về miễn thuế thu nhập từ tiền gửi ngân hàng:

Theo khoản 7, Điều 4, Luật Thuế thu nhập cá nhân, thì các khoản thu nhập từ lãi tiền gửi ngân hàng, tổ chức tín dụng; lãi từ hợp đồng bảo hiểm nhân thọ là các khoản thu nhập được miễn thuế. Quy định này không đảm bảo sự công bằng.

Đề nghị phải tính thuế đối với riêng khoản thu nhập này và không nhập chung với thu nhập khác. Như vậy, với lãi suất 14% như hiện nay và chưa tính đến yếu tố giảm trừ gia cảnh, nếu gửi 342 triệu đồng, thì chưa phải nộp thuế, nếu gửi 01 tỷ đồng thì chỉ phải nộp thuế 726.000 đồng/tháng. Đây là việc đánh thuế vào khoản đầu tư, đánh thuế nhà giầu.

  1. Về không tính thu nhập tiền học phí:

Theo quy định tại điểm c khoản 1 điều 1 của Thông tư 62/2009/TT-BTC ban hành ngày 27-3-2009 của Bộ Tài chính, khoản thu nhập không tính vào thu nhập chịu thuế của người nước ngoài là “tiền học phí cho con của người nước ngoài học tại Việt Nam theo bậc học phổ thông do đơn vị sử dụng lao động chi trả hộ căn cứ vào hợp đồng lao động và chứng từ nộp tiền học”. Có nghĩa là người nước ngoài được phép trừ tiền học phí của con trước khi xác định thu nhập chịu thuế, còn người Việt Nam thì không. Quy định như vậy rõ ràng bất bình đẳng, thiệt thòi cho người Việt Nam.

  1. Về các khoản giảm trừ gia cảnh:

Người phụ thuộc có thu nhập trên 500.000 đồng/tháng không được tính để giảm trừ gia cảnh là vô lý.

Ngoài khoản giảm trừ gia cảnh ở mức tối thiểu, cần quy định rõ những khoản chi tiêu hợp lý đến một mức nào đó trở lên và có hoá đơn, chứng từ hợp lệ, sẽ được tính vào khoản giảm trừ gia cảnh. Việc này bảo đảm được tính khoa học, kinh tế và ý nghĩa xã hội sâu sắc, đồng thời sẽ góp phần giải quyết được một căn bệnh trầm kha, nguy hiểm trong việc trốn thuế, mua bán, sử dụng hàng hoá, dịch vụ không có hoá đơn, chứng từ như hiện nay. Ví dụ, một người có thu nhập cao, nhưng lại phải chi phí cho chữa bệnh nhiều hơn số thu nhập đó, thì pháp luật không thể nhẫn tâm bắt họ tiếp máu, chạy thận nhân tạo ít hơn chỉ định của bác sĩ để dành tiền nộp thuế cho Nhà nước. Cần hết sức lưu ý đến một thực tế là, người dân Việt Nam không được bảo đảm tối thiểu về an sinh xã hội, do đó Nhà nước cần chấp nhận một khả năng “thất thu” nhất định để bảo đảm cả về mặt pháp lý và đạo lý.

Cần đặt ra một trong những mục tiêu quan trọng nhất là, thông qua các quy định về khấu trừ, giảm trừ thu nhập chịu thuế, tạo cho người nộp thuế phải chấp hành đúng chế độ hóa đơn, chứng từ, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật. Cần khuyến khích người nộp thuế chủ động tham gia vào công cuộc đấu tranh phòng chống gian lận thuế để được quyền lợi là nộp thuế ít hơn, thay vì thờ ơ, thậm chí tiếp tay cho gian lận thuế như thực trạng lâu nay vô hình trung làm lợi cho người khác không phải nộp thế. Việc này cũng phù hợp với yêu cầu của Luật Quản lý thuế.

Trân trọng tham gia!

————————————-

ĐC: Công ty Luật ANVI, tầng 2, Tòa nhà Savina, số 1 Đinh Lễ, phố Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, HN

FB: Trương Thanh Đức (www.facebook.com/LSTruongThanhDuc)

E-mail: duc.tt @anvilaw.com

Web: www.anvilaw.com

ĐT: 090.345.9070

 

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

433. Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của...

Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp Tham luận Hội...

Phỏng vấn 

4.392. Bẫy nạn nhân với 'miếng mồi' lãi suất cao.

Bẫy nạn nhân với 'miếng mồi' lãi suất cao. (TT) - Vụ GFDI ở Đà Nẵng...

Trích dẫn 

3.913. Giá vàng ngày một "nóng", có nên nắm giữ...

Giá vàng ngày một "nóng", có nên nắm giữ dài hạn? (KTCK) - Giá vàng tăng...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 232,399