151. Chằng dễ thả “Gà đẻ trứng vàng”.

Chằng dễ thả ” Gà đẻ trứng vàng”.

(DN&PL) – Theo nguyên tắc của kinh tế thị trường, những gì tư nhân muốn làm và làm được thì khỏi cần đến nhà nước. Ngược lại, nhà nước phải làm những gì mà tư nhân không muốn làm hoặc chưa làm được, tức lĩnh vực chưa nằm trong hai chữ “thị trường”. Thế nhưng, đã qua hơn hai chục năm chuyển sang nền kinh tế thị trường, nhà nước vẫn còn nắm giữ quá nhiều doanh nghiệp, mà chủ yếu thuộc về những mảng miếng màu mỡ, ví như những con con gà đẻ trứng vàng.  

Điều 19 của bản Hiến pháp năm 1980 đã từng quy định: “Đất đai, rừng núi, sông hồ, hầm mỏ, tài nguyên thiên nhiên trong lòng đất, ở vùng biển và thềm lục địa, các xí nghiệp công nghiệp, nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, thương nghiệp quốc doanh; ngân hàng và tổ chức bảo hiểm; công trình phục vụ lợi ích công cộng; hệ thống đường sắt, đường bộ, đường sông, đường biển, đường không; đê điều và công trình thuỷ lợi quan trọng; cơ sở phục vụ quốc phòng; hệ thống thông tin liên lạc, phát thanh, truyền hình, điện ảnh; cơ sở nghiên cứu khoa học, kỹ thuật, cơ sở văn hoá và xã hội cùng các tài sản khác mà pháp luật quy định là của Nhà nước – đều thuộc sở hữu toàn dân.” Điều đó, đã buộc người ta phải hiểu rằng, dường như tất cả những gì quan trọng nhất của nền kinh tế, xã hội, thì đều là của nhà nước, không thì ít nhất cũng phải do nhà nước cầm trịch. Nhưng thời cuộc đã xoay vần. Nếu như cái thuở bao cấp trước kia, nhà nước ôm 99% hoạt động kinh tế, từ cắt tóc, vá xe, ăn uống cho đến phim ảnh, đào tạo, xuất nhập khẩu,… thì thời kinh tế thị trường ngày nay, nhà nước cần làm ngược lại. Tư nhân đã làm và làm tốt từ làm du lịch, văn nghệ, bảo tàng, cho đến công chứng, bảo hiểm, ngân hàng,… nhà nước chỉ cần lo cho phần 1% khó khăn nhất, mà tư nhân bỏ cuộc.

Thế nhưng nhà nước vẫn tăng cường quy mô và thâu tóm các doanh nghiệp nhà nước, không ít trường hợp củng cố hơn vị thế độc quyền. Không giám buông đối với nhiều lĩnh vực kinh tế, trong đó có lý do hàng đầu là không muốn đánh mất vai trò chủ đạo, ảnh hưởng đến khả năng chi phối, can thiệp, điều khiển nền kinh tế. Điều đáng nói là, nhà nước làm chẳng tốt gì hơn tư nhân, hay nói thẳng ra là kém hiệu quả hơn rất nhiều, nếu như so sánh với cùng tiêu chí về nguồn lực tài nguyên, tiền vốn, lao động và thương hiệu. Như vậy, hậu quả đương nhiên sẽ là một nền kinh tế hạn chế cạnh tranh và khó phát triển.

Chưa dám thả cho tư nhân làm vũ khí, cai quản nhà tù như một số nước phát triển, nhưng không có lý do gì mà không dám buông lĩnh vực xổ số hay sản xuất thuốc lá. Phải chăng vì bài toán lợi ích xã hội thì ít, mà vì toan tính lợi nhuận thì nhiều, vì xổ số hay thuốc lá cũng đều nằm trong tốp đầu nộp ngân sách nhà nước?

Một trong những câu chuyện khó hiểu phải nhắc đến là lĩnh vực kinh doanh mạng điện thoại viễn thông. Có 3 chàng khổng lồ thống lĩnh tuyệt đối thị trường mạng điện thoại di động, với lợi nhuận mỗi mỗi đơn vị lên đến cả ngàn tỷ đồng một năm. Thế nhưng xem chừng ông bố nhà nước vẫn muốn bao bọc mãi mãi, nấn ná việc tất yếu phải khoác chiếc áo cổ phần hoá cho con cái, thậm chí còn không ban cho một tư tách tối thiểu là một công ty con. Vietell thì là doanh nghiệp “con đẻ” của quân đội, chưa bao giờ đề cập đến khả năng cổ phần hoá. Vinaphone thi là “con ruột” của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông 100% của Nhà nước, chưa thấy hé mở lộ trình cổ phần hoá. Điều đặc biệt nhất phải kể đến là Mobi Fone, đứa con “phối ngẫu” liên doanh, nhưng người ta cũng tìm đủ mọi cách thoái thác cổ phần hoá. Trong khi xã hội ngày đêm mong ngóng Mobi Fone cổ phần hoá, thì cơ quan chủ quản đã mấy lần đánh tiếng về khả năng sáp nhập Mobi Fone với Vinaphone, tất nhiên là để né cổ phần hoá. Người ta có quyền phỏng đoán rằng, cặp đôi này dù là ăn riêng hay ở chung, thì cũng là những con gà đẻ trứng vàng, mang lại phần lớn tuyệt đối nguồn thu nhập cho Tập đoàn Bưu chính Viễn thông. Như vậy, nếu thả “gà” ra, để mất quyền kiểm soát Mobi Fone, thì cũng đồng nghĩa với việc dốc đi phần lớn túi tiền của Tập đoàn. Điều lạ lùng khó hiểu nhất là, Mobi Fone luôn được xếp vào tốp đầu các doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam, nhưng bố mẹ chủ quản vẫn duy trì nó trong trình trạng không phải là một doanh nghiệp độc lập, không có tư cách pháp nhân, tức là nhất nhất mọi hoạt động lớn nhỏ đều phải hoàn toàn lệ thuộc vào Tổng công ty Viễn thông hay Tập đoàn gì đó. Xét về mặt pháp lý, theo quy định của Bộ luật Dân sự, nếu đã không có tư cách pháp nhân, thì cũng không có đủ tư cách để giao dịch với bất cứ ai, nếu không nhân danh pháp nhân “cấp trên” hay không được chủ quản phân cấp, uỷ quyền. Điều đó có nghĩa là, ký mỗi hợp đồng thuê bao di động, thậm chí chỉ bán một cái sim điện thoại di động, Mobi Fone cũng không đương nhiên có quyền, mà đều phải làm theo sự phân cấp, uỷ quyền cụ thể của Tổng công ty. Với thiên hạ, tầm vóc của Mobi Fone là chàng Thánh Gióng khổng lồ, nhưng với VNPT, hay với pháp luật, thì địa vị pháp lý của nó chỉ là đứa con nít chưa đến tuổi thành niên trong gia đình.

Nhìn vào xu hướng nâng cao vai trò và quy mô của công ty nhà nước trong một số lĩnh vực đang diễn ra trong thời gian gần đây, dường như đang có sự mâu thuẫn với yêu cầu cải cách kinh tế, đồng thời cũng là đòi hỏi tất yếu của nền kinh tế thị trường. Không những thế, nó còn xung đột với những quy định rõ ràng của pháp luật về khuyến khích cạnh tranh và chống sự độc quyền, đó là Luật Cạnh tranh năm 2004. Một số lĩnh vực vì đủ thứ lý do, lý trấu, còn dẫn đến việc gần như nhà nước hoá kinh tế tư nhân như việc cảu Hãng hàng không Jetstar hay tái lập chế độ độc quyền nhà nước, như linh vực sản xuất vàng miếng.

Đó không biết nên coi là thành công hay thất bại của nền kinh tế thị trường? Câu trả lời là phải đợi thời gian và thực tế! Chỉ mong rằng Nhà nước nắm doanh nghiệp thì cũng đừng trở thành tay buôn, hay nhà nước thả doanh nghiệp, thì cũng không phải là buông quản lý kinh tế, mà là nhằm nâng cao vai trò quản lý nền kinh tế một cách bài bản, công bằng, hợp lý và hiệu quả hơn.


Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên VIAC. 

——

Báo Doanh nhân và Pháp luật số 19 (97) 20-5-2012:

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.429. Củng cố pháp luật để phát triển trung...

Củng cố pháp luật để phát triển trung tâm tài chính. (KTVN) - Theo...

Trích dẫn 

3.978. Thưởng Tết - niềm vui giảm sút vì thuế...

Thưởng Tết - niềm vui giảm sút vì thuế thu nhập cá nhân. (DĐDN)...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,982