Độc hại vãi hồn
(ANVI) – Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010 hồ hởi cho người tiêu dùng có một đống quyền, trong đó có việc được bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe, tài sản,… khi sử dụng hàng hóa, dịch vụ.
Nhưng rồi cứ lan man, tràn lan, nhan nhản vụ việc hàng hóa độc hại hãi hùng như nước giải khát chứa chì vượt ngưỡng 9 lần, rau “tẩm ướp” thuốc sâu đậm đặc, thịt chứa thuốc độc vượt ngưỡng ngất ngưởng,…
Rồi thi thoảng tìm ra một vài kẻ sai chịu án phạt tiền bạc thì đã rõ. Cái khó là hàng chục vạn người xơi chất độc hại thì phải xử lý ra sao? Luật thì quy định đinh ninh định hướng tưởng rất hay ho: Cho anh, cho ả, cả làng đều có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại. Thậm chí còn được quyền yêu cầu bồi thường ngay cả khi chưa thiệt hại, tức là chỉ cần “có khả năng gây thiệt hại cho tính mạng, sức khỏe”. Nhưng ai dè đi vào thực tế, thì lại chỉ để cho vui.
Vì anh ta thực ra đã mua ngàn lọ, nhưng liệu có bằng chứng pháp lý rằng là đã mua nó? Anh ta đã uống cả trăm chai, nhưng lại dễ gì có bằng chứng pháp lý rằng là đã uống? Anh ta đã đổ tất tật chất độc hại vào người nhưng hãy chứng minh thiệt hại?
Dù bụng anh đã chứa đầy chì hay thuốc sâu, thì đâu phải nó chỉ có trong hàng tôi? Dù anh đã bị ung thư giai đoạn thứ tư, thì cứ thử chứng minh mình không xơi, uống, ngửi, hút, sờ mó bất kỳ thứ gì khác độc hại trên đời nào?
Vậy thì làm sao có thể đòi hỏi bồi thường? Quyền thì có nhưng khó vô cùng tận. Chỉ còn con bài tẩy chay là dùng được ngay.
Ngày 08-6-2016