152. Quyền lợi tiêu dùng bị xâm phạm: Luật “mỏng”- Người tiêu dùng chịu thiệt

(TCKD) – Theo một khảo sát do Viện Khoa học Pháp lý thực hiện, có đến 64,9% số người được hỏi khẳng định bị thiệt hại do hàng hoá dịch vụ không đảm bảo chất lượng. Còn theo Báo cáo Khảo sát thực trạng xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng (NTD) và thực tiễn bảo vệ NTD ở Việt Nam thì các vi phạm chủ yếu là về chất lượng (chiếm 17,6%), tiếp đến là vi phạm về ghi nhãn hàng hóa, đo lường (điển hình là trong các sản phẩm sữa). Chưa kể tình trạng hàng giả tràn lan cũng chính là một sai phạm phổ biến, xâm hại trực tiếp đến lợi ích của người dân.

Sự gia tăng sai phạm trong cung ứng hàng hóa, dịch vụ thời gian qua cho thấy người tiêu dùng Việt Nam đang bị xâm phạm quyền lợi với quy mô rộng khắp và tính chất ngày càng phức tạp. Trong khi đó, hệ thống pháp luật bảo vệ người tiêu dùng hiện nay chưa đủ mạnh, khiến cho các “Thượng đế” vẫn mãi đứng ở thế yếu.

Cũng theo báo cáo, các vi phạm về chất lượng xảy ra chủ yếu ở các mặt hàng tiêu dùng, nhất là thực phẩm, mỹ phẩm, dược phẩm… Những hàng hóa này tiềm ẩn các ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe NTD, nhưng nhận biết của họ lại rất thấp. Phải đợi đến khi các sai phạm bị phanh phui, NTD mới biết mình đã dùng phải sản phẩm kém chất lượng. Điển hình như vụ sản xuất “nước tương đen” có chứa chất gây ung thư (3-MCPD), một số cây xăng gian lận trong đo lường, các cơ sở kinh doanh mỡ động vật mất vệ sinh không rõ nguồn gốc, sữa bột chứa chất melamine, rau trồng bằng nguồn nước ô nhiễm…

Sai phạm ngày càng đa dạng

Trong khi đó, sai phạm giao dịch trong lĩnh vực cung ứng dịch vụ thậm chí còn nhiều hơn. Cùng với sự phát triển của xã hội, ngày càng nở rộ các loại hình dịch vụ, môi giới trong nhiều lĩnh vực như bất động sản, bảo hiểm, y tế, giáo dục, du lịch… Thiếu sự quản lý chặt chẽ của Nhà nước, NTD đang phải gánh đủ thiệt thòi.

Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, nêu những dẫn chứng điển hình về sai phạm trong cung ứng các dịch vụ ngân hàng. Chẳng hạn người gửi tiết kiệm rút tiền trước hạn mà không thỏa thuận hoặc thông báo trước đủ thời gian quy định với ngân hàng, có thể phải trả thêm một khoản phí nhất định. Trong một số trường hợp, mức phí này còn cao hơn cả số tiền lãi mà khách hàng được nhận, nhưng “Thượng đế” vẫn phải cắn răng móc hầu bao để được rút chính khoản tiền mà mình ủy thác cho các tổ chức tín dụng.

Hoặc ngay trong các giao dịch tiền mặt tại hệ thống ngân hàng, NTD luôn bị chèn ép bởi chính các quy định mang tính nghiệp vụ nội bộ trong ngành. Đơn cử như nhiều trường hợp, người rút tiền nhận tiền từ ngân hàng với số lượng lớn, nhưng không có điều kiện kiểm đếm ngay tại chỗ, vì vậy rất dễ “dính” phải tiền hư hỏng, thiếu, lẫn loại mệnh giá nhỏ hơn… Song khi quay lại thì không có cơ sở khiếu nại vì đã ra khỏi quầy giao dịch, khách hàng phải tự chịu trách nhiệm về tài sản của mình. Đây là những loại hình dịch vụ thường ngày, trở nên quen thuộc đến nỗi NTD nhiều khi không mảy may cho rằng đó chính là những quyền lợi thiết thân mà mình đáng được hưởng. Nhiều trường hợp khiếu nại, song hầu hết đều thua thiệt do các quy định hiện nay còn cách quá xa quyền lợi của NTD. Bởi vậy, tình trạng phổ biến nhất vẫn là NTD “ngậm đắng, nuốt cay”, chịu cảnh “tiền mất, tật mang”.

Lý giải về tình trạng sai phạm xảy ra tràn lan và ngày càng phổ biến trong các lĩnh vực cung ứng hàng hóa dịch vụ, nhận định chung của các chuyên gia đều là pháp luật bảo vệ NTD tại Việt Nam còn quá sơ khai. Theo đó, cơ chế pháp lý trong vấn đề này còn thiếu khả thi, thể hiện ở việc thiếu các định chế chất lượng hàng hóa, dịch vụ, vì vậy khó có thể phân biệt sản phẩm mà NTD nhận được đạt chất lượng ra sao, có xâm hại đến quyền lợi của họ hay không. Hệ thống quy định pháp lý không chỉ mỏng mà còn thiếu tính thống nhất, thậm chí chồng chéo, mâu thuẫn lẫn nhau, khiến các cơ quan quản lý lúng túng trong phân định và xử phạt.

Luật sơ khai, quy định sơ sài

Các chuyên gia pháp luật người Pháp khẳng định để bảo vệ thiết thực và hiệu quả quyền lợi của NTD, điều quan trọng nhất là pháp luật phải đứng về phía những đối tượng này. Đây là điều mà nhiều quốc gia, điển hình như Pháp luôn hướng tới trong việc xây dựng các điều luật bảo vệ NTD.
Gs. Laurent Leveneur, Đại học Panthéon Assas Paris II, dẫn chứng từ một vụ kiện tại Pháp: Một người mua bê tông tươi để tự tay xây bể cá. Trong quá trình sử dụng, người này chỉ mang ủng và găng tay nên đã bị bỏng ở chân và chảy máu rất nhiều. Người mua đã được tòa án xử thắng kiện sau khi yêu cầu nhà cung cấp bê tông bồi thường. Tuy nhiên, lý do không phải bê tông không đạt chất lượng. Mà trong Chỉ thị của Liên minh châu Âu, một sản phẩm sản xuất trong điều kiện tối ưu vẫn có thể bị coi là có khuyết tật nếu như người mua không được khuyến cáo và cung cấp đầy đủ thông tin về những điều cần lưu ý khi sử dụng. Rõ ràng, cơ chế bảo vệ trong luật pháp nước ngoài đi rất xa, tới mức cảnh báo cho người tiêu dùng về sản phẩm chứ không chỉ đơn thuần là lỗi phát sinh từ chính sản phẩm đó.

Hoặc như các điều khoản lạm dụng hiện đang rất phổ biến trong lĩnh vực cung ứng dịch vụ, được đưa ra nhằm bảo vệ quyền lợi tối ưu nhất cho… nhà cung cấp. Ông Dominic Ponsot, Phó giám đốc Nhà pháp luật Việt – Pháp, dẫn chứng từ chính câu chuyện xảy ra với mình. Khi thực hiện một chuyến đi bằng máy bay của một hãng hàng không Việt Nam, vị thẩm phán người Pháp đã mua vé qua mạng. Tuy nhiên, khi kiểm tra vé tại quầy đăng ký, ông được yêu cầu xuất trình thẻ tín dụng đã dùng để trả tiền vé. Vì không mang theo tấm thẻ này theo người, ông Ponsot đành phải mua một tấm vé mới khẩn cấp với lời hứa hẹn sẽ được bồi hoàn tiền vé sau. Tuy nhiên, sau khi chuyến bay kết thúc tốt đẹp, dù đã xuất trình đầy đủ thủ tục, ông vẫn không được bồi hoàn với lý do đó là giá vé ưu đãi.

Như vậy, các nhà cung cấp dịch vụ luôn đưa ra những điều khoản tạo thành một hợp đồng không công bằng, gây ra hệ quả bất lợi cho bên ở vị trí yếu thế hơn là NTD và có lợi cho cá nhân, tổ chức kinh doanh. Theo đó, các cá nhân, tổ chức kinh doanh lạm dụng nguyên tắc tự do giao kết hợp đồng để đưa vào đó những điều khoản có vẻ hợp pháp nhưng thực chất là gây bất lợi cho người sử dụng hàng hóa dịch vụ, mà thông thường nếu nhận thức được, họ sẽ không chấp nhận hoặc có quyền đàm phán về điều khoản đó.

Ngọc Khanh

———————————————

Tạp chí Kinh doanh 4-10/10/2010:

Bài viết 

308. Mất tiền từ séc giả, trách nhiệm thuộc...

(VNB) - Khi sự việc xảy ra, cần xác định ai là người có lỗi, lý do, nguyên...

Bình luận 

427. Bình luận về Luật siêu dễ: Hồi hộp đến...

(VTV3) Bình luận về Luật siêu dễ: Hồi hộp đến phút cuối với chủ đề...

Phỏng vấn 

4.362. Xôn xao "nghi án" trang cờ bạc trực tuyến...

Xôn xao "nghi án" trang cờ bạc trực tuyến quảng cáo trá hình thông qua...

Trích dẫn 

3.860. Chung cư mini lần đầu được quy định cụ...

(VOV GT) - Luật Nhà ở năm 2023 có hiệu lực từ 01/8/2024, nhà ở nhiều tầng nhiều...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 224,204