157. Tiền tiêu, quyền cũng tiêu cùng.

Tiền tiêu, quyền cũng tiêu cùng

(ĐĐK) – Đã 2 năm thực hiện Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 và trước đó là 11 năm thực hiện Pháp lệnh tương tự năm 1999. Tuy nhiên, một đạo luật ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi sát sườn, thường nhật của tất cả mọi người, dường như vẫn chưa đi vào cuộc sống. Ngoại trừ nội dung “quyền và nghĩa vụ của người tiêu dùng”, thì đã được ghi nhận đầy đủ trong 2 điều luật, còn lại 4 nội dung khác thuộc về phạm vi điều chỉnh của Luật thì mới đang ở giai đoạn sơ khai, mờ nhạt.
Tiền tiêu, quyền cũng tiêu cùng

Người tiêu dùng bất an với hầu hết các đồ ăn, thức uống, thậm chí cả thực phẩm sạch trong siêu thị Ảnh: Hoàng Long

Đó là “trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đối với người tiêu dùng”, “trách nhiệm của tổ chức xã hội trong việc tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng”, “giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng (NTD) và tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ” và “trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.”

Chẳng hạn Khoản 1, Điều 6 “Bảo vệ thông tin của người tiêu dùng” quy định “Người tiêu dùng được bảo đảm an toàn, bí mật thông tin của mình khi tham gia giao dịch, sử dụng hàng hóa, dịch vụ, trừ trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu.” Thế nhưng hằng ngày các khổ chủ phải nhận không biết bao nhiêu email, tin nhắn rác, vì trên thị trường có đủ loại dữ liệu thông tin của NTD là khách hàng trong nhiều lĩnh vực khác nhau bị mua bán, lạm dụng.

Luật quy định NTD có 8 quyền, nhưng quyền đầu tiên và quan trọng nhất là “được bảo đảm an toàn tính mạng, sức khoẻ” khi sử dụng hàng hóa, lại là điều đáng lo ngại nhất. Người tiêu dùng bất an với hầu hết các đồ ăn, thức uống, thậm chí cả thực phẩm sạch trong siêu thị. Ngày này qua tháng khác, từ già trẻ, lớn bé, đang buộc phải nuốt không biết bao nhiêu chất độc hại vào người.

Muốn thực hiện quyền “được cung cấp hóa đơn” hàng hóa, dịch vụ cũng không dễ và thường phải mất thêm tiền để “mua” quyền này (trả thêm thuế giá trị gia tăng). Nhưng khó nhất trong các quyền phải kể đến là “yêu cầu bồi thường thiệt hại khi hàng hóa, dịch vụ không đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, chất lượng, số lượng, tính năng, công dụng, giá cả”. Bởi vì nguyên tắc của việc yêu cầu bồi thường dân sự là phải chứng minh được thiệt hại, lỗi của người có trách nhiệm (nhà sản xuất, nhà cung cấp hay người bán hàng) và quan hệ nhân quả giữa lỗi và thiệt hại. Và muốn được bồi thường thì phải thông qua thủ tục “khiếu nại, tố cáo, khởi kiện” trần ai, rắc rối đến mức chưa được vạ thì má đã sưng.

Mặc dù Luật đã quy định khá rõ về “trách nhiệm của tổ chức xã hội” và việc “giải quyết tranh chấp” để bảo vệ quyền lợi NTD, nhưng cũng là những điều còn khá xa lạ. Ngoài phản ứng yếu ớt của Hội Bảo vệ NTD, các tổ chức xã hội khác gần như im tiếng. Khi có tranh chấp xảy ra, thậm chí cơ quan quản lý nhà nước còn vào hùa với chủ đầu tư để giành quyền sở hữu tầng hầm nhà chung cư, trong khi đã bán hết căn hộ cho người tiêu dùng mà theo đúng Bộ luật Dân sự cũng như Luật Nhà ở thì phải thuộc sở hữu của dân cư.

Cũng theo Luật, bên cạnh các quyền lợi, NTD còn phải có nghĩa vụ kiểm tra, lựa chọn hàng hóa, dịch vụ “không gây nguy hại đến tính mạng, sức khỏe của mình và của người khác”. Và như vậy thì lỗi đầu tiên có khi lại thuộc về chính NTD. Tại sao anh lại cứ mua của rẻ là của ôi? Mặc dù đó là điều gần như không còn lựa chọn nào khác đối với số đông. Hay tại sao anh lại không trở thành NTD thông thái? Mặc dù việc này nhiều khi là sự thách đố với hầu hết NTD, thậm chí cả người sành điệu. Đơn giản là người ta ai chả muốn ăn rau sạch, thịt an toàn, nhưng có mua thì cũng chỉ biết dựa vào quảng cáo thôi, chứ sao dám chắc là nó sạch thật hay không. Tin rằng 99% NTD không thể phân biệt được đâu là rau sạch, ngoại trừ đọc biển thấy có chữ sạch. Mà chỉ đọc hàng thôi thì gay. quá. Chả vừa ầm ĩ ghi nhãn rành rành là sữa dành cho trẻ em, với giá đắt đúng như sữa… ngoại, nhưng hoá ra lại chỉ là thực phẩm bổ sung, thực phẩm chức năng nghèo dinh dưỡng đó thôi![1]. Hay buồn hơn nữa là quy định xử phạt nghiêm khắc người đội mũ bảo hiểm không đúng quy chuẩn, bất chấp nguyên do. [2]

Rồi nghĩa vụ gì nữa? Đó là thông tin cho cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân có liên quan khi phát hiện hành vi hoặc hàng hóa, dịch vụ không bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe, tài sản của NTD. Trong nhiều trường hợp, mất trộm người ta cũng không báo công an, nói gì đến thông tin buôn gian, bán lận, hàng đểu hàng tồi, vì nó nhan nhản, vì thấy hành động báo tin ấy gần như sự vô tác dụng.

Cái thời bao cấp khan hiếm hàng hóa, khi nói về chất lượng, người ta thường bảo nhau rằng: Chỉ có người bán biết, chứ người mua không thể biết. Đến nay thì nhiều khi ngay cả người bán cũng không chắc rằng mình bán cái gì nữa, nhất là hàng giả tinh vi của Trung Quốc. NTD chủ động lựa chọn, chủ động trả tiền nhưng luôn ở thế bị động. Số lượng thiếu hụt khó biết, chất lượng mù mờ chịu chết, chỉ có nhận biết được chút hình thức bóng bẩy bề ngoài.

NTD thực sự có quyền lực quyết định đối với thị trường, nhưng nghịch lý lại xảy ra lâu nay là, họ không được bảo đảm về quyền lợi, đặc biệt là sau khi đã tiêu tiền, thì dường như quyền cũng tiêu tan. Rất cần có những giải pháp hữu hiệu, sát thực hơn và đặc biệt cần phải xử lý một số vụ việc điển hình để khẳng định rõ yêu cầu bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên thực tế. Mọi người cần thay đổi vị thế của những người tiêu dùng dễ tính, để trở thành người tiêu dùng khó tính. Điều này sẽ tạo ra quyền lực thực sự cho người tiêu dùng, để thoát khỏi thị trường dễ dãi, yếu kém.[3] Đã đến giai đoạn phải thay đổi trình trạng: “Tiêu tiền mà chẳng được quyền. Tiền nhiều hay ít, lo phiền như nhau”.

———————

Bản tin Tài chính Kinh doanh VTV1 7h ngày 15-3-2013 lấy làm bài chính để bàn về chủ đề 2 năm thực hiện Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.


Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên VIAC. 

——

Bài viết đăng Báo Đại đoàn kết 15-3-2013:                                                                                

http://daidoanket.vn/index.aspx?Menu=1451&Chitiet=62172&Style=1

Mục Tham vấn – Phản biện

[1] Báo cắt đoạn này.

[2] Bổ sung sau.

[3] Báo cắt đoạn này.

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.429. Củng cố pháp luật để phát triển trung...

Củng cố pháp luật để phát triển trung tâm tài chính. (KTVN) - Theo...

Trích dẫn 

3.978. Thưởng Tết - niềm vui giảm sút vì thuế...

Thưởng Tết - niềm vui giảm sút vì thuế thu nhập cá nhân. (DĐDN)...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,979