158. Xây mới thay vì “Bảo dưỡng” hiến pháp.

Xây mới thay vì “Bảo dưỡng” hiến pháp

(KTSG) Hiến pháp là một đạo luật đóng vai trò rường cột của ngôi nhà đất nước, đòi hỏi sự bền vững và chuẩn mực cao nhất. Vì vậy, mỗi lần dựng lại rường cột mới, thì cần mạnh dạn thay đổi cơ bản, mạnh mẽ, tiến bộ. Vì vậy, cần tiếp tục cân nhắc những vấn đề quan trọng còn nhiều ý kiến khác nhau trong Dự thảo Hiến pháp, trong đó có thể chế kinh tế.

Xây mới thay vì "Bảo dưỡng" hiến pháp

Đa số các điều khoản của Dự thảo Hiến pháp nói chung, 9 điều về kinh tế nói riêng đều có tình trạng thừa thãi từ ngữ nhưng lại thiếu tính pháp lý. Chẳng hạn quy định “Cơ quan, tổ chức, cá nhân phải thực hành tiết kiệm, phòng chống lãng phí, tham nhũng trong hoạt động kinh tế – xã hội và quản lý nhà nước.” (Điều 60) là đã đi quá xa. Tiết kiệm là cần thiết, nhưng không cần phải quy định như vậy trong Hiến pháp, vì không thể chế tài cá nhân và doanh nghiệp tư nhân phải tiết kiệm, phòng chống lãng phí cả tiền bạc thuộc sở hữu của chính họ. Thậm chí, nền kinh tế thị trường còn đòi hỏi phải kích cầu, kích thích, khuyến khích tiêu dùng, chứ không chỉ chắt bóp, tiết kiệm như thời hành chính quan liêu bao cấp.

Đặc biệt là vấn đề sở hữu đất đai và việc thu hồi đất. Đối với quốc gia nào thì đất đai cũng quý giá, quan trọng và có ý nghĩa như nhau, nhưng chỉ có rất ít nước quá dị biệt là không công nhận sở hữu tư nhân.[1] Bên cạnh sở hữu Nhà nước về đất đai, công nhận thêm sở hữu cá nhân và pháp nhân về đất đai chỉ có tốt hơn, tạo thêm động lực cho phát triển, đáp ứng được nguyện vọng cháy bỏng của con người. Chế độ công hữu độc nhất về đất đai như một vết rạch hằn sâu vào bức tranh kinh tế đa sở hữu, như một giới tuyến định mệnh chia cắt sự đồng bộ tất yếu. Công nhận nền kinh tế thị trường, giá đất theo thị trường, việc giao đất, thu hồi đất cũng chủ yếu nhằm đáp ứng yêu cẩu của thị trường, nhưng riêng sở hữu thì lại không theo thị trường là một sự lẩn tránh.

Dù có công nhận quyền sử dụng đất là tài sản, nhưng thực chất thì chỉ như một quyền phái sinh của tài sản, tức là người dân và doanh nghiệp chỉ được sử dụng sản phẩm phái sinh. Với các quyền chuyển nhượng, chuyển đổi, góp vốn, thế chấp, thừa kế,… của người sử dụng đất, đặc biệt là đất ở, đã rất gần với quyền sở hữu tư nhân. Tuy nhiên, có sự khác nhau cơ bản và ghê gớm giữa chủ sở hữu với những người còn lại, cũng giống như giữa người làm chủ với người làm thuê. Chẳng hạn cho thuê thì được, nhưng cho mượn quyền sử dụng đất thì lại bị coi là không được, chỉ vì pháp luật không đề cập đến quyền cho mượn đất. Cũng mảnh đất đó, nếu là của chủ sở hữu thì đó là quyền đương nhiên không cần phải bàn cãi. Chỉ còn nhấn thêm một gang tấc nữa là đạt tới sự trọn vẹn, đúng với quy luật kinh tế và ước nguyện tự ngàn đời, so với điều khác đi mới chỉ xuất hiện hơn 30 năm nay.

Việc mở rộng trường hợp thu hồi đất đai để thực hiện “các dự án phát triền kinh tế – xã hội”, dẫn đến đến nguy cơ gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng đến quyền lợi chính đáng của cá nhân và doanh nghiệp sử dụng đất, vì sự mơ hồ, mênh mông của “các dự án phát triển kinh tế – xã hội”. Quy định như vậy thì người sử dụng đất có thể bị thu hồi đất trong mọi trường hợp, vì có dự án nào ngoài mục đích an ninh, quốc phòng công cộng mà lại ngoài cả mục đích kinh tế hoặc xã hội?

Tuy nhiên, nguy cơ giữ nguyên 2 nội dung về sở hữu đất đai và thu hồi đất trong Dự thảo Hiến pháp là 99%, vì đã được chốt cứng bằng nghị quyết. Và nếu Luật Đất đai năm 2013 được thông qua trước cả Hiến pháp như nghị trình, thì khả năng này lên tới 99,99%. Như vậy thì khác nào Hiến pháp không phải là cao nhất và luật con dắt mũi luật mẹ?

Mong muốn thật sự là phải xây được một bản Hiến pháp mới cơ bản thay vì chỉ “bảo dưỡng” Hiến pháp cũ. Trong Hiến pháp, không nên viết những điều bất hợp lý, chưa hợp lòng dân; không nên viết những điều chưa chắc chắc ổn định trường tồn; không nên đưa vào những mục tiêu ngắn hạn nhất thời, không viết theo kiểu thích ứng với mùa vụ thời tiết.

Hiến pháp cũng phải là một văn bản thể hiện sự mẫu mực về kỹ thuật lập pháp ngắn gọn, cô đọng, khái quát. Trong khi nhiều đạo luật cần quy định cụ thể, chi tiết thì lại “mắc bệnh” chung chung, đại khái, còn Hiến pháp cần rất khái quát thì lại quá tham lam kể lể dài dòng, lan man, ôm đồm, áp đặt, khẩu hiệu sáo rỗng chung chung và sa đà vào quá nhiều vấn đề tiểu tiết. Chẳng hạn, lời nói đầu chẳng qua cũng như là thủ tục “kính thưa” mà thôi, không thể “phung phí” tới 448 chữ. Còn quá nhiều điều khoản, từ ngữ chỉ nên để trong các nghị quyết, chủ trương, chính sách, giáo trình và luận văn.

Việc không đặt tên các điều luật trong Dự thảo Hiến pháp là một thiếu sót không thể bỏ qua. Điều này cũng đồng nghĩa với tư duy không mạch lạc, ý tưởng không rõ ràng, bố cục không chặt chẽ, lô gic lỏng lẻo, vấn đề trùng lặp, nội dung tù mù, thêm bớt tuỳ tiện. Việc không đặt tên điều trong một văn bản quan trọng có tới 124 điều còn dẫn đến tình trạng kém minh bạch, khó tiếp cận, nắm bắt, theo dõi và trích dẫn.

Cuối cùng, nếu đã thấy tất cả nội dung trong Dự thảo Hiến pháp đều quá đúng, tuyệt hay và cực kỳ sáng suốt rồi thì không cần đề nghị góp ý nữa. Còn đã lấy ý kiến, thì cần thiết và quan trọng nhất là bàn luận, xem lại những cái sai, điều dở và sự thể nhầm lẫn. Thay đổi Hiến pháp cũng như thay đổi rường cột của ngôi nhà, nếu chỉ hoán đổi trật tự điều khoản, chỉnh trang câu chữ lặt vặt theo kiểu sơn vôi, gắn vá thì ngay cả việc sửa đổi Hiến pháp cũng không nên, chứ đừng nói đến việc thay thế một bản Hiến pháp mới. Và nếu không được thay đổi và hoàn thiện một cách căn bản tiến bộ, thì bản Hiến pháp này không có hy vọng “sống” lâu hơn 4 bản Hiến pháp trước, thậm chí khó vượt qua được 1 thập kỷ. [2]  


Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên VIAC. 

——

Bài viết đăng Thời báo Kinh tế SG số 2013-12 (1.162) ngày 21-3-2013:                        

[1] Tòa soạn cắt bớt.

[2] Tòa soạn cắt bớt.

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.429. Củng cố pháp luật để phát triển trung...

Củng cố pháp luật để phát triển trung tâm tài chính. (KTVN) - Theo...

Trích dẫn 

3.978. Thưởng Tết - niềm vui giảm sút vì thuế...

Thưởng Tết - niềm vui giảm sút vì thuế thu nhập cá nhân. (DĐDN)...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,979