159. Phí dịch vụ ATM – “Kẻ móc túi” người tiêu dùng.

(ANVI) – Hội thảo “Nhìn lại một năm Luật Bảo vệ                           Hà Nội 18-7-2012

quyền lợi người tiêu dùng có hiệu lực”

 

Gần như mọi vấn đề liên quan đến ngân hàng, đều đang là những chủ đề nóng bỏng: Dư nợ, lãi suất, nợ xấu, ngoại tệ, vàng, sáp nhập, phí ATM,… Và song  hành với nó là nỗi băn khoăn, lo ngại của người tiêu dùng dịch vụ ngân hàng về các dịch vụ nói chung và về thẻ ATM nói riêng.  

  1. Thẻ ATM, dịch vụ dành cho tất cả mọi người

Trong quá trình góp ý xây dựng Luật Bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, tôi đã viết và trình bày bài tham luận “Bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng sử dụng dịch vụ ngân hàng” tại Hội thảo Quốc tế Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng: Từ hai góc nhìn Á – Âu, do Nhà Pháp luật Việt – Pháp và Bộ Công thương đồng tổ chức tại Hà Nội trong hai ngày 27 và 28-9-2010.

Với 22 trang của bài tham luận nói trên, tôi đã nêu ra một loạt vấn đề bất cập, chưa rõ ràng, chưa bảo vệ được quyền lợi của người tiêu dùng dịch vụ ngân hàng về các nội dung sau:

  • Bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền khi rút tiền trước hạn, trong đó có 2 vấn đề sau:[1]
  • Người gửi tiền chỉ được rút trước hạn nếu đã có thoả thuận với ngân hàng và phải thông báo trước một thời hạn nhất định theo quy định của ngân hàng. Nếu không đáp ứng được một trong hai điều kiện này, thì không được rút trước hạn hoặc được rút nhưng phải trả phí rút trước hạn (tức là người gửi tiền không những không được hưởng lãi mà còn bị mất đi một phần tiền gốc);
  • Người gửi tiền rút trước hạn nếu đã đáp ứng được cả hai điều kiện nói trên, thì cũng chỉ được hưởng mức lãi suất “tối đa bằng mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn thấp nhất” của ngân hàng (tức là, gửi 12 tháng, nếu rút tiền vào tháng thứ 11, thì cũng chỉ được hưởng lãi suất không kỳ hạn).
  • Bảo vệ quyền lợi của người thừa kế của người gửi tiền;
  • Bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền trong trường hợp bị Ngân hàng Nhà nước áp đặt mức lãi suất tiền gửi thấp hơn lãi suất thị trường;
  • Bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền về quyền sở hữu trước hành vi gian lận của CBNV ngân hàng hoặc của người khác;
  • Bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền được bảo hiểm tiền gửi;
  • Bảo vệ quyền lợi của người vay vốn tiêu dùng, trong đó có việc để mua bất động sản tiêu dùng;
  • Bảo vệ quyền lợi của người vay vốn đối với lãi suất tiền vay trong hạn, lãi suất trả nợ trước hạn và lãi suất tiền vay quá hạn;
  • Bảo vệ quyền lợi của người sử dụng dịch vụ giao dịch tiền mặt;
  • Bảo vệ quyền lợi của người sử dụng dịch vụ thẻ ATM;
  • Bảo vệ quyền lợi của người mua ngoại tệ của ngân hàng;
  • Bảo vệ quyền lợi của người sử dụng dịch vụ ngân hàng về bí mật thông tin tiền gửi, tài sản gửi và thông tin giao dịch.

Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 gần như chưa đả động được đến những vấn đề nói trên.

Nếu như trong bài tham luận trên, tôi đã đứng hẳn về phía người tiêu dùng “tấn công” ngân hàng và pháp luật về lĩnh vực này, thì trong bài tham luận này, là một góc nhìn ngược lại và quan điểm khác. Và cũng chỉ bàn đến một nội dung liên quan đến Phí dịch vụ thẻ ATM.

  1. Sử dụng dịch vụ cao cấp, trả tiền bình dân

Thẻ ATM, cụ thể là thẻ ghi nợ, là một loại thẻ ngân hàng đơn giản nhất, phổ biến nhất và cũng gây ra nhiều tranh cãi bức xúc nhất trong xã hội hiện nay. Đây là một loại thẻ mà khách hàng chi được sử dụng số tiền của mình đã có trong tài khoản. Ngân hàng không được “ăn bẫm” từ tiền gửi của khách hàng, vì ngân hàng phải trả lãi theo lãi suất thị trường như đối với các khoản tiền gửi không kỳ hạn thông thường khác.

Để có được những chiếc thẻ ATM đơn giản cho khách hàng sử dụng, thì ngân hàng phải chi rất nhiều tiền cho hệ thống công nghệ là máy vi tính, phần mềm, máy ATM, trạm ATM, kho két đựng tiền, xe chở tiền, nhân viên các khâu,… và đặc biệt là tồn tích một lượng tiền rất lớn (ít thì vài trăm, nhiều thì vài tỷ đồng “túc trực” trong mỗi ATM). Ngân hàng chi tiền tỷ, để nhặt nhạnh lại từng trăm đồng, nghìn đồng, vì vậy, đương nhiên là phải thu phí. Và cách thu phí văn minh, hợp lý, công bằng nhất là “đẻ” ra nhiều loại phí liên quan đến thẻ ATM, để ai dùng đến đâu thì trả đến đó, dùng nhiều trả nhiều, dùng ít trả ít, đó là:

  • Phí phát hành thẻ (trong đó có việc làm thẻ nhanh hoặc chậm);
  • Phí rút tiền mặt tại ATM (trong cùng hoặc khác hệ thống);
  • Phí chuyển tiền qua ATM (trong cùng hoặc khác hệ thống);
  • Phí truy vấn số dư thẻ;
  • Phí sao kê tài khoản thẻ;
  • Phí dịch vụ SMS (nhắn tin thông báo tức thời biến động số dư tới điện thoại di động);
  • Phí cấp lại mã PIN (do chủ thẻ quên PIN hoặc bị khóa thẻ tại máy ATM);
  • Phí cấp lại thẻ ATM (do mất, hỏng thẻ); v.v…

Phát hành, cấp thẻ, cấp mã, rút tiền, chuyển tiền, truy vấn, sao kê, nhắn tin,… đều là đều là dịch vụ, đều tốn tiền, đều phải mất chi phí. Vậy sử dụng thẻ để rút tiền hay sử dụng các dịch vụ khác liên quan đến thẻ, thì đương nhiên phải trả phí, trừ trường hợp được nhà cung cấp dịch vụ khuyến mại, miễn phí. Việc này cũng giống phải trả thêm tiền khăn ăn sau khi đã trả tiền thức ăn và tiền phục vụ cho nhà hàng. Thực tế thì người tiêu dùng đã được miễn một số loại phí trong nhiều năm nay, đặc biệt là phí rút tiền mặt tại ATM nội mạng (rút trong cùng hệ thống).

Quan hệ gốc giữa ngân hàng với khách hàng trong giao dịch thẻ, đó là hợp đồng gửi tiền. Theo đó, khách hàng có quyền hưởng lãi suất như đối với các khoản tiền gửi không kỳ hạn khác. Còn ngân hàng thì có nghĩa vụ giữ tiền và trả lãi để được tận dụng nguồn vốn đó đưa vào hoạt động kinh doanh. Ngân hàng “ăn” ở chỗ giao dịch với quy mô lớn, có nhiều khách hàng và đồng thời kết hợp thực hiện nhiều nghiệp vụ để sinh lời. Thử so sánh dịch vụ “giữ tiền” với ngay dịch vụ “giữ vàng” của chính ngân hàng thì thấy rõ. Nếu ngân hàng không tận dụng được nguồn vốn bằng vàng để đưa vào kinh doanh (do quy định của Ngân hàng Nhà nước), thì ngay lập tức, khách hàng sẽ phải trả phí gửi vàng cho ngân hàng, như đã quy định và sẽ phải thực hiện triệt để trong thời gian sắp tới. Nếu chỉ xét riêng mối quan hệ gửi tiền vào tài khoản thẻ giữa ngân hàng với từng khách hàng như các loại dịch vụ khác, thì rõ ràng là ngân hàng lỗ to, vì nhận của mỗi khách hàng 10 đồng, sẽ luôn phải sẵn sàng có đủ 10 đồng cho khách hàng ấy rút lại vào bất cứ lúc nào, ở bất kỳ trụ sở giao dịch nào và tại bất kỳ cây ATM nào (gần như 24/24 giờ).

Như vậy, thu các loại phí ATM là tất yếu, là hợp lý và bình thường. Vấn đề chỉ là cách thức thu và mức thu thế nào mà thôi.

  1. Thu phí thế nào cho phải đạo?

Nếu thị trường thẻ ATM còn độc quyền, thiếu cạnh tranh, cầu lớn hơn cung, thì việc thu phí và tăng phí cần được quản lý chặt chẽ, cần khống chế để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Tuy nhiên, thị trường thẻ ATM hiện nay là hoàn toàn cạnh tranh tự do, sòng phẳng, cung luôn lớn hơn cầu, ngân hàng luôn phải “giành giật” khách hàng. Thị trường cạnh tranh ở mức tương đối hoàn hảo, mà các ngân hàng không chủ động bỏ phí hay giảm phí xuống, thì điều đó đã chứng tỏ rằng, mức phí như thế là sự hình thành hợp lý và tất yếu của thị trường. Và nếu một vài ngân hàng tăng phí hay thu thêm phí mà các ngân hàng khác khong tận dụng cơ hội để lôi kéo khách hàng về mình, mà lại cũng hưởng ứng tăng theo, thì điều đó càng chứng minh rõ, xu thế thị trường đã đến lúc không còn chấp nhận sự miễn phí hoặc duy trì mức phí thấp như trước. Trong trường hợp này, thị trường đã đúng và hãy để cho thị trường điều chỉnh. Đừng làm méo mó thị trường như câu chuyện lãi suất cho vay. Lãi suất cũng hoàn toàn cạnh tranh, thì cao hay thấp, chủ yếu là do thị trường quyết định, chứ không phải do các ngân hàng thương mại áp đặt chủ quan. Thị trường xấu đủ thứ, xấu trường kỳ, xấu tiềm ẩn, thì sao có thể đòi hỏi một mức lãi suất tốt ? Nếu các ngân hàng thương mại áp đặt được lãi suất cho vay cao ngược với thị trường, thì chắc chắn họ đã áp đặt luôn lãi suất huy động thấp để kiếm lời, chứ đã chẳng xảy ra nghịch lý kéo dài là, các ngân hàng cứ tìm trăm mưu, ngàn kế, vạn phương để huy động vượt trần lãi suất, tự mình vi phạm, mất tiền trước bao nhiêu sự hiểm nguy. Chỉ có Ngân hàng Nhà nước áp đặt và kết quả thì cũng là gián tiếp do thị trường mang lại, chứ chưa bao giờ đạt được một cách trực tiếp.

Mức phí sao kê hay rút tiền mặt trong cùng một hệ thống, nếu chỉ thu khoảng 1.000 đồng/giao dịch, thì là mức không đáng kể, vì 1.000 đồng bây giờ gần như không mua nổi cái gì. Mặt khác khách hàng hoàn toàn có thể lựa chọn đến điểm giao dịch trực tiếp của ngân hàng rút tiền miễn phí. Còn nếu rút tiền khác hệ thống hay chuyển khoản mà thu khoảng 3.000 đồng/giao dịch hoặc 5-6.000 đồng, thì cũng chỉ bằng một lượt gửi xe máy, ô tô. Nếu thu nhiều hơn thì chỉ đối với một số loại giao dịch đặc biệt và cũng là hợp lý.

Vấn đề trở thành nặng nề chủ yếu là do tâm lý sử dụng miễn phí lâu nay, kiểu như người Miền Bắc quen được hưởng dịch vụ miễn phí trông xe khi ăn uống ở nhà hàng, thì sẽ cảm thấy khó chịu khi phải thanh toán tiền gửi xe ở các nhà hàng Miền Nam. Tâm lý đã tạo ra cảm giác thiếu công bằng kiểu như, chuyển tiền khi giao dịch tại quầy phải mất phí thì đồng tình, nhưng lại phản đối khi chuyển tiền qua ATM không được miễn phí.

Rồi, vấn đề là một số ngân hàng thu loại phí mới và tăng phí cũ vào thời điểm rất khó khăn, lại vừa bị sốc bởi cú tăng giá điện, nước,… vừa xong. Việc thu phí không gặp thời này, phần lớn là lỗi của cơ quan quản lý, đã ngăn cản và trì hoãn thời điểm cho phép thu phí ATM quá lâu. Và vấn đề còn là ở chỗ, khách hàng cảm thấy bị thu phí bất ngờ bởi quyết định đơn phương của ngân hàng.

Nếu cứ theo nguyên tắc cứng, coi hợp đồng cung ứng dịch vụ thẻ cũng như các hợp đồng dân sự, thương mại khác, thì khi thay đổi bất kỳ một nội dung nào trong hợp đồng đã ký, như phí rút tiền, phí chuyển tiền,… hai bên đều sẽ phải “ngồi” lại với nhau để thương lượng, ngã ngũ, rồi thể hiện két quả đó bằng giấy trắng, mực đen và dấu đỏ. Như thế có cần thiết và có nên không? Tôi cho rằng, thực sự là không cần thiết và không nên !

Điều hoàn toàn phù hợp với cả pháp lý, kinh tế lẫn thực tế là, khi bắt đầu dùng thẻ, thì khách hàng có toàn quyền chủ động gật hoặc lắc đầu trước hợp đồng dịch vụ thẻ do ngân hàng đưa ra. Nếu đã gật đầu, thì cũng có nghĩa là đã chấp nhận vô điều kiện đối với các loại phí cũng mức phí, như cách thức công bố phí. Vì về mặt pháp lý, việc đó đều đã được lường trước và đã được thoả thuận trong hợp đồng cung ứng dịch vụ thẻ. Trước khi thu, đương nhiên là các ngân hàng cũng làm theo đúng thoả thuận trong hợp đồng bằng cách niêm yết công khai biểu phí ở tất cả các điểm giao dịch và thông báo trên trang web. Về mặt kinh tế, nếu cứ phải tay đôi giấy trắng, mực đen, thì sẽ tốn kém tiền bạc, lãng phí thời gian mà chẳng mang lại lợi ích gì đáng kể, vì mỗi ngân hàng, ít thì cũng có hàng vạn khách hàng, nhiều thì có tới hàng triệu khách hàng dùng thẻ. Ngân hàng đủ khả năng để gọi tất cả khách hàng đến ký, hay gửi từng văn bản cho khách hàng xin xác nhận, rồi phân loại, xử lý kết quả đó. Nhưng làm như vậy, thì khác nào triển khai một loại dịch vụ giao dịch hiện đại, tiện lợi, công nghệ cao, bằng cách làm thủ công, bất tiện, công nghệ thô sơ. Và quan trọng nhất là toàn bộ phí tổn cho những việc ấy, đương nhiên sẽ được cộng thêm vào chi phí cho khách hàng.

Vì vậy, loại phí, mức phí và cách thức thu phí ATM của các ngân trong thời gian vừa qua, tuy chưa phải là tốt nhất, nhưng là việc bình thường, là điều tương đối hợp lý và hoàn toàn có thể chấp nhận được.

  1. Pháp luật và ngân hàng nên làm gì?

Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 gần như chưa động được vào lĩnh vực tài chính, ngân hàng, do có quá nhiều yếu tố đặc thù. Vì vậy, cần thiết phải xem xét xây dựng một đạo luật riêng bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng các dịch vụ tài chính, ngân hàng.

Pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng dịch vụ ATM cần có cơ chế buộc đăng ký các hợp đồng mẫu cung ứng dịch vụ thẻ. Đó là loại hợp đồng theo mẫu 100%, nhưng lại không phải đăng ký, vì quy định sơ hở đến mức ngớ ngẩn của Luật Bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.

Nhưng pháp luật bảo vệ người tiêu dùng sử dụng dịch vụ ATM, tuyệt đối không nên quy định theo cách, phải được cơ quan nhà nước cho phép hay tệ hơn là ấn định luôn mức phí. Cũng không nên đi theo hướng bắt buộc ngân hàng chỉ được thu phí, tăng phí khi đã thoả thuận tay đôi, cụ thể, rõ ràng, chi tiết với từng khách hàng. Phải bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, nhưng nếu bảo vệ theo cách đó thì phản lại quy luật thị trường, là phi kinh tế, phi thực tế và không mang lại hiệu quả tốt cho các bên.

Vấn đề là pháp luật phải tạo ra cho được cơ chế thực sự cạnh tranh tốt nhất, lành mạnh nhất, trong đó có cạnh tranh về phí dịch vụ, tương tự như câu chuyện với mạng điện thoại. Phải làm cho cả hệ thống ngân hàng không liên kết với nhau tăng phí, làm cho các ngân hàng phấn đấu giữ phí ổn định và giảm phí nếu có thể, thay vì tăng phí. Nhưng nếu buộc phải tăng phí, để bảo đảm sự hợp lý của thị trường, thì lại không thể và không nên ngăn cấm. Điều này cũng giống như đối với lãi suất huy động và cho vay. Phải xây được cơ chế, sao cho cùng một thời điểm, người này không dám tăng giá, vì sợ có kẻ khác sẽ sẵn sàng hạ giá.

Ngân hàng Nhà nước không có thẩm quyền và không nên cho hay không cho các ngân hàng thương mại thu phí ATM, càng không được quyền xử phạt các ngân hàng không tuân lệnh ngừng thu phí. Vì những hành vi này phải căn cứ vào quy định cụ thể của của pháp luật (mà quy định thì không có), chứ không thể cứ phát ngôn và hành động theo cảm tính, theo dư luận. Làm trái với Công văn của NHNN mà không trái pháp luật, thì NHNN chỉ có quyền ghi sổ đen, chứ không thể tự mình phạm luật để xử phạt việc làm không sai luật.

Về phía ngân hàng thương mại, nên có sự phân biệt đối xử trong việc thu phí ATM, nhất là phí rút tiền nội mạng. Một trong những giải pháp rất cần xem xét, đó là phân loại giao dịch: Từ chỗ không thu phí, thì nên bắt đầu thu từ từ, ở mức thấp và thu đối với một số trường hợp. Chẳng hạn, rút từ 1 triệu đồng trở lên, thì thu một vài nghìn đồng. Rút dưới 1 triệu đồng, thì miễn phí. Người đã rút tiền triệu, thì không bao giờ đắn đo với mức phí một vài ngàn. Còn những đối tượng có thu nhập thấp (như hưu trí, sinh viên, người nghèo,…) hoặc kể cả người có nhiều tiền, nhưng rút ít để lách phí, thì cần ưu đãi với sự khó khăn thật sự hoặc châm chước với cách tính toán chi ly của họ. Ngân hàng đâu có băn khoăn gì với việc phục vụ khách hàng trực tiếp rút tiền miễn phí tại quầy giao dịch từ xưa đến nay. Phí truy vấn, sao kê, nhắn tin,… thì luôn phải thấp hơn phí rút tiền mặt, vì lợi ích có được và chi phí phải bỏ ra của các dịch vụ này rõ ràng là khác nhau.

Như vậy, việc bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng mới không thiệt hại cho ngân hàng và ngược lại. Và bài tham luận này, tuy không bênh vực quyền lợi của người tiêu dùng, nhưng cũng không thể phủ nhận rằng, quyền lợi của người tiêu dùng thẻ ATM chưa được bảo vệ một cách đúng đắn, cần thiết và khách quan.

Phí dịch vụ ATM đúng là “kẻ móc túi” người tiêu dùng, nhưng “kẻ móc túi” ấy không phạm luật, không hề là kẻ xấu và không đáng bị lên án!

——————————————-

Địa chỉ liên hệ:

ĐC: Công ty Luật ANVI, tầng 2, Tòa nhà Savina, số 1 Đinh Lễ, phố Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, HN

FB: Trương Thanh Đức (www.facebook.com/LSTruongThanhDuc)

E-mail: duc.tt @anvilaw.com

Web: www.anvilaw.com

ĐT: 090.345.9070

 

[1] Điều 16 về “Rút tiền gửi tiết kiệm trước hạn”, Quy chế Tiền gửi tiết kiệm, ban hành kèm theo Quyết định số 1160/2004/QĐ-NHNN ngày 13-9-2004 của Thống đốc NHNN; đã được sửa đổi, bổ sung theo Quyết định số 47/2006/QĐ-NHNN ngày 25-9-2006 và Thông tư số 04/2011/TT-NHNN ngày 10-3-2011.

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

433. Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của...

Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp Tham luận Hội...

Phỏng vấn 

4.392. Bẫy nạn nhân với 'miếng mồi' lãi suất cao.

Bẫy nạn nhân với 'miếng mồi' lãi suất cao. (TT) - Vụ GFDI ở Đà Nẵng...

Trích dẫn 

3.913. Giá vàng ngày một "nóng", có nên nắm giữ...

Giá vàng ngày một "nóng", có nên nắm giữ dài hạn? (KTCK) - Giá vàng tăng...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 232,399