Vì sao thuế thu nhập doanh nghiệp vẫn cao?
(NCLP) Nếu chỉ dựa vào thuế suất để cho rằng thuế thu nhập doanh nghiệp của Việt Nam cao hay thấp là không thuyết phục. Vì đó chỉ là con số vô hồn, con số chết, con số ảo, còn đằng sau thuế suất còn rất nhiều con số và sự kiện khác vô lý, phản kinh tế, phi thực tế, loại trừ chi phí hợp lý, dẫn đến tăng, giảm thu nhập. Do đó, còn nhiều nội dung của Dự thảo sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp cần được xem xét.
Thuế suất vẫn quá cao
Dự thảo luật giảm thuế suất phổ thông từ 25% xuống 23% và đối với một số doanh nghiệp vừa và nhỏ thì giảm xuống 20%. Theo Tờ trình của Chính phủ, thì mức thuế suất phổ thông không cao hơn các nước trong khu vực. Tuy nhiên, theo tôi thuế suất này vẫn còn rất cao, vì bên cạnh con số đó là rất nhiều quy định trói buộc, loại trừ chi phí, tăng thu nhập nộp thuế, giảm thu nhập thực chất.
Cũng như Luật hiện hành, Dự luật tiếp tục nhắc lại một loạt khoản chi không được khấu trừ khi xác định thu nhập chịu thuế. Đó là việc khống chế lãi suất đi vay; khống chế chi phí theo tỷ lệ vốn vay so với vốn chủ sở hữu; khống chế định mức tiêu hao nguyên, nhiên vật liệu; đặc biệt là việc khống chế tỷ lệ chi phí quảng cáo, khuyến mại… Những quy định loại trừ chi phí này có thể đẩy doanh nghiệp vào tình trạng lãi giả, lỗ thật.
Chẳng hạn, quy định rất bất hợp lý từ nhiều năm qua lại tiếp tục xuất hiện trong Dự thảo về việc không được hạch toán vào chi phí: “Phần chi trả lãi tiền vay vốn sản xuất, kinh doanh của đối tượng không phải là tổ chức tín dụng hoặc tổ chức kinh tế, vượt quá 150% mức lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố”. Khi doanh nghiệp không thể vay được tiền ngân hàng với lãi suất thấp, muốn duy trì hoạt động thì phải chấp nhận vay các nguồn khác với lãi suất cao hơn nhiều, nhưng lại bị lạnh lùng loại trừ. Không những thế, Ngân hàng Nhà nước đã bỏ rơi lãi suất cơ bản trong nhiều năm, cho dù lãi suất đó cao hơn hay chỉ bằng một nửa lãi suất cho vay thông thường. Không thể hiểu nổi, có những thời điểm, lãi suất cho vay của ngân hàng trên 20%/năm, nhưng điều luật này lại chỉ tính chi phí đi vay bên ngoài của doanh nghiệp không quá 13,5%/năm, vì dựa vào lãi suất cơ bản hơn 2 năm nay vẫn án binh bất động ở con số chết 9%/năm. Thậm chí chính các ngân hàng nhiều khi cũng còn phải đi vay nhau với lãi suất cao hơn nhiều so với giới hạn này. Vay nhiều vốn, vay với lãi suất cao, thì thu thuế tăng thêm từ thu nhập của người cho vay, chứ không nên “chặn” cả chi phí đầu vào của bên vay vốn.
Tương tự là quy định không được tính vào chi phí đối với “Chi phí trả lãi tiền vay vốn tương ứng với khoản vay vượt quá 4 lần vốn chủ sở hữu, riêng các tổ chức tín dụng, ngân hàng thì tỷ lệ này không quá 10 lần vốn chủ sở hữu; đối với một số ngành, lĩnh vực, doanh nghiệp đã có quy định của pháp luật về tỷ lệ tối thiểu vốn chủ sở hữu trên tổng vốn đầu tư thì thực hiện theo quy định đó”. Thế là một khoản chi hoàn toàn hợp lý, cần thiết, nhưng vẫn cứ ngang nhiên bị loại khỏi chi phí và bị đối xử như là một khoản chi bất hợp pháp. Chưa kể, trong nhiều trường hợp, pháp luật quy định giới hạn huy động vốn so với vốn chủ sở hữu để bảo đảm mục tiêu quản lý an toàn doanh nghiệp của chủ sở hữu, nếu trên mức đó thì phải được cấp cao hơn quyết định, chứ sao lại chuyển hóa chi phí thành thu nhập? Luật đã không cho tính chi phí vốn tự có, tức là không coi vốn đầu tư của cổ đông (nhà đầu tư) là chi phí giống như vốn vay ngân hàng, lại còn phủ nhận cả chi phí rõ ràng đi vay.
Dự luật nâng tỷ lệ khống chế “phần chi quảng cáo, tiếp thị, khuyến mại, hoa hồng môi giới; chi tiếp tân, khánh tiết, hội nghị; chi hỗ trợ tiếp thị, chi hỗ trợ chi phí liên quan trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh” từ 10% lên 15%, nhưng vẫn còn quá thấp. Như vậy, các khoản chi này dù có đủ hoá đơn, chứng từ hợp pháp, hợp lệ 100%, nhưng cũng chưa chắc đã được tính vào chi phí. Đây là điều rõ ràng trái với nguyên tắc cơ bản của hạch toán kinh doanh, phủ nhận thực tế hoàn toàn cần thiết và chính đáng, đó là không phải sản xuất mà bán hàng mới là yếu tố quyết định thành bại trong nền kinh tế thị trường. Và trong trường hợp đó, có khi kinh doanh bị lỗ vốn, nhưng vẫn bị pháp luật coi là có lãi và phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp. Do dó, cần phải bỏ giới hạn này hoặc nếu không bỏ thì cũng phải nâng tỷ lệ khống chế lên ít nhất là 50% trên tổng doanh thu.
Tư duy quan liêu bao cấp cực kỳ ấu trĩ từ cái thời thiếu thốn đủ mọi thứ, lo sợ không chi cho sản xuấtcủa cải vật chất mà cứ dùng cho trung gian thương mại. Vấn đề sống còn ngày nay là bán hàng, chứ không phải sản xuất. Chi cho sản xuất 1, chi cho bán hàng 10 cũng hoàn toàn đúng đắn, cần thiết. Vấn đề mấu hốt là hoá đơn, chứng từ hợp lệ. Luật dường như coi việc chi cho quảng cáo là tiêu gian, là đút túi tư lợi.
Lý giải giới hạn này nhằm bảo vệ doanh nghiệp trong nước trước các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cũng là nhầm tưởng. Mức chi quảng cáo của doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đa quốc gia là vô biên, không bị trói buộc bởi giới hạn này. Doanh nghiệp lớn thì mức 10-15% cũng tương đối đủ nhu cầu. Chủ yếu là chết 97% doanh nghiệp vừa và nhỏ. Quảng cáo cũng tương tự như một khoản đầu tư cho thương hiệu và sản phẩm của doanh nghiệp, sao lại cấm đầu tư?
Quan trọng là các chi phí có thật hay không, chứ không phải là chi bao nhiêu, vì chi phí hợp lệ, hợp pháp của doanh nghiệp này thì cũng chính là thu nhập của doanh nghiệp hoặc cá nhân khác. Đã yêu cầu các khoản được tính vào chi phải hợp pháp, thì cũng cần nới lỏng con số “chết”, trói chân trói tay doanh nghiệp. Trong trường hợp này, việc giảm thu nhập ở doanh nghiệp này đồng nghĩa với việc tăng thu nhập ở doanh nghiệp khác và đặc biệt là góp phần làm giảm tình trạng lách luật không đáng có.
Một khoản khác tiếp tục bị loại trừ khỏi chi phí cũng cần phải xem lại, đó là “Chi trả lãi tiền vay vốn tương ứng với phần vốn điều lệ còn thiếu”, là “Tiền lương, tiền công của chủ doanh nghiệp tư nhân; thù lao trả cho sáng lập viên doanh nghiệp không trực tiếp tham gia điều hành sản xuất, kinh doanh”,… Nếu doanh nghiệp cứ chi trả vô tội vạ cho ai đó, thì cá nhân sẽ phải nộp thuế thu nhập cá nhân, có khi lên đến 35% (trong khi thuế thu nhập doanh nghiệp chỉ có 25%)? Cũng không hiểu tại sao lại xuất hiện cụm từ “sáng lập viên doanh nghiệp”, vì chỉ có những người quản lý và kiểm soát doanh nghiệp mới nhận thù lao, chứ sáng lập viên thì sao lại “nhảy” vào đây. Và cổ đông sáng lập trong Luật Doanh nghiệp thì có phải là sáng lập viên không, rồi sau 3 năm sẽ hết tư cách cổ đông sáng lập theo luật, thì khoản thù lao này có được tính vào chi phí hay không?
Ngoài ra, còn một số khoản chi khác còn tiếp tục bị loại trừ trong các nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành, chẳng hạn như tiền ăn ca không được vượt quá bao nhiêu, hay chi phí trang phục cũng bị khống chế rất chặt chẽ.
Sau khi đã loại trừ hàng loạt chi phí như trên để tính ra thu nhập chịu thuế, thì lại còn tiếp đến các quy định nhằm giảm bớt rất nhiều thu nhập của chủ sở hữu. Đó là cả việc tự nguyện hay bắt buộc phải trích lập, đóng góp rất nhiều khoản từ thu nhập như Quỹ phát triển khoa học và công nghệ, Quỹ đầu tư phát triển, Quỹ dự phòng tài chính, Quỹ phúc lợi, Quỹ khen thưởng,… nếu như muốn phát triển doanh nghiệp một cách bài bản, lâu dài. Lợi nhuận sau đó mới trả cho chủ sở hữu. Và rồi đến lượt người nhận cổ tức lại tiếp tục phải nộp thuế thu nhập cá nhân cho riêng khoản này, với mức đồng loạt 5%. Như vậy lợi nhuận thực sự của những người bỏ vốn sản xuất, kinh doanh để làm ra lợi nhuận đã bị “cắt xén” rất lớn, thậm chí bình quân trong nhiều năm qua còn thấp hơn cả lãi suất tiền gửi ngân hàng.
Nếu cứ thu đúng, thu đủ thuế thu nhập và luôn thu trước tất cả các khoản trên theo Luật thuế hiện hành, thì tiếp tục nguy cơ doanh nghiệp hầu như không còn nguồn vốn để lại để tái đầu tư, người lao động thì chẳng mấy trông mong vào Quỹ phúc lợi, khen thưởng, đặc biệt là người bỏ vốn đầu tư và phải chịu mọi rủi ro cũng không còn được bao nhiêu. Đạo lý và pháp lý ở đâu? Nếu thế thì cần phải quy định rằng, chỉ phải nộp thuế thu nhập nếu nộp xong mà lợi nhuận thu được không thấp hơn lãi suất tiền gửi tiết kiệm.
Nếu vẫn quy định đánh thuế như trên, thì thuế suất 25% hiện nay và 23% dự kiến vẫn là quá cao. Cần phải giảm thuế suất phổ thông xuống mức 20%. Đánh thuế nặng sẽ dẫn đến tình trạng gia tăng trốn thuế, nhất là với khả năng quản lý còn khá yếu kém trên thực tế. Nhà nước giảm thuế suất, thì doanh nghiệp sẽ hạch toán thu nhập trung thực hơn. Các luật thuế nói chung, luật thuế thu nhập doanh nghiệp nói riêng, phải thay đổi được thực trạng nhức nhối hiện nay theo lời “thú tội” của quá nhiều doanh nhân, đó là nếu nộp thuế nghiêm chỉnh đúng như luật thì không bao giờ kinh doanh có lãi.
Nhiều quy định vẫn chưa hợp lý
Bên cạnh những quy định loại trừ, bóc tách chi phí như trên, còn khá nhiều quy định khác cùng nhằm tăng nộp thuế cho nhà nước, giảm lợi tức cho nhà đầu tư cũng chưa hợp lý. Đó là quy định chỉ chấp nhận việc miễn thuế, giảm thuế cho doanh nghiệp lỗ tối đa 3 năm kể từ khi hoạt động. Giải thich điều này để nhằm khắc phục việc lợi dụng chính sách ưu đãi để trục lợi là không hợp lý. Thế thì có công bằng không, trong khi thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính thông thường chỉ có 1 năm, nhưng Điều 110 của Luật Quản lý thuế lại kéo dài thời hiệu xử phạt đối với hành vi vi phạm luật thuế lên tới 5 năm? Rồi lý giải quy định này nhằm “định hướng cho các nhà đầu tư xác định phương án chắc chắn” cũng là không thuyết phục, vì trong kinh doanh, thì triết lý lại là sự rủi ro tăng theo lãi suất.
Việc áp dụng thuế suất thấp hơn thuế suất phổ thông 3% đối với doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa là rất hợp lý. Tuy nhiên, cần xem lại phạm vi quá hạn chế nếu chỉ áp dụng đối với các doanh nghiệp sử dụng dưới 200 lao động và có tổng doanh thu hằng năm dưới 20 tỷ đồng. Như vậy thì quá nhiều doanh nghiệp quy mô vừa, lợi nhuận rất thấp (cả về con số tuyệt đối lẫn tỷ suất) vẫn phải nộp thuế như đối với doanh nghiệp lớn.
Hợp pháp là bởi việc ấn định cứng nhắc của pháp luật nhưng nhiều khi lại không hợp lý và ra rời thực tế. Đó là một trong những nguyên nhân quan trọng đẩy người ta lao vào hợp pháp hóa vi phạm bằng cách: Mua bán hóa đơn, chế biến chứng từ khống, chấp nhận giao dịch giả,…
Tất cả những quy định trên chỉ biết được cho Nhà nước, chẳng lo gì cho doanh nghiệp. Lợi tức của phần lớn các doanh nghiệp thường thấp hơn lãi suất tiền tửi tiết kiệm. Tại sao người ta vẫn kinh doanh. Vì chủ yếu sống bằng trốn thuế và buôn cơ chế. Công cụ quản lý phát triển, Luật Quản lý thuế vừa sửa rất chặt chẽ nhưng Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp thì vẫn theo chiều hướng không quản được thì cấm. Pháp luật hòng bịt gian lận của doanh nghiệp, nhưng thực ra pháp luật chính là thủ phạm tạo ra gian lận và buộc doanh nghiệp phải gian lận.
Văn bản hướng dẫn “đá” luật
Theo giải trình của Chính phủ, Dự luật đã được bổ sung nhiều nội dung để “đảm bảo chính sách rõ ràng, minh bạch”. Tuy nhiên, trên thực tế nhiều năm qua có khá nhiều nội dung không được đề cập đến trong luật, kể cả việc giao thẩm quyền, nhưng vẫn cứ được quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành trong các nghị định, thông tư. Chẳng hạn đối với hoạt động được hưởng mức thuế suất thu nhập 10% như báo in, xuất bản hay “Các khoản chi của hoạt động kinh doanh: ngân hàng, bảo hiểm, xổ số, chứng khoán và một số hoạt động kinh doanh đặc thù khác”. Như vậy, sự “rõ ràng, minh bạch” dường như chỉ để có cơ sở hơn cho các cơ quan nhà nước, chứ từ trước đến nay, dù không “rõ ràng, mình bạch” thì người nộp thuế cũng cứ phải chấp hành.
Hay Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành cũng không hề đề cập đến một trong những khoản chi hợp lý để xác định thuế thu nhập là chi “trang phục” cho người lao động. Đến 2 Nghị định của Chính phủ cũng vẫn bỏ qua việc này. Nhưng cuối cùng, tự dưng xuất hiện quy định khống chế khoản chi và mức chi này tại thông tư. Quy định trái Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật này dẫn đến tình trạng thông tư mới thật sự quyết định vấn đề và đôi khi có giá trị thực tế “cao” hơn cả luật.
Như vậy có nguy cơ Quốc hội không còn thẩm quyền “quy định, sửa đổi hoặc bãi bỏ các thứ thuế” theo Điều 84, Hiến pháp năm 1992 mà chỉ còn quy định về khung thuế. Nếu cứ để tiếp diễn tình trạng này, thì khó tránh khỏi nghịch lý, cứ theo thông tư, nghị định là đủ mà không cần biết luật quy định gì.
Ngoài ra, một số nội dung của các Nghị định hiện hành cũng như Dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành kèm theo Dự luật cũng có những điểm không hợp lý, mà chúng tôi đã chỉ ra trước đây, nhưng vẫn chưa được tiếp thu. Ví dụ quy định về khoản chi là “tiền phạt, tiền bồi thường do vi phạm hợp đồng kinh tế”, trong khi thực chất phải là mọi khoản phạt, bồi thường hợp đồng (thương mại, dân sự, lao động,…), chứ không chỉ có hợp đồng kinh tế. Chưa kể khái niệm “hợp đồng kinh tế” cũng đã rất lỗi thời cùng với sự chấm dứt hiệu lực của Pháp lệnh hợp đồng kinh tế từ năm 1996 và không còn được đề cập đến trong quy định của Luật Thương mại cũng như các đạo luật liên quan.
Cuối cùng, về kỹ thuật lập pháp, quá bất hợp lý với việc lựa chọn cách thức sửa đổi quá nhiều, mà lại không phải là làm hẳn một đạo luật mới thay thế. Dự luật sửa đổi 11 điều, có tới 4.400 chữ, trong khi Luật hiện hành có tổng số 20 điều và chỉ với 3.850 chữ. Tương tự như vậy là Dự thảo Nghị định được trình kèm theo Dự thảo Luật, cùng với một Nghị định trước đó lại dùng tới 12.750 chữ để sửa đổi, bổ sung nội dung Nghị định đầu tiên chỉ có 10.150 chữ, để rồi tạo ra 3 Nghị định đan xen nhằng nhịt với nhau vô cùng rắc rối, phức tạp. Cuối cùng lại phải hợp nhất văn bản, mà phần “cơi nới” rõ ràng lấn át phần chính.
Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên VIAC.
——
Bài đăng Tạp chí Nghiên cứu lập pháp số 08 (240) tháng 4-2013
THUẾ THU NHẬP DOANH NGHIỆP CAO VÌ NHIỀU LẼ[1]
[1] Toà soạn đổi thành: “Vì sao thuế thu nhập doanh nghiệp vẫn cao?”