(ANVI) – Hội thảo Tổng kết thi hành Bộ luật Dân sự năm 2005
Liên đoàn Luật sư Việt Nam – Hà Nội ngày 05-12-2012:
Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định chủ thể quan hệ dân sự gồm có cá nhân, pháp nhân và các chủ thể khác. Hai trong số các chủ thể khác đã được quy định cụ thể là hộ gia đình và tổ hợp tác. Cả 4 chủ thể đã được quy định cụ thể là cá nhân, pháp nhân, hộ gia đình và tổ hợp tác đều còn nhiều điểm không hợp lý, không rõ ràng. Những chủ thể khác nữa, thì đang bị bỏ ngỏ hoặc quy định mập mờ, coi như chưa có quy định.
- Các chủ thể quan hệ dân sự:
2.1. Quan hệ dân sự theo quy định tại Đìều 1 về “Nhiệm vụ và phạm vi điều hỉnh của Bộ luật Dân sự” bao gồm 4 loại quan hệ, đó là quan hệ dân sự; quan hệ hôn nhân và gia đình; quan hệ kinh doanh, thương mại và quan hệ lao động. Đồng thời Điều này của Bộ luật Dân sự quy định có 3 loại chủ thể tham gia quan hệ dân sự bao gồm cá nhân, pháp nhân và các chủ thể khác.
Trong khi đó, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2011 thì lại quy định 3 loại chủ thể tham gia quan hệ tố tụng dân sự là cá nhân, cơ quan và tổ chức (không nhắc đến pháp nhân). Ví dụ, Điều 4 về “Quyền yêu cầu Toà án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp” quy định: “Cá nhân, cơ quan, tổ chức do Bộ luật này quy định có quyền khởi kiện vụ án dân sự, yêu cầu giải quyết việc dân sự tại Toà án có thẩm quyền để yêu cầu Toà án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình hoặc của người khác.”
2.2. Ngoài cá nhân và pháp nhân, Bộ luật Dân sự chỉ quy định các chủ thể khác tham gia quan hệ dân sự gồm hai chủ thể là hộ gia đình (Điều 105 về “Hộ gia đình”) và tổ hợp tác (Điều 111 về “Tổ hợp tác”). Kết hợp giữa quy định của Bộ luật Dân sự, Bộ luật Tố tụng dân sự và các đạo luật liên quan khác, thì có thể suy ra, hộ gia đình, tổ hợp tác, hộ kinh doanh (trong Luật Doanh nghiệp năm 2005) và các chủ thể khác nữa không thể là cá nhân và cũng không phải là pháp nhân, vì vậy, nếu cần đặt tên chung, thì có thể gọi chung là tổ chức (trong đó có cơ quan).
Bộ luật Dân sự và nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác thường xuyên đề cập đến các cơ quan và tổ chức, nhưng chưa thấy giải thích thế nào là cơ quan và thế nào là tổ chức. Từ điển tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học năm 1992 thì giải thích cơ quan là “Đơn vị trong bộ máy nhà nước hoặc đoàn thể, thường làm những nhiệm vụ về hành chính, sự nghiệp”. Cơ quan thì đương nhiên phải là một tổ chức, nhưng khó có thể phân biệt cơ quan khác với tổ chức như thế nào. Chẳng hạn, Điều 109, Hiến pháp năm 1992 quy định “Chính phủ là cơ quan chấp hành của Quốc hội, cơ quan hành chính Nhà nước cao nhất của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.”, tức Chính phủ là một cơ quan nhà nước. Còn khoản 1, Điều 108 về “Hội đồng quản trị”, Luật Doanh nghiệp năm 2005 quy định “Hội đồng quản trị là cơ quan quản lý công ty”, thì Hội đồng quản trị cũng là một cơ quan, nhưng không có tư cách pháp nhân và chỉ là một bộ phận nằm trong một tổ chức kinh tế, một doanh nghiệp.
2.3. Một vấn đề pháp lý được đặt ra là, điều kiện để cá nhân và pháp nhân tham gia quan hệ dân sự đã được Bộ luật Dân sự quy định cụ thể, nhưng một tổ chức không phải là pháp nhân, thì chưa có quy định. Vì vậy, Bộ luật Dân sự sửa đổi sắp tới cần phải làm rõ về những khái niệm và điều kiện chung đối với các chủ thể quan hệ dân sự không phải là cá nhân và pháp nhân. Hay nói cách khác, điều kiện về năng lực pháp luật và năng lực hành vi dân sự của các chủ thể này như thế nào. Và cũng cần làm rõ, chủ thể quan hệ dân sự khác với chủ thể quan hệ pháp luật khác như thế nào. Nếu cứ theo quy định của Bộ luật Dân sự hiện hành, thì gần như không thể xác định được, khi nào và điều kiện nào thì các chủ thể khác trở thành chủ thể của quan hệ dân sự.
- Chủ thể quan hệ dân sự là cá nhân:
2.1. Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định: Chủ thể cá nhân tham gia quan hệ pháp luật dân sự phải có năng lực pháp luật dân sự và năng lực hành vi dân sự. Điều 14 về “Năng lực pháp luật dân sự của cá nhân” quy định: “Năng lực pháp luật dân sự của cá nhân là khả năng của cá nhân có quyền dân sự và nghĩa dân sự”; “Mọi cá nhân đều có năng lực pháp luật dân sự như nhau” và “Năng lực pháp luật dân sự của cá nhân có từ khi người đó sinh ra và chấm dứt khi người đó chết.”. Điều 16 về “Không hạn chế năng lực pháp luật dân sự của cá nhân” quy định: “Năng lực pháp luật dân sự của cá nhân không bị hạn chế, trừ trường hợp do pháp luật quy định.” Như vậy, yếu tố năng lực pháp luật dân sự của cá nhân là điều đương nhiên, về cơ bản không có vấn đề gì cần phải quan tâm xem xét.
Vấn đề chỉ còn xem xét về năng lực hành vi dân sự của cá nhân. Theo quy định tại Điều 17 về “Năng lực hành vi dân sự của cá nhân”, thì: “Năng lực hành vi dân sự của cá nhân là khả năng của cá nhân bằng hành vi của mình xác lập, thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự.” Năng lực hành vi dân sự của cá nhân được Bộ luật Dân sự quy định theo 3 tiêu chí khác nhau phụ thuộc vào độ tuổi, bệnh tật và nghiện.
2.4. Các quy định về năng lực hành vi dân sự trong các trường hợp dưới đây của Bộ luật Dân sự, về cơ bản là hợp lý:
– Người không có năng lực hành vi dân sự do chưa đủ 6 tuổi. Giao dịch dân sự của những người này phải do người đại diện theo pháp luật xác lập, thực hiện (Điều 21 về “Người không có năng lực hành vi dân sự”);
– Người mất năng lực hành vi dân sự theo quyết định của Toà án, là người do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình. Giao dịch dân sự của những người này phải do người đại diện theo pháp luật xác lập, thực hiện (Điều 22 về “Mất năng lực hành vi dân sự”);
– Người hạn chế năng lực hành vi dân sự theo quyết định của Toà án, là người nghiện ma tuý, nghiện các chất kích thích khác dẫn đến phá tán tài sản của gia đình. Giao dịch dân sự liên quan đến tài sản của những người này phải có sự đồng ý của người đại diện theo pháp luật, trừ giao dịch nhằm phục vụ nhu cầu sinh hoạt hằng ngày (Điều 23 về “Hạn chế năng lực hành vi dân sự”).
Tuy nhiên, cần xem xét bổ sung trường hợp người đã thành niên bị hạn chế năng lực hành vi dân sự do bệnh tật hoặc nhược điểm vể thế chất, tinh thần, nhưng chưa đến mức mất năng lực hành vi dân sự.
2.5. Người có năng lực hành vi dân sự một phần do chưa thành niên, là người từ đủ 6 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi. Việc xác lập và thực hiện giao dịch dân sự của những người này phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý, trừ giao dịch nhằm phục vụ nhu cầu sinh hoạt hằng ngày phù hợp với lứa tuổi hoặc pháp luật có quy định khác.
Tuy nhiên, trong quan hệ dân sự hôn nhân, gia đình, thì có một sự bất hợp lý rất lớn là, Điều 9 về “Điều kiện kết hôn”, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 lại quy định, nữ chỉ cần “từ” 18 tuổi trở lên, tức là chưa thành niên, chưa có đầy đủ năng lực hành vi dân sự, lại đã được phép kết hôn.[2]
Riêng người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi có tài sản riêng bảo đảm thực hiện nghĩa vụ thì có thể tự xác lập và thực hiện giao dịch dân sự mà không cần phải có sự đồng ý của người đại diện theo pháp luật, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác (Điều 20 về “Năng lực hành vi dân sự của người chưa thành niên từ đủ sáu tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi”). Căn cứ vào đó, một số văn bản pháp quy đã quy định về độ tuổi được phép thực hiện các giao dịch dân sự. Ví dụ, khoản 2, Điều 7 về “Điều kiện thực hiện các giao dịch liên quan đến tiền gửi tiết kiệm”, Quy chế về Tiền gửi tiết kiệm, ban hành kèm theo Quyết định số 1160/2004/QĐ-NHNN ngày 13-9-2004 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định: Cá nhân “từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi nhưng có tài sản riêng đủ để đảm bảo việc thực hiện nghĩa vụ dân sự theo quy định của Bộ luật Dân sự thì được thực hiện các giao dịch liên quan đến tiền gửi tiết kiệm.”
Trên thực tế, các ngân hàng đều coi giao dịch tiền gửi tiết kiệm cũng là một dạng của giao dịch tài khoản. Tuy nhiên, điểm a, khoản 2, Điều 2 về “Đối tượng được mở tài khoản tiền gửi thanh toán”, Quy chế Mở và sử dụng tài khoản tiền gửi tại ngân hàng nhà nước và tổ chức tín dụng, ban hành kèm theo Quyết định số 1284/2002/QĐ-NHNN2 ngày 21-11-2002 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước thì lại quy định: Cá nhân mở tài khoản phải “có năng lực pháp luật dân sự và năng lực hành vi dân sự”; đối với người chưa thành niên, thì “mọi thủ tục mở và sử dụng tài khoản tiền gửi phải thực hiện thông qua người giám hộ, người đại diện theo pháp luật.” Quy định mọi thủ tục mở và sử dụng tài khoản tiền gửi của người chưa thành niên từ đủ 15 tuổi phải thực hiện thông qua người giám hộ hoặc người đại diện theo pháp luật, là quá chặt so với quy định tại Điều 20 nói trên của Bộ luật Dân sự, đồng thời mâu thuẫn với quy định tương tự về độ tuổi được phép giao dịch gửi tiền tiết kiệm nói trên tại Quyết định số 1160/2004/QĐ-NHNN.
Khoản 2, Điều 10 về “Mở tài khoản thanh toán cho cá nhân và tổ chức không phải là tổ chức tín dụng”, Nghị định số 101/2012/NĐ-CP ngày 22-11-2012 của Chính phủ về Thanh toán không dùng tiền mặt (có hiệu lực từ ngày 26-3-2013) thì quy định: “Người mở tài khoản thanh toán là cá nhân phải có năng lực pháp luật dân sự và năng lực hành vi dân sự; người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi có tài sản riêng. Đối với người chưa thành niên, khi mở tài khoản thanh toán phải có người giám hộ theo quy định của pháp luật.” Quy định về mở tài khoản tại Nghị định này và tại Quyết định số 1284/2002/QĐ-NHNN2 nói trên có phần trái với quy định tại Điều 6 của Bộ luật Lao động năm 2004 về quyền độc lập giao kết hợp đồng lao động của “Người lao động là người ít nhất đủ 15 tuổi”. Vì, người lao động được quyền tự mình ký hợp đồng lao động, nhưng khi mở tài khoản tại ngân hàng để nhận lương, thanh toán và sử dụng ATM thì lại phải thông qua người giám hộ. Như vậy thì khác nào Nghị định về thanh toán không dùng tiền mặt đã đi ngược mục tiêu tăng cường thanh toán không dùng tiền mặt?
2.6. Bộ luật Dân sự không đề cập gì đến năng lực hành vi dân sự của người chưa thành niên từ 9 tuổi trở lên. Tuy nhiên, khoản 2, Điều 27 về “Quyền thay đổi họ, tên” lại quy định: “Việc thay đổi họ, tên cho người từ đủ chín tuổi trở lên phải có sự đồng ý của người đó.” Đặc biệt, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2010) lại có 6 điều quy định liên quan đến người chưa thành niên từ đủ 9 tuổi trở lên, đó là:
– Việc thay đổi họ, tên của con nuôi từ đủ 9 tuổi trở lên phải được sự đồng ý của người đó (khoản 1, Điều 7 về “Thay đổi họ, tên; xác định dân tộc của con nuôi”);
– Việc nhận trẻ em từ đủ 9 tuổi trở lên làm con nuôi phải được sự đồng ý của trẻ em đó (khoản 2, Điều 71 về “Sự đồng ý của cha mẹ đẻ, người giám hộ và người được nhận làm con nuôi”);
– Khi quyết định các vấn đề liên quan đến nhân thân, tài sản của em chưa thành niên thì anh, chị là người giám hộ của em phải tham khảo ý kiến của của em, nếu em từ đủ 9 tuổi trở lên (khoản 2, Điều 83 về “Giám hộ giữa anh, chị, em”);
– Nếu vợ chồng không thoả thuận được việc giao con cho ai muôi, thì Toà án quyết định và nếu con từ đủ 9 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con (khoản 2, Điều 92 về “Việc trông nom, chăm sóc, giáo dục, nuôi dưỡng con sau khi ly hôn”);
– Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn phải tính đến nguyện vọng của con, nếu con từ đủ 9 tuổi trở lên (Điều 93 về “Thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn”).
Vì vậy, cần được bổ sung trong Bộ luật Dân sự sửa đổi về năng lực hành vi của người chưa thành niên từ đủ 9 tuổi trở lên, để làm căn cứ đặt ra các quy định liên quan nói trên.
2.7. Bộ luật Dân sự cũng không có quy định về năng lực pháp luật dân sự của người từ đủ 14 tuổi trở lên. Trong khi đó nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác căn cứ vào độ tuổi 14 để xác định quyền và nghĩa vụ rất quan trọng của cá nhân như:
– Người từ đủ 14 tuổi trở lên được cấp Chứng minh nhân dân (khoản 1, Điều 3 về “Đối tượng được cấp Chứng minh nhân dân”, Nghị định số 05/1999/NĐ-CP ngày 03-02-1999 của Chính phủ về Chứng minh nhân dân, sửa đổi bổ sung năm 2007);
– Người từ đủ 14 tuổi trở lên, bắt đầu phải chịu trách nhiệm hình sự (khoản 2, Điều 12 về “Tuổi chịu trách nhiệm hình sự”, Bộ luật Hình sự năm 1999, sửa đổi, bổ sung năm 2009);
– Việc định đoạt tài sản vì lợi ích của con, có “tính đến nguyện vọng của con” trong trường hợp cha mẹ quản lý tài sản riêng của con dưới 15 tuổi (đúng ra phải là từ đủ 14 tuổi trở lên hoặc chưa đủ 15 tuổi) (Điều 46 về “Định đoạt tài sản riêng của con chưa thành niên”, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000);
– Người từ đủ 14 tuổi trở lên có thể bị bắt, tạm giữ, tạm giam (Điều 303 về “Bắt, tạm giữ, tạm giam”, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003);
– Gia đình, nhà ở tập thể, cơ sở chữa bệnh, khách sạn, nhà nghỉ, cơ sở khác khi có người từ đủ 14 tuổi trở lên đến lưu trú có trách nhiệm thông báo việc lưu trú với Công an xã, phường, thị trấn (khoản 2, Điều 31 về “Lưu trú và thông báo lưu trú”, Luật Cư trú năm 2006);
– Hồ sơ xin thôi quốc tịch Việt Nam của người dưới 14 tuổi (đúng ra phải là chưa đủ 14 tuổi) thì không phải qua thủ tục xác minh về nhân thân (Điều 30 về “Miễn thủ tục xác minh về nhân thân, Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008”;
– Người từ đủ 14 tuổi trở lên bắt đầu bị xử phạt bi phạm hành chính (điểm a, khoản 1, Điều 5 về “Đối tượng bị xử lý vi phạm hành chính”, Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012);
– Người học nghề, tập nghề để làm việc cho người sử dụng lao động phải đủ 14 tuổi (khoản 1, Điều 61 về “Học nghề, tập nghề để làm việc cho người sử dụng lao động”, Bộ luật Lao động năm 2012).
Vì vậy, Bộ luật Dân sự cần có những quy định về năng lực hành vi của người chưa thành niên từ đủ 14 tuổi trở lên, để bảo đảm sự có lý và đồng bộ cần thiết của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật.
- Chủ thể quan hệ dân sự là pháp nhân:[3]
4.1. Xác định chủ thể quan hệ dân sự là pháp nhân hay không là một điều đặc biệt quan trọng trong giao dịch dân sự. Tuy nhiên, trên thực tế thì việc phân biệt lại không hề đơn giản, nhất là đối với các các tổ chức phi kinh tế, trong đó có các cơ quan, tổ chức hành chính, nhà nước. Điều 84 về “Pháp nhân” của Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định: “Một tổ chức được công nhận là pháp nhân khi có đủ 4 điều kiện sau đây:
– Thứ nhất, là được thành lập hợp pháp;
– Thứ hai, là có cơ cấu tổ chức chặt chẽ;
– Thứ ba, là có tài sản độc lập với cá nhân, tổ chức khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản đó;
– Thứ tư, là nhân danh mình tham gia các quan hệ pháp luật một cách độc lập.
Cần phải xem lại 4 điều kiện của pháp nhân, mà thực chất là 5, vì riêng điều kiện thứ ba có thể tính gồm 2 điều kiện nhỏ là: “Có tài sản độc lập với cá nhân, tổ chức khác” và “Tự chịu trách nhiệm bằng tài sản đó”.
Trong 4 điều kiện nói trên, thì chỉ cần 2 điều kiện để trở thành một pháp nhân, đó là “Được thành lập hợp pháp” và “có tài sản độc lập với cá nhân và pháp nhân khác” là đủ. Điều kiện thứ hai, “Có cơ cấu tổ chức chặt chẽ” là không cần thiết. Chẳng hạn đa số Công ty TNHH 1 thành viên là cá nhân, thì không cần thiết phải “có cơ cấu tổ chức chặt chẽ”. Đặc biệt trường hợp tổ hợp tác xã là pháp nhân theo quy định tại đoạn 2, khoản 1, Điều 111 về “Tổ hợp tác” của Bộ luật Dân sự.
Điều kiện thứ ba, chỉ cần “có tài sản độc lập với cá nhân, tổ chức khác”, mà không cần phải thêm “tự chịu trách nhiệm bằng tài sản đó”, vì đó chỉ là hệ quả của điều kiện độc lập về tài sản.
Còn điều kiện thứ tư là “Nhân danh mình tham gia các quan hệ pháp luật một cách độc lập”, thì chỉ nên coi là hệ quả tất yếu của một pháp nhân.
4.2. Điều 100 về “Các loại pháp nhân”, Bộ luật Dân sự đã liệt kê ra 5 loại pháp nhân và 1 loại khác, gồm
– Cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân;
– Tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội;
– Tổ chức kinh tế;
– Tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp;
– Quỹ xã hội, quỹ từ thiện;
– Tổ chức khác có đủ các điều kiện quy định về pháp nhân.
Đó là một sự phân loại lộn xộn, không dựa trên một tiêu chí khoa học, hợp lý, nhất quán nào, đặc biệt, là yếu tố chính trị trong 2 nhóm pháp nhân là “Tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội” và “Tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp”. Luật Đất đai năm 2003 (trước Bộ luật Dân sự 2 năm) đã đề cấp đến việc giao đất cho 2 loại tổ chức khác, không nằm trong Điều trên, đó là “tổ chức kinh tế – xã hội” và “tổ chức sự nghiệp công”, mà theo suy đoán thì cũng có tư cách pháp nhân. Đặc biệt là tổ chức sự nghiệp đã được quy định trong rất nhiều văn bản quy phạm pháp luật.
Trong khi đó, Điều 1 về “Phạm vi điều chỉnh và nhiệm vụ của Bộ luật Tố tụng dân sự” của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004 (sửa đổi năm 2011), khi liệt kê các chủ thể tham gia quan hệ tố tụng dân sự, mặc dù là sự nhắc lại các loại pháp nhân theo quy định tại Điều 100 của Bộ luật Dân sự, nhưng lại không thấy có “quỹ xã hội, quỹ từ thiện.”
4.3. Nếu căn cứ vào 4 điều kiện cụ thể, rõ ràng nói trên, thì chỉ phân biệt được giữa pháp nhân với đơn vị phụ thuộc pháp nhân, chứ hầu như không xác định và lý giải được tổ chức nào là có hay không có tư cách pháp nhân. Trên thực tế, gần như phải dựa hoàn toàn vào các văn bản quy phạm pháp luật hoặc quyết định thành lập xác định các tổ chức nào đó có hay không có tư cách pháp nhân. Chẳng hạn đối chiếu với 4 điều kiện của pháp nhân trong Bộ luật Dân sự, thì đều là các công ty hợp danh như nhau, nhưng Luật Doanh nghiệp năm 1999 thì xác định là không có tư cách pháp nhân, còn Luật Doanh nghiệp năm 2005 thì lại xác định đó là pháp nhân (Điều 130 về “Công ty hợp danh”). Hay Công đoàn của một pháp nhân hoặc một doanh nghiệp tư nhân, thậm chí Công đoàn của một Chi nhánh doanh nghiệp, cũng có tư cách pháp nhân (khoản 3, Điều 1, Luật Công đoàn năm 1990), nhưng Chi đoàn cũng của các đơn vị ấy, thì lại không biết có hay không có tư cách pháp nhân.
Các công ty là loại hình tổ chức dễ phân biệt tư cách pháp nhân nhất, vì đã là công ty theo Luật Doanh nghiệp thì đều đương nhiên có tư cách pháp nhân. Tuy nhiên, cách đặt tên trên thực tế, nhất là việc chuyển đổi mô hình doanh nghiệp nhà nước, thì đã gây ra rối loạn, rất khó phân biệt. Chẳng hạn hiện nay bên cạnh 11 tập doàn kinh tế nhà nước có tư cách pháp nhân (do Thủ tướng Chính phủ thành lập, mà bản chất là những công ty mẹ), thì cũng lại song hành có 11 tập đoàn khác không có tư cách pháp nhân, bao gồm công ty mẹ và các công ty con, công ty liên kết (theo đúng khoản 2, Điều 38 về “Hướng dẫn bổ sung về tập đoàn kinh tế“, Nghị định số 102/2010/NĐ-CP ngày 01-10-2010 của Chính phủ Hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật Doanh nghiệp) mà tên gọi thì gần như nhau, thậm chí đôi khi trùng lặp. Hay tên gọi chính thức và con dấu của một tổ chức ghi là “Công ty Vận tải biển Vinalines” (thuộc Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam), nhưng lại chỉ là một chi nhánh. Thậm chí một tổ chức có tên tuổi rõ ràng là “Công ty Điện thoại Đông thành phố” nhưng lại chỉ là một bộ phận của một Chi nhánh (Chi nhánh Viễn thông thành phố Hồ Chí Minh) thuộc Tập đoàn Bưu chính Viên thông Việt Nam (tức là một Công ty).
4.4. Ngoải ra, Điều 92 về “Văn phòng đại diện, chi nhánh của pháp nhân”, Bộ luật Dân sự năm 2005 chỉ quy định pháp nhân có văn phòng đại diện và chi nhánh. Nhưng Điều 37 về “Văn phòng đại diện, chi nhánh, địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp”, Luật Doanh nghiệp năm 2005, thì còn có thêm “địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp”. Hay các ngân hàng thì lại có Phòng giao dịch và quỹ tiết kiệm, là một dạng tổ chức không phải chi nhánh. Cũng Điều 92 của Bộ luật Dân sự thì chỉ quy định “chi nhánh của pháp nhân”, mà không quy định chi nhánh của tổ chức, trong khi đó, Luật Doanh nghiệp lại quy định doanh nghiệp tư nhân (không phải là pháp nhân) cũng có chi nhánh. Ngược lại, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004 thì lại chỉ quy định “chi nhánh tổ chức” mà không có “chi nhánh của pháp nhân”. Như vậy, Bộ luật Dân sự đã thiếu những quy định cần thiết để bao quát hết các đơn vị phụ thuộc của pháp nhân.
Một số từ ngữ sử dụng trong Bộ luật Dân sự liên quan đến pháp nhân cũng không thống nhất với các đạo luật khác, như “sáng lập viên” (khoản 1, Điều 88 về “Điều lệ của pháp nhân”), trong khi Luật Doanh nghiệp gọi là thành viên sáng lập công ty TNHH, công ty hợp danh và cổ đông sáng lập của công ty cổ phần; hay “Cơ quan điều hành” (Điều 89 Bộ luật Dân sự về “Cơ quan điều hành của pháp nhân”), trong khi theo Luật Doanh nghiệp thì không xác định được cơ quan điều hành của công ty là gì, vì chỉ có cơ quan quản lý, người quản lý và người điều hành.
4.5. Vấn đề pháp lý quan trọng nhất là, cần có quy định rõ về sự khác nhau trong việc tham gia quan hệ dân sự của hai loại hình chủ thể là pháp nhân và các chủ thể là tổ chức khác không có tư cách pháp nhân (và không phải là tổ chức phụ thuộc của pháp nhân). Để việc xác định tư cách chủ thể quan hệ dân sự một cách đơn giản, rõ ràng và để phát triển giao dịch dân sự, thì cần quy định theo hướng thu hẹp điều kiện của pháp nhân, mở rộng các chủ thể được công nhận là pháp nhân.
4.1. Khoản 1, Điều 111 về “Tổ hợp tác”, Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định: “Tổ hợp tác được hình thành trên cơ sở hợp đồng hợp tác có chứng thực của Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn của từ ba cá nhân trở lên, cùng đóng góp tài sản, công sức để thực hiện những công việc nhất định, cùng hưởng lợi và cùng chịu trách nhiệm là chủ thể trong các quan hệ dân sự.”
Điều 12 về ”Quyền của tổ hợp tác”, Nghị định số 151/2007/NĐ-CP ngày 10-10-2007 của Chinh phủ Về tổ chức và hoạt động của tổ hợp tác quy định: Tổ hợp tác được lựa chọn ngành, nghề sản xuất, kinh doanh; được trực tiếp xuất khẩu, nhập khẩu hoặc liên doanh, liên kết với tổ chức, cá nhân trong nước và tổ chức, cá nhân nước ngoài để mở rộng sản xuất, kinh doanh; được mở tài khoản riêng tại ngân hàng,…. Tuy nhiên, khoản 5 Điều này lại chỉ quy định “được ký kết các hợp đồng dân sự”. Vậy, tỏ hợp tác có được ký hợp đồng thương mại, lao động,… thậm chí là “giao kết” hợp đồng dân sự hay không?
4.2. Cũng tại khoản 1, Điều 111 về “Tổ hợp tác”, Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định: “Tổ hợp tác có đủ điều kiện để trở thành pháp nhân theo quy định của pháp luật thì đăng ký hoạt động với tư cách pháp nhân tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền.”
Việc quy định một số tổ hợp tác có thể trở thành pháp nhân là không hợp lý. Cần hoặc là công nhận tất cả các tổ hợp tác là pháp nhân hoặc là tất cả đều không có tư cách pháp nhân (muốn trở thành pháp nhân thì phải chuyển đổi thành hợp tác xã hay tổ chức kinh tế khác).
- Chủ thể quan hệ dân sự là hộ gia đình:
5.1. Điều 106 về “Hộ gia đình”, Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định: “Hộ gia đình mà các thành viên có tài sản chung, cùng đóng góp công sức để hoạt động kinh tế chung trong sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp hoặc một số lĩnh vực sản xuất, kinh doanh khác do pháp luật quy định là chủ thể khi tham gia quan hệ dân sự thuộc các lĩnh vực này.”
Hiện nay đã có rất nhiều văn bản quy phạm pháp luật đưa hộ gia đình vào đủ loại quan hệ và theo đó cũng tham gia vào các quan hệ dân sự chưa được quy định trong Bộ luật Dân sự đối với hộ gia đình. Trong khi, theo đúng quy định trên, nếu hộ gia đình không “hoạt động kinh tế” thì không phải là chủ thể tham gia quan hệ dân sự. Còn khi đã “hoạt động kinh tế”, thì hộ gia đình lại trùng với hộ kinh doanh (có hoặc không phải đăng ký kinh doanh). Điều 49 về “Hộ kinh doanh”, Nghị định số 43/2010/NĐ-CP ngày 15-4-2010 của Chính phủ về Đăng ký doanh nghiệp, quy định:
– Nếu hộ gia đình sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, làm muối và những người bán hàng rong, quà vặt, buôn chuyến, kinh doanh lưu động, làm dịch vụ có thu nhập thấp thì không phải đăng ký kinh doanh, trừ trường hợp kinh doanh các ngành, nghề có điều kiện;
– Nếu hộ gia đình đăng ký kinh doanh thì sẽ trở thành hộ kinh doanh theo quy định của Luật Doanh nghiệp.
5.2. Để giao dịch hợp pháp với hộ gia đình, thì vấn đề quan trọng nhất là phải xác định được các thành viên của hộ. Nhưng vì không có quy định thế nào là thành viên của hộ gia đình, do đó gần như không thể xác định được đúng tư cách các thành viên của hộ gia đình nói chung cũng như trong một giao dịch cụ thể nói riêng. Điều này đã, đang và sẽ gây ra rất nhiều khó khăn và rủi ro pháp lý đối với các giao dịch mà chủ thể là hộ gia đình.[4]
5.3. Vì vậy, cần phải loại bỏ chủ thể Hộ gia đình ra khỏi Bộ luật Dân sự. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn cần phải giải thích rõ cơ sở xác định chủ thể và các thành viên của Hộ gia đình để giải quyết hậu quả pháp lý đối với những giao dịch dân sự liên quan đến Hộ gia đình trong 40 đạo luật hiện hành trên tổng số 52 đạo luật có nhắc đến Hộ gia đình.
- Chủ thể quan hệ dân sự là hộ kinh doanh:
6.1. Khoản 1, Điều 49 về “Hộ kinh doanh”, Nghị định số 43/2010/NĐ-CP của Chính phủ về Đăng ký doanh nghiệp quy định: “Hộ kinh doanh do một cá nhân là công dân Việt Nam hoặc một nhóm người hoặc một hộ gia đình làm chủ, chỉ được đăng ký kinh doanh tại một địa điểm, sử dụng không quá mười lao động, không có con dấu và chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với hoạt động kinh doanh.”
Khoản 4, Điều 170 về “Áp dụng đối với các doanh nghiệp được thành lập trước khi Luật này có hiệu lực”, Luật Doanh nghiệp năm 2005 quy định: “Hộ kinh doanh sử dụng thường xuyên từ mười lao động trở lên phải đăng ký thành lập doanh nghiệp.”
Hộ kinh doanh có thể là một cá nhân, một nhóm cá nhân hay một gia đình theo quy định tại khoản 2, Điều 2 về “Đối tượng áp dụng”, Nghị định số 43/2010/NĐ-CP : “Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình thực hiện đăng ký hộ kinh doanh theo quy định của Nghị định này”.
6.2. Luật Thương mại thì lại không gọi tên là hộ kinh doanh như Luật Doanh nghiệp, mà chỉ có các chủ thẻ là tổ chức, cá nhân và “thương nhân”, trong đó thương nhân cũng chính là một cá nhân “hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên và có đăng ký kinh doanh” (Điều 6 về “Thương nhân”, Luật Thương mại năm 2005).
- Chủ thể quan hệ dân sự là doanh nghiệp tư nhân:
7.1. Khoản 1, Điều 141 về “Doanh nghiệp tư nhân”, Luật Doanh nghiệp năm 2005 quy định: “Doanh nghiệp tư nhân là doanh nghiệp do một cá nhân làm chủ và tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp.”
Doanh nghiệp tư nhân là một tổ chức kinh tế không có tư cách pháp nhân (Luật không chỉ rõ điều này). Khoản 3, Điều 143 về “Quản lý doanh nghiệp”, Luật Doanh nghiệp quy định “Chủ doanh nghiệp tư nhân là nguyên đơn, bị đơn hoặc người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trước Trọng tài hoặc Toà án trong các tranh chấp liên quan đến doanh nghiệp.” Vậy yếu tố tổ chức của doanh nghiệp có ý nghĩa thế nào trong trường hợp này, vì nếu là tổ chức, thì nguyên đơn hoặc bị đơn phải chủ thể tổ chức, trong đó chủ doanh nghiệp tư nhân đương nhiên là người đại diện theo pháp luật (cũng giống như Công ty TNHH 1 thành viên là cá nhân làm chủ sở hữu, thì công ty chứ không phải là chủ công ty là nguyên đơn, bị đơn).
7.2. Đây là một loại hình tổ chức kinh tế quan trọng, khá phổ biến, tham gia rất nhiều quan hệ dân sự, nhưng cũng như nhiều tổ chức khác, đều chưa được Bộ luật Dân sự quy định về điều kiện chung tham gia quan hệ dân sự.
- Chủ thể quan hệ dân sự là Ban quản trị nhà chung cư:
8.1. Khoản 2 và 7, Điều 72 về “Quyền và trách nhiệm của Ban quản trị”, Luật Nhà ở năm 2006 quy định: Ban quản trị nhà chung cư có quyền và trách nhiệm “Lựa chọn và ký hợp đồng với doanh nghiệp quản lý vận hành nhà chung cư; huỷ bỏ hợp đồng trong trường hợp doanh nghiệp đó không thực hiện đúng cam kết; giám sát hoạt động của doanh nghiệp quản lý nhà chung cư theo nội dung hợp đồng đã ký” và “Thanh toán kinh phí cho doanh nghiệp quản lý vận hành nhà chung cư theo hợp đồng đã ký”.
Điểm d, khoản 2, Điều 12 về “Ban quản trị nhà chung cư”, Quy chế Quản lý sử dụng nhà chung cư, ban hành kèm theo Quyết định số 08/2008/QĐ-BXD ngày 28-5-2008 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng quy định thêm: Ban quản trị nhà chung cư được quyền ký kết “hợp đồng bảo trì với doanh nghiệp có tư cách pháp nhân về xây dựng” (việc lựa chọn các doanh nghiệp này phải được thông qua Hội nghị nhà chung cư).
Nếu cứ theo đúng quy định của pháp luật, thì Ban quản trị nhà chung cư chỉ được ký 2 loại hợp đồng, đó là “hợp đồng với doanh nghiệp quản lý vận hành nhà chung cư” và “hợp đồng bảo trì với doanh nghiệp”. Như vậy, sẽ không được ký hợp đồng để sửa chữa nhà chung cư, cho đặt biển quảng cáo trong cầu thang máy hay ký hợp đồng cho ngân hàng đặt ATM. Và như vậy, thì cũng sẽ không có ai khác có thẩm quyền ký các hợp đồng này?
8.2. Không tìm thấy bất cứ quy định nào trong Bộ luật Dân sự đề cập đến loại hình tổ chức như thế này nói riêng và các tổ chức không có tư cách pháp nhân khác nói chung, trong khi chúng vẫn thường xuyên tham gia các giao dịch dân sự. Áp vào 4 điều kiện của pháp nhân theo quy định tại Điều 84 của Bộ luật Dân sự, thì cũng không thể khẳng định được Ban quản trị nhà chung cư có phải hay không phải là một pháp nhân. Nếu là pháp nhân thì có lẽ là chủ thể tổ chức duy nhất (ngoài doanh nghiệp tư nhân) được luật chỉ rõ là được ký hợp đồng, nhưng chắc cũng lại là tổ chức duy nhất được ký hợp đồng mà lại không có con dấu như các tổ chức khác. Nếu Ban quản trị nhà chung cư không phải là pháp nhân, thì chịu trách nhiệm dân sự hữu hạn, vô hạn đến đâu trong quan hệ dân sự? Tất cả đều không thể tìm thấy câu trả lời thoả đáng.
- Chủ thể quan hệ dân sự là các tổ chức khác:
9.1. Rất nhiều đạo luật quy định về các chủ thể là cá nhân và tổ chức, mà ít khi đề cập đến pháp nhân. Nếu tổ chức có tư cách pháp nhân, thì vấn đề trở thành đơn giản. Nhưng hầu hết các tổ chức, tức là các chủ thể khác của quan hệ dân sự, không được Bộ luật Dân sự cũng như các đạo luật xác định rõ có hay không có tư cách pháp nhân. Chẳng hạn, đất do Nhà nước giao đất hoặc công nhận quyền sử dụng đất cho người sử dụng đất là cộng đồng dân cư (cộng đồng người Việt Nam sinh sống trên cùng địa bàn thôn, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc và các điểm dân cư tương tự có cùng phong tục, tập quán hoặc có chung dòng họ theo quy định tại khoản 3, Điều 9. “Người sử dụng đất”, Luật Đất đai) hoặc đất do Nhà nước giao đất hoặc công nhận quyền sử dụng đất cho người sử dụng đất là cơ sở tôn giáo (gồm chùa, nhà thờ, thánh thất, thánh đường, tu viện, trường đào tạo riêng của tôn giáo, trụ sở của tổ chức tôn giáo và các cơ sở khác của tôn giáo theo quy định tại khoản 4, Điều 9. “Người sử dụng đất”, Luật Đất đai). Vậy các chủ thể tham gia quan hệ đất đai này có được tham gia quan hệ pháp luật dân sự mua bán, chuyển nhượng, thế chấp quyền sử dụng đất theo quy định của Bộ luật Dân sự như đối với các cá nhân và pháp nhân hay không? Hiện nay, mọi thứ đều không rõ ràng, nhưng đang hiểu ngầm rằng, giao dịch về đất đai chỉ được phép thực hiện trong các trường hợp Luật Đất đai chỉ rõ. Và như vậy thì những tổ chức trên có hay không phải là chủ thể trong một số quan hệ dân sự liên quan đến việc quản lý, sử dụng đất đai được giao?
Hay như Luật Giáo dục năm 2005 quy định các cơ sở giáo dục dưới đây được tham gia quan hệ dân sự với tư cách gì, pháp nhân hay là tổ chức phi pháp nhân:
– Cơ sở giáo dục mầm non bao gồm: Nhà trẻ, nhóm trẻ; trường, lớp mẫu giáo và trường mầm non (Điều 25);
– Cơ sở giáo dục phổ thông bao gồm: Trường tiểu học, trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông, trường phổ thông có nhiều cấp học và trung tâm kỹ thuật tổng hợp – hướng nghiệp (Điều 30);
– Cơ sở giáo dục nghề nghiệp bao gồm: Trường trung cấp chuyên nghiệp; trường cao đẳng nghề, trường trung cấp nghề, trung tâm dạy nghề, lớp dạy nghề (Điều 36);
– Cơ sở giáo dục đại học bao gồm: Trường cao đẳng, trường đại học, viện nghiên cứu khoa học (Điều 42);
– Cơ sở giáo dục thường xuyên bao gồm: Trung tâm giáo dục thường xuyên, Trung tâm học tập cộng đồng (Điều 46).
Hoặc tương tự là quy định tại khoản 1, Điều 41 về “Các hình thức tổ chức của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh”, Luật Khám bệnh, chữa bênh năm 2009 quy định các hình thức tổ chức của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bao gồm:
– Bệnh viện;
– Cơ sở giám định y khoa;
– Phòng khám đa khoa;
– Phòng khám chuyên khoa, bác sỹ gia đình;
– Phòng chẩn trị y học cổ truyền;
– Nhà hộ sinh;
– Cơ sở chẩn đoán;
– Cơ sở dịch vụ y tế;
– Trạm y tế cấp xã và tương đương;
– Các hình thức tổ chức khám bệnh, chữa bệnh khác.
Các tổ chức, cơ sở nói trên và nhiều tổ chức tương tự khác có phải đáp ứng được những yêu cầu gì chung nhất của chủ thể quan hệ dân sự, như năng lực pháp luật, năng lực hành vi dân sự thế nào hay không?
9.2. Như vậy, ngoài các chủ thể cá nhân, pháp nhân hộ gia đình, tổ hợp tác trong Bộ luật Dân sự và doanh nghiệp tư nhân trong Luật Doanh nghiệp đã được quy định rõ trách nhiệm hữu hạn hoặc vô hạn trong giao dịch dân sự. Còn các tổ chức khác, thì hầu như không được quy định rõ có tư cách pháp nhân hay không và hầu như không thấy quy định rõ về giới hạn trách nhiệm dân sự khi tham gia vào các quan hệ dân sự. Vì vậy, có thể xem xét quy định trong Bộ luật Dân sự sửa đổi một số vấn đề nhằm xác định rõ tư cách tham gia quan hệ dân sự của chủ thể khác ngoài cá nhân và pháp nhân, với một số gợi ý sơ khai như sau:
– Các chủ thể quan hệ dân sự, nếu không được văn bản quy phạm pháp luật xác định rõ là có tư cách pháp nhân, thì đương nhiên không có tư cách pháp nhân; tuy nhiên vẫn có đủ tư cách pháp lý để tham gia quan hệ dân sự liên quan theo quy định của pháp luật;
– Các chủ thể không phải là cá nhân hoặc pháp nhân chỉ được tham gia quan hệ dân sự trong trường hợp có quy định cụ thể của pháp luật cho phép (hoặc không có quy định hạn chế của pháp luật), và chịu trách nhiệm vô hạn (hoặc xác định chịu trách nhiệm cụ thể);
– Chủ thể không phải là cá nhân hoặc pháp nhân được được tham gia vào các quan hệ pháp luật khác mà pháp luật cho phép và tham gia vào các quan hệ nội bộ của liên minh, tập đoàn, tổ, nhóm,… không bị hạn chế;
– Tổ chức không có tư cách pháp nhân, nhưng là một bộ phận phụ thuộc pháp nhân thì tham gia quan hệ dân sự với tư cách của pháp nhân và giới hạn trong trách nhiệm của pháp nhân.
———————————————
Địa chỉ liên hệ:
ĐC: Công ty Luật ANVI, tầng 2, Tòa nhà Savina, số 1 Đinh Lễ, phố Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, HN
FB: Trương Thanh Đức (www.facebook.com/LSTruongThanhDuc)
E-mail: duc.tt @anvilaw.com
Web: www.anvilaw.com
ĐT: 090.345.9070
BÌNH LUẬN VỀ CHỦ THỂ QUAN HỆ DÂN SỰ TRONG BỘ LUẬT DÂN SỰ NĂM 2005[1]
[1] Bài thứ 8 trong loạt bài tham gia xây dựng Bộ luật Dân sự năm 2015.
[2] Xem bài “Cấm cần lý do, cho đừng vô cớ”, Luật sư Trương Thanh Đức – Tạp chí Nhà Quản lý số 81+82, tháng 4+5/2010.
[3] Xem bài “Bình luận chế định pháp nhân và đại diện pháp nhân trong Bộ luật Dân sự năm 2005”, Luật sư Trương Thanh Đức – Hội thảo về Bộ luật Dân sự năm 2005, Bộ Tư pháp và JICA tổ chức ngày 30-8-2011.
[4] Xem bài “Bình luận chế định Hộ gia đình trong Bộ luật Dân sự năm 2005”, Luật sư Trương Thanh Đức – Hội thảo Các quy định về chủ thể, giao dịch, và đại diện trong Bộ luật Dân sự năm 2005 – Định hướng sửa đổi, bổ sung – Bộ Tư pháp, Hà Nội 5 – 6/6/2012.