Bất khuất góp đất
(ANVI) – Đất đai dù có mãi từ hàng ngàn năm trước, do bao thế hệ tiền nhân khẩn khai, gìn giữ bằng xương trắng, máu đào, nhưng vào đến Hiến pháp được áp chặt là món công thổ quốc gia, thuộc sở hữu toàn dân, mà hiện thân là của độc Nhà nước.
Từng pháp nhân, thể nhân chỉ có đúng nhõn quyền sử dụng mà không có quyền sở hữu. Nhưng vì chân lý loài người qua triệu năm khóc cười với tổng kết kinh thiên, động địa: Quyền sở hữu tài sản là động lực phát triển của nhân loại. Do vậy, buộc phải thừa nhận dân tình vẫn có quyền sở hữu tài sản đất đai, được lý giải qua quyền sử dụng đất vẫn như là quyền sở hữu tài sản.
Trong khi quyền sở hữu tài sản cũng chỉ gồm có 3 quyền năng, thì quyền sử dụng đất gồm tận 9 quyền, trong đó có quyền được đem đi “góp vốn”. Ấy là Luật Đất đai 2013 nói vậy. Nhưng Luật Doanh nghiệp 2014 thì lại đặt tên là góp vốn bằng “giá trị quyền sử dụng đất”[1]. Thấy chút băn khoăn, phải chăng tài sản đích thị là đất, quyền hay giá trị quyền sử dụng đất?
Càng hoang mang khi bàn tán sang vấn đề góp vốn bằng quyền sử dụng đất. Tài sản góp vốn thành lập công ty, nếu nó sống thì ông góp hưởng lời, nếu nó đi đời nhà ma thì ta mất toi, sao đòi được tài sản góp, dù đó là nhà đất. Nhưng Điều 80.3.d, Nghị định 43/2014/NĐ-CP lại tái xác quyết: Việc góp vốn bằng quyền sử dụng đất chấm dứt khi doanh nghiệp liên doanh bị phá sản, giải thể.
Thế là thằng cha góp vốn thành lập công ty cứ đòi lại đất do Nghị định cứ trái với các loại Bộ luật Dân sự, Luật Doanh nghiệp, Phá sản,…
Ngày 31-8-2016
[1] Điều 34.1, Luật Doanh nghiệp năm 2020 đã bỏ từ “giá trj”.