“Chuộc” lại giấy phép.
(KTSG) Theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước, đến cuối tháng 7-2013, chỉ có 12 ngân hàng được phép hoạt động giữ hộ vàng. Các ngân hàng còn lại muốn làm thì phải xin phép. Vậy thì chẳng lẽ đa số các ngân hàng vẫn đang nhận giữ hộ vàng trái phép từ trước đến nay?
Giấy phép giữ hộ vàng
Xét về hình thức thì yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước là hợp lý, bài bàn và nghiêm túc. Nhưng thực chất đây là một đòi hỏi vô lý, một sự bất cập trong việc áp dụng pháp luật. Trước khi có Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010, tất cả các ngân hàng đều có cùng tình trạng pháp lý giống nhau về dịch vụ giữ hộ vàng. Được phép hay không được phép không phải do các ngân hàng thương mại muốn hay không muốn và xin hay không xin phép. Chính Ngân hàng Nhà nước đã không cấp phép dịch vụ này và đẩy các ngân hàng từ chỗ hợp pháp trở thành bất hợp pháp.
Khoản 2, Điều 90, Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 quy định: “Tổ chức tín dụng không được tiến hành bất kỳ hoạt động kinh doanh nào ngoài các hoạt động ngân hàng, hoạt động kinh doanh khác ghi trong Giấy phép được Ngân hàng Nhà nước cấp cho tổ chức tín dụng.” Tuy nhiên, khoản 1, Điều 161 của Luật này lại quy định rõ: “Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, văn phòng đại diện của tổ chức tín dụng nước ngoài, tổ chức nước ngoài khác có hoạt động ngân hàng đã thành lập và hoạt động theo Giấy phép do Ngân hàng Nhà nước cấp trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành không phải xin cấp lại Giấy phép theo quy định của Luật này.” Ngân hàng Nhà nước chỉ bám vào điều luật trước, mà bỏ qua điều luật sau, nên đã yêu cầu “xin cấp lại Giấy phép”.
Từ ngày có ngành Ngân hàng Việt Nam đến nay, không có quy định nào về việc cấp phép và xin phép thực hiện dịch vụ bảo quản tài sản quý hiếm nói chung và dịch vụ giữ hộ vàng nói riêng. Đây là loại dịch vụ đơn giản nhất mà đã là ngân hàng thì đều dễ dàng thực hiện ngay từ khi bắt đầu đi vào hoạt động. Vì đã là ngân hàng, thì buộc phải bảo đảm mọi tiêu chuẩn khắt khe về kho tàng và điều kiện hoạt động bảo quản tiền, vàng.
Hoạt động bảo quản vàng nằm trong nhóm “dịch vụ quản lý, bảo quản tài sản, cho thuê tủ, két an toàn” theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng. Còn theo quy định của Bộ luật Dân sự, giao dịch này là loại “hợp đồng gửi giữ tài sản”. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã từng ban hành “Quy chế về nhận bảo quản tài sản quý hiếm” kèm theo Quyết định số 259-QĐ/NH6 ngày 22-10-1994. Sau đó, dịch vụ này được thực hiện theo các quy định về quản lý, vận chuyển, bảo quản tài sản quý hiếm và giấy tờ có giá nói chung. Do đó, dịch vụ giữ hộ vàng của các các ngân hàng luôn luôn là một hoạt động bình thường và hợp pháp không cần giấy phép riêng.
Phép chung và phép riêng
Trong số 12 ngân hàng được ghi nhận cụ thể dịch vụ giữ hộ vàng trong giấy phép, chỉ có 1 Ngân hàng ACB là mới được cấp phép riêng, còn lại là do quá khứ “tự nhiên” mà có. Ba ngân hàng thương mại cổ phần ra đời sau cùng là Baoviet Bank, Lienvietpost Bank và Tienphong Bank được làm dịch vụ giữ hộ vàng là vì giấy phép khi đó đương nhiên chép hết mấy điều luật liên quan trong Luật Các tổ chức tín dụng năm 1997, trong đó có đủ mọi thứ. Vietcombank, Vietinbank, BIDV và MHB vì vừa được cổ phần hoá, khi được cấp lại Giấy phép mới, thì cũng như vậy. Còn vài ngân hàng khác thì thuộc trường hợp ngoại lệ, như vì đã qua chuyển đổi nên cũng được cấp phép sửa đổi, bổ sung tương tự như cấp phép mới.
Nhóm ngân hàng trên hoàn toàn không phải là đủ điều kiện hơn các ngân hàng khác, mà chỉ là gặp may, do tại các thời điểm đó được mặc nhiên ghi nhận gần như đầy đủ mọi thứ, trong đó có dịch vụ bảo quản tài sản.
Trong khi đó, giấy phép của các ngân hàng còn lại, phần phạm vi hoạt động chỉ được ghi nhận vài ba dòng, thay vì vài ba trang như mấy năm gần đây. Tuy nhiên, tất cả các ngân hàng được thành lập trong những năm 1980 và 1990 đều đường đường chính chính thực hiện dịch vụ gửi giữ tài sản quý hiếm, trong đó có vàng. Đến nay một loạt ngân hàng bỗng dưng không được nhận giữ hộ vàng (trong khi lại được phép làm một việc phức tạp hơn nhiều, đó là kinh doanh, mua bán vàng). Và muốn xin phép thì phải làm tờ trình của Hội đồng quản trị, nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông, cùng với đề án vài chục trang giấy chẳng khác nào xin thành lập một ngân hàng mới.
Yêu cầu phải xin phép, nhưng xin thế nào và cho ra sao thì không ai trả lời được bằng pháp luật. Vì cho đến cuối tháng 7-2013, vẫn chưa có bất cứ quy định nào về việc xin phép “giữ hộ vàng”. Bộ thủ tục hành chính do Ngân hàng Nhà nước công bố có tới 263 thủ tục, cũng chưa hề có thủ tục xin cấp phép dịch vụ giữ hộ vàng.
Như vậy, Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 nhằm trói ngân hàng mới và quản chặt các hoạt động rủi ro, cần phải có giấy phép riêng, nhưng nay lại trói nhầm cả ngân hàng cũ và các hoạt động đương nhiên vẫn được làm từ thuở khai sinh. Không chỉ có dịch vụ giữ hộ vàng, một loạt dịch vụ khác của các ngân hàng thương mại cũng rơi vào tình trạng đang hoạt động hợp pháp, tự dưng trở thành bất hợp pháp.
“Chuộc” giấy phép con
Có thể coi giấy phép dịch vụ giữ hộ vàng là một loại giấy phép con trong giấy phép hoạt động ngân hàng. Nếu muốn thể hiện đầy đủ mọi thứ trên giấy phép hoạt động của các ngân hàng thương mại, thì Ngân hàng Nhà nước cần chủ động rà soát và cấp lại giấy phép. Nhưng thay vì sửa lỗi trước đây đã ghi thiếu đầy đủ trên giấy phép, lại đi bắt lỗi, buộc các ngân hàng thương mại phải xin thêm giấy phép như đối với một hoạt động mới. Cứ bắt xin phép tức là bắt các ngân hàng phải “chuộc” lại giấy phép con đã có trong chính giấy phép của mình. Nếu cứ bắt phải xin cấp phép để được làm dịch vụ giữ hộ vàng, thì có nghĩa là, hầu hết các hoạt động của nhiều ngân hàng lâu nay là bất hợp pháp, vì chưa hề được ghi nhận cụ thể trong giấy phép.
Nếu Thông tư mới mà Ngân hàng Nhà nước sắp ban hành vẫn bắt các ngân hàng thương mại đang hoạt động phải xin cấp phép dịch vụ giữ hộ vàng thì sẽ là trái Luật Các tổ chức tín dụng. Như vậy, thì chẳng khác nào việc không thừa nhận một người là cử nhân luật, chỉ vì bằng đại học của anh ta được cấp trong những năm 1980 không hề có một chữ nào trong cụm từ “cử nhân luật”, mà chi có các từ tốt nghiệp đại học pháp lý.
Đây là một ví dụ điển hình của tình trạng, nếu pháp luật quy định không rõ, thì cơ quan nhà nước cứ tha hồ xiết chặt để làm khó doanh nghiệp. Hay nói cách khác, người ta thường chỉ bám vào một vài chữ nghĩa giản đơn, mà quên hẳn ý nghĩa đích thực và mục tiêu tiến bộ của cả một đạo luật.
Ghi chú: Có thể chụp ảnh 1 trang Giấy phép của 2 Ngân hang.
———————
Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên VIAC.
——-
Thời báo Kinh tế Sài Gòn số 31-2013 (1.181) 01-8-2013: