166. Cho vay ngoại tệ: “Mở” tạm thời, “đóng” lâu dài

(HQ) – Ngày 02-5-2012, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có Công văn số 2650/NHNN-CSTT về việc cho vay ngoại tệ để NK xăng dầu, đồng thời ban hành Quyết định số 857/QĐ-NHNN về việc cho vay ngắn hạn bằng ngoại tệ đối với khách hàng vay là người cư trú.

Luật sư Trương Thanh Đức.

Báo Hải quan có cuộc trao đổi với Luật sư Trương Thanh Đức, chuyên gia ngân hàng, Công ty Luật ANVI, xung quanh hai quy định mới này.

NHNN đã có văn bản quy định về việc cho vay ngoại tệ. Vậy tại sao lại có 2 văn bản nói trên, thưa ông?

Theo Thông tư số 03/2012/TT-NHNN ngày 8-3-2011 của Thống đốc NHNN về cho vay bằng ngoại tệ của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng là người cư trú, các ngân hàng chỉ được phép cho khách hàng vay bằng ngoại tệ trong 3 trường hợp sau:

Thứ nhất, cho vay ngắn hạn, trung hạn và dài hạn bằng ngoại tệ để thanh toán ra nước ngoài tiền NK hàng hóa, dịch vụ khi khách hàng vay có đủ ngoại tệ từ nguồn thu sản xuất kinh doanh để trả nợ vay;

Thứ hai, cho vay ngắn hạn để thanh toán ra nước ngoài tiền NK xăng dầu khi được NHNN cho phép bằng văn bản;

Thứ ba, cho vay các nhu cầu vốn được NHNN chấp thuận bằng văn bản đối với từng trường hợp cụ thể để thực hiện dự án, phương án sản xuất kinh doanh hàng hoá thuộc lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ.

Như vậy, Công văn số 2650/NHNN-CSTT của NHNN chính là quy định cụ thể để các ngân hàng được cho vay ngắn hạn các DN NK xăng dầu nếu như đã được Bộ Công Thương giao hạn mức NK xăng dầu năm 2012. Nhưng việc cho vay theo quy định này chỉ có hiệu lực đến hết ngày 31-12-2012.

Quyết định số 857/QĐ-NHNN của Thống đốc NHNN về cho vay ngắn hạn bằng ngoại tệ của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng vay là người cư trú, đã “cơi nới” thêm một trường hợp so với Thông tư số 03/2012/TT-NHNN nói trên. Theo đó, trường hợp thứ tư là cho khách hàng vay ngắn hạn bằng ngoại tệ để thực hiện phương án sản xuất kinh doanh hàng hoá XK qua cửa khẩu, biên giới Việt Nam trong trường hợp khách hàng vay có đủ ngoại tệ từ nguồn thu XK để trả nợ vay.

Tuy nhiên, khi giải ngân, khách hàng phải bán số ngoại tệ vay đó cho ngân hàng theo hình thức giao dịch hối đoái giao ngay, trừ trường hợp nhu cầu vay vốn của khách hàng để thực hiện giao dịch thanh toán mà pháp luật quy định đồng tiền giao dịch phải bằng ngoại tệ. Trường hợp này cũng chỉ được cho vay bằng ngoại tệ cho đến hết ngày 31-12-2012.

Vậy hiện nay khả năng tiếp cận vốn vay của các DN kinh doanh xăng dầu và đối tượng người cư trú khác là như thế nào, thưa ông?

Các DN NK xăng dầu và tất cả 4 trường hợp được vay ngoại tệ nói trên đều là “người cư trú” theo quy định của pháp luật về ngoại hối. Còn nếu là người không cư trú, đương nhiên không bị hạn chế các trường hợp cho vay bằng ngoại tệ.

Nhìn chung, các ngân hàng đang dư thừa ngoại tệ, nên sẵn sàng cho DN vay. Tuy nhiên, quan trọng là đối tượng được phép vay rất hạn chế trong 4 trường hợp nói trên. Nếu khách hàng nào đã được vay vốn nói chung, mà thuộc các trường hợp được vay ngoại tệ thì đều dễ dàng tiếp cận nguồn vốn ngoại tệ.

Ông cho biết cụ thể “người cư trú” tại Quyết định số 857 sẽ là những đối tượng nào trong hoạt động kinh doanh trên thực tế?

Theo quy định tại khoản 2, Điều 4 về “Giải thích từ ngữ”, Pháp lệnh Ngoại hối năm 2006, người cư trú là các đối tượng hoạt động kinh doanh bao gồm: Tất cả DN và tổ chức kinh tế khác được thành lập, hoạt động kinh doanh tại Việt Nam, bao gồm cả các DN FDI; văn phòng đại diện tại nước ngoài của các tổ chức kinh tế này (tất cả các tổ chức kinh tế là pháp nhân, DN tư nhân Việt Nam), kể cả hộ kinh doanh.

Như vậy, Công văn số 2650/NHNN-CSTT là hướng dẫn không thể thiếu để thực hiện quy định về điều kiện cho vay ngoại tệ. Còn Quyết định số 857/QĐ-NHNN mới là văn bản mở rộng cần thiết việc hỗ trợ vốn ngoại tệ cho DN trong thời kỳ này. Tuy nhiên, về thực chất, Quyết định này không phải là mới, mà cũng chỉ là việc tiếp tục duy trì một trong những đối tượng được cho vay bằng ngoại tệ trước khi Thông tư số 03/2012/TT-NHNN có hiệu lực.

Vậy những quy định được nêu tại Quyết định số 857 (khách hàng vay phải bán số ngoại tệ vay đó cho TCTD cho vay theo hình thức giao dịch hối đoái giao ngay), theo ông có hợp lý với hoạt động kinh doanh của DN?

Quy định về việc khách hàng vay phải bán số ngoại tệ vay đó cho tổ chức tín dụng cho vay là hoàn toàn hợp lý, vì không có lý do gì lại cho phép thanh toán bằng ngoại tệ, trong khi hoàn toàn có thể sử dụng đồng Việt Nam. Điều này cũng hoàn toàn giống như những quy định vẫn áp dụng trong thời gian gần đây. Nếu thanh toán bằng ngoại tệ trong các trường hợp này, sẽ bị phạt vi phạm hành chính tới 100 triệu đồng theo quy định của Chính phủ.

Thời gian tới, liệu NHNN sẽ mở rộng hay thu hẹp đối tượng được vay bằng ngoại tệ, thưa ông?

Nhìn vào quy định tại Thông tư số 03/2012/TT-NHNN nói trên, có thể thấy rõ chủ trương hạn chế tối đa việc cho vay bằng ngoại tệ. Ngay trường hợp NK buộc phải thanh toán cho nước ngoài bằng ngoại tệ, nhưng nếu không có nguồn thu bằng ngoại tệ, cũng không được vay bằng ngoại tệ. Việc cho phép cho vay ngắn hạn bằng ngoại tệ để kinh doanh XK và khách hàng có đủ nguồn thu ngoại tệ từ XK để trả nợ cũng chỉ được thực hiện trong năm nay. Sau này, về cơ bản, nếu có nhu cầu ngoại tệ thì sẽ phải thông qua quan hệ mua bán, kể cả việc NK xăng dầu.

Xin cảm ơn ông!

Song Trân (thực hiện)

—————-

Hải quan ngày 08-05-2012:

http://www.baohaiquan.vn/Pages/Mo-tam-thoi-dong-lau-dai.aspx

(1.172/1.172)

Bài viết 

308. Mất tiền từ séc giả, trách nhiệm thuộc...

(VNB) - Khi sự việc xảy ra, cần xác định ai là người có lỗi, lý do, nguyên...

Bình luận 

427. Bình luận về Luật siêu dễ: Hồi hộp đến...

(VTV3) Bình luận về Luật siêu dễ: Hồi hộp đến phút cuối với chủ đề...

Phỏng vấn 

4.362. Xôn xao "nghi án" trang cờ bạc trực tuyến...

Xôn xao "nghi án" trang cờ bạc trực tuyến quảng cáo trá hình thông qua...

Trích dẫn 

3.860. Chung cư mini lần đầu được quy định cụ...

(VOV GT) - Luật Nhà ở năm 2023 có hiệu lực từ 01/8/2024, nhà ở nhiều tầng nhiều...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 224,234