Chốt chặt bẻ quặt
(ANVI) – Tự do, tự nguyện, thiện chí, hợp tác, chính xác, rõ ràng, đàng hoàng, cụ thể, kể cả công chứng đủ đầy giấy trắng, mực đen, bút sa, gà chết thì hết lật lọng, đừng hòng cãi cọ lòng vòng để hỏng phủi tay, chối bay chối biến.
Tất cả cũng chẳng là gì, nếu thiếu đi sự tử tế, đàng hoàng, sòng phẳng, đứng đắn. Đã vô vàn bội tín, bội ước, bội bạc, bội phản, phá tan cam kết, sống chết mặc bay diễn ra hằng ngày quá cay, quá đắng, quá nhiều, quá khiếp. Thêm một điều luật rất hay, rất tốt, rất ổn, rất đẹp của các xứ sở văn minh vừa du nhập vào mình. Chính là Điều 420, Bộ luật Dân sự 2015 quy định về trường hợp thực hiện hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản. Tức là, khi hoàn cảnh có sự thay đổi lớn, lúc ký hợp đồng không thể lường trước được và có khả năng gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho một bên thì có quyền yêu cầu bên kia đàm phán lại hợp đồng.
Chốt hạ ác là: Nếu không thỏa thuận lại được, thì yêu cầu Tòa án chấm dứt hoặc sửa đổi hợp đồng, không cần theo ý nguyện. Thiệt hại to lớn thật sự từ chuyện khách quan, thì “nỗi oan” cần được “giải”. Nhưng ai là người phân định công minh thế nào là có thể hay không thể lường trước? Mưa ngâu, lụt bão, vàng cao, đô xuống, giá tụt, hàng lên, hên rủi, xui may, đổi thay đỏng đảnh, nóng lạnh thị trường… thì phải lường trước. Được thua, cao thấp, thành bại, đúng sai, tài kém của doanh nhân là cần cái đó.
Nguy cơ to cho một quy định hay ho nhưng nó dễ bị lợi dụng, biến đúng thành sai, tai ương khó lường!
Ngày 05-10-2016