169. Bình luận Dự thảo Hiến pháp năm 2013.

(ANVI) – Góp ý xây dựng Hiến pháp                                                                    Hà Nội 07-02-2013

 

  1. Nhận xét chung:

Dự thảo Hiến pháp, bên cạnh một số nội dung sửa đổi tiến bộ, phù hợp với tình hình của đất nước và bối cảnh quốc tế hiện tại như: không quy định kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, thành lập Hội đồng Hiến pháp, kiểm soát quyền lực nhà nước,… thì vẫn còn nhiều điểm chưa hợp lý, cả về quan điểm, nội dung và kỹ thuật soạn thảo.

Cần có những cải cách triệt để, cơ bản và mạnh mẽ nhằm phát huy hiệu quả cao nhất các thiết chế của một nhà nước thực sự của dân, do dân và vì dân. Trong Hiến pháp, không viết những điều chưa chắc chắc ổn định trường tồn; không chép lại những câu khẩu hiệu sáo rỗng chung chung; không đưa vào những mục tiêu ngắn hạn nhất thời, không liệt kê tham lam, kể lể dài dòng; không viết theo kiểu thích ứng với mùa vụ thời tiết.

Đặc biệt là cần hạn chế tối đa việc sử dụng cụm từ “theo quy định của pháp luật”. Bởi vì nếu có quy định này thì quy định quan trọng, trong đó có các quyền cơ bản của con người cũng như quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân đã được ghi nhận  trong Hiến pháp sẽ có nguy cơ bị vô hiệu hoá, không còn ý nghĩa.

  1. Về Lời nói đầu:

Lời nói đầu kể lể quá dài dòng, xa lạ, sáo rỗng, không cần thiết đối với một bản Hiến pháp, đề nghị viết lại hết sức ngắn gọn, súc tích, cô đọng. Theo chúng tôi, nội dung Lời nói đầu nên rút ngắn lại như sau:

“Trải qua mấy nghìn năm lịch sử, nhân dân Việt Nam lao động cần cù, sáng tạo, chiến đấu anh dũng để dựng nước và giữ nước, đã hun đúc nên truyền thống đoàn kết, nhân nghĩa, kiên cường, bất khuất của dân tộc và xây dựng nên nền văn hiến Việt Nam.

Hiến pháp này khẳng định ý chí của nhân dân và chủ quyền quốc gia; phát huy dân chủ, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; hoàn thiện Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; tôn trọng và bảo đảm quyền con người, quyền công dân; phát triển kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ, bảo vệ môi trường; thực hiện công bằng xã hội; tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước trên thế giới.”

  1. Về Điều 1 (Chương I Chế độ chính trị):

Đề nghị xem xét đổi tên nước cho đúng với thực chất lâu dài, phù hợp với xu thế thời đại, tránh dị biệt với toàn thể nhân loại (có thể lấy tên theo Hồ Chủ tịch đã đặt hoặc Cộng hoà Việt Nam).

  1. Về Điều 2 (Chương I Chế độ chính trị):

Đề nghị bổ sung lực lượng doanh nhân” vào nội dung Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức.”, vì đây mới là lực lượng chủ yếu quyết định việc xây dựng và phát triển nền kinh tế thị trường, sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập thế giới.

Để phù hợp với đặc trưng của nhà nước pháp quyền, và phương hướng sắp tới xây dựng hệ thống toà án độc lập với cơ quan hành chính, đề nghị quy định rõ quyền tư pháp được độc lập với quyền lập pháp và hành pháp.

  1. Về Điều 3 (Chương I Chế độ chính trị):

Cụm từ “Nhà nước” và “Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam” hiện nay tại Điều này cũng như trong toàn Hiến pháp được sử dụng song song, không thống nhất, đề nghị xem xét lại.

  1. Về Điều 4 (Chương I Chế độ chính trị):

Đồng ý với việc ghi nhận sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội, nếu như bảo đảm đáp ứng được đầy đủ các điều kiện sau (nếu không đáp ứng được một trong các điều kiện, thì cần xem xét loại bỏ):

  • Theo đúng nguyện vọng của nhân dân (được đa số nhân dân biểu quyết đồng ý);
  • Có luật về tổ chức và hoạt động của đảng để bảo đảm hoạt động của đảng không nằm ngoài pháp luật, mới bảo đảm đúng quy định hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật;
  • Nguyên thủ quốc gia do Quốc hội bầu đồng thời là người đứng đầu đảng;
  • Các nước theo kinh tế thị trường cũng ghi nhận tương tự như vậy trong Hiến pháp.

Đề nghị chỉ ghi nhận đảng là “đội tiên phong của dân tộc Việt Nam”, không cần thiết phải viết dài dòng, trùng lặp.

Đề nghị bỏ “chủ nghĩa Mác – Lênin” vì một số vấn đề cốt lõi không phù hợp, chỉ cần tư tưởng Hồ Chí Minh là đủ.

  1. Về Điều 7 (Chương I Chế độ chính trị):

Đề nghị bổ sung quy định cử tri có quyền chất vấn Đại biểu Quốc hội về các quyết định của Đại biểu Quốc hội và có cơ chế để cử tri thể hiện bất tín nhiệm, bãi nhiệm Đại biểu Quốc hội.

  1. Về Điều 10 (Chương I Chế độ chính trị):

Dự thảo khẳng định nền tảng quyền lực nhà nước là liên minh giai cấp công nhân, giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức, nhưng chỉ có công đoàn là đại diện cho giai cấp công nhân được ghi nhận, còn giai cấp nông dân, đội ngũ trí thức không có đại diện của mình. Do đó, đề nghị bỏ quy định về công đoàn. Trường hợp cần thiết thì chỉ quy định quyền tự do công đoàn được bảo đảm.

  1. Về Điều 15 (Chương II Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân):

Đề nghị xem lại nội dung: “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị giới hạn trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức, sức khỏe của cộng đồng”, bởi vì như vậy thì quá rộng, không đảm bảo người dân có thực quyền.

  1. Về Điều 16 (Chương II Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân):

Đề nghị bỏ cụm từ “lợi dụng quyền con người, quyền công dân để” trong câu “Không được lợi dụng quyền con người, quyền công dân để xâm phạm lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc, quyền, lợi ích hợp pháp của người khác”, vì như vậy thì sẽ bị suy luận thành được phép xâm phạm lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc,… bằng cách thức khác sao cho “không lợi dụng quyền con người, quyền công dân”.

  1. Về Điều 18 (Chương II Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân):

Đề nghị sử dụng thống nhất cụm từ “Công dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” hoặc “Công dân Việt Nam” tại Điều này và các điều liên quan khác.

  1. Về Điều 19 (Chương II Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân):

Đề nghị xem xét thể hiện lại nội dung “Người Việt Nam định cư ở nước ngoài là bộ phận không thể tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam”, vì người Việt Nam định cư ở nước ngoài có sự khác biệt rõ rệt về địa lý, xã hội và pháp luật. Do đó khẳng định “ bộ phận không thể tách rời” là chưa chính xác.

  1. Về Điều 21 (Chương II Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân):

Cần phải xem lại quy định “Mọi người có quyền sống”, vì nó chỉ đúng nếu bỏ hình phạt tử hình.

  1. Về Điều 25 (Chương II Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân):

Đề nghị bỏ cụm từ “hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo” trong khoản 3 “Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật”, vì sẽ dẫn đến cách hiểu là được lợi dụng những thứ khác để vi phạm pháp luật.

  1. Về Điều 26 (Chương II Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân):

Đề nghị giữ nguyên như Hiến pháp hiện hành là “Công dân có quyền tự do thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình”, để bảo đảm hơn đối với những quyền cơ bản này. Quy định của Dự thảo “được thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình” đã dẫn đến cách hiểu hạn hạn chế là chỉ “có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí” mà không “có quyền tự do thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình”.

  1. Về Điều 27 (Chương II Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân):

Đề nghị quy định chung là bình đẳng giới, thay vì nêu rõ là nam, nữ, bởi vì trong tương lai có thể chấp nhận giới tính thứ ba.

  1. Về Điều 31 (Chương II Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân):

Đề nghị sửa nội dung “hoặc lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo để vu khống, vu cáo làm hại người khác” thành “nghiêm cấm vu khống, vu cáo làm hại người khác” để tránh dẫn đến cách hiểu được lợi dụng những thứ khác để vu khống, vu cáo làm hại người khác.

  1. Về Điều 34 (Chương II Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân):

Đề nghị xem xét thiết kế lại Điều này hoặc Điều 56 để tránh việc quy định về quyền tự do kinh doanh của cá nhân bị trùng lặp giữa 2 điều.

  1. Về Điều 36 (Chương II Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân):

Đề nghị xem xét lại từ “nơi ở” vì, Bộ luật Dân sự năm 2005, Luật Cư trú năm 2006, Luật Quốc tịch năm 2008 chỉ quy định về “nơi cư trú”, chứ không có khái niệm “nơi ở”.

  1. Về Điều 38 (Chương II Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân):

Đề nghị viết lại nội dung “Nghiêm cấm các hành vi phân biệt đối xử, cưỡng bức lao động, sử dụng người lao động chưa thành niên trái pháp luật” cho rõ hơn,  vì không rõ “trái pháp luật” có bao gồm “phân biệt đối xử, cưỡng bức lao động”, hay  “trái pháp luật” chỉ gắn với “sử dụng người lao động chưa thành niên”.

  1. Về Điều 47 (Chương II Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân):

Đề nghị bỏ nội dung “Phản bội Tổ quốc là tội nặng nhất” vì không cần thiết và mâu thuẫn với thực tế nhiều năm nay là Bộ luật Hình sự năm 1999 quy định mức hình phạt từ 7 năm tù đến tù chung thân, tử hình đối với “Tội phản bội Tổ quốc” (Điều 78), còn nhẹ hơn một số tội khác. Chẳng hạn như “Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” (Điều 79), “Tội phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược” (Điều 341),  “Tội chống loài người” (Điều 342), có mức hình phạt từ 12 năm tù đến tù chung thân, tử hình; “Tội phạm chiến tranh” (Điều 343), có mức hình phạt từ 10 năm tù đến tù chung thân, tử hình. Ngoài ra, còn một số tội khác cũng có mức phạt tương ứng với “Tội phản bội Tổ quốc”, như “Tội giết người” (Điều 93), “Tội hiếp dâm trẻ em” (Điều 112), có hình phạt từ 7 năm tù đến tù chung thân, tử hình.

  1. Về Điều 54 (Chương III Kinh tế, xã hội, văn hoá, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường):

Đề nghị bỏ nội dung “định hướng xã hội chủ nghĩa”, chỉ cần ghi “nền kinh tế thị trường” là đầy đủ và để thống nhất với Điều 55.

Đề nghị bỏ chữ “quan trọng” trong nội dung “các thành phần kinh tế đều là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân” vì ở đây đề cập đến mọi thành phần, thì không có sự phân biệt mức độ quan trọng.

  1. Về Điều 57 (Chương III Kinh tế, xã hội, văn hoá, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường):

Đồng ý với quy định sở hữu đất đai và một số tài sản khác là sở hữu toàn dân, nếu bảo đảm các điều kiện sau (nếu không đáp ứng được một trong các điều kiện, thì cần phải loại bỏ):

  • Theo đúng nguyện vọng của nhân dân (đưa ra toàn dân biểu quyết về 2 phương án: đồng ý hoặc không đồng ý);
  • Người dân và doanh nghiệp, pháp nhân, có đủ quyền trực tiếp về đất đai, chứ không phải vòng qua quyền sử dụng đất;
  • Các nước theo nền kinh tế thị trường cũng quy định tương tự như vậy.
  1. Về Điều 58 (Chương III Kinh tế, xã hội, văn hoá, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường):

Đề nghị bổ sung cụm từ “đặc biệt quan trọng” vào cuối câu “Nhà nước thu hồi đất do tổ chức, cá nhân sử dụng có bồi thường theo quy định của pháp luật trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và các dự án phát triển kinh tế – xã hội”, để tránh tình trạng mở rộng các trường hợp thu hồi đất gây thiệt hại cho người khác.

  1. Về Điều 61 (Chương III Kinh tế, xã hội, văn hoá, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường):

Đề nghị bỏ nội dung “có thu nhập thoả đáng cho người lao động” tại khoản 1 “Tổ chức, cá nhân được khuyến khích, tạo điều kiện để tạo việc làm, có thu nhập thỏa đáng cho người lao động.” vì không hợp lý, không diễn đạt vấn đề pháp lý.

  1. Về Điều 62 (Chương III Kinh tế, xã hội, văn hoá, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường):

Đề nghị diễn đạt ngắn gọn quy định quá dài dòng hiện nay tại khoản 1 “Nhà nước ban hành chính sách đầu tư, phát triển sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ sức khỏe của nhân dân; huy động các nguồn lực để xây dựng nền y tế hiện đại, công bằng, hiệu quả; phát triển nền y học Việt Nam theo hướng kết hợp đông y và tây y, phòng bệnh và chữa bệnh; thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân và tạo điều kiện để mọi người dân được chăm sóc sức khỏe; ưu tiên thực hiện chương trình chăm sóc sức khoẻ cho đồng bào miền núi, hải đảo, dân tộc thiểu số và các vùng đặc biệt khó khăn khác.

Đề nghị bỏ từ “xã hội” trong quy định tại khoản 2 “Nhà nước, xã hội, gia đình và công dân có trách nhiệm bảo vệ, chăm sóc sức khỏe người mẹ, trẻ em, thực hiện kế hoạch hóa gia đình, bảo đảm quy mô, cơ cấu dân số hợp lý, nâng cao chất lượng dân số.” vì quy định trách nhiệm như vậy là không xác định rõ và không cần thiết.

  1. Về Điều 63 (Chương III Kinh tế, xã hội, văn hoá, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường):

Đề nghị bỏ từ “xã hội” trong quy định tại khoản 2 “Nhà nước và xã hội tôn vinh, khen thưởng, thực hiện các chính sách ưu đãi đối với người có công với nước.” vì việc xã hội có tôn vinh hay không, đó không phải là quyền hay trách nhiệm cụ thể xác định.

  1. Về Điều 64 (Chương III Kinh tế, xã hội, văn hoá, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường):

Đề nghị viết lại, khắc phục tình trạng các điều khác thì quy định rõ Nhà nước hoặc chủ thể nào đó có quyền, nghĩa vụ đối với một vấn đề cụ thể, ở đây bắt đầu các khoản bằng câu “Phát triển văn học, nghệ thuật” và “Xây dựng gia đình Việt Nam” là không rõ ai phát triển, ai xây dựng. Nếu đặt tên Điều thì sẽ khắc phục được lỗi hành văn này.

Đề nghị bỏ đoạn văn “lợi dụng hoạt động văn hóa, thông tin” tại khoản 4 “Nghiêm cấm hành vi lợi dụng hoạt động văn hóa, thông tin làm tổn hại lợi ích quốc gia, phá hoại nhân cách, đạo đức và lối sống tốt đẹp của người Việt Nam, truyền bá tư tưởng, xuất bản phẩm và các hình thức khác có nội dung phản động, đồi trụy; mê tín, dị đoan.”, để tránh cách hiểu là hành vi không lợi dụng hoạt động văn hóa, thông tin nhưng làm tổn hại lợi ích quốc gia, phá hoại nhân cách, đạo đức và lối sống tốt đẹp của người Việt Nam… thì không bị nghiêm cấm.

Đồng thời đề nghị xem lại việc cấm “dị đoan” vì tín ngưỡng của người này đương nhiên đối với bản thân họ là chính đoan, còn những tín ngưỡng khác sẽ được coi là dị đoan.

  1. Về Điều 67 (Chương III Kinh tế, xã hội, văn hoá, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường):

Đề nghị sửa nội dung “Phát triển khoa học và công nghệ” giống như đã góp ý Điều 64.

Đề nghị sử dụng thống nhất tại Điều này cũng như trong toàn bộ Dự thảo Hiến pháp cụm từ “nhân dân” và “mọi người”.

  1. Về Điều 70 (Chương IV Bảo vệ Tổ quốc):

Đề nghị chỉ quy định Lực lượng vũ trang trung thành với tổ quốc và nhân dân là đã bao trùm và đầy đủ, không cần quy định tuyệt đối trung thành với Đảng cộng sản Việt Nam, vì tổ chức này đã đương nhiên thuộc về tổ quốc và nhân dân.

  1. Về Điều 71 (Chương IV Bảo vệ Tổ quốc):

Đề nghị bỏ các chữ “cách mạng”, “từng bước”, và “hùng hậu” trong câu “Quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng được xây dựng chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; lực lượng dự bị động viên, dân quân tự vệ được xây dựng hùng hậu, rộng khắp, cùng với Quân đội nhân dân làm nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng.” vì không cần thiết thêm chữ “cách mạng”, đã chính quy, tinh nhuệ rồi thì phải đương nhiên là hiện đại thì mới bảo vệ được vững chắc tổ quốc, chứ không thể là “từng bước hiện đại”. Còn lực lượng dự bị động viên, dân quân tự vệ thì tuỳ thuộc vào yêu cầu thực tế, chứ không thể ấn định phải “hùng hậu” hơn lực lựợng chính quy.

  1. Về Điều 72 (Chương IV Bảo vệ Tổ quốc):

Tương tự như Điều 71, việc xây dựng lực lượng Công an, cũng cần bỏ các từ “cách mạng” và “từng bước”.

  1. Về Điều 75 (Chương V Quốc hội):

Đề nghị thay đổi thẩm quyền “làm hiến pháp và sửa đổi hiến pháp” của Quốc hội, vì cần phải dành quyền thông qua Hiến pháp cho toàn dân.

Về thẩm quyền “làm luật ” đề nghị sửa thành “ban hành luật” vì làm luật bao gồm nhiều công việc, trong đó đa số do Chính phủ làm.

  1. Về Điều 78 (Chương V Quốc hội):

Đề nghị xem xét bỏ Uỷ ban Thường vụ Quốc hội để tăng cường tính chuyên nghiệp, bảo đảm thực quyền, tăng cường vai trò của Quốc hội và các Uỷ ban Quốc hội.

  1. Về Điều 79 (Chương V Quốc hội):

Đề nghị giao cho Chủ tịch nước ban hành Pháp lệnh thay cho Uỷ ban Thường vụ Quốc hội trong trường hợp không duy trì cơ quan này. Đồng thời cần sửa cụm từ “Ra pháp lệnh” thành cụm từ “Ban hành pháp lệnh”.

Đề nghị chuyển giao cho Toà án thẩm quyền “giải thích Hiến pháp, luật, pháp lệnh” thay vì giao cho Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.

  1. Về Điều 112 (Chương VIII Toà án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân):

Viện Kiểm sát không được xác định thuộc nhánh lập pháp, hành pháp hay tư pháp, vì vậy đề nghị bỏ Viện Kiểm sát trong Hiến pháp, để đến thời điểm thích hợp chuyển cơ quan này thành Viện công tố.

  1. Về Chương X Hội đồng Hiến pháp, Hội đồng bầu cử quốc gia, Kiểm toán Nhà nước:

Vai trò của Hội đồng Hiến pháp chỉ là cơ quan tư vấn thì hoàn toàn không cần thiết ghi nhận trong Hiến pháp. Đề nghị thay Hội đồng Hiến pháp bằng Toà án Hiến pháp. Bởi vì, vấn đề quyết định có hợp hiến hay không là phải có trình tự, thủ tục chặt chẽ và phải có phán quyết pháp lý.

  1. Về tên gọi một số Cơ quan:

Đề nghị bỏ các từ “nhân dân” trong tên gọi các cơ quan: Toà án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, Lực lượng vũ trang nhân dân, quân đội nhân dân, công an nhân dân. Uỷ ban nhân dân địa phương thì cần gọi chính xác là “Uỷ ban hành chính” cho đúng với chức năng, vai trò của cơ quan này. Bản thân “Quốc hội” là cơ quan đại diện cao nhất cho nhân dân cũng không cần có cụm từ “Quốc hội nhân dân” và “Chính phủ” cũng không có “Chính phủ nhân dân”.

  1. Về sử dụng từ ngữ:

Dự thảo sử dụng nhiều từ khác nhau như cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân,… để chỉ các chủ thể trong xã hội là chưa hợp lý và không thống nhất. Đề nghị sử dụng khái niệm thống nhất pháp lý chính thức là pháp nhân và cá nhân, trừ những chỗ cần đề cập đến đích danh Nhà nước hay cơ quan nhà nước.

Một số điều quy định “Pháp luật bảo hộ” (như các điều 22, 25, 33,…), trong khi một số điều khác có nội dung “Nhà nước bảo hộ” (như các điều 34, 39, 43,…), đề nghị sử dụng thống nhất một cụm từ.

  1. Về yêu cầu đặt tên Điều luật:

Hiến pháp phải là một văn bản thể hiện sự mẫu mực về kỹ thuật lập pháp, trong đó có việc đặt tên điều luật. Không đặt tên điều, thì cũng đồng nghĩa với tư duy không mạch lạc, ý tưởng không rõ ràng, bố cục không chặt chẽ, lô gic lỏng lẻo, vấn đề trùng lặp, nội dung tù mù, thêm bớt tuỳ tiện. Việc không đặt tên điều trong một văn bản quan trọng có tới 124 điều còn dẫn đến tình trạng kém minh bạch, khó tiếp cận, nắm bắt, theo dõi và trích dẫn. Trước đây đã từng có nhiều đạo luật không có tên điều, như Bộ luật Lao động năm 1994, thì những năm gần đây đã sửa sai, như Bộ luật Lao động năm 2012.

  1. Một số vấn đề khác:

Trật tự điều không hợp lý, như các điều 16, 17 quy định về quyền của con người, các điều 18, 20 quy định về quyền công dân, đến các điều 21, 22 và 23, quy định về quyền con người, Điều 24 quy định về quyền công dân, Điều 25 lại quy định về quyền con người.

Cách sử dụng ngôn từ và diễn đạt không thống nhất các vấn đề tương tự như:

  • Khoản 2, Điều 27 viết “Nhà nước có chính sách bảo đảm quyền bình đẳng…”, khoản 1, Điều 62 viết “Nhà nước ban hành chính sách đầu tư, phát triển sự nghiệp chăm sóc,…” khoản 2, Điều 68 viết “Nhà nước có cơ chế, chính sách bảo vệ môi trường;…”;
  • Khoản 1, Điều 23 viết “không được”; khoản 3, Điều 25 viết “không ai được”; khoản 3, Điều 31 viết “nghiêm cấm”,…
  • Các nội dung khác đã nêu trong một số điều khoản cụ thể nói trên.

Cuối cùng, đề nghị Quốc hội cần trưng cầu dân ý và mạnh dạn thay đổi một số vấn đề mang tính cơ bản chưa hợp lý, chưa hợp lòng dân, để bản Hiến pháp này ít nhất cũng “sống” được vài chục năm, nếu không thì nó sẽ chỉ tồn tại được không quá 10 năm.

Vậy, kính đề nghị Quý cơ quan nghiên cứu, xem xét.


 

ĐC: Công ty Luật ANVI, tầng 2, Tòa nhà Savina, số 1 Đinh Lễ, phố Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, HN

FB: Trương Thanh Đức (www.facebook.com/LSTruongThanhDuc)

E-mail: duc.tt @anvilaw.com

Web: www.anvilaw.com

ĐT: 090.345.9070

 

 

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.429. Củng cố pháp luật để phát triển trung...

Củng cố pháp luật để phát triển trung tâm tài chính. (KTVN) - Theo...

Trích dẫn 

3.978. Thưởng Tết - niềm vui giảm sút vì thuế...

Thưởng Tết - niềm vui giảm sút vì thuế thu nhập cá nhân. (DĐDN)...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,965