(ĐTCK) – Từ đầu năm đến nay, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) đã phát hiện và xử lý ngót nghét 10 vụ thao túng giá chứng khoán. Gần đây nhất là vụ xử phạt 500 triệu đồng đối với các ông Võ Văn Trường và ông Phạm Đình Phú đều ở Đồng Nai, vì hành vi tạo cung – cầu giả tạo để thao túng giá cổ phiếu AMV của CTCP Sản xuất – Kinh doanh dược và Thiết bị y tế Việt Mỹ.
Điều khiến dư luận quan tâm là tại sao số lượng các vụ làm giá chứng khoán bị phát hiện khá nhiều như vậy, nhưng chỉ dừng lại ở xử lý hành chính, mà chưa có một vụ nào bị xử lý hình sự để tăng tính răn đe, mặc dù tội danh thao túng giá chứng khoán đã được quy định trong Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự có hiệu lực từ ngày 1/1/2010?
Lại chuyện “con gà quả trứng”
Theo giải thích của đại diện Thanh tra UBCK, nguyên nhân chủ yếu khó xử lý hình sự đối với hành vi thao túng giá chứng khoán là do chưa có văn bản hướng dẫn Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự, để làm rõ tính chất, cũng như mức độ nghiêm trọng của hành vi thao túng giá chứng khoán. Chỉ khi có hướng dẫn chi tiết về nội dung này, thì mới có điều kiện để khởi tố các vụ án thao túng giá chứng khoán…
Tuy nhiên, một chuyên gia phòng chống tội phạm chứng khoán, Bộ Công an cho rằng, theo tập quán áp dụng Luật Hình sự, muốn ban hành văn bản hướng dẫn chi tiết về tội danh thao túng giá chứng khoán, thì nội dung căn bản của hướng dẫn này phải dựa trên thực tiễn điều tra, truy tố, xét xử các vụ thao túng giá chứng khoán. Nghĩa là cơ quan chức năng phải áp dụng các quy định hiện có của Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự, để xử lý hành vi thao túng giá chứng khoán, cũng như các hành vi vi phạm khác, trên cơ sở những khó khăn phát sinh trong thực tiễn tố tụng mới xây dựng văn bản hướng dẫn để tháo gỡ. Nếu chưa áp dụng Luật, mà đòi hỏi phải có văn bản hướng dẫn mới xử lý hình sự, thì rơi vào tình huống “con gà có trước hay quả trứng có trước”.
Quan điểm trên cũng nhận được sự chia sẻ của Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, khi ông cho rằng, không riêng gì các hành vi vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán, rất nhiều hành vi vi phạm khác được quy định trong Bộ luật Hình sự, khi chưa có văn bản hướng dẫn, các cơ quan chức năng vẫn tiến hành điều tra, truy tố, xét xử theo quy định của luật. Bởi vậy, theo ông Đức, với quy định pháp lý hiện hành, hoàn toàn có thể xử lý hình sự hành vi thao túng giá chứng khoán, cũng như các hành vi vi phạm còn lại lần đầu tiên được quy định trong Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự là cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu sự thật trong hoạt động chứng khoán và sử dụng thông tin nội bộ để mua bán chứng khoán.
Một số chuyên gia cho rằng, còn nhiều lý do khác khiến khó xử lý hình sự các hành vi vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán. Đầu tiên, là hoạt động phối hợp giữa các cơ quan tố tụng với nhau và với các bộ, ngành liên quan, nhất là với Bộ Tài chính, UBCK còn chưa chặt chẽ, thường xuyên, nên hiệu quả đấu tranh phòng chống tội phạm trong lĩnh vực chứng khoán còn hạn chế. Các vụ việc phát sinh trên TTCK là các tranh chấp kinh tế, dân sự, nên nếu các bên giải quyết theo con đường hoà giải thành công thì vụ việc được khép lại, mà không cần tiến hành các biện pháp tố tụng…
Nên trao quyền điều tra cho UBCK
Để tăng tính răn đe với các hành vi sai phạm trên TTCK bằng việc mở lối cho khả năng xử lý hình sự với các vi phạm lớn, theo vị chuyên gia trên, Việt Nam nên tham khảo kinh nghiệm và áp dụng theo thông lệ quốc tế. Theo đó, các nước thường căn cứ vào hành vi để xử lý, thay vì quá chú trọng phải lượng hoá hành vi vi phạm, bởi thực tế làm việc này rất khó do đặc thù hoạt động của TTCK. Chứng khoán là lĩnh vực kinh doanh có điều kiện, nên khi một chủ thể nào làm những gì pháp luật chưa cho phép, thì có thể bị xử lý hình sự. Thêm vào đó, nên tăng thẩm quyền điều tra cho UBCK, bởi với tư cách là cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành trong lĩnh vực chứng khoán, UBCK có cơ sở dữ liệu về thị trường rất tốt, cùng đội ngũ chuyên gia am hiểu sâu về nghiệp vụ hoạt động của TTCK, nên chắc chắn sẽ điều tra các hành vi vi phạm hiệu quả hơn so với các cơ quan khác. Cũng cần đơn giản hoá thủ tục giải quyết tranh chấp tại Toà án, đặc biệt là nâng cao hiệu quả thi hành án, để góp phần giải quyết hiệu quả các tranh chấp phát sinh.
Luật sư Trương Thanh Đức nhìn nhận, sự thiếu kịp thời của cơ quan quản lý trong đấu tranh ngăn chặn các vụ có dấu hiệu làm giá thời gian qua khiến cho vấn nạn làm giá trên TTCK có xu hướng diễn ra phổ biến, thậm chí ngoài việc che giấu tinh vi, còn có phần ngang nhiên, công khai. Bởi vậy, cần đánh giá kỹ lưỡng xem nếu những quy định pháp lý hiện tại không thể bảo đảm cho UBCK đủ sức đấu tranh với vấn nạn làm giá, thì cần xem xét giao thêm quyền, trong đó không loại trừ trao quyền điều tra cho UBCK, đồng thời có cơ chế giám sát chặt chẽ để tránh lạm quyền.
Hữu Hoè
———————————————
Đầu tư Chứng khoán 19-11-2010: