170. Cải cách con dấu doanh nghiệp.

Cải cách con dấu doanh nghiệp.

(TBKTSG) – Giữ lại con dấu bắt buộc đối với doanh nghiệp và lại còn khoác thêm giá trị pháp lý cho nó là đi ngược lại xu thế tiến bộ của thế giới, tự trói mình vào sợi dây pháp lý rắc rối, không cần thiết.

Cải cách con dấu doanh nghiệp.

Một trong những điểm đột phá của dự thảo Luật Doanh nghiệp là quy định, doanh nghiệp được tự quyết định lựa chọn hình thức và nội dung của con dấu, thay vì mọi thứ đều bắt buộc theo như quy định hiện hành.

Rắc rối con dấu doanh nghiệp

Sau khi được “khai sinh”, giao dịch đầu tiên của doanh nghiệp không phải là hoạt động kinh doanh, mà luôn phải là giao dịch với cơ quan công an. Vì dù theo luật, doanh nghiệp đã có tư cách pháp nhân từ khi được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, nhưng vẫn bất động, nếu chưa được công an cho phép sử dụng mẫu dấu.

Không thể phủ nhận việc con dấu đã trở thành một căn cứ quan trọng và hữu hiệu để nhận biết và xem xét giá trị pháp lý của văn bản, giấy tờ, do được quy chuẩn tương đối cụ thể, thống nhất và gần như đã được công an “bảo lãnh”.

Tuy nhiên, nó cũng gây ra nhiều khó khăn cho hoạt động và giao dịch của doanh nghiệp. Thực tế, doanh nghiệp thường phải mang dấu ra khỏi trụ sở để đóng trước mặt công chứng viên hay đóng dấu ngay sau khi ký các hợp đồng, văn bản nhằm thúc đẩy giao dịch ở khắp nơi.
Một cá nhân, không cần gì con dấu, cũng có thể ký hợp đồng giao dịch lên đến hàng chục, hàng trăm tỉ đồng khắp trong và ngoài nước, cũng ký đủ thứ đơn từ pháp lý, gửi khắp các cơ quan nhà nước hay tổ chức xã hội, đâu cần phải dựa vào con dấu?

Nhưng theo quy định của pháp luật hiện hành, thì có thể nói con dấu như là “linh hồn” của doanh nghiệp. Dù người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp đã ký, nhưng nếu nhân viên văn thư chưa đóng dấu, thì chữ ký vẫn chưa có giá trị pháp lý!

Tuy nhiên, vì đó chỉ là những giá trị gượng ép, nên đã gây ra nhiều hệ lụy rắc rối. Vì trao cho nó quyền năng quá lớn, nên mới thường xuyên có chuyện lợi dụng con dấu để lừa đảo. Huỳnh Thị Huyền Như không thể chiếm đoạt được mấy ngàn tỉ đồng tại VietinBank nếu không nhờ vào tám con dấu giả. Doanh nghiệp cũng dễ bị liên lụy, phiền phức vì luôn phải lo quản chặt con dấu thật, đồng thời sợ vướng phải con dấu giả. Khi xảy ra các hành vi chiếm giữ con dấu của doanh nghiệp, công an thì cho rằng đó là quan hệ dân sự, còn tòa án cũng không thụ lý giải quyết tranh chấp. Thế là dẫn đến tình trạng bế tắc của doanh nghiệp như một số vụ việc gần đây.

Văn bản có chữ ký thật, mà đóng dấu giả thì giá trị đến đâu? Và ngược lại, đóng dấu thật vào chữ ký giả thì giá trị ra sao? Đáp án nào cũng không thỏa đáng. Tất cả chỉ vì một văn bản của doanh nghiệp lại đồng thời do hai yếu tố pháp lý ngang ngửa nhau quyết định, đó là chữ ký và con dấu.

Cải cách con dấu

Mặc dù điều 1, Nghị định số 58/2001/NĐ-CP ngày 24-8-2001 của Chính phủ về quản lý và sử dụng con dấu quy định “con dấu thể hiện vị trí pháp lý và khẳng định giá trị pháp lý đối với các văn bản, giấy tờ của các cơ quan, tổ chức”, tức là văn bản chưa đóng dấu thì chưa có giá trị pháp lý. Nhưng chiếu sâu vào luật và nhìn thẳng vào thực tế, thì giá trị bắt buộc của con dấu trong nhiều trường hợp đã, đang và sẽ trở thành vô nghĩa.

Tất cả đều chấp nhận các hợp đồng xuất nhập khẩu không có con dấu của doanh nghiệp nước ngoài. Các văn bản giao dịch đã được ký đúng theo thỏa thuận và ý chí của các bên, dù không đóng dấu, thì vẫn ràng buộc và có hiệu lực, chứ không thể vô giá trị chỉ vì chưa đóng dấu. Bộ luật Dân sự, Luật Thương mại cũng như Luật Giao dịch điện tử năm 2005 đều quy định, giao dịch và chữ ký điện tử đồng thời thay cho cả chữ ký và con dấu.

Vì vậy, đã đến lúc cần mạnh dạn bỏ con dấu bắt buộc, cởi bớt một xiềng xích đối với doanh nghiệp. Giữ lại con dấu bắt buộc đối với doanh nghiệp và lại còn khoác thêm giá trị pháp lý cho nó là đi ngược lại xu thế tiến bộ của thế giới, tự trói mình vào sợi dây pháp lý rắc rối, không cần thiết, lợi ít, hại nhiều.

Tuy nhiên, do đã quá quen thuộc và đề cao con dấu trong gần thế kỷ qua, nay bỏ đi thì chắc hẳn sẽ gây tâm lý lo lắng, thậm chí là sợ hãi. Rồi còn vấn đề vướng mắc pháp lý do con dấu của doanh nghiệp đang được quy định trong hàng chục đạo luật và hàng trăm văn bản dưới luật.
Cải cách con dấu doanh nghiệp cũng là một sự cải cách quan trọng về thủ tục hành chính. Tuy nhiên, dù có hay không bắt buộc có con dấu, thì điều quan trọng nhất là chỉ nên trao cho nó vai trò tăng thêm dấu hiệu nhận biết, chứ không thể là yếu tố “khẳng định giá trị pháp lý đối với văn bản, giấy tờ” của doanh nghiệp.

Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên VIAC. 

——-

Thời báo Kinh tế Sài Gòn (Tài chính – Chứng khoán) số 42/2014 ngày 16-10-2014:

http://www.thesaigontimes.vn/121352/Cai-cach-con-dau-doanh-nghiep.htmlCải cách con dấu doanh nghiệp

** 1 trong số 6 bài trên tổng số 35 bài được giới thiệu ngoài Bìa 1

*** (Báo điện tử đăng ngày 19-10, trong mục Quản trị)

(1060/1.060)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.429. Củng cố pháp luật để phát triển trung...

Củng cố pháp luật để phát triển trung tâm tài chính. (KTVN) - Theo...

Trích dẫn 

3.978. Thưởng Tết - niềm vui giảm sút vì thuế...

Thưởng Tết - niềm vui giảm sút vì thuế thu nhập cá nhân. (DĐDN)...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,976