170. Nên đơn giản hóa hồ sơ giải thể

(ĐBND) – Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa gửi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) bản góp ý Dự thảo Thông tư hướng dẫn về trình tự, thủ tục thu hồi Giấy phép và thanh lý tài sản của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, văn phòng đại diện. Bản góp ý nêu rõ một số vấn đề cần được quy định cụ thể, chi tiết hơn.

Vấn đề được VCCI nêu đầu tiên là quy trình thu hồi Giấy phép đối với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (Điều 8 Dự thảo Thông tư). VCCI cho rằng, NHNN nên bổ sung trường hợp chi nhánh ngân hàng nước ngoài đề nghị thu hồi giấy phép vào Thông tư. Theo đó, khi tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đã có đề nghị thu hồi Giấy phép, thì cần chấp nhận, chứ không nên quy định thủ tục chặt chẽ và yêu cầu chi nhánh NHNN và UBND cấp tỉnh phải cho ý kiến như khi cho phép thành lập.

Tại khoản 2 Điều 8 Dự thảo Thông tư quy định: Trong thời hạn tối đa 60 ngày kể từ ngày Thống đốc NHNN có văn bản yêu cầu chấm dứt hoạt động, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải xây dựng xong phương án thanh lý tài sản kèm hồ sơ thu hồi Giấy phép quy định tại Điều 9 Thông tư này trình NHNN xem xét, quyết định.” Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI cho rằng, Dự thảo cần quy định rõ hơn. Cụ thể, nếu quá thời hạn 60 ngày mà tổ chức tín dụng vẫn không xây dựng phương án thanh lý thì giải quyết thế nào? Nếu chỉ áp dụng chế tài xử phạt vi phạm hành chính thì vẫn không có gì bảo đảm rằng việc trên sẽ được thực hiện. “Vì vậy, cần có phương án giải quyết dứt điểm, chẳng hạn khi đó NHNN có thể đứng ra lập phương án thanh lý”, ông Đức đề xuất. Theo ông Đức, việc này nhằm giải quyết tình trạng rất có thể xảy ra là tổ chức tín dụng đã ngừng hoạt động nhiều năm mà vẫn không thu hồi được Giấy phép và tiến hành xong việc thanh lý, gây ảnh hưởng rất xấu đến môi trường kinh doanh.

Có ý kiến cũng cho rằng, nên tách riêng hồ sơ thu hồi Giấy phép đối với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài bị yêu cầu thu hồi với quy định về hồ sơ trường hợp tổ chức tín dụng đề nghị thu hồi Giấy phép. Cụ thể, thành phần hồ sơ đối với trường hợp tổ chức tín dụng đề nghị thu hồi Giấy phép sẽ không bao gồm văn bản đề nghị thu hồi Giấy phép và Nghị quyết của cơ quan có thẩm quyền quyết định thông qua việc thu hồi Giấy phép. Lý do là tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có nghĩa vụ thực hiện theo yêu cầu của NHNN mà không phải tự nguyện đề nghị thu hồi Giấy phép vì vậy quy định thành phần hồ sơ nêu trên là không cần thiết.

Liên quan tới vấn đề trên, Trưởng Ban Pháp chế Ngân hàng NN và PTNT Việt Nam Đào Hoàng Thắng cho rằng, quy trình, thủ tục thanh lý tài sản còn chưa rõ, mới chỉ nêu được thời hạn giải quyết từ các cơ quan có thẩm quyền và đơn vị tham gia ý kiến. Về nguyên tắc, việc thanh lý tài sản đối với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài trong trường hợp quy định tại Dự thảo Thông tư này cũng phải tuân theo các quy định của pháp luật phá sản đối với các tổ chức tín dụng. Cụ thể, các quy định chi tiết về biện pháp xử lý tài sản khi tiến hành thanh lý, hoàn trả lại tài sản và bảo toàn tài sản thanh lý. Vì vậy, theo ông Thắng, cần bổ sung những hướng dẫn chi tiết đối với việc thanh lý tài sản hoặc dẫn chiếu những quy định về xử lý các khoản nợ chưa đến hạn, các khoản nợ được bảo đảm bằng tài sản thế chấp hoặc cầm cố, việc hoàn trả lại tài sản thuê mượn khi thanh lý tổ chức tín dụng và các vấn đề liên quan đến bảo toàn tài sản được quy định tại Chương III, IV Nghị định 05/2010/NĐ-CP ngày 18.1.2010 quy định áp dụng Luật phá sản đối với các tổ chức tín dụng.

Về thứ tự phân chia tài sản (Điều 15 Dự thảo Thông tư), Khoản 1 Điều này quy định thứ tự phân chia giá trị tài sản của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, trong đó các khoản nợ được bảo đảm bằng tài sản thế chấp hoặc cầm cố được xếp thứ tự thứ 6, sau cả các khoản tiền của nhà nước và các khoản nợ thuế. Theo luật sư Trương Thanh Đức, đây là một điều bất hợp lý, vì nghĩa vụ bảo đảm bằng tài sản thế chấp hoặc cầm cố phải được ưu tiên hơn một số nghĩa vụ không có bảo đảm khác, ít nhất là so với nghĩa vụ thuế và các khoản tiền khác phải trả cho Nhà nước. Do vậy, ông Đức cho rằng, Dự thảo Thông tư nên bổ sung thủ tục thanh lý đối với các tài sản mà tổ chức tín dụng đi thuê, đi mượn của tổ chức, cá nhân khác, hoặc các tài sản mà tổ chức tín dụng có chung qưyền sở hữu với tổ chức, cá nhân khác. Mặt khác, Dự thảo Thông tư cũng nên quy định việc giải quyết các khoản nợ có bảo đảm không bằng tài sản như bảo lãnh, tín chấp hoặc các hình thức bảo đảm khác theo quy định của Bộ Luật Dân sự.

Về Hội đồng thanh lý (Điều 16 Dự thảo Thông tư), Dự thảo Thông tư quy định Hội đồng thanh lý, ngoài một số thành viên thuộc bộ máy quản trị, kiểm soát, điều hành các cổ đông lớn (đối với tổ chức tín dụng cổ phần) còn có 5 khách hàng có số dư tiền gửi lớn nhất tại tổ chức tín dụng. VCCI đề nghị xem lại thành phần này, vì họ có quyền chứ không có nghĩa vụ phải tham gia, và không có gì bảo đảm họ có thời gian và chuyên môn để giúp cho việc này.

Ngoài ra, trong giai đoạn tiến hành thủ tục thu hồi Giấy phép, không đặt ra vấn đề dừng chuyển nhượng cổ phần và dừng trả tiền cho khách hàng gửi tiền (trường hợp vẫn đủ khả năng thanh toán nợ). Như vậy, những cổ đông lớn và 5 khách hàng gửi tiền lớn nhất có thể thay đổi. Vì thế, cần quy định rõ thời điểm dừng các hoạt động này (một trong những nội dung bắt buộc trong phương án thanh lý) hoặc quy định về việc thay đổi thành viên Hội đồng thanh lý trong các trường hợp này.

Hải Dương

————————————————–

Đại biểu Nhân dân online 27-11-2010

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.423. Will Duc Giang Chemical’s leadership breach lead to...

Will Duc Giang Chemical’s leadership breach lead to penalties? (VNN) - The leadership structure...

Trích dẫn 

3.973. Nợ xấu tiếp tục là thách thức đối với...

Nợ xấu tiếp tục là thách thức đối với ngành ngân hàng. (CT) –...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,031