171. Bình luận về những câu chữ thừa trong Dự thảo Hiến pháp năm 2013.

Hội nghị Pháp chế DN góp ý Hiến pháp                                     Bộ Tư pháp 02-03-2013

  1. Thừa câu chữ, thiếu pháp lý:

Dự thảo Hiến pháp quá dài dòng, từ lời nói đầu cho đến tất cả các chương điều. Trong khi nhiều đạo luật cần cụ thể, chi tiết thì lại quy định chung chung, đại khái, còn Hiến pháp cần rất khái quát thì lại quá lan man, ôm đồm, sa đà vào quá nhiều vấn đề tiểu tiết, vụn vặt. Ít nhất có một nửa nội dung trong Dự thảo Hiến pháp là những quy định vô thưởng, vô phạt, chỉ là khẩu hiệu và khuyến nghị chứ không phải là tuyên ngôn pháp lý. Không nên sử dụng quá nhiều từ ngữ mù mờ, thừa thãi trong một văn bản quy phạm pháp luật, đặc biệt là trong một bản Hiến pháp.

  1. Về lời nói đầu:

Thừa 3 trên tổng số 5 đoạn, kể lể quá dài dòng, xa lạ, sáo rỗng, không cần thiết đối với một bản Hiến pháp (448 chữ). Đề nghị viết lại hết sức ngắn gọn, súc tích, cô đọng, không quá 1/3 so với hiện nay.

  1. Về tên nước (Điều 1):

Thừa cụm từ Xã hội chủ nghĩa”, vì vi phạm lô gic hình thức, ấn định tên gọi mà không biết mấy đời nữa thì mới có. Đề nghị xem xét đổi tên nước cho đúng với thực chất lâu dài, phù hợp với xu thế thời đại, tránh dị biệt với toàn thể nhân loại. Không nên viết “di chúc” để lại cho muôn đời sau.

  1. Về sự lãnh đạo của Đảng (Điều 4):

Thừa cụm từ “chủ nghĩa Mác – Lênin”, vì một số vấn đề cốt lõi không còn phù hợp, chỉ cần tư tưởng Hồ Chí Minh là đủ. Với đặc điểm và vị thế của của mình, thì đương nhiên Đảng đóng vai trò lãnh đạo chưa có ai thay thế, không bắt buộc ghi vào Hiến pháp. Nếu vẫn để điều này, thì chỉ cần ghi nhận đảng là “đội tiên phong của dân tộc Việt Nam”, không cần thiết phải viết quá dài dòng, trùng lặp và không đúng thực tế.

  1. Về Công đoàn (Điều 10):

Thừa cả Điều này, khi quy định “Công đoàn Việt Nam là tổ chức chính trị – xã hội của giai cấp công nhân và của người lao động được thành lập trên cơ sở tự nguyện, đại diện cho người lao động, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động;...”, vì Điều 2 đã quy định “nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức” và Điều 4 đã quy định “Đảng Cộng sản Việt Nam, đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam,...” nhưng lại chỉ quy định riêng 1 Điều về Công đoàn, là đại diện cho giai cấp công nhân, trong khi không có quy định về các tổ chức khác tương đương đại diện cho giai tầng khác như nông dân, trí thức, người lao động không phải là công nhân,…

  1. Về giới hạn quyền con người, quyền công dân (các điều 15, 19, 47):

Thừa cụm từ “trật tự, an toàn xã hội, đạo đức, sức khỏe của cộng đồng” trong câu: “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị giới hạn trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức, sức khỏe của cộng đồng” (Điều 15), vì như vậy thì quá rộng, không đảm bảo người dân có thực quyền.

Thừa cụm từ “không thể tách rời” trong câu “Người Việt Nam định cư ở nước ngoài là bộ phận không thể tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam” (Điều 19), vì người Việt Nam định cư ở nước ngoài có sự khác biệt rõ rệt, tách rời về địa lý, xã hội và pháp luật, nhiều khi là khác quốc tịch.

Thừa quy định: “Phản bội Tổ quốc là tội nặng nhất” (Điều 47), vì không cần thiết và mâu thuẫn với thực tế nhiều năm nay, như Bộ luật Hình sự năm 1999 quy định mức hình phạt từ 7 năm tù đến nặng nhất là tử hình đối với “Tội phản bội Tổ quốc” (Điều 78), còn nhẹ hơn một số tội khác. Chẳng hạn như “Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” (Điều 79), “Tội phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược” (Điều 341), “Tội chống loài người” (Điều 342), có mức hình phạt từ 12 năm tù đến tử hình; “Tội phạm chiến tranh” (Điều 343), từ 10 năm tù đến tử hình. Ngoài ra, còn một số tội khác cũng có mức phạt tương ứng với “Tội phản bội Tổ quốc”, như “Tội giết người” (Điều 93), “Tội hiếp dâm trẻ em” (Điều 112), có hình phạt từ 7 năm tù đến tử hình.

Ngoài ra, một số điều thừa cụm từ “theo quy định của pháp luật”, vì nếu có cái “khoá” này thì các quy định quan trọng, trong đó có các quyền cơ bản của con người cũng như quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân đã được ghi nhận trong Hiến pháp sẽ có nguy cơ bị vô hiệu hoá, không còn ý nghĩa. Chỉ chấp nhận theo quy định của Luật, chứ không thể mở rộng theo quy định của pháp luật.

  1. Về các quy định ”lợi dụng” (các điều 16, 25, 31, 64):

Thừa cụm từ “lợi dụng quyền con người, quyền công dân để” trong câu “Không được lợi dụng quyền con người, quyền công dân để xâm phạm lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc, quyền, lợi ích hợp pháp của người khác” (Điều 16), vì như vậy thì sẽ bị suy luận thành được phép xâm phạm lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc,… bằng cách thức khác sao cho “không lợi dụng quyền con người, quyền công dân”.

Thừa cụm từ “hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo” trong câu “Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật” (khoản 3 Điều 25), vì sẽ dẫn đến cách hiểu là được lợi dụng những thứ khác để vi phạm pháp luật.

Thừa cụm từ “lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo” trong câu “hoặc lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo để vu khống, vu cáo làm hại người khác” (Điều 31), vì có quyền hiểu là được lợi dụng những thứ khác để vu khống, vu cáo làm hại người khác.

Thừa cụm từ “lợi dụng hoạt động văn hóa, thông tin” tại khoản 4, Điều 64: “Nghiêm cấm hành vi lợi dụng hoạt động văn hóa, thông tin làm tổn hại lợi ích quốc gia, phá hoại nhân cách, đạo đức và lối sống tốt đẹp của người Việt Nam, truyền bá tư tưởng, xuất bản phẩm và các hình thức khác có nội dung phản động, đồi trụy; mê tín, dị đoan.”, vì dẫn đến cách hiểu là hành vi không lợi dụng hoạt động văn hóa, thông tin nhưng làm tổn hại lợi ích quốc gia, phá hoại nhân cách, đạo đức và lối sống tốt đẹp của người Việt Nam… thì không bị nghiêm cấm.

  1. Về các từ ”nhân dân”:

Thừa các từ “nhân dân” trong tên gọi các cơ quan: Toà án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, Lực lượng vũ trang nhân dân, quân đội nhân dân, công an nhân dân. Riêng Uỷ ban nhân dân địa phương thì cần gọi chính xác là “Uỷ ban hành chính” cho đúng với chức năng, vai trò của cơ quan này..

  1. Về định hướng và thành phần kinh tế (Điều 54):

Thừa cụm từ “định hướng xã hội chủ nghĩa” trong quy định: “Nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế.”, vì không thể phân biện thế nào là “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” với kinh tế thị trường phi định hướng xã hội chủ nghĩa. Do vậy chỉ cần ghi “nền kinh tế thị trường” là đủ, tránh sự đối nghịch có thể xảy ra giữa hai vế là “kinh tế thị trường” và “kinh tế kế hoạch hoá tập trung”, đồng thời tránh mâu thuẫn với khoản 1, Điều 55 “Nhà nước xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế, bảo đảm cho nền kinh tế vận hành theo quy luật thị trường”. Thậm chí, như vậy còn có thể bớt được cả cụm từ “với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế.”, vì đó là lẽ đương nhiên của nền kinh tế thị trường.

Thừa từ “quan trọng” trong câu “Các thành phần kinh tế đều là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân, cùng phát triển lâu dài, hợp tác, bình đẳng và cạnh tranh theo pháp luật.” (khoản 2). Đã là “các thành phần kinh tế”, tức thừa nhận tất cả các thành phần, thì mới đủ cấu thành nên nền kinh tế. Do đó, nếu khẳng định tất cả đều là bộ phận quan trọng là sự mập mờ thừa, vì nói đến tất cả thì sẽ đều quan trọng hoặc đều không quan trọng như nhau.

  1. Về quản lý đất đai (Điều 58):

Thừa cụm từ “và các dự án phát triển kinh tế – xã hội” trong quy định “Nhà nước thu hồi đất do tổ chức, cá nhân sử dụng có bồi thường theo quy định của pháp luật trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và các dự án phát triển kinh tế – xã hội” (khoản 3), do có nguy cơ gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng đến quyền lợi chính đáng của cá nhân và doanh nghiệp sử dụng đất, vì sự mơ hồ, mênh mông của “các dự án phát triển kinh tế – xã hội”. Khó có thể tìm ra dự án nào mà không nhằm mục đích phát triển kinh tế hoặc xã hội.

  1. Về một số chính sách kinh tế (các điều 60, 61):

Thừa quy định “Cơ quan, tổ chức, cá nhân phải thực hành tiết kiệm, phòng chống lãng phí, tham nhũng trong hoạt động kinh tế – xã hội và quản lý nhà nước.”  (Điều 60), vì không thể bắt cá nhân, tổ chức phải tiết kiệm, phòng chống lãng phí,… cả tiền bạc thuộc sở hữu của chính họ.

Thừa quy định “Tổ chức, cá nhân được khuyến khích, tạo điều kiện để tạo việc làm, có thu nhập thỏa đáng cho người lao động.” (khoản 1, Điều 61), vì không hợp lý, không diễn đạt vấn đề pháp lý. Thuê mướn lao động, tạo việc làm, trả thu nhập là mệnh lệnh, là quy luật tất yếu của nền kinh tế thị trường, chẳng cần khuyến khích trong Hiến pháp. Và thế nào là “thu nhập thoả đáng, nếu thu nhập không thoả đáng mà vẫn đúng luật, thậm chí vẫn phải lao vào làm thì Nhà nước giúp gì hay xử phạt thế nào?

  1. Về chính sách xã hội (Điều 63):

Thừa từ “xã hội” trong câu “Nhà nước và xã hội tôn vinh, khen thưởng, thực hiện các chính sách ưu đãi đối với người có công với nước.” (khoản 2), vì việc xã hội có tôn vinh hay không, đó không phải là quyền hay trách nhiệm cụ thể xác định.

  1. Về lực lượng vũ trang (các điều 70, 71 và 72):

Thừa cụm từ “tuyệt đối trung thành với Đảng cộng sản Việt Nam”, vì Đảng đương nhiên thuộc về tổ quốc và nhân dân, nên Lực lượng vũ trang trung thành với tổ quốc và nhân dân là đã bao trùm và đầy đủ.

Thừa các từ “cách mạng”, “từng bước”, và “hùng hậu” trong câu “Quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng được xây dựng chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; lực lượng dự bị động viên, dân quân tự vệ được xây dựng hùng hậu, rộng khắp, cùng với Quân đội nhân dân làm nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng.” trong Điều 71, vì không cần thiết thêm chữ “cách mạng”, đã chính quy, tinh nhuệ rồi thì phải đương nhiên là hiện đại thì mới bảo vệ được vững chắc tổ quốc, chứ không thể là “từng bước hiện đại”. Còn lực lượng dự bị động viên, dân quân tự vệ thì tuỳ thuộc vào yêu cầu thực tế, chứ không thể ấn định phải “hùng hậu” hơn lực lựợng chính quy.

Tương tự cũng thừa các từ “cách mạng” và “từng bước” trong Điều 72 về lực lượng công an.

  1. Về Quốc hội (các điều 75, 78 và 79):

Thừa cụm từ “làm hiến pháp và sửa đổi hiến pháp” trong thẩm quyền của Quốc hội, vì cần phải dành quyền thông qua Hiến pháp cho toàn dân.

Thừa Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, vì để tăng cường tính chuyên nghiệp, bảo đảm thực quyền, tăng cường vai trò của Quốc hội và các Uỷ ban Quốc hội thì đã đến lúc bỏ thiết chế này.

Thừa thẩm quyền “giải thích Hiến pháp, luật, pháp lệnh” của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, vì cần để chuyển giao chức năng này cho Toà án.

  1. Về Viện kiểm sát (Điều 112):

Thừa Viện Kiểm sát, vì không được xác định thuộc nhánh lập pháp, hành pháp hay tư pháp và cần bỏ đi để đến thời điểm thích hợp chuyển cơ quan này thành Viện công tố.

  1. Về Hội đồng Hiến pháp (Điều 120):

Thừa Hội đồng này, vì chỉ là cơ quan tư vấn thì hoàn toàn không cần thiết ghi nhận trong Hiến pháp. Cần thay bằng Toà án Hiến pháp để phán quyết các vấn đề có hợp hiến hay không theo các trình tự, thủ tục chặt chẽ.

  1. Thừa nhiều quy định dài dòng, lan man:

Thừa nhiều quy định dài dòng, lan man, chỉ nên để trong các nghị quyết về chủ trương, chính sách, hoặc chỉ rút gọn lại thành những ý hết sức ngắn gọn, chứ không nên xuất hiện trong Hiến pháp như:

Điều 53: “Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ trên cơ sở phát huy nội lực, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế; đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; phát triển kinh tế kết hợp chặt chẽ, hài hòa với phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ môi trường.”

Điều 55: “Nhà nước xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế, bảo đảm cho nền kinh tế vận hành theo quy luật thị trường; thực hiện sự phân công, phân cấp quản lý nhà nước giữa các ngành, các cấp, thúc đẩy liên kết kinh tế vùng, bảo đảm phát triển hợp lý, hài hòa giữa các vùng, địa phương và tính thống nhất của nền kinh tế quốc dân.”

Khoản 1, Điều 62: “Nhà nước ban hành chính sách đầu tư, phát triển sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ sức khỏe của nhân dân; huy động các nguồn lực để xây dựng nền y tế hiện đại, công bằng, hiệu quả; phát triển nền y học Việt Nam theo hướng kết hợp đông y và tây y, phòng bệnh và chữa bệnh; thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân và tạo điều kiện để mọi người dân được chăm sóc sức khỏe; ưu tiên thực hiện chương trình chăm sóc sức khoẻ cho đồng bào miền núi, hải đảo, dân tộc thiểu số và các vùng đặc biệt khó khăn khác.”     ,….

  1. Một số nội dung còn thiếu:

Bên cạnh việc quy định thừa rất nhiều câu chữ và điều khoản như trên, nhưng vẫn thiếu những nội dung cải cách triệt để, cơ bản và mạnh mẽ, nhằm phát huy hiệu quả cao nhất các thiết chế của một nhà nước thực sự của dân, do dân và vì dân.

Về nội dung, thiếu một vấn đề đặc biệt quan trọng liên quan đến người dân và doanh nghiệp và quyền sở hữu thật sự đất đai, đóng vai trò nền tảng của nền kinh tế thị trường.

Về hình thức, thiếu hụt lớn nhất là thiếu tên Điều luật. Hiến pháp phải là một văn bản thể hiện sự mẫu mực về kỹ thuật lập pháp, trong đó có việc đặt tên điều luật. Không đặt tên điều, thì cũng đồng nghĩa với tư duy không mạch lạc, ý tưởng không rõ ràng, bố cục không chặt chẽ, lô gic lỏng lẻo, vấn đề trùng lặp, nội dung tù mù, thêm bớt tuỳ tiện. Việc không đặt tên điều trong một văn bản quan trọng có tới 124 điều còn dẫn đến tình trạng kém minh bạch, khó tiếp cận, nắm bắt, theo dõi và trích dẫn.

  1. Kết luận:

Trong Hiến pháp, không nên viết những điều chưa chắc chắc ổn định trường tồn; không nên chép lại những câu khẩu hiệu sáo rỗng chung chung; không nên đưa vào những mục tiêu ngắn hạn nhất thời, không nên liệt kê tham lam, kể lể dài dòng; không viết theo kiểu thích ứng với mùa vụ thời tiết; càng không nên viết những điều bất hợp lý, chưa hợp lòng dân.

Nếu không được thay đổi và hoàn thiện một cách căn bản, thì bản Hiến pháp này không có hy vọng “sống” được quá 1 thập kỷ.

——————————-

ĐC: Công ty Luật ANVI, tầng 2, Tòa nhà Savina, số 1 Đinh Lễ, phố Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, HN

FB: Trương Thanh Đức (www.facebook.com/LSTruongThanhDuc)

E-mail: duc.tt @anvilaw.com

Web: www.anvilaw.com

ĐT: 090.345.9070

 

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

436. Bình luận về Luật siêu dễ - Luật Quản lý tài...

Bình luận về Luật siêu dễ - Luật Quản lý tài sản công. Cố vấn: Luật...

Phỏng vấn 

4.414. Lấp lỗ hổng quản lý trong đầu tư trực...

Lấp lỗ hổng quản lý trong đầu tư trực tuyến tiền ảo, tài chính, chứng...

Trích dẫn 

3.969. Không gia hạn Thông tư số 02/2023/TT-NHNN, nợ...

Không gia hạn Thông tư số 02/2023/TT-NHNN, nợ xấu gia tăng nhưng tốt...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 235,701