171. Ngân hàng tuyên bố khó đảo nợ

(TTTC) – Doanh nghiệp gặp khó khăn, Chính phủ tạo điều kiện cho ngân hàng cơ cấu lại nợ để tạo điều kiện cho DN tiếp tục hoạt động sản xuất kinh doanh. Đây là quyết định đúng đắn nhưng hiện nay nhiều ngân hàng tuyên bố khó có thể đảo nợ.

Doanh nghiệp gặp khó, chờ mong đảo nợ…

Những tháng đầu năm 2012, khó khăn của DN do ảnh hưởng của lạm phát cao và suy giảm tăng trưởng kinh tế năm 2011 bắt đầu lộ rõ. Chưa có thời điểm nào mà con số DN phải tạm ngừng hoạt động, thua lỗ và có nguy cơ phá sản lại nhiều như hiện nay.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Cao Viết Sinh cho biết, năm 2011 có hơn 53.000 DN và 4 tháng đầu năm nay có 17.700 DN giải thể và ngừng hoạt động. Tính đến ngày 30/4/2012, trong tổng số hơn 647.600 DN đã thành lập, cả nước còn khoảng 463.800 DN đang hoạt động, chiếm 71,6%; có trên 81.900 DN đã giải thể, trên 16.000 DN đã đăng ký dừng hoạt động và trên 85.800 DN dừng hoạt động nhưng không đăng ký.

“Nếu cứ đà này, trung bình một tháng sẽ có từ 4.000 – 4.500 DN giải thể, thì chắc chắn năm nay, con số sẽ xấp xỉ năm ngoái, dự báo khoảng 50.000 DN sẽ giải thể, ngừng hoạt động. Điều này nói lên mức độ khó khăn của DN hiện nay”, ông Sinh nói.

Trước tình hình đó, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 13/NQ-CP về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất – kinh doanh, hỗ trợ thị trường. Các ngân hàng phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương thực hiện các biện pháp cơ cấu lại nợ (thời hạn trả nợ, lãi suất, cho vay mới trả nợ cũ…) và các giải pháp khác cần thiết, phù hợp với từng loại hình, lĩnh vực sản xuất – kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho DN vay được vốn phục vụ sản xuất – kinh doanh, nhất là đối với những DN có triển vọng phát triển, có sản phẩm đáp ứng yêu cầu của thị trường nhưng đang gặp khó khăn về tài chính.

Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng đảo nợ theo nghĩa về sản xuất – kinh doanh như DN bị khó khăn tạm thời, không trả được nợ thì ngân hàng sẽ kéo dài nợ. Đó cũng là bản chất của ngành ngân hàng, sinh ra là để đảo nợ, DN hết vay món này lại trả món kia và vòng quay như vậy luôn xoay, chứ không bao giờ dứt điểm.

Việc các ngân hàng áp dụng tái cơ cấu vay nợ của khách hàng là hoạt động rất bình thường. Tuy nhiên việc tái cơ cấu này có giúp khách hàng trả được nợ trong tương lai hay không? Ví dụ, khách hàng đang nợ 1 tỷ đồng, một số trường hợp không những ngân hàng gia hạn khoản nợ, mà còn cho vay thêm, để khách hàng có thể hoàn thành xong dự án, có thể trả được tiền. Hoặc ngân hàng chỉ đòi 500 triệu đồng, 500 triệu đồng còn lại giãn ra.

Hoạt động của ngân hàng dựa trên quan điểm bằng mọi cách hỗ trợ khách hàng để khách hàng hoặc tháo gỡ khó khăn, hoặc tốt hơn nữa là kinh doanh hiệu quả, từ đó lợi cho chính ngân hàng, ngân hàng có thể thu hồi tiền, bên cạnh đó củng cố quan hệ với khách hàng. Do vậy, việc giúp khách hàng mà đảm bảo ngân hàng có khả năng thu hồi toàn bộ số nợ hay một phần nợ thì nên làm.

Ngân hàng không cho đảo nợ

Tuy nhiên, hiện nay nhiều ngân hàng tuyên bố rằng khó có thể đảo nợ .

Ông Bùi Tấn Tài, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Á Châu, cho rằng hồ sơ vay mới hiện nay chủ yếu của khách hàng cũ vay lại, thế nên ngân hàng rất khó đánh giá khả năng trả nợ.

Ông Nguyễn Công Cảnh, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng An Bình, khẳng định khách hàng cũ chưa có phương án kinh doanh hiệu quả, hàng tồn kho nhiều dẫn đến nợ quá hạn gia tăng, vì vậy ABBank cũng khó đảo nợ cho họ.

Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc NHNN Chi nhánh TP.HCM, cho rằng các NH thương mại phải phối hợp với Quỹ Bảo lãnh doanh nghiệp nhỏ và vừa của TP và các hiệp hội để chủ động tìm dự án, doanh nghiệp hiệu quả.

Lãnh đạo một ngân hàng cũng chia sẻ ngân hàng đang dư khoảng 10.000 tỷ đồng, nhưng không dám cho vay. Mặt khác, rất nhiều DN hiện nay cũng không dám vay, bởi hàng tồn kho còn quá nhiều, sản xuất tiếp sợ không ai mua.

Theo Nghị quyết 13, không phải DN nào cũng được cơ cấu lại nợ. Do vậy, quan trọng là việc ngân hàng làm có nhằm mục đích cuối cùng để khách hàng trả được nợ cho mình hay không? Bản thân hành động đó không hề sai, nhưng nếu lạm dụng theo kiểu muốn giấu nợ xấu sẽ thành sai.

Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng, nhấn mạnh, ngân hàng khi tái cơ cấu nợ phải chứng minh được khách hàng đó có khả năng, chứ không phải dùng để làm mập mờ sổ sách, không phải xào nấu số liệu để món nợ trở nên “đẹp” hơn. Nếu nợ xấu cứ tụt từ 3 xuống 4, xuống 5, rủi ro tín dụng tăng lên đồng nghĩa với việc buộc ngân hàng phải đẩy chi phí dự phòng rủi ro tăng tương ứng.

“Nếu ngân hàng giữ nợ xấu ở nhóm 2, đặc biệt nếu giữ được ở nhóm 1 thì chi phí dự phòng rủi ro rất thấp, chỉ 0,75%, nghĩa là ngân hàng tiết kiệm được một khoản chi phí không nhỏ. Đó là một động cơ có khả năng dẫn đến tình trạng lạm dụng Nghị quyết 13”, TS. Hiếu nói.

Đan Chi

————–

Thị trường Tài chính 04-6-2012:

http://thitruongtaichinh.vn/26646/ngan-hang-tuyen-bo-kho-dao-no.html

(250/1.052)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.423. Will Duc Giang Chemical’s leadership breach lead to...

Will Duc Giang Chemical’s leadership breach lead to penalties? (VNN) - The leadership structure...

Trích dẫn 

3.974. Chính thức ngừng miễn thuế hàng nhập khẩu...

Chính thức ngừng miễn thuế hàng nhập khẩu dưới 1 triệu đồng. (VOVGT) -...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,120