171. Tên công ty phi pháp luật.

Tên công ty phi pháp luật.

(KTSG) –  Theo Luật Doanh nghiệp, một công ty dù có quy mô là siêu công ty, tổng công ty, tập đoàn hay công ty đa quốc gia, thì cũng chỉ được gọi là công ty, không hơn, không kém. Nhưng thực tế thì đang có nhiều tên công ty không theo đúng quy định của luật.

Tên công ty phi pháp luật.

Từ quy định của luật

Theo Luật Doanh nghiệp, thì dù là nhà máy, xí nghiệp, xí nghiệp liên hợp, liên hiệp xí nghiệp, công ty, liên hiệp công ty, tổng công ty, tập đoàn,… như cách gọi tên từ trước đến nay, thì cũng chỉ được quy về loại hình pháp lý là công ty, nếu không thì chỉ là chi nhánh công ty. Mà đã là công ty, dù là TNHH, cổ phần hay hợp danh thì đều có tư cách pháp nhân. Còn nếu là đơn vị phụ thuộc công ty, thì phải có sự ủy quyền của công ty tham gia giao kết hợp đồng.

Theo quy định tại điều 3, Luật Doanh nghiệp năm 2005 và điều 13, Nghị định số 43/2010/NĐ-CP ngày 15-4-2010 của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp, thì tên doanh nghiệp bao gồm hai thành tố: loại hình doanh nghiệp (bao gồm: công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, doanh nghiệp tư nhân) và tên riêng của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, vì pháp luật chỉ quy định tên công ty phải có từ “công ty”, mà không quy định chặt chẽ, nên nó đang được biến đổi theo đủ mọi cách.

Đến tên gọi biến dạng

Thứ nhất là từ “công ty” đã được chuyển từ vị trí đầu tiên lùi vào giữa, như “Tổng công ty Hàng hải Việt Nam – Công ty TNHH một thành viên” hay “Tổng công ty May 10 – Công ty cổ phần”.

Thứ hai là cụm từ “TNHH” và “cổ phần” không còn đi liền sau từ “Công ty”, mà được đẩy xuống xa hơn, như “Công ty Luật TNHH” chứ không phải là “Công ty TNHH Luật” (theo Luật Luật sư năm 2006, sửa đổi năm 2012), hay “Công ty tài chính cổ phần” chứ không phải là “Công ty cổ phần tài chính” (theo Nghị định số 79/2002/NĐ-CP ngày 4-10-2002 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của công ty tài chính, sửa đổi năm 2008).

“Nếu theo đúng quy định của luật, thì tất cả tên của các công ty đương nhiên phải được bắt đầu bằng từ “Công ty”, chứ không còn ngoại lệ bắt đầu bằng “Tổng công ty” hay “Tập đoàn”. Hãy tạo ra sự bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, từ điều nhỏ nhất như tên gọi của công ty”.

Thứ ba là không xuất hiện từ “công ty” theo luật định, như “Tập đoàn Bảo Việt” hay “Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam” (mã chứng khoán niêm yết là BVH và VCB). Riêng một số loại hình công ty đặc biệt, thì từ “công ty” không được xuất hiện trong tên gọi cũng là hợp lý. Chẳng hạn, nếu phải cho thêm từ công ty vào thì sẽ trùng lặp và không cần thiết đối với ngân hàng, với tên gọi là “Công ty Ngân hàng TNHH một thành viên HSBC” hay “Công ty Ngân hàng TMCP Á Châu”. Và cũng sẽ là quá phức tạp nếu như phải viết tên và khắc con dấu 35 chữ của một phòng giao dịch ngân hàng như sau: “Công ty trách nhiệm hữu hạn nhà nước một thành viên Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, chi nhánh TPHCM, Phòng giao dịch Mạc Thị Bưởi”.

Thứ tư dù chỉ là “chi nhánh công ty” nhưng vẫn cứ sử dụng từ “công ty”, như “Công ty Điện lực Tây Hồ – Tổng công ty Điện lực Hà Nội” hay “Công ty Điện thoại Đông thành phố – Tổng công ty Bưu chính Việt Nam”. Điều này rất dễ gây ra nhầm lẫn cho đối tác và các cơ quan chức năng.

Thống nhất tên gọi

Hiện nay, bên cạnh cách gọi xuôi “Công ty TNHH một thành viên – Tổng công ty Lương thực miền Nam” (Nghị định số 10/2014/NĐ-CP) thì vẫn tiếp tục cách gọi ngược là “Tổng công ty Hàng không Việt Nam – Công ty cổ phần” (sau khi cổ phần hóa sắp tới theo Quyết định số 1611/QĐ-TTg ngày 10-9-2014). Hay bên cạnh “Tập đoàn Điện lực quốc gia Việt Nam”, là một “nhóm công ty có quy mô lớn”, không phải là công ty, không có tư cách pháp nhân, theo đúng quy định của Luật Doanh nghiệp, thì lại có “Tập đoàn Điện lực Việt Nam”, là một công ty mẹ, có tư cách pháp nhân (theo Nghị định số 205/2013/NĐ-CP) trái luật. Hiện nay, có 10 cặp tập đoàn với hai tên gọi na ná nhau như thế. Nếu chỉ dựa vào cái tên, thì không thể nào phân biệt được giữa mỗi cặp tập đoàn, đâu là công ty và đâu không phải là công ty. Tất nhiên chỉ các doanh nghiệp nhà nước mới có đặc quyền đặt tên tổng công ty và tập đoàn. Còn doanh nghiệp dân doanh thì không được sử dụng cụm từ “Tổng công ty” và chỉ có thể tranh thủ chèn từ “Tập đoàn” vào giữa, rồi sau đó rút thành tên viết tắt.

Dự thảo Luật Doanh nghiệp sắp được Quốc hội thông qua quy định, tên của doanh nghiệp phải bao gồm hai thành tố theo thứ tự: Loại hình doanh nghiệp, tên riêng (điều khoản 38.1); đồng thời cũng quy định “Tập đoàn kinh tế, tổng công ty không phải là một loại hình doanh nghiệp, không có tư cách pháp nhân, không phải đăng ký thành lập theo quy định của Luật này” (điều khoản 188.1).

Nếu theo đúng quy định của luật, thì tất cả tên của các công ty đương nhiên phải được bắt đầu bằng từ “Công ty”, chứ không còn ngoại lệ bắt đầu bằng “Tổng công ty” hay “Tập đoàn”. Hãy tạo ra sự bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, từ điều nhỏ nhất như tên gọi của công ty.

 

Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên VIAC. 

——

Thời báo Kinh tế Sài Gòn (Kinh doanh & Pháp luật) 23-10-2014:

http://www.thesaigontimes.vn/121641/Ten-cong-ty-phi-phap-luat.html

 (Báo điện tử đăng ngày 24-10, trong mục Ý kiến)

(1.083/1.083)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.429. Củng cố pháp luật để phát triển trung...

Củng cố pháp luật để phát triển trung tâm tài chính. (KTVN) - Theo...

Trích dẫn 

3.978. Thưởng Tết - niềm vui giảm sút vì thuế...

Thưởng Tết - niềm vui giảm sút vì thuế thu nhập cá nhân. (DĐDN)...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,974