(ĐBND) – Nhiều điểm chưa hợp lý, có ý lại quá cụ thể không cần thiết, hoặc đơn giản thái quá cần phải bổ sung… đó là những nét chính trong bản đóng góp ý kiến của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa gửi đến Ngân hàng Nhà nước, góp ý cho dự thảo Thông tư hướng dẫn về hoạt động bảo lãnh ngân hàng.
Vấn đề đầu tiên, theo VCCI là nên cân nhắc khi quy định nghĩa vụ Bảo lãnh ngân hàng tại khoản 1 Điều 3, Dự thảo Thông tư “bên bảo lãnh chỉ phải thực hiện nghĩa vụ khi bên được bảo lãnh không có khả năng thực hiện nghĩa vụ của mình”. Vì theo quy định tại khoản 8 Điều 4 Luật các tổ chức tín dụng thì không có sự phân biệt giữa hai trường hợp không thực hiện hay không có khả năng thực hiện.
Còn tại khoản 2, điều 3, “Trường hợp bên đề nghị bảo lãnh không phải là bên được bảo lãnh, thì bên đề nghị bảo lãnh phải thực hiện đảm bảo cho nghĩa vụ bảo lãnh”. Trong trường hợp này, Luật sư Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI cho rằng: không nhất thiết bên đề nghị bảo lãnh phải thực hiện biện pháp đảm bảo mà có thể là các đối tượng khác như bên được bảo lãnh hoặc bên thứ ba. Do đó, theo ông Đức, nên bỏ quy định này vì không hợp lý và trùng với nội dung tại khoản 1 Điều 18 Dự thảo Thông tư về đảm bảo cho nghĩa vụ của khách hàng đối với bên bảo lãnh. Về hợp đồng bảo lãnh, ông Đức lập luận, việc các bên thoả thuận không thể không được thể hiện bằng văn bản và giao dịch bảo lãnh đương nhiên là một Hợp đồng cấp bảo lãnh. Do vậy, nên quy định rõ trường hợp các bên không ký hợp đồng cấp bảo lãnh, thì các thư bảo lãnh, hợp đồng bảo lãnh và các văn bản liên quan được coi như hợp đồng cấp bảo lãnh.
Đối với những trường hợp tổ chức tín dụng không được cấp bảo lãnh và hạn chế bảo lãnh được quy định tại Điều 5 Dự thảo, một số ý kiến cho rằng quy định này là chưa hợp lý và quá chặt chẽ. Thực tế, tại thời điểm xem xét quyết định và phát hành cam kết bảo lãnh, khoản bảo lãnh của bên bảo lãnh có thể vượt giới hạn tỷ lệ bảo đảm hoặc vi phạm quy định về giới hạn cấp tín dụng. Thế nhưng, tới thời điểm cam kết có hiệu lực thì đã không còn vượt giới hạn tỷ lệ an toàn. Do vậy, theo VCCI, cần quy định thời điểm tổ chức tín dụng không được cấp bảo lãnh là thời điểm có hiệu lực bảo lãnh. Việc quy định thời điểm này sẽ đáp ứng linh hoạt nhu cầu bảo lãnh của tổ chức tín dụng với khách hàng trên thực tế.
Một điểm nữa cũng đáng quan tâm là khoản 1 Điều 7“quy định về các tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng quy định tại Điều 130 Luật các tổ chức tín dụng”, đại diện Ngân hàng Phát triển đề nghị bổ sung nội dung: các khoản bảo lãnh đã được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận cho phép vượt tỷ lệ… (mức cụ thể trong từng thời kỳ) vốn tự có của ngân hàng thương mại được loại trừ khỏi giới hạn bảo lãnh.
Riêng trong việc phân loại bảo lãnh trực tiếp (khoản 1 Điều 8 Dự thảo), ông Đức chỉ rõ một khiếm khuyết khi bỏ sót Bảo lãnh thực hiện nghĩa vụ nộp thuế. Đối với Bảo lãnh thực hiện nghĩa vụ nộp thuế, bảo lãnh dự thầu, Bảo lãnh thực hiện hợp đồng xây dựng vì đã có những quy định chuyên ngành. Do đó, cần bổ sung quy định xác định rõ là khi nào được thực hiện theo Luật quản lý thuế, pháp luật đấu thầu, pháp luật đầu tư xây dựng và các quy định khác của pháp luật.
Có ý kiến cho rằng nên bỏ quy định tại khoản 1 Điều 18 “Đối với trường hợp bên đề nghị bảo lãnh không phải là bên được bảo lãnh, thì bên đề nghị bảo lãnh phải có tài sản bảo đảm tương ứng với giá trị bảo lãnh và các chi phí phát sinh theo quy định pháp luật hiện hành”. Vì thực chất, không nhất thiết phải là bên đề nghị thực hiện bảo đảm mà có thể là bên được bảo lãnh (không phải bên đề nghị) hoặc cả hai bên cùng thực hiện bảo đảm. Điều này hoàn toàn phụ thuộc vào thoả thuận của các bên như quy định tại đoạn đầu của khoản này là phù hợp (Bên bảo lãnh và khách hàng thỏa thuận áp dụng hoặc không áp dụng các biện pháp bảo đảm hoặc áp dụng một phần bảo đảm cho nghĩa vụ của khách hàng đối với bên bảo lãnh).
Về quyền của bên bảo lãnh, VCCI đề nghị sửa lại khoản 6 Điều 25 như sau: “Hạch toán ghi nợ kể cả trường hợp bên được bảo lãnh và yêu cầu bên được bảo lãnh hoặc bên đề nghị bảo lãnh hoặc bên bảo lãnh đối ứng hoàn trả số tiền mà tổ chức tín dụng đã trả thay”. Bởi vì mặc dù quy định bên được bảo lãnh phải nhận nợ bắt buộc với bên bảo lãnh nhưng không có gì bảo đảm bên được bảo lãnh ký văn bản nhận nợ, do vậy cần quy định quyền hạch toán ghi nợ của bên bảo lãnh đương nhiên như trên để bảo đảm nghĩa vụ. Riêng quyền và nghĩa vụ của khách hàng đối với tổ chức tín dụng bảo lãnh, bảo lãnh đối ứng và xác nhận bảo lãnh (Điều 29, Dự thảo Thông tư), theo VCCI cần quy định rõ nghĩa vụ của khách hàng là phải nhận nợ bắt buộc và hoàn trả tổ chức tín dụng số tiền tổ chức đã trả thay (điểm c khoản 2 Điều 29 Dự thảo). Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước cũng nên quy định rõ nếu khách hàng không nhận nợ thì trách nhiệm như thế nào để khi khách hàng không nhận nợ bắt buộc thì tổ chức tín dụng vẫn có cơ sở pháp lý để quy trách nhiệm cho khách hàng.
Vân Hà
————————————————–
Đại biểu Nhân dân online 04-12-2010