172. Doanh nghiệp “đi đêm” với ngân hàng

(PLVN) – Tỷ giá VND/USD liên tục tăng và chưa bao giờ giá USD niêm yết trong các ngân hàng thương mại và giá USD chợ đen lại có khoảng cách tới 2.000 đồng/USD như vừa qua. Nhiều mặt hàng rùng rùng tăng giá bất chấp CPI đang ở mức báo động trong khi các doanh nghiệp nhập khẩu điêu đứng với những khoản phí “trời ơi” ngoài giá USD niêm yết…

Tăng theo giá “đô”

Sau nhiều lần “nhấp nhổm” cuối cùng Viettel cũng chính thức tăng giá bán điện thoại iPhone 4 và iPhone 3GS loại 8GB vào tuần trước, với mức tăng cao nhất là 500 nghìn đồng. Đại diện Viettel cho biết, sự tăng giá này là do ảnh hưởng của sự biến động tỷ giá đồng USD trên thị trường ngoại tệ và đây là lần điều chỉnh tăng giá đầu tiên của Viettel kể từ thời điểm Viettel cung cấp iPhone. Trước đó, Vinaphone cũng đã 2 lần điều chỉnh giá bán iPhone 4 cũng với lý do biến đông tỷ giá.

Mặc dù cuối năm, các siêu thị đẩy mạnh khuyến mại, xả hàng, thế nhưng do ảnh hưởng của tỷ giá, nhiếu mặt hàng nhập khẩu có xu hướng tăng cao, đặc biệt mặt hàng IT. Theo ông Trịnh Đức Tuấn, Phó giám đốc Cty CP Pico, hiện mặt hàng điện thoại NOKIA đã tăng giá 7-8 %.

Mặc dù lường trước quy luật cuối năm giá USD bao giờ cũng tăng cao, cộng với nhu cầu tiêu dùng cũng lên mạnh, nhiều siêu thị đã hợp đồng đặt hàng và ấn định giá với những nhà cung cấp, tuy nhiên, nếu tỷ giá tiếp tục biến động mạnh, các siêu thị cũng không dám chắc nhà cung cấp có đảm bảo hàng như đã cam kết.

Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI: Luật pháp quy định DN và NH phải mua bán USD trong biên độ và tỷ giá do NHNN quy định.

Nhưng thực tế ngay trong hệ thống NH, hầu hết DN vẫn phải mua với tỷ giá chợ đen. Tỷ giá ngoài thị trường tự do tăng bao nhiêu thì giá giao dịch thực với NH tăng bấy nhiêu. Tỷ giá do NH niêm yết theo đúng quy định của NHNN chỉ còn là hình thức trong nhiều trường hợp.

Khoản chênh lệch này dù rất ít cũng đã khó hạch toán hợp pháp, nếu tăng đến cả chục phần trăm như hiện nay thì đây không còn là chuyện nhỏ.

Nếu cứ duy trì tình trạng này, việc hạch toán của cả DN và NH đều bị méo mó, không trung thực, bởi mua bán USD giá 21.500 đồng nhưng lại phải “chế biến” đủ kiểu thành 19.500 đồng. Kéo dài tình trạng này là ép buộc các DN và NH vào tình trạng vi phạm pháp luật rất nguy hiểm…

Cũng do biến động tỷ giá, cộng với lãi suất vay ngân hàng (NH0 tăng cao, chỉ trong tháng 11 vừa qua, thép đã hai lần tăng giá, với mức tăng mỗi lần từ 100.000 – 300.000 đồng/tấn, song doanh nghiệp (DN) vẫn trầy trật đánh vật với lỗ.

Xăng dầu, xi măng, vật tư nguyên liệu đầu vào cũng hết sức nhạy bén với  biến  động tỷ giá. Mới đây nhất, hôm 1/12, các DN kinh doanh gas đã đồng lọat tăng giá gas với mức tăng kỷ lục 38 nghìn đồng/bình 12 kg. Giá nhiên liệu đốt trên thế giới tăng một phần, song cũng như tất cả các DN nhập khẩu khác, các DN kinh doanh gas cũng đang điêu đứng với tỷ giá…

“Ăn” theo giá “đô”, cùng với nhu cầu mua sắm cuối năm, nhiều mặt hàng khác cũng rục rịch tăng giá, nhất là những mặt hàng thiết yếu, lương thực, thực phẩm …

Công thức cộng điểm

Theo quy luật hàng năm, giá USD thường tăng cao vào những tháng cuối năm, tuy nhiên, với mức tăng mạnh như hiện nay, không ít DN “choáng” vì nằm ngoài dự báo.

“Không ngờ chỉ mấy tháng cuối năm, tất cả nỗ lực từ đầu năm tới giờ gần như về “mo”- Bà Thanh Tuyết, Giám đốc tài chính Cty CP dây cáp điện Thượng Đình (Cadi – sun) than thở. Là DN có đến 90% vật tư phải nhập khẩu mà không có xuất khẩu, tỷ giá tăng khiến cho DN này điêu đứng.

Để có ngoại tệ cho nhập khẩu, DN này có quan hệ với 5 NH, NH thương mại nhà nước có, NH thương mại cổ phần cũng có. NH nào cũng vậy, trên giấy tờ, giá giao dịch chỉ là 19.5 (19.500 đồng/USD) nhưng thực tế DN phải cộng thêm 1.400- 1.500 điểm, tức là mỗi USD, DN phải trả thêm 1.400- 1.500 đồng ngoài giá niêm yết 19.500 đồng/USD.

“Có NH cho khoản này vào phí, có NH yêu cầu phải ôm tiền mặt đến trả. Thường thì DN chấp nhận ôm tiền mặt đến NH, vì như vậy “tiết kiệm” được 200 điểm”, bà Tuyết giải thích.

Không chỉ bị “cộng điểm” một lần mà DN này bị “cộng điểm” đến 3 lần (khi mở L/C; khi nhận nợ; và khi trả lãi hàng tháng) – mỗi lần bị cộng hơn 1.000 điểm…

Tuy nhiên, điều khiến cho DN này lo lắng hơn cả là khoản tiền chênh lệch ôm đến trả cho NH chỉ người nộp tiến và người thu tiền biết với nhau mà không hề có phiếu thu (!?). Số tiền này được NH giải thích là trả cho bên có USD bán cho NH vì thực tế bên bán USD cho NH trên giấy tờ cũng chỉ ghi với giá NH niêm yết. Biết là nắm đằng lưỡi song DN cũng không còn sự lựa chọn nào khác…

Với “công thức” cộng điểm này, giả sử DN mua 10 triệu USD, với tỷ giá như hiện nay, tính ra DN phải “cộng điểm” bên ngoài với mức khiêm tốn nhất thì đã mất bay 15 tỷ đồng, chưa kể lãi vay. Với số tiền không phiếu thu này, để “phù phép” quả là không đơn giản…

Đây cũng không phải trường hợp ngoại lệ. Khi được hỏi nhiều DN cho biết đó là “chuyện thường ngày ở NH”. Có điều khi tỷ giá tăng cao thì khoản chênh lệch “trên trời” này càng khó hạch toán và mức dộ nguy hiemr càng lớn hơn…

Thanh Thanh

——————————————

Pháp luật Việt Nam 04-12-2010

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

433. Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của...

Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp Tham luận Hội...

Phỏng vấn 

4.393. Đổi mới mạnh mẽ công tác xây dựng pháp...

Đổi mới mạnh mẽ công tác xây dựng pháp luật đáp ứng yêu cầu phát...

Trích dẫn 

3.913. Giá vàng ngày một "nóng", có nên nắm giữ...

Giá vàng ngày một "nóng", có nên nắm giữ dài hạn? (KTCK) - Giá vàng tăng...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 232,504