173. Bình luận một số vấn đề cân nhắc trong Dự thảo Hiến pháp năm 2013.

(ANVI) – Hội thảo Góp ý Dự thảo Hiến pháp 2013                                 VCCI, Hà Nội 19-3-2013    

 

Hiến pháp là một đạo luật đóng vai trò rường cột của ngôi nhà đất nước, đòi hỏi sự bền vững và chuẩn mực cao nhất. Vì vậy, mỗi lần dựng lại rường cột mới, thì cần mạnh dạn thay đổi cơ bản, mạnh mẽ, tiến bộ. Vì vậy, cần tiếp tục cân nhắc những vấn đề quan trọng còn nhiều ý kiến khác nhau trong Dự thảo Hiến pháp.

  1. Về thể chế chính trị:
  • Tên nước gắn với “Xã hội chủ nghĩa” (Điều 1) chỉ phù hợp và cố giữ nếu như vài ba chục năm nữa sẽ thành hiện thực. Không nên duy trì lý tưởng mà chưa thể hình dung đến bao giờ, có thể là phải một vài trăm năm nữa mới vươn tới. Vì vậy, đề nghị xem xét đổi mới hoặc lấy lại tên nước cũ cho đúng với thực chất, hoà nhập với toàn thế giới văn minh. Đặt tên để nội dung thống nhất với hình thức, chứ không nên viết vào Hiến pháp ước nguyện cho muôn đời con cháu mai sau.
  • Cần tham khảo Hiến pháp Trung Quốc năm 1982 (đã sửa đổi, bổ sung 4 lần) về việc ghi nhận sự lãnh đạo của Đảng. Đặc biệt là Việt Nam chịu ơn Trung Quốc nặng nhất, quan hệ với Trung Quốc tốt nhất (với 16 chữ vàng, 4 tốt) và học tập Trung Quốc nhiều nhất (cả thời bao cấp lẫn thời kinh tế thị trường).
  • Đề nghị xem lại quy định tại Điều 2 “nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức”. Hoặc là bỏ đoạn đuôi “liên minh với nông dân và tầng lớp trí thức” hoặc cần ghi nhận thêm cả doanh nhân, vì doanh nhân cùng với trí thức mới là tầng lớp đóng vai trò quyết định cho sự phát triển của đất nước.
  • Cần xem lại sự cần thiết của quy định về Công đoàn (Điều 10), vì đã quy định liên minh công – nông – trí như trên, nhưng lại chỉ quy định riêng 1 Điều về Công đoàn là đại diện cho giai cấp công nhân, trong khi không có quy định về các tổ chức khác tương đương đại diện cho giai tầng khác như Hội Nông dân Việt Nam, Liên hiệp các Hội Khoa học công nghệ Việt Nam,…?
  1. Về thể chế kinh tế:
  • Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (Điều 54) là gì cần được xác định rõ? Nếu không thể phân biệt thế nào là “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” với kinh tế thị trường phi định hướng xã hội chủ nghĩa thì chỉ cần ghi “nền kinh tế thị trường” là đủ, tránh sự đối nghịch có thể xảy ra giữa hai vế là “kinh tế thị trường” và “kinh tế kế hoạch hoá tập trung”, đồng thời tránh mâu thuẫn với khoản 1, Điều 55 “Nhà nước xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế, bảo đảm cho nền kinh tế vận hành theo quy luật thị trường”.
  • Quy định: “Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ trên cơ sở phát huy nội lực, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế; đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; phát triển kinh tế kết hợp chặt chẽ, hài hòa với phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ môi trường.” (Điều 53) hay “Nhà nước xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế, bảo đảm cho nền kinh tế vận hành theo quy luật thị trường; thực hiện sự phân công, phân cấp quản lý nhà nước giữa các ngành, các cấp, thúc đẩy liên kết kinh tế vùng, bảo đảm phát triển hợp lý, hài hòa giữa các vùng, địa phương và tính thống nhất của nền kinh tế quốc dân.” (Điều 55),… chỉ nên để trong các nghị quyết về chủ trương, chính sách, chứ không nên xuất hiện trong Hiến pháp.
  • Khoản 2, Điều 54 quy định: “Các thành phần kinh tế đều là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân, cùng phát triển lâu dài, hợp tác, bình đẳng và cạnh tranh theo pháp luật.” Từ “quan trọng” ở đây để dành cho thành phần nào? Đã là “các thành phần kinh tế”, tức thừa nhận tất cả các thành phần, thì mới đủ cấu thành nên nền kinh tế. Do đó, nếu khẳng định tất cả đều là bộ phận quan trọng là sự mập mờ thừa, vì đã nói đến tất cả thì sẽ đều quan trọng hoặc đều không quan trọng như nhau.
  • Đất đai đối với quốc gia nào cũng quý giá, quan trọng và có ý nghĩa như nhau, nhưng chỉ có rất ít nước quá dị biệt là không công nhận sở hữu tư nhân. Bên cạnh sở hữu Nhà nước về đất đai, công nhận thêm sở hữu pháp nhân, sở hữu cá nhân về đất đai chỉ có tốt hơn, tạo thêm động lực cho phát triển, đáp ứng được nguyện vọng cháy bỏng của nhân dân. Chế độ công hữu độc nhất về đất đai như một vết rạch hằn sâu vào bức tranh kinh tế đa sở hữu, như một giới tuyến định mệnh chia cắt sự đồng bộ tất yếu. Công nhận nền kinh tế thị trường, giá đất theo thị trường, việc giao đất, thu hồi đất cũng chủ yếu nhằm đáp ứng yêu cẩu của thị trường, nhưng riêng sở hữu thì lại không theo thị trường là một sự lẩn tránh. Dù có công nhận quyền sử dụng đất là tài sản, nhưng thực chất thì chỉ như một quyền phái sinh của tài sản, tức là người dân và doanh nghiệp chỉ được sử dụng sản phẩm phái sinh. Với các quyền chuyển nhượng, chuyển đổi, góp vốn, thế chấp, thừa kế,… của người sử dụng đất, đặc biệt là đất ở, đã rất gần với quyền sở hữu tư nhân. Tuy nhiên, có sự khác nhau cơ bản và ghê gớm giữa chủ sở hữu với những người còn lại, cũng giống như giữa người làm chủ với người làm thuê. Chẳng hạn chuyển nhượng, cho thuê thì được, nhưng cho mượn quyền sử dụng đất thì lại bị coi là không được, chỉ vì pháp luật không đề cập đến quyền cho mượn đất. Cũng mảnh đất đó, nếu là của chủ sở hữu thì đó là quyền đương nhiên không cần phải bàn cãi. Chỉ còn nhấn thêm một gang tấc nữa là đạt tới sự sự trọn vẹn, đúng với quy luật kinh tế và mong muốn tự ngàn đời, so với điều khác đi mới chỉ xuất hiện hơn 30 năm nay.

Đặc biệt, việc mở rộng truờng hợp thu hồi đất đai để thực hiện “các dự án phát triền kinh tế – xã hội” (Điều 58) dẫn đến đến nguy cơ gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng đến quyền lợi chính đáng của cá nhân và doanh nghiệp sử dụng đất, vì sự mơ hồ, mênh mông của “các dự án phát triển kinh tế – xã hội”. Quy định như vậy thì người sử dụng đất có thể bị thu hồi đất trong mọi trường hợp, vì có dự án nào ngoài mục đích an ninh, quốc phòng công cộng mà lại ngoài cả mục đích kinh tế hoặc xã hội?

Tuy nhiên, nguy cơ giữ nguyên 2 nội dung về sở hữu đất đai và thu hồi đất trong Dự thảo Hiến pháp là 99% vì đã được chốt cứng bằng nghị quyết. Và nếu Dự thảo Luật Đất đai năm 2013 được thông qua trước cả Hiến pháp như nghị trình, thì khả năng này lên tới 99,99%. Như vậy thì khác nào Hiến pháp không phải là cao nhất và luật con dắt mũi luật mẹ?

  • Dự thảo quy định “Cơ quan, tổ chức, cá nhân phải thực hành tiết kiệm, phòng chống lãng phí, tham nhũng trong hoạt động kinh tế – xã hội và quản lý nhà nước.” (Điều 60). Tiết kiệm là cần thiết, nhưng không cần phải quy định như vậy trong Hiến pháp, vì không thể chế tài cá nhân, doanh nghiệp (nhất là doanh nghiệp tư nhân) phải tiết kiệm, phòng chống lãng phí cả tiền bạc thuộc sở hữu của chính họ. Nền kinh tế thị trường còn đòi hỏi kích cầu, kích thích, khuyến khích tiêu dùng.
  • Quy định “Tổ chức, cá nhân được khuyến khích, tạo điều kiện để tạo việc làm, có thu nhập thỏa đáng cho người lao động.” (khoản 1, Điều 61) thì tốt nhất là không nên có trong Hiến pháp, vì không hợp lý, không diễn đạt vấn đề pháp lý. Thuê mướn lao động, tạo việc làm, trả thu nhập là mệnh lệnh, là quy luật tất yếu của nền kinh tế thị trường, chẳng cần khuyến khích trong Hiến pháp. Và thế nào là “thu nhập thoả đáng, nếu thu nhập không thoả đáng mà vẫn đúng luật, thậm chí vẫn phải lao vào làm thì Nhà nước giúp gì hay xử phạt không? Cùng với đó là quy định “Công dân có quyền làm việc, lựa chọn việc làm, nghề nghiệp và nơi làm việc” (khoản 1, Điều 38) cũng cần phải xem lại, vì không có sự bảo đảm nào đối với những người không có việc làm hoặc bị thất nghiệp.
  1. Về bộ máy nhà nước:
  • Dự thảo chỉ quy định lực lượng vũ trang có nghĩa vụ tuyệt đối trung thành với đảng (Điều 70)? Thế thì chẳng hoá ra các cơ quan Nhà nước khác không cần phải trung thành? Đảng đương nhiên thuộc về tổ quốc và nhân dân, nên Lực lượng vũ trang trung thành với tổ quốc và nhân dân là đã bao trùm và đầy đủ. Nếu đưa nội dung này vào thì có phải thừa nhận 4 bản Hiến pháp trước đây không nhắc đến là sai lầm hay bây giờ là thừa?
  • Đã đến lúc cần lược bỏ cái đuôi “nhân dân” trong tên gọi của quân đội, công an, toà án, viện kiểm sát, uỷ ban (các điều 71, 72, 107,…). Như vậy thì buộc phải hiểu là các cơ quan khác xa rời nhân dân. Vì vậy cần lược bỏ hết từ “nhân dân” đi, riêng uỷ ban cần gọi là uỷ ban hành chính cho đúng với chức năng, vai trò của cơ quan này.
  • Cần xem lại việc duy trì thiết chế “Uỷ ban Thường vụ Quốc hội” (Điều 78). Đây là một tầng nấc trung gian, cần bỏ đi để tăng cường tính chuyên nghiệp, bảo đảm thực quyền, tăng cường vai trò của Quốc hội và các Uỷ ban Quốc hội. Trên thực tế, thẩm quyền quan trọng nhất của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội được Quốc hội uỷ quyền là ban hành Pháp lệnh cũng bị thu hẹp tối đa, đã đến lúc chấm dứt. Đồng thời, đề nghị chuyển giao chức năng “giải thích Hiến pháp, luật, pháp lệnh” cho Toà án, vì việc giải thích phải gắn liền với cuộc sống và vụ việc, chứ giải thích chung chung thì đã được giải quyết bằng các thông tư, nghị định.
  • Cần xem lại việc duy trì Viện kiểm sát (Điều 112), vì nó không được xác định thuộc nhánh lập pháp, hành pháp hay tư pháp. Vì vậy, cần bỏ đi để đến thời điểm thích hợp chuyển cơ quan này thành Viện công tố.
  • Đề nghị thành lập Toà Hiến pháp để phán quyết các vấn đề có hợp hiến hay không theo các trình tự, thủ tục chặt chẽ, thay vì Hội đồng Hiến pháp (Điều 120), chỉ là cơ quan tư vấn thì hoàn toàn không cần thiết phải ghi nhận trong Hiến pháp.
  1. Về kỹ thuật soạn thảo:
  • Dự thảo Hiến pháp quá dài dòng, kể lể, lan man, ôm đồm, áp đặt, khẩu hiệu sáo rỗng, từ lời nói đầu cho đến tất cả các chương điều, trong đó có phần quy định về kinh tế. Quá nhiều điều khoản, từ ngữ chỉ nên để trong các nghị quyết, chủ trương, chính sách, giáo trình và luận văn. Đặc biệt, Lời nói đầu chẳng qua cũng như là thủ tục “kính thưa” mà thôi, không thể “lãng phí” tới 448 chữ. Trong khi nhiều đạo luật cần quy định cụ thể, chi tiết thì lại “mắc bệnh” chung chung, đại khái, còn Hiến pháp cần rất khái quát thì lại quá lan man, sa đà vào quá nhiều vấn đề tiểu tiết.
  • Dự thảo quy định một số hành vi bị nghiêm cấm như: “Nghiêm cấm mọi hành vi kỳ thị, chia rẽ dân tộc” (Điều 5); “Nghiêm cấm mọi hành vi tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử khác xâm phạm thân thể, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của con người” (Điều 22); “Nghiêm cấm mọi hành vi phân biệt đối xử về giới” (Điều 27); “Nghiêm cấm việc trả thù người khiếu nại, tố cáo” (Điều 31); “Nghiêm cấm các hành vi phân biệt đối xử, cưỡng bức lao động, sử dụng người lao động chưa thành niên trái pháp luật.” (Điều 38); “Nghiêm cấm hành hạ, ngược đãi, bỏ mặc, lạm dụng, bóc lột sức lao động và những hành vi khác vi phạm quyền trẻ em.” (Điều 40); “Nghiêm cấm các hành vi đe dọa đến cuộc sống và sức khỏe của người khác và cộng đồng.” (Điều 41);… Như vậy, hàng trăm, hàng ngàn những điều luật quy định cấm đoán khác thì chẳng hoá ra là trái với Hiến pháp? Vì vậy cần bỏ hết các quy dịnh dạng “nghiêm cấm”, chỉ nên để trong các đạo luật liên quan, chứ không nên đưa vào Hiến pháp.
  • Nhiều điều của Dự thảo viết “theo quy định của pháp luật” (các điều 15, 23,…) là không hợp lý. Nếu có cái “khoá” này thì các quy định quan trọng, trong đó có các quyền cơ bản của con người cũng như quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân đã được ghi nhận trong Hiến pháp sẽ có nguy cơ bị vô hiệu hoá, không còn mấy ý nghĩa. Quy định như vậy là hạ thấp vai trò của Hiến pháp, chẳng khác nào các đạo luật bình thường, thậm chí chẳng khác nào nghị định, thông tư. Vì vậy, chỉ nên mở rộng đến theo quy định của Luật. Hiến pháp không nên viết câu quyét như các văn bản quy phạm pháp luật thông thường khác.
  • Dự thảo chỉ quy định cấm lợi dụng để xâm phạm một số quyền (các điều 16, 25, 31, 64). Như vậy khác nào được phép suy luận pháp lý là được phép xâm phạm đến cái khác và xâm phạm đến chính các quyền ấy nhưng không lợi dụng thì vẫn được phép? Ví dụ quy định “Không được lợi dụng quyền con người, quyền công dân để xâm phạm lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc, quyền, lợi ích hợp pháp của người khác” (Điều 16). Như vậy thì sẽ bị suy luận rằng được phép xâm phạm lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc,… bằng cách thức khác, sao cho “không lợi dụng quyền con người, quyền công dân”.
  • Quy định “Phản bội Tổ quốc là tội nặng nhất” (Điều 47) là hoàn toàn không cần thiết, vì đã có quy định tại Điều 11 “Tổ quốc Việt Nam là thiêng liêng, bất khả xâm phạm”. Không những thế, nó trở lên sai lạc khi mà tội “Phản bội tổ quốc” trong Bộ luật Hình sự năm 1999 nặng bằng 2 tội khác và nhẹ hơn 4 tội khác. Ví dụ như “Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” (Điều 79) bị xử phạt nặng hơn hẳn tội “Phản bội tổ quốc”. Dẫn ra Điều này để minh hoạ cho nhận định: Dự thảo Hiến pháp có quá nhiều nội dung thừa thãi, dài dòng, vô duyên, phi pháp lý và xa lạ thực tế.
  • Các điều luật trong Dự thảo Hiến pháp không được đặt tên là một thiếu sót không thể bỏ qua. Hiến pháp phải là một văn bản thể hiện sự mẫu mực về kỹ thuật lập pháp, trong đó có việc đặt tên điều luật. Không đặt tên điều, thì cũng đồng nghĩa với tư duy không mạch lạc, ý tưởng không rõ ràng, bố cục không chặt chẽ, lô gic lỏng lẻo, vấn đề trùng lặp, nội dung tù mù, thêm bớt tuỳ tiện. Việc không đặt tên điều trong một văn bản quan trọng có tới 124 điều còn dẫn đến tình trạng kém minh bạch, khó tiếp cận, nắm bắt, theo dõi và trích dẫn.
  1. Kết luận:
  • Đa số các điều của Dự thảo Hiến pháp nói chung, 9 điều về kinh tế nói riêng đều có tình trạng thừa thãi từ ngữ, nhưng lại thiếu tính pháp lý. Trong Hiến pháp, không nên viết những điều chưa chắc chắc ổn định trường tồn; không nên chép lại những câu khẩu hiệu sáo rỗng chung chung; không nên đưa vào những mục tiêu ngắn hạn nhất thời, không nên liệt kê tham lam, kể lể dài dòng; không viết theo kiểu thích ứng với mùa vụ thời tiết; càng không nên viết những điều bất hợp lý, chưa hợp lòng dân.
  • Nếu đã thấy tất cả nội dung trong Dự thảo Hiến pháp đều quá đúng, tuyệt hay và cực kỳ sáng suốt rồi thì không cần đề nghị góp ý nữa. Còn đã lấy ý kiến, thì cần thiết và quan trọng nhất là bàn luận, xem lại những cái sai, điều dở và sự thể nhầm lẫn.
  • Mong muốn phải là xây mới thay vì “bảo dưỡng” Hiến pháp. Thay đổi Hiến pháp cũng như thay đổi rường cột của ngôi nhà, nếu chỉ hoán đổi trật tự điều khoản, chỉnh trang câu chữ lặt vặt theo kiểu sơn vôi, gắn vá thì ngay cả việc sửa đổi Hiến pháp cũng không nên, chứ đừng nói đến việc thay thế một bản Hiến pháp mới. Và nếu không được thay đổi và hoàn thiện một cách căn bản tiến bộ, thì bản Hiến pháp này không có hy vọng “sống” lâu hơn 4 bản Hiến pháp trước, thậm chí khó vượt qua được 1 thập kỷ.

—————————–

ĐC: Công ty Luật ANVI, tầng 2, Tòa nhà Savina, số 1 Đinh Lễ, phố Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, HN

FB: Trương Thanh Đức (www.facebook.com/LSTruongThanhDuc)

E-mail: duc.tt @anvilaw.com

Web: www.anvilaw.com

ĐT: 090.345.9070

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.429. Củng cố pháp luật để phát triển trung...

Củng cố pháp luật để phát triển trung tâm tài chính. (KTVN) - Theo...

Trích dẫn 

3.978. Thưởng Tết - niềm vui giảm sút vì thuế...

Thưởng Tết - niềm vui giảm sút vì thuế thu nhập cá nhân. (DĐDN)...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,965