173. Đảm bảo an toàn tính mạng cho trẻ ở trường mầm non

(VOV GT) – Nhiều vụ tai nạn đau lòng dẫn đến những cái chết thương tâm của trẻ trong trường mầm non đang cảnh báo về việc đảm bảo an toàn tính mạng cho trẻ.

Vào khoảng 11h30 phút ngày 28/5 vừa qua, tại Trường mầm non xã Phúc Thành, huyện Vũ Thư (Thái Bình), khi cô Nguyễn Thị Oanh (phụ trách lớp 3 tuổi) vào rửa bát tại phòng vệ sinh thì ở ngoài phòng vui chơi, tủ đựng đồ bằng gỗ nện kê sát tường đã đổ, đè vào cháu Lại Hải Tân (SN 2008).

Ngay khi nghe tiếng kêu cứu, các giáo viên và người lớn xung quanh đã đưa cháu Tân tới cấp cứu tại trạm y tế xã Phúc Thành, tuy nhiên cháu đã tử vong. Trong khi anh Lại Văn Thứ, bố cháu Tân, cho rằng: “Vì sao nơi vui chơi của các cháu lại để một tủ đựng đồ bằng gỗ, không có dây buộc hay móc chốt chống đổ?”, thì bà Quản Thị Thanh Nga, hiệu trưởng Nhà trường cho rằng, đây là một sự số đáng tiếc, xảy ra ngoài tầm kiểm soát của nhà trường và giáo viên (?!).

Hố nước, nơi cháu Đinh Viết Cầu tử vong

Một trường hợp đau lòng khác, xảy ra trước đó tại Tân Kỳ – Nghệ An. Vì một phút lơi lỏng của cô giáo Nguyễn Thị Thanh, cháu Đinh Viết Cầu, ở lớp mẫu giáo bé Trường Mầm non Tân Phú – Tân Kỳ – Nghệ An đã bị rơi xuống hố. Khi thấy cháu Đinh Viết Bình (là anh em sinh đôi với Cầu) hớt hải chạy vào báo với cô có người rơi xuống nước. Cô Thanh lao đến, đưa cháu Cầu lên bờ và làm động tác hô hấp nhân tạo. Nhưng do sức đề kháng của trẻ yếu, đột ngột tiếp xúc với nước lạnh và không được đưa lên kịp thời nên nạn nhân đã tử vong.

Cũng với nguyên nhân tử vong vì đuối nước, vào ngày 31/8/2011, các cô giáo của trường Tiểu học Bắc Phan Thiết (Phường Phú Thủy, TP Phan Thiết) đã phát hiện cháu Nguyễn Gia Huy (học sinh lớp 1 bán trú) chết ngay trong hồ nước xây dựng công trình của trường. Được biết, cháu Huy vừa nhập học vào lớp 1 bán trú của trường được hai tuần nay. Hồ nước mà cháu Huy bị chết đuối chỉ rộng chừng hơn 1m do đơn vị thi công trường để lại.

Vào ngày 1/3/2012 vừa qua, tại trường Mầm non Xuân Giang, Nghi Xuân, Hà Tĩnh, khi hết giờ ngủ trưa, khi cô giáo đánh thức các bé dậy nhưng không thấy bé Võ Long Nhật dậy cùng các bạn. Đến gần thì giáo viên này phát hiện bé Nhật đã bất tỉnh, có chất dịch nôn ở miệng và gối. Ngay lập tức, Võ Long Nhật được đưa đến Bệnh viện Đa khoa huyện Nghi Xuân cấp cứu nhưng các bác sỹ xác định cháu đã tử vong trước khi đưa đến viện. Kiểm tra trên cơ thể cháu Nhật không phát hiện có gì bất thường. Theo gia đình cho biết, cháu Nhật là đứa trẻ hoạt bát, khỏe mạnh và rất ít khi đau ốm. “Tại sao sau khi ngủ trưa ở trường mà lại có thể chết được?” – là câu hỏi đau đáu đối với gia đình nạn nhân.

Xung quanh những tai nạn đau lòng nêu trên là những câu chuyện rất dài sau đó. Câu chuyện về nguyên nhân tai nạn, về nỗi đau của gia đình nạn nhân và trách nhiệm của nhà trường, giáo viên và những người có liên quan tới những tai nạn này.

Trường Mầm non Xuân Giang, Nghi Xuân, Hà Tĩnh vắng tanh sau tai nạn của cháu Võ Long Nhật

Trao đổi về vấn đề này cùng VOVgiaothong.vn, Luật sư Trương Thanh Đức – Công ty Luật ANVI cho biết, theo Điều 35 về “Nhiệm vụ của giáo viên”, Điều lệ Trường mầm non, ban hành kèm theo Quyết định số 14/2008/QĐ-BGDĐT ngày 07/4/2008 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định: Giáo viên có nhiệm vụ “Bảo vệ an toàn sức khoẻ, tính mạng của trẻ em trong thời gian trẻ em ở nhà trường, nhà trẻ, nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập”.

Gia đình có quyền khởi kiện dân sự đề đòi bồi thường thiệt thại theo quy định tại Điều 604 về “Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại” và các điều liên quan khác của Bộ luật Dân sự năm 2005. Theo đó, người nào do lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý xâm phạm tính mạng, sức khoẻ của cá nhân thì phải bồi thường thiệt hại về vật chất và tinh thần. Trong những trường hợp trên, trước tiên, nhà trường phải bồi thường thiệt hại do người của mình gây ra trong khi thực hiện nhiệm vụ, sau đó có thể yêu cầu người có lỗi trong việc gây thiệt hại phải hoàn trả.

Ngoài ra, nếu người gây ra cái chết cho trẻ em vi phạm ở mức độ nghiêm trọng, thì gia đình còn có thể yêu cầu cơ quan công an xem xét khởi tố hình sự theo quy định tại Điều 98 về “Tội vô ý làm chết người” hoặc Điều 99 về “Tội vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính”. Theo đó người vi phạm có thể bị phạt tù từ 6 tháng đến 12 năm tù.

Nhà trường là nơi tin cậy nhất để các bậc cha mẹ gửi gắm con em mình, thế nhưng, những tai nạn nêu trên cho thấy nhà trường đôi khi đã trở thành nơi không an toàn. Mà điều này không chỉ là mối lo ngại của mỗi gia đình mà trở thành mối lo chung của toàn xã hội.

Mặt khác, trách nhiệm bảo vệ và đảm bảo an toàn cho trẻ em không chỉ là của giáo viên và của nhà trường, mà là của ngành giáo dục và chính quyền các địa phương. Và nếu như những sai sót, vi phạm đe dọa tính mạng của trẻ không được chấn chỉnh kịp thời, không được xử lý nghiêm khắc thì sự nguy hiểm vẫn sẽ tiếp tục rình rập đối với mọi trẻ em trong các nhà trường.

Nguyễn Yên

—————

VOV Giao thông (Xã hội) 06-6-2012

http://vovgiaothong.vn/chinh-tri-xa-hoi/xa-hoi/2012/06/dam-bao-an-toan-tinh-mang-cho-tre-o-truong-mam-non/

(437/1.097)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

433. Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của...

Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp Tham luận Hội...

Phỏng vấn 

4.393. Đổi mới mạnh mẽ công tác xây dựng pháp...

Đổi mới mạnh mẽ công tác xây dựng pháp luật đáp ứng yêu cầu phát...

Trích dẫn 

3.913. Giá vàng ngày một "nóng", có nên nắm giữ...

Giá vàng ngày một "nóng", có nên nắm giữ dài hạn? (KTCK) - Giá vàng tăng...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 232,506