174. Dựng hàng rào phòng thủ chống thâu tóm

(TBNH) – Việc khởi động xu hướng chào mua công khai trên thị trường đang đẩy các công ty đại chúng đối mặt với khả năng bị thâu tóm, bị mua lại, bị sáp nhập bất cứ lúc nào”.

Cảnh giác khi cổ phiếu đắt hàng

Hiện nay CTCP Hóa dược phẩm Mekophar (MKP) đang chào mua lại 2.866.538 CP làm CP quỹ tương đương 28,4% vốn điều lệ hiện tại của công ty. Thời gian chào mua dự kiến từ 17/5-18/6. Nếu thực hiện mua hết lượng chào mua, lượng CP quỹ của MKP sẽ tương đương 30% vốn điều lệ. Động thái này được nhiều người cho rằng đây là cách MKP tránh bị thâu tóm, rút kinh nghiệm trường hợp bị thâu tóm của CTCP Dược Hà Tây (DHT) hay trường hợp của NHTMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank).

Thời gian gần đây, trên sàn chứng khoán đã xuất hiện những những thông báo chào mua công khai và đã có trường hợp nhờ chào mua công khai. Theo nhóm nghiên cứu của Đại học quốc gia Hà Nội “Các thương vụ chào mua công khai hoặc thâu tóm trên sàn chứng khoán là dấu hiệu phát triển chuyên nghiệp hơn của chứng khoán cũng như phương thức M&A ở Việt Nam. Việc khởi động xu hướng chào mua công khai trên thị trường đang đẩy các công ty đại chúng đối mặt với khả năng bị thâu tóm, bị mua lại, bị sáp nhập bất cứ lúc nào”. Quả vậy, trên thực tế đã xảy ra khá nhiều trường  hợp như vậy. Đơn cử như từ chỗ không sở hữu cổ phần nào mà CTCP Hàng tiêu dùng Masan đã thâu tóm được CTCP Vinacafe Biên Hòa. CTCP Hàng tiêu dùng Masan là công ty trực thuộc Tập đoàn Masan. Ngay trên website của tập đoàn này đã tự giới thiệu là đã “có thành tích trong hoạt động xây dựng, mua lại và quản lý các doanh nghiệp hàng đầu trong một số lĩnh vực tăng trưởng nhanh nhất của nền kinh tế Việt Nam”. Masan tự khoe đã mua một lượng lớn CP NHTMCP Kỹ thương (Techcombank) và Công ty liên doanh khai thác chế biến khoáng sản Núi Pháo. Techcombank là NHTMCP lớn thứ 3 của Việt Nam còn Núi Pháo – theo Masan – sẽ là công ty sản xuất vonfram lớn nhất bên ngoài Trung Quốc và một trong những đơn vị sản xuất florit và bismut lớn nhất thế giới.

Ngày 24/3/2012,  Lotte đã nắm vị trí chủ chốt và quyền điều hành quan trọng trong Công ty Bibica thông qua hai chức danh quan trọng là chủ tịch HĐQT và giám đốc tài chính. Hiện Lotte sở hữu đến 35,65% vốn của Bibica.

Gần đây thị trường đang nghi ngờ Masan sẽ thâu tóm CTCP Bao bì Nhựa Tân Tiến (TTP). Trong khi cổ đông  CTCP Bánh kẹo Biên hòa (Bibica) đang lo lắng nguy cơ bị nhà đầu tư chiến lược Lotte – Hàn Quốc thôn tính. Giữa tháng 3/2012, Công ty nhựa Thái Lan Nawaplastic Industry (Saraburi) bất ngờ thông báo trở thành cổ đông lớn nắm 16,72% vốn của Nhựa Bình Minh (BMP) và 22,67% vốn của Nhựa Tiền Phong (NTP) – hai doanh nghiệp lớn nhất trong lĩnh vực sản xuất ống nhựa xây dựng tại Việt Nam. Không ít cổ đông đang lo lắng trước hiện tượng nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần của các doanh nghiệp Việt Nam với âm mưu thâu tóm.

Cách phòng thủ

Tham vọng của Masan khi mua Vinacafe là xâm nhập thị trường nước giải khát. Trước đó Vinacafe mới đây đã đầu tư xây dựng một nhà máy mang đẳng cấp thế giới dự kiến sẽ nâng tổng công suất sản xuất lên gần 3 lần sau khi hoàn thành.

Trước những hiện tượng này, Luật sư Trương Thanh Đức lưu ý: chào mua công khai là dấu hiệu cho thấy cổ đông muốn sở hữu một tỷ lệ đáng kể ảnh hưởng đến việc ra quyết định của công ty. Không những thế, những nhà đầu tư khác cũng rất dễ bị ảnh hưởng mua theo. Như vậy, các cổ đông cũ sẽ bị giảm tỷ lệ sở hữu đáng kể, giảm quyền chi phối với công ty. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc nhóm cổ đông mới càng có cơ hội thâu tóm công ty.

Để có thể thâu tóm một doanh nghiệp, từng nhóm đầu tư âm thầm mua CP đến khi đã nắm được số lượng CP theo kế hoạch thì sẽ chào mua công khai. Lôi kéo các cổ đông lớn và nhỏ của công ty nhằm nắm quyền kiểm soát công ty cũng là một cách. Cũng có khi để thâu tóm, nhà đầu tư chào mua công khai khi đã xác định được doanh nghiệp mục tiêu…

Nhóm nghiên cứu của Đại học Quốc gia cảnh báo, sẽ tiếp tục xuất hiện các cuộc thôn tính trên sàn chứng khoán. Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu lại cho rằng “những nguy bị cơ thâu tóm đối với các doanh nghiệp, cũng là cơ hội để nhiều doanh nghiệp có thể phát triển mạnh bằng hình thức M&A”. Theo nghiên cứu của nhóm này, M&A sẽ tiếp tục là một xu hướng phát triển mạnh trong thời gian tới. Trong đó, 4 nhóm ngành sẽ là tâm điểm của các thương vụ M&A là nhóm doanh nghiệp ngành Ngân hàng và dịch vụ tài chính, bất động sản, ngành sản xuất hàng tiêu dùng, doanh nghiệp ngành viễn thông, ngành dược phẩm, y tế và chăm sóc sức khỏe và doanh nghiệp khai khoáng.

Không ít các công ty đại chúng đang lo ngại nguy cơ bị thâu tóm vì quy định chào mua công khai chỉ áp dụng với trường hợp mua 25% vốn trở lên đối với một hoặc một nhóm cổ đông. Quy định này dễ dàng bị lách bằng cách mua gom cổ phiếu qua nhiều tài khoản bằng cách sử dụng nhiều đầu mối khác nhau. Và để đối phó, nhiều công ty đang đẩy mạnh mua lại CP quỹ như trường hợp của  CTCP Hóa dược phẩm Mekophar.

“Nếu đã chấp nhận đưa cổ phiếu lên sàn giao dịch, thì phải chấp nhận khả năng bị thâu tóm, nhưng DN có thể tránh thâu tóm bằng cách giữ lại số cổ phiếu đang sở hữu không bán ra ở mức bảo đảm không bị thâu tóm; Mua tiếp cổ phiếu vào để bảo đảm giữ được mức không bị thâu tóm; Mua cổ phiếu quỹ để giảm số lượng cổ phiếu lưu hành và nâng giá cổ phiếu hay trả cổ tức cao cho cổ đông”.

(Luật sư Trương Thanh Đức)

Tri Nhân

————–

Thời báo Ngân hàng 15-6-2012:

(191/1.152)

 

Bài viết 

308. Mất tiền từ séc giả, trách nhiệm thuộc...

(VNB) - Khi sự việc xảy ra, cần xác định ai là người có lỗi, lý do, nguyên...

Bình luận 

427. Bình luận về Luật siêu dễ: Hồi hộp đến...

(VTV3) Bình luận về Luật siêu dễ: Hồi hộp đến phút cuối với chủ đề...

Phỏng vấn 

4.362. Xôn xao "nghi án" trang cờ bạc trực tuyến...

Xôn xao "nghi án" trang cờ bạc trực tuyến quảng cáo trá hình thông qua...

Trích dẫn 

3.860. Chung cư mini lần đầu được quy định cụ...

(VOV GT) - Luật Nhà ở năm 2023 có hiệu lực từ 01/8/2024, nhà ở nhiều tầng nhiều...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 224,246