(PLVN) – Sau “cơn điên” ngày 8/12, hôm qua (9/12) lãi suất đã “hạ nhiệt” thuận theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước. Thế nhưng, theo khảo sát của phóng viên, đằng sau vẻ yên ắng bề mặt vẫn đang âm thầm một cuộc đua. Lãi suất thực gửi là bao nhiêu, chỉ ngân hàng và người gửi tiền mới biết…
Khoảng lặng sau “cơn điên”
Trái với cảnh tập nập, máy đếm tiền chạy soành xoạch vào buổi chiều 8/12, sáng qua tại Phòng giao dịch (PGD) của SeABank trên đường Xã Đàn (Đống Đa, Hà Nội) là một bầu không khí đìu hiu. Một khách hàng phi xe máy lên vỉa hè ngơ ngác khi phía ngoài PGD này, bảng lãi suất (LS) đã sửa lại còn 14%. “Không biết đây có phải ngân hàng (NH) huy động LS 18% ngày hôm qua không?”- vị khách nghi ngờ hỏi vì không tin LS đã tụt nhanh đến thế. “Sáng nay vẫn còn NH ở phố Bà Triệu gọi điện chào với LS 17%/năm cơ mà”- nói rồi, vị khách hàng lại lên xe lượn thêm một vòng nữa trước khi quay đầu hướng về phố Bà Triệu.
Dọc con phố được mệnh danh đắt nhất hành tinh này, có khoảng gần 20 PGD của các NH và theo quan sát của phóng viên, bảng LS công khai cao nhất là 14%/năm (SeABank, SHB), tiếp đó là 13,75%/năm (VPBank), còn nhìn chung, các NH đều không công khai LS, phần ghi LS để trống. Bước vào PGD của Navibank, nhân viên đon đã mới chào và cho biết, LS chỉ còn 13,5%/tháng. Khi thấy khách hàng định quay ra, nhân viên níu kéo: “Nếu khách hàng cam kết đúng thời hạn gửi tiền thì sẽ được công thêm 1% LS là 14,5%”.
Nhìn sang bên kia đường, hướng PGD của SeABank, nhân viên này níu kéo: “SeABank hôm qua 18% thì bên em cũng 17%, nhưng hôm nay, bên đó cũng chỉ 14%/năm thôi, đây là mức LS cao nhất rồi…”. Tại PGD của SeABank, khi hỏi về số tiền gửi trên 100 triệu đồng, nhân viên cho biết, ngoài LS 14%, khách hàng còn được tặng tiền mặt trị giá từ 0,8- 1,2% LS tùy theo số tiền gửi…
Tại PGD NH Bắc Á (Hào Nam, Hà Nội), nhân viên cho biết, LS huy động cao nhất là 14,6%/năm với số tiền gửi từ 30 triệu trở lên, thời hạn gửi 6 tháng. Với số tiền trên 1 tỷ, mức LS có thể lên tới tối đa là 14,8%/năm. Ngoài ra, khách hàng còn được nhận vé cào, tính ra LS vào khoảng 15%.
Theo số điện thoại trên tờ rơi chương trình “3 ngày vàng tiết kiệm” của Techcombank, chúng tôi đã điện thoại đến Techcombank Ba Đình, nhân viên cho biết, mức LS 17% đã hạ xuống chỉ còn 16,5%, chỉ áp dụng trong ngày 2 ngày còn lại của chương trình. Tuy nhiên, gần trưa, điện thoại hỏi lại thì nhân viên lại quả quyết; “Chương trình đã kết thúc, chị có muốn hỏi về LS thì mời chị đến PGD sẽ trao đổi cụ thể chứ không nói qua điện thoại…”(!?)
Lúng túng trong điều hành
“Thủ phạm” tạo ra “cơn điên” LS hôm 8/12 được chỉ ra là Techcombank khi NH này triển khai chương trình “3 ngày vàng tiết kiệm” với mức LS lên tới 17%/năm, nếu cộng cả LS thưởng thì LS lên tới 17,6%. Để đối phó lại, gần như ngay lập tức, trong buổi sáng, rất nhiều phương án tăng LS lên 17% đã được các NH hoàn thành để có thể áp dụng ngay khi cơn sốc này gây ra sóng trên thị trường, thậm chí có NH đã tăng LS lên đến 18% như SeABank, chưa kể các mức LS thỏa thuận mà chỉ khách hàng và NH biết với nhau.
Cũng rất nhanh, ngay cuối buổi chiều, Techcombank cùng một loạt các NH khách đã bị Ngân hàng Nhà nước (NHNN) “thổi còi” và hiện NH này đang phải giải trình, “rút kinh nghiệm”. Tuy nhiên, sau “cơn sốt” bất thường này không ai dám chắc mặt bằng LS sẽ ổn định (chứ chưa nói đến chuyện giảm LS).
“Nếu bảo Techcombank sai thì sai ở đâu, ai đúng?”- Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI đặt vấn đề. Theo Luật sư Đức, NHNN đáng ra phải ở thế chủ động thì rơi vào thế bị động lúng túng trong điều hành. “Nếu cứ theo nguyên tắc cứng nhắc ra thì cả làng đều sai. Từ việc thoả thuận LS 12%/năm, cho đến thực tế niêm yết trên 13,5%/năm, đều sai tuốt tuồn tuột. Và nói huy động thế sai, thì cho vay còn trầm trọng hơn nhiều. Cứ theo nguyên tắc của Luật Ban hành Văn bản QPPL năm 2008, thì bây giờ cho vay tối đa cũng chỉ được 13,5%, Thông tư 12 cũng chẳng đẻ ra chữ nào cho phép cao hơn, nhưng rồi tất cả cứ ù xoẹ, mập mờ…” .
Đầu tháng 12, tại cuộc họp báo thường kỳ Chính phủ, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Giàu cho rằng, LS tăng cao trong thời gian qua là “bất khả kháng”, vì lợi ích của cả nền kinh tế là chống lạm phát, đến một lúc nào đấy nền kinh tế ổn định rồi thì LS cạnh tranh càng ngày phải càng giảm xuống. Thế nhưng, chẳng ai, kể cả NHNN ngờ được LS bị đẩy lên mức khủng khiếp, gần như bằng mức LS cao nhất vào năm 2008, và việc nhiều NH hốt hoảng và tìm cách phản ứng cũng là điều dễ hiểu. Sự cố hôm 8/12 vừa qua, NHNN đã có động thái khá nhanh nhưng kết cục vẫn bị động, cuộc họp giao ban thông thường với các NH ở NHNN đã chuyển hướng sang việc xử lý lộn xộn LS trên thị trường.
NHNN một mặt đã phát đi thông điệp về sự ổn định về thanh khoản của hệ thống NH, một mặt cảnh báo sẽ xử lý nặng các NH tăng LS quá cao. Với cách răn đe này, việc các NH nhanh chóng hạ LS hay LS “rút vào họat động bí mật” cũng là điều dễ hiểu. “Thực ra, đây là mệnh lệnh hành chính. Nếu chiếu theo các văn bản hiện hành, chưa có quy định nào cho phép NHNN được xử phạt. Thế nhưng, các NH vẫn buộc phải chấp hành lệnh của NHNN…”- Luật sư Đức cho biết.
Một khi cái gốc của vấn đề chưa được tháo gỡ thì có lẽ NHNN sẽ phải chạy theo các sự cố dài dài…
Hiểu My
(Thanh Lan)
——————————————
Pháp luật Việt Nam 10-12-2010