175. Bình luận: Tất cả các luật đất đai đều trái hiến pháp.

(ANVI) – Hội thảo Góp ý Dự luật Đất đai                                       Trường Đại học Luật HN 12-4-2013    

 

Với  khung khổ pháp lý méo mó và rối ren như hiện trạng, thì khen rằng Dự thảo Luật Đất đai năm 2013 là tốt cũng đúng, mà chê là dở thì cũng không sai. Đã góp ý từ tổng thể đến chi ly mọi thứ nhiều rồi, nay tôi cũng chẳng muốn nhắc lại, mà chỉ đưa ra một bình luận mới nhất: Các Luật Đất đai đều trái Hiến pháp. Tuy nhiên, đây chủ yếu là một cách thức bày tỏ và góp ý, chứ không hẳn là muốn nhằm tới khẳng định vi hiến.

  1. Về quyền sở hữu đất đai:

Hiến pháp năm 1959 đang có hiệu lực, quy định đất đai thuộc sở hữu tư nhân, bỗng dưng Quyết định số 201/HĐCP-QĐ ngày 01-7-1980 của Hội đồng Chính phủ về việc Thống nhất quản lý ruộng đất và tăng cường công tác quản lý ruộng đất trong cả nước tuyên bố thuộc sở hữu Nhà nước: “Không được phát canh thu tô, cho thuê, cầm cố hoặc bán nhượng đất dưới bất cứ hình thức nào

Hiến pháp không quy định đất đai thuộc sở hữu của Nhà nước, mà là sở hữu toàn dân. Vậy thì tất cả mọi người dân đều phải có quyền sở hữu chung, không theo phần thì cũng hợp nhất. Sở hữu chung giữa nhân dân với Nhà nước. Vậy sao Luật Đất đai lại tước đoạt quyền sở hữu của nhân dân, mà chỉ công nhận sở hữu của Nhà nước, chỉ trao quyền sử dụng cho nhân dân?

Nhân dân phải có quyền sở hữu đối với đất đai, tương tự như sở hữu cổ phiếu trong công ty cổ phần. Cổ phiếu là tài sản của công ty, nhưng đồng thời cũng thuộc sở hữu của cổ đông. Vì vậy, cổ đông có quyền chuyển nhượng, cầm cố,…

Nếu không thừa nhận sở hữu toàn dân là sở hữu chung giữa Nhà nước với nhân dân như lý giải trên, thì Hiến pháp đã trái với ý chí, nguyện vọng của nhân dân, Hiến pháp trái quy luật. Ruộng đất đang thuộc sở hữu của ông cha tự ngàn đời, tự dưng xưng xưng tuyên bố là của Nhà nước. Quyền sở hữu không còn là thiêng liêng, mà là chung chiêng, không còn là bất khả xâm phạm mà là tha hồ xâm phạm.

Bên cạnh sở hữu Nhà nước về đất đai, công nhận thêm sở hữu cá nhân và pháp nhân về đất đai chỉ có tốt hơn, tạo thêm động lực cho phát triển, đáp ứng được nguyện vọng cháy bỏng của con người. Chế độ công hữu độc nhất về đất đai như một vết rạch hằn sâu vào bức tranh kinh tế đa sở hữu, như một giới tuyến định mệnh chia cắt sự đồng bộ tất yếu. Công nhận nền kinh tế thị trường, giá đất theo thị trường, việc giao đất, thu hồi đất cũng chủ yếu nhằm đáp ứng yêu cẩu của thị trường, nhưng riêng sở hữu thì lại không theo thị trường là một sự lẩn tránh. Dù có công nhận quyền sử dụng đất là tài sản, nhưng thực chất thì chỉ như một quyền phái sinh của tài sản, tức là người dân và doanh nghiệp chỉ được sử dụng sản phẩm phái sinh.

Cả Hiến pháp năm 1992 và Dự thảo năm 2013 cũng như Luật đất đai đã buộc phải vi phạm một trong những quy luật lô gic cơ bản, đó là đánh tráo khái niệm quyền sở hữu với quyền sử dụng. Người sử dụng đất có tất cả các quyền của chủ sở hữu.

Với các quyền chuyển nhượng, chuyển đổi, góp vốn, thế chấp, thừa kế,… của người sử dụng đất, đặc biệt là đất ở, đã rất gần với quyền sở hữu tư nhân. Tuy nhiên, có sự khác nhau cơ bản và ghê gớm giữa chủ sở hữu với những người còn lại, cũng giống như giữa người làm chủ với người làm thuê. Chẳng hạn cho thuê thì được, nhưng cho mượn quyền sử dụng đất thì lại bị coi là không được, chỉ vì pháp luật không đề cập đến quyền cho mượn đất. Cũng mảnh đất đó, nếu là của chủ sở hữu thì đó là quyền đương nhiên không cần phải bàn cãi. Chỉ còn nhấn thêm một gang tấc nữa là đạt tới sự trọn vẹn, đúng với quy luật kinh tế và ước nguyện tự ngàn đời, so với điều khác đi mới chỉ xuất hiện hơn 30 năm nay. Lo ngại quay về chế độ đa sở hữu sẽ rũ rối vấn đề và rất phức tạp là vô căn cứ. Muốn quay lại thì cũng phải có lộ trình hợp lý, trước tiên là hãy công nhận ngay đất ở thuộc sở hữu của cá nhân, còn các loại đất khác thì có thể phải chuyển đổi dần dần trong một vài chục năm.

Người đời đã từng đúc kết rằng, thời hạn để sửa chữa một quy định sai lầm ít nhất phải bằng với thời hạn đã thực hiện nó. Vậy chúng ta sẽ mất một phần ba hay mấy phần của thế kỷ để sửa chữa điều này?

  1. Về các quyền của người sử dụng đất:

Dựa trên Hiến pháp năm 1980 quy định đất đai thuộc sở hữu toàn dân (Điều 19), Luật Đất đai năm 1987 quy định nghiêm cấm việc mua, bán đất đai (Điều 5). Hiến pháp năm 1992 tiếp tục khẳng định đất đai thuộc sở hữu toàn dân (Điều 17) tương tự như Hiến pháp năm 1980. Tuy nhiên, Luật Đất đai năm 1993 lại diễn giải hoàn toàn khác với Luật Đất đai năm 1987. Đó là quy định cho người sử dụng đất có 5 quyền, chẳng khác gì quyền của chủ sở hữu là “Hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước giao đất có quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, thừa kế, thế chấp quyền sử dụng đất.” (Điều 3). Sau này tăng thêm cho thuê lại, quyền tặng cho, góp vốn, được bồi thường,… Mặc dù Hiến pháp năm 1992 có bổ sung quy định tổ chức và cá nhân “được chuyển quyền sử dụng đất được Nhà nước giao theo quy định của pháp luật.” nhưng cũng không thể tự chuyển một số quyền khác của chủ sở hữu sang cho chủ sử dụng, như là quyền cho thuê, thừa kế, thế chấp. Rồi vẫn Hiến pháp đấy, nhưng đến Luật sửa đổi, bổ sung năm 1998 và 2001 thì, ngoài quyền của hộ gia đình, cá nhân, lại mở rộng thêm quyền của tổ chức.

Nếu lý luận rằng, Hiến pháp cho quyền chuyển nhượng, thì sẽ quyền thế chấp sẽ phái sinh theo, thì Luật Đất đai năm 2003 hiện hành lại trái với Hiến pháp vì quy định: Hộ gia đình và cá nhân chỉ được thế chấp đất tại tổ chức tín dụng, tổ chức kinh tế hoặc cá nhân “để vay vốn sản xuất, kinh doanh” (Điều 113), tức là tuy được chuyển nhượng, nhưng lại không được thế chấp ngay cả đất ở để phục vụ đời sống (như học tập, xây nhà ở hay trị bệnh cứu người)[1]

Như vậy, cùng dựa trên một tiền đề của Hiến pháp là, đất đai thuộc sở hữu toàn dân, mà các Luật Đất đai lại quy định khác nhau một trời một vực như thế, thì phải có Luật vi Hiến, không luật mới thì luật cũ, chứ không thể cùng hợp Hiến.

  1. Về việc thu hồi đất đai:

Đất hay quyền sử dụng đất cũng đều là tài sản. Xét về khía cạnh pháp lý, việc thu hồi quyền sử dụng đất theo Luật Đất đai, đặc biệt là các trường hợp gắn liền với nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, rất gần với thuật ngữ “trưng mua” tài sản trong Hiến pháp năm 1992 (Điều 23) hay Dự thảo Hiến pháp năm 2013 (Điều ). Cuốn Sổ tay thuật ngữ pháp lý thông dụng năm 1996, sau khi giải thích về từ trưng mua, đã đưa ra ví dụ như sau: “Công dân A có nhà hợp pháp sát mặt đường phố, do quy hoạch mở rọng đường vào nhà công dân A, Nhà nước phải trưng mua nhà, đất của công dân A“.

Tuy nhiên, Luật Đất đai lại không sử dụng từ “trưng mua”, mà lại quy định thu hồi. Thu hồi thực chất là một dạng trưng thu có bồi hoàn một phần. Như vậy việc thu hồi là phù hợp với Hiến pháp 1980 nhưng trái với Hiến pháp hiện hành, đã xoá bỏ khái niệm trưng thu.

Vì vậy việc mở rộng trường hợp thu hồi đất đai nói chung, để thực hiện “các dự án phát triền kinh tế – xã hội” nói riêng là trái với Hiến pháp. Quy định như vậy thì người sử dụng đất có thể bị thu hồi đất trong mọi trường hợp, vì có dự án nào ngoài mục đích an ninh, quốc phòng công cộng mà lại ngoài cả mục đích kinh tế hoặc xã hội?

—————————–

Địa chỉ liên hệ:

ĐC: Công ty Luật ANVI, tầng 2, Tòa nhà Savina, số 1 Đinh Lễ, phố Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, HN

FB: Trương Thanh Đức (www.facebook.com/LSTruongThanhDuc)

E-mail: duc.tt @anvilaw.com

Web: www.anvilaw.com

ĐT: 090.345.9070

 

[1] Mặc dù đã được quy định cho phép trước đó trong Luật Đất đai năm 1987 và Bộ luật Dân sự năm 1995.

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.429. Củng cố pháp luật để phát triển trung...

Củng cố pháp luật để phát triển trung tâm tài chính. (KTVN) - Theo...

Trích dẫn 

3.978. Thưởng Tết - niềm vui giảm sút vì thuế...

Thưởng Tết - niềm vui giảm sút vì thuế thu nhập cá nhân. (DĐDN)...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,965