175. Yêu cầu cao, dễ thành cản trở!

Yêu cầu cao, dễ thành cản trở!

(KTSG) – Từ các cuộc bầu bán quốc tế, quốc gia cho đến làng xã, thôn xóm; từ các loại thi thố thể thao cho tới giải trí đều chấp nhận nguyên tắc quá bán. Không thấy lý do nào xác đáng để phải quy định việc biểu quyết của các công ty khác với luật chơi này.
Yêu cầu cao, dễ thành cản trở!

Quy định về tỷ lệ biểu quyết của hội đồng thành viên công ty TNHH phải đạt ít nhất 65% là bất hợp lý. Ảnh minh họa, nguồn tinnhanhchungkhoan.vn.

 Yêu cầu tỷ lệ cao

Dự thảo Luật Doanh nghiệp sắp được Quốc hội chính thức thông qua vẫn “kiên quyết” giữ lại quy định về tỷ lệ biểu quyết của hội đồng thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn phải đạt ít nhất 65% (đối với vấn đề thông thường) hoặc 75% (đối với vấn đề quan trọng), tính trên tổng số vốn góp của các thành viên dự họp chấp thuận. Quy định là bất hợp lý vì ít nhất ba lý do sau:

Thứ nhất, không dựa vào cơ sở đạo lý, pháp lý xác đáng nào, bất chấp nguyên tắc quá bán được áp dụng phổ quát, hiệu quả trên khắp thế giới và trong các lĩnh vực từ hoạt động lập pháp, hành pháp, tư pháp cho đến sinh hoạt đảng hay hội đoàn khác. Ngay Quốc hội biểu quyết thông qua luật này cũng chỉ cần tỷ lệ trên 50%.

Thứ hai, trái với cam kết của Việt Nam khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) theo Nghị quyết số 71/2006/NQ-QH11 ngày 29-11-2006 của Quốc hội về Phê chuẩn Nghị định thư gia nhập WTO. Cụ thể, theo phụ lục nội dung áp dụng trực tiếp các cam kết của Việt Nam kèm theo nghị quyết này thì các công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần được quyền quy định trong điều lệ công ty về tỷ lệ đa số phiếu cần thiết (kể cả tỷ lệ 51%) để thông qua các quyết định của hội đồng thành viên hoặc đại hội đồng cổ đông.

“Vai trò của luật là tạo ra mặt bằng và luật chơi tối thiểu, chứ không phải là lo thay cho thị trường bằng cách đặt ra những điều luật trói buộc quyền tự quyết của doanh nghiệp”.

Thứ ba, tiếp tục duy trì sai lầm của Luật Doanh nghiệp năm 2005 hiện hành và tạo ra tình trạng bất bình đẳng giữa công ty trách nhiệm hữu hạn so với công ty cổ phần chỉ cần tỷ lệ biểu quyết từ 51-65%.

Quy định xưa nay

Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam năm 1987 và 1996 quy định “nguyên tắc biểu quyết theo quá bán số thành viên hội đồng quản trị có mặt tại cuộc họp”, ngoại trừ đối với những vấn đề quan trọng nhất như sửa đổi điều lệ, thì phải theo nguyên tắc nhất trí, tức là đồng ý 100% của “cơ quan lãnh đạo của doanh nghiệp liên doanh”. Quy định tỷ lệ biểu quyết tuyệt đối đã được bãi bỏ theo Luật Doanh nghiệp năm 2005.

Luật Công ty năm 1990 quy định, đại hội đồng cổ đông “biểu quyết theo đa số phiếu quá bán”, còn việc biểu quyết của hội đồng thành viên là do điều lệ công ty quy định. Tức là, thậm chí có thể biểu quyết theo tỷ lệ dưới 51%. Luật Doanh nghiệp năm 1999 cũng quy định, quyết định của hội đồng thành viên được thông qua khi “được số phiếu đại diện ít nhất 51% số vốn của các thành viên dự họp chấp thuận”, trừ một số vấn đề quan trọng nhất như sửa đổi điều lệ thì phải đạt tỷ lệ 75%.

Luật Hợp tác xã năm 2012 quy định đại hội xã viên biểu quyết “theo nguyên tắc đa số”, tức chỉ cần tỷ lệ đạt trên 50%.

Luật Doanh nghiệp năm 2005 đã nâng tỷ lệ biểu quyết của cả công ty cổ phần và công ty trách nhiệm hữu hạn lên tối thiểu 65-75%, để rồi gây ra bao nhiêu khó khăn, rắc rối và bế tắc cho nhiều doanh nghiệp. Và đây chính là một trong những điểm bất cập lớn nhất dẫn đến yêu cầu phải sửa đổi luật.

Đổi mới như… cũ

Nếu như quyết định của công ty lúc nào cũng đạt được sự thống nhất cao trên 65-75%, thì quá tốt. Tuy nhiên, không phải công ty nào và khi nào cũng dễ dàng đạt được sự nhất trí tối thiểu, cũng duy trì được sự đoàn kết, nhất trí cao và cũng chẳng cần thiết đòi hỏi điều đó trong các doanh nghiệp của nền kinh tế thị trường.

Nếu luật yêu cầu như vậy vì lý do bảo vệ phía thiểu số, sẽ gây ra sự bất công lớn đối với phía sở hữu chi phối trên 50% đến dưới 65% vốn nhưng lại không có quyền quyết định bất cứ điều gì.

Điều này sẽ gây ra khó khăn, thậm chí là nguy cơ rất cao dẫn đến đình trệ, bế tắc hoạt động kinh doanh, làm hại doanh nghiệp và cuối cùng là gây thiệt hại cho cả phía sở hữu đa số lẫn thiểu số.
Vì vậy, cần phải khôi phục lại quy định trong Luật Doanh nghiệp năm 1999, là biểu quyết theo tỷ lệ 51% và 65%, không chỉ đối với công ty cổ phần, mà cả đối với công ty trách nhiệm hữu hạn. Còn với từng doanh nghiệp cụ thể, họ hoàn toàn có quyền quyết định lựa chọn một tỷ lệ biểu quyết cao hơn luật, thậm chí là 100%.

Vai trò của luật là tạo ra mặt bằng và luật chơi tối thiểu, chứ không phải là lo thay cho thị trường bằng cách đặt ra những điều luật trói buộc quyền tự quyết của doanh nghiệp.

 

Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên VIAC. 

——

Thời báo Kinh tế Sài Gòn (Tài chính – Chứng khoán) số 46-2014 (1.249) 13-11-2014:

http://www.thesaigontimes.vn/122590/Yeu-cau-cao-de-thanh-can-tro!.html

(1.036)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

436. Bình luận về Luật siêu dễ - Luật Quản lý tài...

Bình luận về Luật siêu dễ - Luật Quản lý tài sản công. Cố vấn: Luật...

Phỏng vấn 

4.414. Lấp lỗ hổng quản lý trong đầu tư trực...

Lấp lỗ hổng quản lý trong đầu tư trực tuyến tiền ảo, tài chính, chứng...

Trích dẫn 

3.969. Không gia hạn Thông tư số 02/2023/TT-NHNN, nợ...

Không gia hạn Thông tư số 02/2023/TT-NHNN, nợ xấu gia tăng nhưng tốt...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 235,705