(TP) – Nếu kỳ thi công chức hiện nay thực sự chất lượng, khách quan sẽ không có chuyện cơ quan nhà nước nói không với bằng tại chức. Nhiều ý kiến cho rằng, thay vì xét đến bằng cấp cần nâng cao chất lượng kỳ thi tuyển công chức để tìm ra công chức tài năng.
Cách thức thi tuyển công chức cần thay đổi theo hướng đánh giá năng lực của người dự tuyển đối với từng chức danh (ảnh minh họa) . Ảnh: Internet |
Thi tuyển hơn xét tuyển
Ông Mai Anh Tuấn, Phó trưởng phòng Nội vụ quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) cho biết, năm qua có hàng chục công chức, viên chức của quận được khen thưởng người tốt- việc tốt, trong đó nhiều người không có bằng cấp hệ chính quy. Một phó chánh văn phòng của quận này cũng chỉ có bằng cử nhân luật tại chức nhưng nhiều năm liền đạt chiến sĩ thi đua.
Dẫn ra ví dụ này, ông Mai Anh Tuấn cho rằng, để sàng lọc được công chức có năng lực, quan trọng vẫn là ở khâu thi tuyển đầu vào chứ không phải ở việc xét bằng cấp chính quy.
Phó Hiệu trưởng Đại học FPT Nguyễn Xuân Phong đưa ra kinh nghiệm tuyển dụng của trường: Đa phần vị trí tuyển dụng không nhất thiết phải có bằng đúng ngành, ví dụ như hành chính, văn phòng, kinh doanh, marketing… Kể cả những vị trí liên quan công nghệ thông tin cũng không nhất thiết phải cần người có bằng đúng nghề.
“Đây cũng là sự lãng phí của xã hội, thể hiện những yếu kém của hệ thống giáo dục. Điều quan trọng nhất khi tuyển dụng là ứng viên có mục đích và định hướng phù hợp với tổ chức, vị trí công việc, có khả năng học hỏi và phát triển, sau đó đến kiến thức, kinh nghiệm, và cuối cùng mới là bằng cấp” – ông Phong nói.
Theo quy định thi tuyển công chức hiện nay, ứng viên phải thi tuyển các môn Hành chính, nghiệp vụ và Ngoại ngữ – Tin học (môn điều kiện). Môn Hành chính bao gồm Luật Công – Viên chức, các quy định của pháp luật về lao động…
Nhiều năm làm công tác tuyển dụng, ông Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, GĐ pháp chế Ngân hàng Bảo Việt, nhận xét: “Các môn thi này vẫn nặng về kiến thức học thuộc lòng nên không đánh giá chính xác năng lực của ứng viên”.
Nhận xét đề thi tuyển công chức hiện chưa đáp ứng yêu cầu, ông Khuất Đăng An, Trưởng phòng Nội vụ, quận Hoàn Kiếm nói: “Tiến tới áp dụng cách thi đánh giá được sự sáng tạo, tính chuyên cần của ứng viên thì tốt hơn”.
Đổi mới thế nào?
Chủ tịch Cty Tư vấn quản lý nhân sự DTK, ông Đào Trọng Khang, cho hay: “Với các môn mà ứng viên đã được học trong nhà trường thì không nên kiểm tra lại đơn thuần về học thuật”. Thay vào đó, Cty này chú trọng tuyển người dựa vào phỏng vấn mô phỏng (để các ứng viên thảo luận với nhau về một chủ đề và hội đồng tuyển dụng quan sát, chấm điểm). Bằng cách này, ông Khang khẳng định, sẽ đánh giá được ý thức, năng lực của ứng viên.
Không chỉ tư nhân, mà nhiều đơn vị thuộc Nhà nước cũng đã áp dụng cách thi tuyển dựa vào tiếp xúc trực tiếp với ứng viên. Trưởng phòng Giáo dục quận Hoàn Kiếm cho biết: “Người có điểm số cao trong học bạ chưa chắc thể hiện anh ta có khả năng tốt về sư phạm. Nên phải qua phỏng vấn và dạy thử mới biết chính xác”.
Trần Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Khoa học Tổ chức Nhà nước, Bộ Nội vụ, cho hay: Tuyển chọn công chức trước đây mới chú trọng đến phẩm chất và trình độ mà chưa chú ý đến năng lực làm việc. Tất nhiên, phẩm chất và trình độ đào tạo là rất quan trọng nhưng không phải ai có bằng cấp cao cũng là người có năng lực tốt.
“Có nhiều người chỉ có bằng đại học hoặc chỉ qua các hệ đào tạo không tập trung hoặc không chính quy nhưng lại được giao giữ nhiều trọng trách trong các cơ quan, tổ chức trong hoặc ngoài nhà nước”, ông Tuấn nói.
Do vậy, theo ông Tuấn, việc tuyển dụng công chức nói riêng và xây dựng đội ngũ công chức nói chung không chỉ chú ý đến phẩm chất và trình độ mà còn phải quan tâm nhiều hơn đến năng lực làm việc. Vì vậy, hình thức thi tuyển công chức phải thay đổi, hướng đến đánh giá năng lực của người dự tuyển đối với từng vị trí tuyển dụng, từng chức danh.
Sẽ thi tuyển công chức qua Internet TS Trần Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Khoa học Tổ chức Nhà nước, Bộ Nội vụ, cho hay: Từ năm 2009, khi tổ chức thi nâng ngạch chuyên viên cao cấp cho công chức, Bộ Nội vụ đã xây dựng và ra đề thi theo hướng mở, cho phép sử dụng tài liệu, nhằm kiểm tra năng lực tư duy, sự sáng tạo, kỹ năng trình bày, năng lực lập luận và giải quyết vấn đề thực tiễn, chứ không yêu cầu phải có trí nhớ tốt, phải thuộc lòng như trước đây. Trong tương lai không xa, việc thi tuyển công chức có thể còn được thực hiện thông qua thi trực tuyến trên mạng, các nội dung thi đặt ra nhằm đánh giá năng lực của ứng viên, chứ không chỉ căn cứ vào bằng cấp. |
Hoàng Tuân
———————————
Tiền Phong 20-12-2010;
Từ việc Đà Nẵng nói không với bằng tại chức: