Trầy trật xuất gạo
(ANVI) – Giấc mơ công nghiệp hóa còn quá xa vời đối với con dân đất Việt. Thiệt thòi, tưng hửng thì cũng đừng có đòi hỏi hội nhập cho mỏi mệt thân xác, đầu óc.
Biết thân, biết phận, đành quay về nghề nông của tổ tông, không quản chân lấm, tay bùn, khó nhọc.
Đất nước đặc sệt nông nghiệp lúa nước, chỉ mong ước được xuất khẩu đi khắp 5 châu 4 biển. Nhưng luật xứ ta lại chẳng cho xuất ra dễ dàng. Muốn xuất dương thì đương nhiên phải rất mạnh vì gạo, cực bạo vì tiền: Có kho thật to chứa tối thiểu 5.000 tấn thóc và đủ dàn máy móc xay thóc, xát gạo sao cho bét nhất 10 tấn/giờ. Nghị định số 109/2010/NĐ-CP, ngày 04-11-2010 của Chính phủ về “Kinh doanh xuất khẩu gạo” chỉ tạo điều kiện tiện lợi tối đa là thế.
Nó khuyến khích độc quyền, hạn chế cạnh tranh, ngăn chặn thị trường, mở đường cho mấy ông lớn. Còn hạng nho nhỏ, vưa vừa thì dễ trở thành kẻ thừa của cuộc chơi với thế giới rộng mở, bất kể tiềm năng thế nào, hứa hẹn ra sao. Thực tế 6 năm đã chứng minh tác dụng không hề đúng với quy định mong muốn, uốn lưỡi bảo vệ. Nông dân chưa rõ được lợi điều gì, chỉ thấy thi thoảng lại ngửa mặt kêu ơi ời, trời ơi đất hỡi với giá cả.
Cái tình thì bí, cái lý cũng chẳng thông, vì công nhiên trái luật, phạm vào quyền tự quyết về quy mô kinh doanh của doanh nghiệp, rồi phân biệt đối xử theo Luật DN 2014, Điều khoản 7.2.
Chính phủ kiến tạo, chẳng cần nhiều sáng tạo, cao siêu. Cứ thủ tiêu bớt những thứ này, thì dân cày cho đến thương lái hăng hái tái sinh!
Ngày 30-11-2016