178. Tiêu dùng tăng, sẽ đẩy cầu tín dụng

(TBNH) – Tín dụng vẫn đang chảy vào sản xuất kinh doanh. Nhưng vấn đề mấu chốt để khơi thông dòng chảy tín dụng lại không phải là mức tỷ lệ lãi suất nữa mà là sức mua của thị trường mới là yếu tố quyết định.

Sản xuất công nghiệp đang ngày càng tăng trở lại.

Ngân hàng vẫn đang mời vay vốn giá rẻ

Nhiều ngân hàng đã tung ra các gói vốn rẻ, thậm chí một số ngân hàng lớn như Vietcombank, Eximbank, Agribank, VietinBank…  áp dụng lãi suất cho vay đối với DN sản xuất – kinh doanh chỉ dao động 10 – 12%, chỉ ngang với lãi suất huy động trên 12 tháng. Ngoài ra, một số ngân hàng như Eximbank, ABBank có chương trình cho vay bằng VND theo lãi suất USD với lãi suất thấp… Mặc dù vậy, theo lãnh đạo của các NHTM thì tiến độ giải ngân vẫn ì ạch. Vậy đâu là nguyên nhân khiến ngân hàng và DN vẫn chưa “bắt tay nhau” được?

Không phải ngân hàng muốn làm khó DN bằng những yêu cầu về tài sản thế chấp, hay dự án phải khả thi… Bởi những điều kiện này không phải đến bây giờ các ngân hàng mới đặt ra, chẳng qua là do “sức khỏe” của nhiều DN đã suy giảm sau nhiều năm vật lộn với khó khăn. Hơn thế, theo Luật sư Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI, khi nền kinh tế có nhiều biến động, sản xuất tê liệt, hàng hóa ứ đọng… nếu không làm chặt, “thì khó có thể hình dung con số nợ xấu sẽ là bao nhiêu”.

Theo các chuyên gia kinh tế, điều mấu chốt khiến tín dụng những tháng đầu năm tăng rất chậm là do khả năng hấp thụ vốn của DN đang rất yếu khi đầu ra của sản xuất gặp nhiều khó khăn. Quả vậy, bản thân các DN cũng thừa nhận rõ điều này. Ông Trần Chí Gia – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty may Meko cho biết, việc các DN có tài chính không rõ ràng, minh bạch khiến các ngân hàng e ngại là chuyện bình thường. Nếu các DN đó cũng kinh doanh mặt hàng đặc biệt như ngân hàng chắc cũng không thể làm khác. Từ nhiều năm nay, Công ty có quan hệ tín dụng với NHTMCP Sài Gòn – Hà Nội và được ngân hàng tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất trong tiếp cận nguồn vốn ưu đãi để đưa vào sản xuất kinh doanh. Công ty đã tạo được uy tín như vậy với ngân hàng từ việc chưa bao giờ để nợ quá hạn. Hiện tại Công ty may Meko cũng có kế hoạch mở rộng sản xuất kinh doanh và dù ngân hàng “ngỏ ý” cho vay với lãi suất ưu tiên nhưng DN không dám vay nhiều mà  tăng phần trích từ lợi nhuận để tái đầu tư.

Theo Phó tổng giám đốc VietinBank Lê Đức Thọ, tăng trưởng tín dụng của ngân hàng có tín hiệu tích cực hơn sau khi lãi suất liên tục giảm. Tín dụng vẫn đang chảy vào sản xuất kinh doanh. Nhưng vấn đề mấu chốt để khơi thông dòng chảy tín dụng lại không phải là lãi suất nữa mà là sức mua của thị trường mới là yếu tố quyết định. Với DN thực sự cần vốn để sản xuất kinh doanh thời điểm này lãi suất cao hay thấp không quá quan trọng bằng việc có làm ăn được hay không.

Doanh nghiệp kể bệnh, ngân hàng kê đơn

Để tăng sức cầu của nền kinh tế, ngoài việc giảm lãi suất, giá xăng dầu giảm… thì cần phải có đồng bộ các giải pháp thúc đẩy sản xuất lưu thông, kích cầu tiêu dùng trong nền kinh tế. Tức là nền kinh tế phải hấp thụ được các sản phẩm của DN thì họ mới tiếp tục tổ chức sản xuất kinh doanh, tác động trở lại về cầu tín dụng.  Phó tổng giám đốc VietinBank Lê Đức Thọ cho rằng, nếu không giải quyết được một cách đồng bộ các vấn đề trên, dù lãi suất có giảm tiếp mà DN vẫn thiếu phương án kinh doanh khả thi, hiệu quả, nền kinh tế thiểu phát thì tăng trưởng tín dụng vẫn chậm.

Theo ông Thọ, để giải quyết “khúc mắc” trên, ngoài giải pháp giãn, giảm thuế giúp DN có cơ hội giảm giá thành sản phẩm; cần có thêm chính sách kích cầu tiêu dùng. Và bản thân các DN phải chủ động tìm tòi, xây dựng các phương án đầu tư hiệu quả, giám sát quản lý tài chính hoạt động tốt hơn… làm cơ sở để ngân hàng giải ngân vốn. Việc Quốc hội thông qua giảm thuế thu nhập cá nhân cũng sẽ là một giải pháp, dù không lớn nhưng hy vọng sẽ là yếu tố kích cầu tiêu dùng, qua đó giải tỏa áp lực hàng tồn kho cho cả DN, lẫn ngân hàng.

Về phía ngân hàng, cụ thể VietinBank ngoài việc tiếp tục điều chỉnh lãi suất phù hợp theo lạm phát mục tiêu, ngân hàng có những biện pháp xem xét các quy định, điều kiện tín dụng phù hợp hơn với thực tế hiện nay để tiếp tục phục vụ vốn cho sản xuất. Ngân hàng cũng sẽ chủ động tái cơ cấu lại các khoản cho vay đối với DN có phương án khả thi và có khả năng tiếp tục duy trì hoạt động, vượt qua khó khăn. TS. Nguyễn Ngọc Bảo – Chủ tịch Hội đồng thành viên Agribank cho hay, với khách hàng gặp khó không trả nợ đúng hạn, ngân hàng sẽ xem xét cơ cấu lại nợ, kéo dài thời gian trả nợ phù hợp với dòng tiền của dự án, phương án sản xuất kinh doanh cũng như khả năng trả nợ của khách hàng để giảm áp lực khoản vay. Luật sư Trương Thanh Đức đề xuất, ngân hàng có thể khoanh nợ cho các DN, nhất là DN hoạt động trong lĩnh vực ngành nghề được Chính phủ khuyến khích để họ được tiếp cận các khoản vay mới.

Tuy nhiên, ông Thọ lưu ý, ngân hàng chỉ rà soát lại các điều kiện cho phù hợp với thực tiễn chứ không hạ thấp điều kiện để bằng mọi giá đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng. Mức tăng trưởng tín dụng của ngân hàng sẽ phụ thuộc vào sức hấp thụ vốn thực tế của nền kinh tế. Và dù kết quả sẽ là bao nhiêu thì ngân hàng cần phải đảm bảo an toàn, hiệu quả. Cùng chung quan điểm, Phó tổng giám đốc thường trực MaritimeBank Trần Xuân Quảng cho rằng, không phải vì “cơ chế” nào đó mà việc định hạng khách hàng bị méo mó đi. Trên thực tế, mỗi ngân hàng đều xây dựng hệ thống xếp hạng tín nhiệm để phân biệt chất lượng khách hàng, qua đó hạn chế rủi ro trong hoạt động. Vấn đề ở đây là các ngân hàng lựa chọn mức nào được coi là lành mạnh để hỗ trợ chứ không phải tất cả đều chung “một giá”. Có ý kiến ví von, nếu muốn bác sỹ “kê đơn” thuốc tốt nhất, thì người bệnh phải khai đúng tình trạng bệnh của mình. Tức là các DN phải cung cấp thật đầy đủ, trung thực khi cung cấp thông tin cho ngân hàng. Qua đó, ngân hàng mới phân loại từng đối tượng DN một cách chính xác, đưa ra những giải pháp hỗ trợ cụ thể.  Như vậy sẽ có lợi cho cả hai bên.

Huyền Thanh

——————

Thời báo Ngân hàng 25-6-2012:

http://www.thoibaonganhang.vn/tin-tuc/1-tieu-dung-tang–se-day-cau-tin-dung-2786.html

(142/1.326)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

433. Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của...

Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp Tham luận Hội...

Phỏng vấn 

4.389. Đổi mới thể chế: Giảm thiểu can thiệp...

Đổi mới thể chế: Giảm thiểu can thiệp hành chính vào thị trường. (VNN)...

Trích dẫn 

3.907. Dự kiến bỏ miễn thuế với hàng nhập...

Dự kiến bỏ miễn thuế với hàng nhập dưới 1 triệu đồng. (VOV GT)...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 231,573