(ĐTCK) – Hiện vẫn tồn tại 2 quan điểm chưa ngã ngũ đó là áp dụng tỷ lệ 51% theo Nghị quyết 71 hay áp dụng tỷ lệ 65% theo Luật Doanh nghiệp đối với lần đầu tổ chức ĐHCĐ.
Luật Doanh nghiệp 2005 quy định, cuộc họp ĐHCĐ được tiến hành khi có số cổ đông dự họp đại diện ít nhất 65% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết. Tuy nhiên, tại Nghị quyết 71/2006/NQ-QH11 của Quốc hội phê chuẩn Nghị định thư gia nhập WTO, tỷ lệ này là 51%.
Các doanh nghiệp rất muốn áp dụng tỷ lệ 51%, để đảm bảo đại hội được tổ chức thành công ngay lần đầu trong trường hợp nhiều cổ đông nhỏ lẻ không tham dự, nhưng đều ngại bị “thổi còi” hoặc rắc rối phát sinh sau đó.
“Không hiểu sao, đến bây giờ vẫn có trường hợp doanh nghiệp đau đầu với việc tổ chức ĐHCĐ thành công ngay từ lần đầu. Các doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp có vốn đầu tư trong nước mà chúng tôi tư vấn đã áp dụng tỷ lệ 51% ngay từ lần họp đầu tiên từ cách đây 2 năm rồi. Chỉ cần đưa quy định này vào điều lệ công ty, được ĐHCĐ thông qua, thì việc tổ chức đại hội sẽ diễn ra suôn sẻ”, ông Nguyễn Hưng Quang, Giám đốc Văn phòng luật sư NHQuang & Cộng sự nói.
Theo Thạc sỹ Phan Đức Hiếu, Phó trưởng ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, hiện vẫn tồn tại 2 quan điểm chưa ngã ngũ đó là áp dụng tỷ lệ 51% theo Nghị quyết 71 hay áp dụng tỷ lệ 65% theo Luật Doanh nghiệp.
Do đó, doanh nghiệp có thể cân nhắc lựa chọn, nhưng áp dụng theo tỷ lệ 65% thì chặt chẽ hơn, còn áp dụng tỷ lệ 51% thì rủi ro cao hơn nếu chẳng may xảy ra tranh chấp. Ông Hiếu cho biết, hiện chưa xảy ra việc “tuýt còi” đối với với doanh nghiệp áp dụng tỷ lệ 51%.
Ông Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI cũng cho biết, thực tế chẳng có ai tuýt còi và phạt trực tiếp doanh nghiệp về việc áp dụng tỷ lệ họp ĐHCĐ là 51%, vấn đề chỉ là công nhận việc áp dụng tỷ lệ này thông qua việc công nhận nghị quyết ĐHCĐ hay không mà thôi.
Văn bản pháp luật liên quan là Nghị định 62/2010/NĐ-CP quy định về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch đầu tư cũng không điều chỉnh chi tiết nội dung này.
Theo luật sư của Công ty Luật SMIC, Công ty đã tư vấn áp dụng tỷ lệ 51% cho các doanh nghiệp trong tổ chức ĐHCĐ. Khi cơ quan đăng ký kinh doanh thắc mắc thì Công ty đã viện dẫn Nghị quyết 71 và tính hợp lệ của việc đưa quy định này vào điều lệ công ty, được ĐHCĐ thông qua thì mọi việc lại suôn sẻ và cơ quan này xác nhận việc đăng ký điều lệ mới cho doanh nghiệp.
Ngoài ra, vị luật sư này cho biết, cho đến nay, dù đã diễn ra nhiều tranh chấp liên quan đến doanh nghiệp tại toà án, nhưng chưa thấy trường hợp nào tòa bác nghị quyết ĐHCĐ chỉ vì doanh nghiệp áp dụng tỷ lệ 51% khi tổ chức đại hội.
Khoản 3 Điều 3 Luật Doanh nghiệp quy định: “Trong trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác với quy định của Luật này thì áp dụng theo quy định của điều ước quốc tế”.
Theo điều khoản trên, những quy định tại Nghị quyết 71 phải được thực hiện kể từ khi nghị quyết này có hiệu lực. Tuy nhiên, do chưa có văn bản nào hướng dẫn thực hiện quy định về số cổ đông dự họp ĐHCĐ đại diện ít nhất 51% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết nên hầu hết doanh nghiệp chưa dám áp dụng, một số doanh nghiệp chấp nhận phải tổ chức lại đại hội lần 2, lần 3.
Hy vọng, “chưa có doanh nghiệp nào bị tuýt còi” là dấu hiệu “bật đèn xanh” của cơ quan quản lý. Doanh nghiệp nên mạnh dạn áp dụng tỷ lệ 51% để ĐHCĐ được tổ chức thành công, tránh lãng phí do phải tổ chức lại.
Diệu Trang
———————————————
Đầu tư Chứng khoán 17-3-2011:
http://tinnhanhchungkhoan.vn/RC/N/CGABFC/ai-se-thoi-coi-neu-dn-ap-ty-le-51–tai-dai-hoi.html