180. Bình luận sơ thảo phần quy định chung Bộ luật Dân sự năm 2015.

(ANVI) – Hội thảo Bộ luật Dân sự                                                          Bộ Tư pháp, HN 24-5-2013    

BÌNH LUẬN SƠ THẢO PHẦN QUY ĐỊNH CHUNG BỘ LUẬT DÂN SỰ NĂM 2015[1]

                                                                                               Trương Thanh Đức

                                                                                     Luật sư, Trọng tài viên VIAC 

Bài này bình luận về việc bỏ và giữ một số nội dung trong Bản “Sơ thảo Phần quy định chung – Bộ luật Dân sự (sửa đổi)” – tài liệu hội thảo do Bộ Tư pháp và JICA tổ chức ngày 24-5-2013.

  1. Về việc bỏ một số nội dung trong Bộ luật Dân sự:
  • Được biết, Ban Soạn thảo và Tổ Biên tập Bộ luật Dân sự (sửa đổi) dự định không đưa các nội dung về hôn nhân, gia đình; đất đai và sở hữu trí tuệ vào Bộ luật Dân sự, do đã có các quy định riêng tại Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Đất đai và Luật Sở hữu trí tuệ, cũng như không đưa một số nội dung khác vì là những nguyên tắc đương nhiên hoặc là đã được quy định trong các đạo luật khác.

Cụ thể những điều sau đang không được đưa vào bản Sơ thảo:

TT Điều Tên điều Lý giải của Tổ Biên tập
1. 11 Nguyên tắc tuân thủ pháp luật Đây là nguyên tắc chung của nhà nước pháp quyền.
2. 12 Nguyên tắc hòa giải (phương án 1) Đây là nguyên tắc trong giải quyết các vụ việc dân sự đã được quy định trong Bộ luật tố tụng dân sự. Trong trường hợp các bên thực hiện quyền, nghĩa vụ thông qua thỏa thuận thì đã được thể hiện ở Điều 4. Nguyên tắc tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận.
3. 16 Không hạn chế năng lực pháp luật dân sự của cá nhân Nguyên tắc đương nhiên.
4. 45 Quyền đối với quốc tịch Quyền công dân được quy định trong Hiến pháp và đã được quy định trong Luật Quốc tịch.
5. 46 Quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở Quyền công dân được quy định trong Hiến pháp.
6. 47 Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo Quyền công dân được quy định trong Hiến pháp và đã được quy định trong pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo.
7. 48 Quyền tự do đi lại, tự do cư trú Quyền công dân được quy định trong Hiến pháp và đã được quy định trong Luật cư trú.
8. 49 Quyền lao động Quyền công dân được quy định trong Hiến pháp và đã được quy định trong pháp luật về lao động.
9. 50 Quyền tự do kinh doanh Quyền công dân được quy định trong Hiến pháp và đã được quy định trong Luật đầu tư, doanh nghiệp.
10. 51 Quyền tự do nghiên cứu, sáng tạo Quyền công dân được quy định trong Hiến pháp và đã được quy định trong pháp luật về sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ.

 

  • Tuy nhiên, nếu chỉ vì lý do trên là chưa thuyết phục và chưa có có sự thống nhất. Vì, ngoài việc trùng lặp với Hiến pháp, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Đất đai và Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư,… thì có một loạt Luật đã và sẽ được ban hành dưới đây cũng sẽ có những quy định trùng lặp:
  • Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004;
  • Luật Nhà ở năm 2005;
  • Luật Cư trú năm 2006;
  • Luật Thương mại năm 2006;
  • Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác năm 2006;
  • Luật Quốc tịch năm 2008;
  • Luật Hộ tịch (dự thảo);…
  • Cụ thể, một số nội dung dưới đây không bị loại khỏi bản Sơ thảo, tức là vẫn đang được dự định đưa vào Bộ luật Dân sự năm 2015:
TT Điều Tên điều Luật trùng lặp
1. 29 Quyền được khai sinh Điều 11, Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004 (Điều 11).

Có thể trùng với Luật Hộ tịch (dự thảo)

2. 33 Quyền hiến bộ phận cơ thể Điều 5 và 6, Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác năm 2006
3. 34 Quyền hiến xác, bộ phận cơ thể sau khi chết Điều 18 và 19, Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác năm 2006
4. 35 Quyền nhận bộ phận cơ thể người Điều 30, Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác năm 2006
5. 35.1 Thỏa thuận về hiến, nhận cơ thể người, bộ phận cơ thể người, sản phẩm từ cơ thể người Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác năm 2006
6. 39 Quyền kết hôn Điều 9, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000
7. 40 Quyền bình đẳng của vợ chồng Điều 19, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000.
8. 41 Quyền được hưởng sự chăm sóc giữa các thành viên trong gia đình Điều 18, 34, 35 và 36, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000.
9. 42 Quyền ly hôn Điều 85, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000.
10. 43.1 Quyền ly thân Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 (dự thảo).
11. 43 Quyền nhận, không nhận cha, mẹ, con Điều 65, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000.
12. 44 Quyền được nuôi con nuôi và quyền được nhận làm con nuôi Điều 67 và 68, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000.
13. 52 Nơi cư trú Điều 12, Luật Cư trú năm 2006.
14. 53 Nơi cư trú của người chưa thành niên Điều 13, Luật Cư trú năm 2006.
15. 54 Nơi cư trú của người được giám hộ Điều 14, Luật Cư trú năm 2006.
16. 55 Nơi cư trú của vợ, chồng Điều 15, Luật Cư trú năm 2006 (Điều 20 Luật HN và GĐ năm 2000 cũng nhắc đến).
17. 56 Nơi cư trú của quân nhân Điều 16, Luật Cư trú năm 2006.
18. 57 Nơi cư trú của người làm nghề lưu động Điều 17, Luật Cư trú năm 2006.
  1. Kiến nghị:
  • Nếu mỗi nội dung được quy định trong nhiều đạo luật, thì khó tránh khỏi nguy cơ trùng lặp, chồng chéo, mâu thuẫn, xung đột. Tuy nhiên, nếu mỗi nội dung chỉ được quy định trong một đạo luật, thì lại dẫn đến nguy cơ, Bộ luật Dân sự chỉ còn là các nguyên tắc, chứ không còn là Bộ luật Dân sự. Và thậm chí, nếu Bộ luật Dân sự chỉ quy định những nội dung chưa được quy định trong các đạo luật khác, mà không đưa ra được nguyên tắc loại trừ, thì cũng vẫn sẽ dẫn tới tình trạng, các đạo luật sau này tiếp tục có những quy định mới trùng lặp với Bộ luật Dân sự. Với những ví dụ cụ thể nêu trên, cho thấy nội dung bản Sơ thảo cũng chưa nghiêng hẳn theo quan điểm nào.
  • Vì vậy, rất cần ghi nhận trong Bộ luật Dân sự hay trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật những nguyên tắc rõ ràng, hợp lý và khoa học về việc:
  • Xác định mỗi nội dung chỉ được quy định trong một đạo luật hay là có thể vừa quy định trong Bộ luật Dân sự, vừa quy định trong các đạo luật khác. Nếu chấp nhận quy định trong nhiều đạo luật, thì mức độ ghi nhận trong Bộ luật Dân sự đến đâu;
  • Rà soát toàn bộ nội dung liên quan để phân định cụ thể những nội dung nào sẽ được đưa vào trong Bộ luật Dân sự và những nội dung nào sẽ được quy định trong các đạo luật riêng (cả luật hiện hành và tương lai);
  • Trường hợp có quy định bị trùng lặp và khác nhau giữa Bộ luật Dân sự và các đạo luật khác, thì ưu tiên áp dụng luật nào.
  • Đây không chỉ là vấn đề của phần quy định chung, mà còn là vấn đề của tổng thể Bộ luật Dân sự, nhất là các quy định về nhà ở, đất đai, bất động sản, bảo hiểm, sở hữu trí tuệ và các loại hợp đồng. Nếu không thì sẽ dẫn đến tình trạng, lúc thì bị trùng lặp như đối với hợp đồng bảo hiểm (quy định cụ thể cả trong Bộ luật Dân sự lẫn Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000), khi thì lại bị bỏ trống như hợp đồng tín dụng. Ví dụ, hợp đồng tín dụng là một loại hợp đồng vay tài sản thông dụng, nhưng lại có một số điểm khác biệt so với quy định trong Bộ luật Dân sự. Trước đây, những sự khác biệt đó được thực hiện theo quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng năm 1997. Nhưng hiện nay, Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 đã không còn đề cập đến, nên chỉ còn thực hiện theo quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước. Và như vậy, sẽ có những nội dung thông tư trái luật, như lãi suất cho vay, điều kiện thu hồi nợ trước hạn,… theo quy định của Ngân hàng Nhà nước khác hoàn toàn với quy định của Bộ luật Dân sự.

—————————–

Địa chỉ liên hệ:

ĐC: Công ty Luật ANVI, tầng 2, Tòa nhà Savina, số 1 Đinh Lễ, phố Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, HN

FB: Trương Thanh Đức (www.facebook.com/LSTruongThanhDuc)

E-mail: duc.tt @anvilaw.com

Web: www.anvilaw.com

ĐT: 090.345.9070

 

[1]   Bài thứ 15 trong loạt bài tham gia xây dựng Bộ luật Dân sự năm 2015.

Bài viết 

316. “Không hình sự hóa” - thêm niềm tin cho doanh nhân.

“Không hình sự hóa” - thêm niềm tin cho doanh nhân. (DĐDN) - Luật...

Trích dẫn 

4.120. Không có chuyện ngân hàng tùy tiện siết nợ.

Không có chuyện ngân hàng tùy tiện siết nợ. (ĐT) - Nhiều ngân hàng...

Bình luận 

447. Luật siêu dễ: "Luật trật tự an toàn giao...

Luạt siêu dễ: "Luật trật tự an toàn giao thông đường bộ"  Số 2,...

Phỏng vấn 

4.520. Tổng hợp các bài khác trả lời phỏng vấn...

Tổng hợp các bài khác trả lời phỏng vấn báo chí 06-2025. (ANVI) –...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật” Chuyên...

Số lượt truy cập: 254,055