Hoang mang với giới hạn tín dụng
(ĐTCK) – Chỉ tính từ năm 2000 đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành ít nhất 20 văn bản pháp quy đề cập đến các giới hạn về tín dụng, là vấn đề đặc biệt quan trọng trong hoạt động ngân hàng. Nhưng đến nay, điều hoang mang là, không tìm thấy cơ sở pháp lý của việc giới hạn cấp tín dụng đối với mỗi khách hàng, đang từ 55% bị giảm xuống còn 15% vốn tự có của tổ chức tín dụng.
“Dư nợ” khác “số dư”
Luật Các tổ chức tín dụng năm 1997 và 2010 đều giải thích, cấp tín dụng là bao gồm 6 nghiệp vụ cho vay, chiết khấu, cho thuê tài chính, bao thanh toán, bảo lãnh ngân hàng và các nghiệp vụ cấp tín dụng khác. Và kết quả cấp và được cấp tín dụng bao gồm hai khoản khác nhau là “dư nợ” và “số dư”.
Chỉ có quy chế cho vay vào các năm 2001, 2005, 2011 và các thông tư, quyết định về cho thuê tài chính vào các năm 2001, 2005, 2006, mới quy định “dư nợ cho vay” và “dư nợ cho thuê”. Còn lại, các văn bản quy phạm pháp luật về nghiệp vụ cấp tín dụng khác đều không quy định “dư nợ”, mà chỉ đề cập đến “số dư” hoặc “mức”. Chẳng hạn như các quyết định về chiết khấu vào các năm 2004, 2006 và 2008 đều quy định “số dư chiết khấu” hoặc “mức chiết khấu”, mà không hề có “dư nợ chiết khấu”. Các quyết định về bao thanh toán vào các năm 2004, 2006 và 2008 đều quy định “số dư bao thanh toán” mà không hề có “dư nợ bao thanh toán”. Các quyết định, thông tư về bảo lãnh ngân hàng vào các năm 2000, 2003, 2006 và 2012,… đều quy định “số dư bảo lãnh”, mà không hề có “dư nợ bảo lãnh”. Khoảng một chục quyết định, thông tư về tỷ lệ bảo đảm an toàn của Ngân hàng Nhà nước suốt từ năm 1999 cho đến tháng 10-2014 cũng đều quy định tương tự.
Như vậy, theo tất cả các văn bản quy phạm pháp luật từ trước đến nay, “dư nợ” và “số dư” là hai khái niệm kinh tế và pháp lý khác nhau. Cụ thể, “dư nợ cấp tín dụng” chỉ gồm 3 khoản sau: Dư nợ cho vay (bao gồm cả số dư bảo lãnh sau khi đã được chuyển thành cho vay), dư nợ cho thuê tài chính và “mức đầu tư vào trái phiếu” (tuy không phải là hoạt động cấp tín dụng, nhưng Luật Các tổ chức tín dụng quy định phải tính vào dư nợ cấp tín dụng).
Còn “số dư cấp tín dụng” bao gồm 4 khoản sau: Số dư bảo lãnh, số dư chiết khấu, số dư bao thanh toán và “dư nợ cấp tín dụng” của 3 khoản kể trên. Như vậy, “số dư cấp tín dụng” thì có thể bao gồm cả “dư nợ cấp tín dụng”, nhưng “dư nợ cấp tín dụng” thì không bao gồm “số dư cấp tín dụng”, tức không bao gồm số dư bảo lãnh, số dư chiết khấu và số dư bao thanh toán. Việc này cũng giống như chỉ gọi là “số dư tiền gửi” chứ không bao giờ gọi là “dư nợ tiền gửi”.
Giới hạn “dư nợ” khác “số dư”
Vì “dư nợ” khác “số dư” nên giới hạn “dư nợ cấp tín dụng” đương nhiên cũng khác với “giới hạn “số dư cấp tín dụng”.
Kể từ khi có Luật Các tổ chức tín dụng năm 1997 cho đến gần đây, giới hạn cấp tín dụng đối với mỗi khách hàng so với vốn tự có của các tổ chức tín dụng được quy định như sau: Dư nợ cho vay không quá 15%. Số dư bảo lãnh không quá 15%. Gộp cả hai khoản này thì không quá 25% (bao giờ số dư bảo lãnh chuyển thành dư nợ cho vay, thì sẽ dồn về một giới hạn cho vay không quá 15%). Bên cạnh đó, thì số dư chiết khấu vẫn được tính riêng 15%. Và số dư bao thanh toán lại được tính thêm 15% nữa.
Như vậy tổng cộng giới hạn “dư nợ cấp tín dụng” đối với mỗi khách hàng chỉ là 15% (bao gồm cả cho thuê tài chính), nhưng tổng “số dư cấp tín dụng” đối với một khách hàng vào thời điểm cao nhất thì lên đến trên 55% (15% cho vay + 10% bảo lãnh + 15% chiết khấu + 15% bao thanh toán). Riêng việc đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, vì không phải là một hình thức cấp tín dụng, nên trước kia không bị tính vào cả giới hạn dư nợ cũng như số dư cấp tín dụng. Nhưng từ năm 2011 trở đi thì đã bị tính vào dư nợ cấp tín dụng theo Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010.
Thông tư trái Luật
Khoản 1, Điều 128 về “Giới hạn cấp tín dụng”, Luật Các Tổ chức tín dụng năm 2010 quy định: “1. Tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng không được vượt quá 15% vốn tự có của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô”. Theo phân tích ở các phần trên, thì giới hạn 15% “tổng mức dư nợ cấp tín dụng” này chỉ gồm dư nợ cho vay, cho thuê tài chính và đầu tư trái phiếu doanh nghiệp.
Tuy nhiên, Thông tư số 36/2014/TT-NHNN ngày 20-11-2014 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng, lại quy định như sau: “Tổng mức dư nợ cấp tín dụng bao gồm tổng số dư nợ cho vay, chiết khấu, tái chiết khấu, cho thuê tài chính, bao thanh toán, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, thẻ tín dụng và các nghiệp vụ cấp tín dụng khác theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, số dư bảo lãnh và các khoản ủy thác cho tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài khác cấp tín dụng.” Và tổng mức này “đối với một khách hàng không được vượt quá 15% vốn tự có của ngân hàng”.
Như vậy, Thông tư trên đã dồn tất cả các “số dư” (chính đoạn trên cũng đã viết “số dư bảo lãnh”) thành “dư nợ” và do vậy, giới hạn cấp tín dụng đã chính thức bị giảm từ 55% xuống còn 15% đối với mỗi khách hàng. Tuy Luật không giải thích thế nào là “tổng mức dư nợ cấp tín dụng”, nhưng nếu thật sự cần giới hạn “số dư cấp tín dụng”, thì Luật đã quy định thẳng là “tổng mức số dư cấp tín dụng” chứ không quy định sang “dư nợ cấp tín dụng”. Khi cấp bảo lãnh cho khách hàng, thì không thể gọi đó là “dư nợ” bảo lãnh, nếu ngân hàng chưa phải thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh thay cho khách hàng. Giới hạn này là trái với quy định của Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010.
Giới hạn thực và hậu quả thật?
Tiếp tục đối chiếu với quy định tại điểm a, khoản 9, Điều 15 về “Vi phạm quy định về cấp tín dụng”, Nghị định số 96/2014/NĐ-CP ngày 17-10-2014 của Chính phủ “Quy định Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng” thì càng thấy kỳ lạ. Vì Nghị định đã quy định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc thu hồi “phần số dư cấp tín dụng vượt mức hạn chế, giới hạn” về “Tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng”. Như vậy thì không thể hiểu nổi tại sao vi phạm về giới hạn “dư nợ” nhưng lại phải thu hồi “số dư”?
Để xem xét thực chất Luật hiện hành có định giới hạn “số dư” một cách chặt chẽ khác hẳn với Luật cũ hay không, thì chẳng còn cách nào hợp lý hơn là tìm hiểu các tài liệu liên quan đến quá trình soạn thảo, góp ý, thẩm định, ban hành và phổ biến Luật Các tổ chức tín dụng. năm 2010. Nhưng tuyệt nhiên không thấy bất cứ quy định hay câu chữ nào nhắc đến việc thắt chặt giới hạn cấp tín dụng trong một loạt tài liệu như: Tờ trình số 139/TTr-CP ngày 13-9-2009 của Chỉnh phủ về dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi); Báo cáo số 322/BC-UBTVQH12 ngày 15-5-2010 và số 340/BC-UBTVQH12 ngày 15-6-2010 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội V/v Giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi); Đề cương giới thiệu Luật Các tổ chức tín dụng của Bộ Tư pháp và của Ngân hàng Nhà nước (tất cả đang có trên các trang web chính thức của Quốc hội, Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tư pháp).
Nếu cho rằng phải hiểu Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 theo hướng thắt chặt như Thông tư số 36/2014/TT-NHNN, thì khác nào Luật đánh lừa Quốc hội, các tổ chức tín dụng và các đối tượng được cấp tín dụng?
Điều hoang mang cuối cùng là, dù Thông tư có trái luật, nhưng nếu vi phạm thì vẫn sẽ bị coi là vi phạm thật và trái pháp luật. Sự thật rất nguy hiểm là, nếu vi phạm giới hạn 15% dư nợ cấp tín dụng, có thoát tội vi phạm quy định về cho vay hoặc tội cố ý làm trái, thì cũng bị xử phạt vi phạm hành chính 200 – 300 triệu đồng.
Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên VIAC.
——
Đầu tư Chứng khoán (Ngân hàng – Bảo hiểm) 12-01-2015: