181. Bình luận Dự thảo Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp.

(ANVI) – Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam – VCCI                                               Hà Nội 6-2013    

Trương Thanh Đức – Luật sư, Trọng tài viên VIAC

 

  1. Về một số vấn đề chung:
  • Sự cần thiết phải ban hành Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp còn chưa thực sự thuyết phục. Với quy định hiện hành của Luật Doanh nghiệp, chưa thấy có trở ngại vướng mắc gì đối với công ty nhà nước. Chẳng hạn Luật quy định chủ sở hữu công ty có thẩm quyền thông qua các hợp đồng “có giá trị bằng hoặc lớn hơn 50% tổng giá trị tài sản được ghi trong báo cáo tài chính gần nhất của công ty hoặc một tỷ lệ khác nhỏ hơn quy định tại Điều lệ công ty”, thì Chính phủ hoàn toàn có thể quy định cho chủ sở hữu, hội đồng thành viên, chủ tịch công ty được phép thông qua các hợp đồng với mức giá trị thấp hơn 50%. Có khoảng quá một nửa các điều khoản của Dự luật chỉ là sự chỉ dẫn đến các quy phạm pháp luật liên quan, hoặc giao cho Chính phủ quy định hoặc là các nguyên tắc rất chung chung, chứ không quy định các nội dung thực chất, cụ thể. Như vậy, thì hoàn toàn có thể giải quyết bằng các Nghị định, mà không cần thiết phải ban hành Luật. Vì vậy đề nghị quy định cụ thể hơn, hạn chế tối đa những quy định chỉ dẫn (có thể xử lý bằng cách chuyển thành một quy định mang tính nguyên tắc chung).
  • Cần xây dựng Luật theo quan điểm giảm thiểu công ty nhà nước, quản lý chặt chẽ hơn công ty nhà nước để không làm lãng phí nguồn vốn nhà nước và không bảo đảm hiệu quả sản xuất, kinh doanh, đồng thời không được tạo ra các ưu đãi bất bình đẳng với các loại hình doanh nghiệp khác. Chỉ duy trì công ty nhà nước chủ yếu vì mục tiêu công ích, xã hội, là công việc phải làm, thay vì chủ yếu là mục tiêu kinh doanh kiếm lợi nhuận và là công việc được làm, thống lĩnh nhiều lĩnh vực tiềm năng, lợi thế như hiện nay. Cần giải phóng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành, uỷ ban nhân dân cấp tỉnh khỏi việc sa đà quá nhiều vào quản lý các công ty nhà nước nói riêng và doanh nghiệp nhà nước nói chung, làm suy giảm khả năng quản lý, điều hành nền kinh tế, xã hội nói chung.
  • Về “mục tiêu đầu tư vốn của nhà nước chủ yếu để tạo ra ngành, lĩnh vực cung ứng các sản phẩm dịch vụ công ích, đảm bảo nhu cầu thiết yếu cho xã hội, phục vụ an ninh, quốc phòng.” theo Dự thảo Tờ trình của Bộ Tài chính là ngược lại thực tế, sản phẩm dịch vụ công ích chiếm một tỷ trọng nhỏ so với hoạt động chung của công ty nhà nước. Tờ trình của Bộ Tài chính nhận định việc giảm về số lượng các công ty nhà nước, nhưng tổng quy mô thì lại tăng mạnh và con số lượng giảm cũng không đáng tin cậy, vì có hiện tượng giảm bằng cách biến các công ty có tư cách pháp nhân, hạch toán độc lập trước đây thành các chi nhánh công ty, hạch toán phụ thuộc, như “Công ty Giấy Tissue Sông Đuống” thuộc “Tổng công ty Giấy Việt Nam – Công ty TNHH một thành viên” hay “Công ty Vận tải biển Vinalines thuộc “Tổng công ty Hàng hải Việt Nam – Công ty TNHH một thành viên”, vẫn giữ nguyên tên gọi là công ty, nhưng bản chất pháp lý thì hoàn toàn khác, ẩn mình tinh vi dưới hình thức chi nhánh. Thậm chí Công ty còn trực thuộc một chi nhánh như “Công ty Điện thoại Đông thành phố” nhưng cơ quan chủ quản lại là Chi nhánh Viễn thông thành phố Hồ Chí Minh thuộc Tập đoàn Bưu chính Viên thông Việt Nam.[1]
  1. Về tên gọi và phạm vi điều chỉnh (Điều 1):
  • Cần cân nhắc thêm khi thay đổi tên gọi từ “Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh” theo Nghị quyết của Quốc hội sang tên gọi là “Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp”, cùng với việc thay đổi phạm vi điều chỉnh của Luật. Nếu chỉ điều chỉnh việc “quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp” thì đã bỏ trống đối với vốn nhà nước đầu tư vào các vào các hoạt động sản xuất, kinh doanh khác không qua doanh nghiệp, ví dụ như đầu tư vào hợp tác xã. Các luật liên quan mới chỉ điều chỉnh về khía cạnh ngân sách, đầu tư, đấu thầu,… mà chưa có quy định ở tầm luật điều chỉnh về nội dung vốn sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt, Dự thảo không còn quy định vốn tín dụng ưu đãi, vốn tín dụng từ ngân hàng thương mại, vốn tín dụng đầu tư phát triển, vốn tín dụng do Nhà nước bảo lãnh và vốn của doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ đầu tư vào các công ty con, công ty liên kết là vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp như trước đây. Vì vậy, nếu không mở rộng phạm vi điều chỉnh thì sẽ không bao quát được toàn bộ vấn đề quản lý và sử dụng vốn nhà nước vào sản xuất, kinh doanh. Ngay chính khoản 3, Điều 5 về “Nguyên tắc đầu tư vốn nhà nước” cũng đã mở rộng hơn phạm vi doanh nghiệp, với quy định “Đầu tư vốn nhà nước để góp vốn thành lập doanh nghiệp, hợp tác kinh doanh với các thành phần kinh tế khác….”
  • Với tên gọi và phạm vi điều chỉnh như Dự thảo, thì “Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp” thực chất giống với Luật Doanh nghiệp nhà nước trước đây, chỉ thay một số câu chữ như “Hội đồng quản trị” thay bằng “Hội đồng thành viên” và một số nội dung không đưa vào vì tận dụng quy định sẵn có của Luật Doanh nghiệp năm 2005. Do đó cần đưa thêm một phương án để xem xét lựa chọn, đó là xây dựng thêm 1 chương “Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp” trong Luật Doanh nghiệp.
  1. Về đối tượng áp dụng (Điều 2):

Đối tượng áp dụng chỉ nêu các “Doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ”, chưa rõ đối tượng là các doanh nghiệp không chiếm 100% vốn nhà nước như các công ty cổ phần là Tập đoàn Bảo Việt (Bộ Tài chính đại diện phần vốn góp), các Ngân hàng Ngoại thương, Công thương và Đầu tư (Ngân hàng Nhà nước đại diện phần vốn góp). Và như vậy thì mới chỉ đề cập đến việc quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào công ty nhà nước (vì doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ được Luật Doanh nghiệp giải thích là Công ty nhà nước), chưa rõ đối tượng doanh nghiệp nói chung.

  1. Về hình thức và phạm vi đầu tư vốn nhà nước (Điều 6 và 7):
  • Dự luật chỉ nên đi theo hướng khuyến khích việc đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho các công ty nhà nước để nâng cao năng lực kinh doanh; đổi mới công nghệ, giảm ô nhiễm môi trường, phục vụ an ninh, quốc phòng.
  • Dự luật cần đặt ra các quy định cần thiết nhằm hạn chế việc thành lập mới doanh nghiệp, hạn chế việc tăng tỷ lệ vốn góp hoặc duy trì quyền chi phối của Nhà nước tại các công ty; hạn chế việc mua lại một phần vốn hoặc toàn bộ doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác và hạn chế mở rộng quy mô, nâng cao công suất. Cụ thể, không nên quy định rộng như điểm a, khoản 2 và khoản 4, Điều 7 là: Đầu tư vốn nhà nước để thành lập mới doanh nghiệp và đầu tư bổ sung vốn điều lệ của doanh nghiệp ở những “ngành, lĩnh vực cung cấp sản phẩm, dịch vụ thiết yếu cho xã hội”, vì những ngành, lĩnh vực này thì các doanh nghiệp phi nhà nước luôn dành sự quan tâm hàng đầu và hoàn toàn có thể thay thế vai trò của nhà nước.
  1. Về đầu tư vốn ra ngoài doanh nghiệp (Điều 12):

Khoản 4, Điều 12 quy định: “Doanh nghiệp không được tham gia góp vốn mua cổ phần của các doanh nghiệp khác mà người quản lý, điều hành hoặc người sở hữu chính của doanh nghiệp này là vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị em ruột của thành viên Hội đồng thành viên, Kiểm soát viên, Ban giám đốc và Kế toán trưởng doanh nghiệp đó”. Đề nghị thay đổi cụm từ Ban giám đốc, vì mô hình chuẩn của điều hành doanh nghiệp chỉ có giám đốc và các phó giám đốc, chứ không có tập thể ban giám đốc như hội đồng thành viên.

  1. Về quyền, trách nhiệm của Chính phủ (Điều 28):

Đề nghị bổ sung một thẩm quyền của Chính phủ là: “Ban hành Điều lệ mẫu của công ty nhà nước”, để chính thức hoá Nghị định “Ban hành Điều lệ mẫu của tổng công ty và doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ” đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư soạn thảo.

  1. Về Kiểm soát viên (Điều 71):
  • Đề nghị nâng cao vai trò và vị thế của kiểm soát nội bộ, trong đó có việc thành lập bộ máy kiểm soát gọi là Ban Kiểm soát. Nếu chỉ quy định là các Kiểm soát viên như Dự luật thì sẽ không có gì gắn kết với nhau, không có đầu mối, không có người phụ trách chung. Chẳng hạn, nếu có 3 Kiểm soát viên, thì không biết sẽ phải thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, thẩm định, kiến nghị, xem xét,… như thế nào; cả ba cùng làm như nhau hay ai phân công ai làm gì và ý kiến, kết quả khác nhau thì giải quyết ra sao?
  • Nếu cứ 2 thành viên trở lên được lập thành Hội đồng thành viên, thì từ 2 Kiểm soát viên trở lên cũng cần được lập thành Ban kiểm soát. Là một Luật riêng thì không nên quá phụ thuộc vào Luật Doanh nghiệp, chỉ quy định bổ nhiệm một đến ba Kiểm soát viên và không gọi là Ban kiểm soát đối với loại hình Công ty TNHH một thành viên.
  1. Về kỹ thuật soạn thảo:
  • Cụm từ “doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ” nói đầy đủ, từ “doanh nghiệp” nói tắt, đang được sử dụng trong Dự luật cần phải sửa thành “công ty nhà nước” để phân biệt rõ với “doanh nghiệp nhà nước” là bao gồm “công ty nhà nước” và các doanh nghiệp khác có phần vốn chi phối của nhà nước.
  • Điểm a, khoản 1, Điều 13 về “Chuyển nhượng các khoản đầu tư vốn ra ngoài doanh nghiệp” quy định: “Đối với việc chuyển nhượng vốn nhà nước tại các công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên hoặc chuyển nhượng vốn nhà nước tại công ty trách nhiệm hữu hạn từ 2 thành viên trở lên để trở thành công ty trách nhiệm hữu hạn nhiều thành viên thực hiện theo quy định của Luật Doanh nghiệp.” không chính xác, vì “từ 2 thành viên trở lên” cũng chính là “nhiều thành viên”.
  • Điểm b, khoản 1, Điều 14 về “Quyền, trách nhiệm của doanh nghiệp đầu tư vốn vào doanh nghiệp khác” quy định: “Cử, bãi miễn, khen thưởng, kỷ luật Người đại diện tại doanh nghiệp khác, quyết định tiền lương, phụ cấp, tiền thưởng và các vấn đề đãi ngộ đối với Người đại diện, trừ trường hợp Người đại diện đã được hưởng lương từ doanh nghiệp khác”: Theo Luật Doanh nghiệp năm 2005 và Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2008, thì người đại diện có thể không hưởng lương, mà hưởng thù lao tương tự như lương.
  • Sửa các cụm từ “hàng năm” thành “hằng năm”, “ba (3) năm” thành “3 (ba) năm”, “Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty” “Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty”, “Tổng giám đốc (Giám đốc)” thành “Tổng giám đốc hoặc Giám đốc” và “Phó Tổng giám đốc (Phó Giám đốc)” thành “Phó Tổng giám đốc hoặc Phó Giám đốc” (tương tự như Luật Doanh nghiệp) cho rõ ràng và chính xác hơn.
  • Đề nghị rà soát viết lại, không để các đoạn không thuộc khoản nào trong các điều luật được bố cục theo khoản điểm tại các điều 13, 28, 35, 37 và 48.

—————————–

ĐC: Công ty Luật ANVI, tầng 2, Tòa nhà Savina, số 1 Đinh Lễ, phố Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, HN

FB: Trương Thanh Đức (www.facebook.com/LSTruongThanhDuc)

E-mail: duc.tt @anvilaw.com

Web: www.anvilaw.com

ĐT: 090.345.9070

 

[1]   Cách đặt tên công ty như vậy, cùng với sự nhập nhèm về tư cách giữa 2 tên gọi Tập đoàn kinh tế nhà nước có và không có tư cách pháp nhân, đã gây cho các cơ quan liên quan và đối tác sự nhầm lẫn, gần như không thể phân biệt được đúng tư cách pháp lý khi giao dịch.

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

433. Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của...

Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp Tham luận Hội...

Phỏng vấn 

4.390. Cải cách thể chế bắt đầu từ con người.

Cải cách thể chế bắt đầu từ con người. (VNN) - Thể chế sai không thể...

Trích dẫn 

3.907. Dự kiến bỏ miễn thuế với hàng nhập...

Dự kiến bỏ miễn thuế với hàng nhập dưới 1 triệu đồng. (VOV GT)...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 231,607