181. Khai pháo hiệu đại hội cổ đông trực tuyến

(ĐTCK) – Họp đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) trực tuyến sẽ là một bước tiến trong nỗ lực tháo “chốt” 65% cổ phần dự họp khiến không ít DN phải tổ chức lại lần 2 mới thành công. Xa hơn, các chuyên gia cho rằng, cơ quan quản lý cần ban hành quy định cho phép NĐT được bỏ phiếu điện tử để những tiện ích của ĐHCĐ trực tuyến được phát huy 100%.

Tạo thuận lợi cho cổ đông

CTCP Cơ điện lạnh (REE) vừa thông báo sẽ tổ chức ĐHCĐ trực tuyến tại hai đầu cầu TP. HCM và Hà Nội vào ngày 31/3, thay vì chỉ họp tại TP. HCM như dự kiến trước đó. Sau cuộc họp ĐHCĐ bất thành của các DN như KLS, SAM, VTS.., phản ứng nhanh chóng này của REE được nhận định sẽ mở màn một xu thế họp mới cho khối DN niêm yết. Bởi lẽ, họp trực tuyến đi kèm với trách nhiệm của cổ đông được xem là giải pháp hữu hiệu để tránh sự bất thành của đại hội do không đủ lượng cổ đông tham dự.

Trao đổi với Báo ĐTCK ngày 24/3, bà Nguyễn Thị Mai Thanh, Chủ tịch HĐQT REE bày tỏ niềm vui khi REE là DN tiên phong họp ĐHCĐ trực tuyến, nhằm mang lại điều kiện thuận lợi cho cổ đông tham dự. Do lượng cổ đông của REE lớn, trải dài từ Nam ra Bắc, nên tổ chức đại hội tại 2 đầu cầu sẽ tạo cơ hội để cổ đông đối thoại trực tiếp với lãnh đạo DN; đồng thời giúp DN tổ chức đại hội thành công.

Năm ngoái, ĐHCĐ của REE đứng trước nguy cơ bất thành, may mà DN quyết định chờ để cổ đông đến đủ 65%. “Tại đại hội năm nay, REE không trình cổ đông các nội dung lớn như phát hành thêm hay tăng vốn điều lệ, nhưng các vấn đề liên quan đến công tác đầu tư thì tương đối nhiều. REE mong muốn được truyền tải thông điệp này đến càng nhiều cổ đông càng tốt. Với màn hình lớn, đối tác tư vấn công nghệ thông tin là Viettel, cổ đông, nhà đầu tư và lãnh đạo DN gần như được đối thoại trực tiếp, nhìn thấy nhau để trao đổi cởi mở, vì một năm cũng chỉ có một lần”, bà Thanh nói và cho biết, REE đã thử và thấy hình ảnh rất rõ, mọi thứ đều sẵn sàng.

Để đảm bảo tính trung thực, công khai trong công tác bỏ phiếu, bà Thanh cho hay, mọi phần việc tại đại hội đều được công bố công khai, bắt đầu từ tỷ lệ tham dự đến biểu quyết. Sau khi tập hợp số liệu đầu cầu Hà Nội xong sẽ báo vào đầu cầu chính là TP. HCM để cho ra con số cuối cùng thông qua hệ thống mạng.

Về chi phí, theo bà Thanh, chỉ cao hơn kinh phí cho họp tại một địa điểm một chút, bởi cả hai địa điểm ở TP. HCM (Hội trường Tòa nhà e.Town) và Hà Nội (Hội trường Khách sạn Công đoàn Việt Nam) đều là những nơi không quá sang trọng, có chi phí hợp lý. Nhưng xét tổng thể, có khi chi phí cũng chỉ tương đương khi cổ đông tự túc đi lại bằng phương tiện máy bay, cộng thêm phí ăn ở, chưa tính chi phí về thời gian. Theo bà Thanh, chi phí họp đại hội có thể tốn kém hơn, nhưng nếu nó mang lại ý nghĩa, giá trị cho nhiều người (nhà đầu tư, cổ đông, DN) thì cũng nên coi đó là chi phí hợp lý.

UBCK: Tổ chức đại hội ở một số đầu cầu là khả thi

Theo ông Bùi Hoàng Hải, Phó vụ trưởng Vụ Quản lý phát hành, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK), việc tổ chức ĐHCĐ trực tuyến tại một số đầu cầu là giải pháp khả thi mà các DN nên triển khai. Cách chọn điểm đặt đầu cầu tổ chức đại hội nên dựa trên cơ sở tỷ lệ cổ đông phân bố ở các vùng miền khác nhau. Theo đó, ở những nơi có tỷ lệ cổ đông nhiều, cũng như khu vực lân cận có số lượng cổ đông lớn, thì nên ưu tiên đặt đầu cầu họp trực tuyến. Muốn ĐHCĐ đỡ “loãng” và tiết kiệm thời gian, chi phí, DN không nên tổ chức quá nhiều đầu cầu.

Ông Hải cho rằng, để đảm bảo ĐHCĐ diễn ra hiệu quả, minh bạch, DN cần cử một số lượng cán bộ nhất định đến trực tiếp dự họp tại các đầu cầu. Đội ngũ nhân sự này vừa tham gia vào quá trình điều hành đại hội, vừa giám sát, tổng hợp kết quả biểu quyết để nhanh chóng chuyển về đầu cầu chính. Trên cơ sở kết quả biểu quyết tại các đầu cầu, ban lãnh đạo DN tại đầu cầu chính sẽ chỉ đạo bộ phận giúp việc tổng hợp kết quả kiểm phiếu và khẩn trương công bố trước ĐHCĐ theo đúng luật định.

Một số chuyên gia nhận định, việc tổ chức ĐHCĐ của REE nêu trên là mô hình “bán” trực tuyến, bởi các cổ đông vẫn phải bỏ phiếu biểu quyết trực tiếp tại các đầu cầu. Để tiến tới họp ĐHCĐ trực tuyến đúng nghĩa như kinh nghiệm của các nước, Bộ Tài chính, UBCK cần ban hành quy định pháp lý cho phép NĐT được bỏ phiếu điện tử.

Bỏ phiếu điện tử là mô hình được áp dụng thành công tại Hàn Quốc với điều kiện kỹ thuật không quá phức tạp. Theo đó, 7 ngày trước ĐHCĐ, DN cung cấp danh sách cổ đông cho tổ chức lưu ký. Sau đó, tổ chức lưu ký sẽ đăng tải trên mạng các thông tin mà DN cần biểu quyết của cổ đông. Trên cơ sở những thông tin này, cổ đông đăng ký bỏ phiếu điện tử sẽ bỏ phiếu trước khi diễn ra đại hội. Kết quả bỏ phiếu điện tử sẽ được tổ chức lưu ký tổng hợp chuyển đến DN và kiểm phiếu cùng với kết quả biểu quyết của các cổ đông trực tiếp tham dự ĐHCĐ.

Cách làm này rất thuận tiện cho các cổ đông ở xa, kể cả ở nước ngoài trong việc tham gia biểu quyết các vấn đề quan trọng của DN. Làm như vậy mới phát huy được 100% tiện ích của họp ĐHCĐ trực tuyến.

“Không vướng pháp lý khi tổ chức ĐHCĐ trực tuyến”

Luật sư Trương Thanh Đức

Về khía cạnh pháp lý thì DN hoàn toàn có thể áp dụng hình thức họp ĐHCĐ trực tuyến và họp cùng lúc ở nhiều địa điểm khác nhau. Theo tôi, điều quan trọng nhất khi họp trực tuyến đó là bảo đảm việc các cổ đông được thấy những gì đang diễn ra trong cuộc họp, trong đó mấu chốt là xác định được đúng kết quả biểu quyết và công bố số phiếu công khai theo quy định đối với từng lần biểu quyết.

Việc họp ĐHCĐ trực tuyến nên được quy định trong điều lệ công ty, trong đó quy định một số vấn đề liên quan để tránh những vướng mắc nho nhỏ như theo quy định của Luật DN, ban kiểm phiếu sẽ không được quá 3 người, nên nếu DN họp tại 4 địa điểm thì sẽ không có người kiểm phiếu tại địa điểm thứ 4.

“Nên có quy định cụ thể các hình thức họp ĐHCĐ trực tuyến”

Luật sư Trần Vũ Hải, Trưởng văn phòng luật sư Trần Vũ Hải

Tôi nghĩ, việc tiên phong tổ chức ĐHCĐ trực tuyến của REE là điều kiện để các DN hướng tới họp ĐHCĐ dưới nhiều hình thức khác nhau, tận dụng hết mọi tiện ích của công nghệ thông tin như qua tin nhắn (điện thoại), Internet… để cổ đông không đến dự trực tiếp vẫn có thể tham gia. Tuy nhiên, do chưa có cơ chế rõ ràng nên chưa nhiều DN áp dụng. Vì vậy, cơ quan quản lý cần sớm ban hành hướng dẫn chi tiết về nội dung này để DN tránh bỡ ngỡ.

“Họp trực tuyến cần được quy định ở điều lệ công ty”

Ông Trần Duy Cảnh, Giám đốc Công ty Luật hợp danh Luật Việt

Luật cho phép các quyết định của ĐHCĐ có thể thông qua bằng việc lấy ý kiến cổ đông hay tại cuộc họp trực tiếp. Tuy nhiên,    mới có hiệu lực, vì cuộc họp này được tổ chức ở các địa điểm khác nhau, trong khi chỉ có 1 người chủ trì. Quyền lợi của cổ đông phần nào bị ảnh hưởng trong trường hợp đường truyền có vấn đề (điểm cầu phụ thấy tường tận những gì đang diễn ra tại điểm chính).

“SAM sẽ họp trực tuyến từ năm 2012”

Ông Đỗ Văn Trắc, Tổng giám đốc CTCP Đầu tư và phát triển Sacom (SAM)

Sau năm thứ 3 liên tiếp không thành công trong lần triệu tập đầu tiên ĐHCĐ thường niên, SAM đã mất khá nhiều thời gian, công sức, kể cả chi phí cho tổ chức các kỳ đại hội. Với tỷ lệ cổ đông đại diện cho hơn 59% số cổ phần có quyền biểu quyết đến tham dự ĐHCĐ lần thứ nhất triệu tập ngày 22/3, SAM hy vọng sẽ tổ chức đại hội thành công trong lần triệu tập thứ hai, bởi tỷ lệ này chỉ cần 51% là hợp lệ. Tuy nhiên, sau nhiều năm không thành công trong lần triệu tập đầu tiên, SAM sẽ tham khảo hình thức tổ chức ĐHCĐ trực tuyến mà REE triển khai vào cuối tháng này. Sắp tới, SAM sẽ đầu tư cho mua sắm thiết bị để có thể triển khai họp trực tuyến trong ĐHCĐ thường niên năm 2012.

“Cần thông báo rõ ràng cho cổ đông”

Luật sư Bùi Thanh Lam, Công ty luật Liên Á và Cộng sự

Việc họp ĐHCĐ theo phương thức trực tuyến qua video conference chưa có quy định cụ thể, nhưng Quyết định 12/2007/QĐ-BTC của Bộ Tài chính có quy định khuyến khích DN áp dụng công nghệ thông tin hiện đại để tổ chức đại hội. Trên thực tế, tôi đã tư vấn hình thức tổ chức đại hội trực tuyến cho một số DN.

Khi tổ chức ĐHCĐ theo hình thức này, DN cần chuẩn bị kỹ các điều kiện kỹ thuật, kể cả phương án dự phòng, thay thế, nhất là đối với đường truyền dẫn, màn hình. Trong thông báo gửi đến các cổ đông, DN phải xác định rõ phương thức và nơi tổ chức đại hội để cổ đông hiểu và tham dự. Thành phần ban tổ chức đại hội, bộ phận kiểm tra tư cách cổ đông, kiểm phiếu kết quả bầu cử… phải đầy đủ tại mỗi nơi tổ chức đại hội để kết quả được phản ánh trung thực, đầy đủ.

Trong công tác điều hành, Chính phủ đã ứng dụng công nghệ khi tổ chức họp trực tuyến với các bộ, ngành, địa phương. Với các DN, việc tổ chức ĐHCĐ trực tuyến cần được khuyến khích

——————————————–

Đầu tư Chứng khoán 25-3-2011

http://tinnhanhchungkhoan.vn/RC/N/CGACCB/dhcd-truc-tuyen-cho–phao-hieu.html

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.423. Will Duc Giang Chemical’s leadership breach lead to...

Will Duc Giang Chemical’s leadership breach lead to penalties? (VNN) - The leadership structure...

Trích dẫn 

3.973. Nợ xấu tiếp tục là thách thức đối với...

Nợ xấu tiếp tục là thách thức đối với ngành ngân hàng. (CT) –...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,068