182. Công tác xây dựng pháp luật: Cần cơ chế điều chỉnh phù hợp 

(HNM) – Với mong muốn xây dựng Nhà nước pháp quyền với hệ thống văn bản pháp luật đầy đủ, điều chỉnh mọi mặt của đời sống xã hội… thời gian vừa qua, Quốc hội đã nỗ lực xây dựng, thông qua nhiều đạo luật. Tuy nhiên, một số đạo luật ngay sau khi ban hành đã cho thấy có nhiều “lỗ hổng”, những vấn đề cần phải sửa đổi, bổ sung…

Ông Vương Trọng Thế (Bí thư Đảng ủy Đoàn Luật sư Hà Nội):Chất lượng xây dựng luật chưa cao

Nếu xét với tư cách là cơ quan xây dựng luật thì chất lượng của Quốc hội chưa cao, tỷ lệ đại biểu Quốc hội có năng lực chuyên môn về pháp luật không nhiều. Hiện nay, một số đạo luật được xây dựng theo yêu cầu quản lý của ngành, của cơ quan quản lý nhà nước chứ chưa xuất phát từ nhu cầu xã hội, nhu cầu của cuộc sống nên khó đi vào cuộc sống. Ví dụ, Luật Công chứng có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2007 nhưng phải đợi rất nhiều tháng sau đó, khi có nghị định, thông tư hướng dẫn thì mới có thể thực hiện được. Do Quốc hội chỉ có chức năng giám sát tối cao, mà các văn bản luật được ban hành lại không phù hợp với thực tế nên việc giám sát thực thi luật của Quốc hội để qua đó có điều chỉnh phù hợp là điều không thể thực hiện được. Ví dụ, Luật Đất đai sau khi có hiệu lực phải chờ Chính phủ và Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn bằng nghị định, thông tư, công văn… Nhưng việc giám sát và đánh giá thực hiện cũng do Bộ Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm. Điều này dẫn đến công tác xây dựng và giám sát thực thi pháp luật của Quốc hội thiếu nhất quán, thiếu chuyên nghiệp.

Luật sư Trương Thanh Đức (Đoàn Luật sư Hà Nội): Cần cơ chế để luật được điều chỉnh nhanh chóng, phù hợp với thực tế

Việc đòi hỏi Quốc hội phải xây dựng một đạo luật chi tiết, có thể áp dụng ngay vào thực tiễn là điều rất khó và không thể thực hiện được. Tuy nhiên, khi một đạo luật đi vào thực tế, có xuất hiện những điểm chưa phù hợp, chưa cụ thể thì đòi hỏi phải được điều chỉnh ngay, nhưng cơ chế sửa luật của ta lại quá cồng kềnh (quy trình điều chỉnh luật thực hiện cùng một quy trình như xây dựng một đạo luật mới). Phần lớn các điều luật khi điều chỉnh một quan hệ xã hội cụ thể đều cần có văn bản nhưng những văn bản này thường được xây dựng theo hướng suy diễn câu chữ trong điều luật, thậm chí làm sai lệch, bó hẹp phạm vi điều chỉnh của luật. Đây chính là kẽ hở cho các hiện tượng tiêu cực như “lách luật”, hối lộ, tham nhũng… Để giải quyết vấn đề này, nên chăng xây dựng một cơ chế buộc các cơ quan hướng dẫn thực hiện luật chỉ được ra văn bản hướng dẫn tinh thần luật, không được ra những điều khoản “cụ thể hóa”, mà thực chất là thu hẹp phạm vi điều chỉnh của luật. Mặt khác, phải có quy trình điều chỉnh, sửa chữa văn bản luật thật nhanh chóng, phù hợp ngay với đòi hỏi của cuộc sống chứ không nên để vài năm mới điều chỉnh như hiện nay. Để làm được điều này, việc xây dựng dự án luật, giám sát và điều chỉnh luật phải do một cơ quan chuyên trách trong Quốc hội, gồm những chuyên gia, những người có kinh nghiệm trong việc xây dựng văn bản luật thực hiện, không nên chỉ giao cho số đông.

Bà Nguyễn Thị Hữu (phường Chương Dương, Hoàn Kiếm): Đại biểu Quốc hội chưa khẳng định được vai trò, trách nhiệm cá nhân…

Theo dõi các phiên họp Quốc hội được truyền hình trực tiếp, tôi thấy khi thảo luận và thông qua một văn bản luật nào đó, các đại biểu thường tập trung vào góp ý câu chữ hoặc cách diễn đạt một điều khoản, chứ ít khi thấy có vị đại biểu nào nói được ý kiến “tinh thần đạo luật này có phù hợp với thực tế không”, “có cần thiết ban hành luật này hay không”… Sau khi các vị đại biểu góp ý, có lẽ vì những ý kiến đóng góp chỉ mang tính câu chữ đơn thuần nên đạo luật vẫn được đa số bấm nút thông qua. Một thời gian ngắn sau đó, lại thấy các cơ quan bàn đến việc phải điều chỉnh vì văn bản luật đó còn chưa phù hợp với thực tế, còn nhiều “lỗ hổng”… Tôi nhận thấy phần đông đại biểu Quốc hội cũng chính là người làm công tác quản lý, người trực tiếp thực thi pháp luật. Lẽ ra đây phải là một ưu điểm bởi trong quá trình giải quyết công việc quản lý nhà nước ở địa phương, các vị đại biểu này phải nắm sát thực tế, qua đó có góp ý xác đáng trong quá trình xây dựng luật. Điều này cho thấy đại biểu Quốc hội còn chưa làm hết trách nhiệm của mình, hoặc chưa khẳng định được vai trò của cá nhân mình trong việc xây dựng và giám sát thực thi pháp luật.

Sơn Trà lược ghi

——————————

Hà Nội mới 29-3-2011

http://www.hanoimoi.com.vn/newsdetail/Chinh-tri/482554/can-co-che-dieu-chinh-phu-hop.htm

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.423. Will Duc Giang Chemical’s leadership breach lead to...

Will Duc Giang Chemical’s leadership breach lead to penalties? (VNN) - The leadership structure...

Trích dẫn 

3.973. Nợ xấu tiếp tục là thách thức đối với...

Nợ xấu tiếp tục là thách thức đối với ngành ngân hàng. (CT) –...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,068