Vận tải cải cách
(ANVI) – Kinh doanh vận tải là phải thu cước, là được ăn phép lời, là di dời hàng hóa, là giải tỏa nhu cầu, là cùng nhau vận chuyển, là chạy theo luồng tuyến, là câu chuyện bán mua.
Nếu không trực tiếp làm vậy, thì đấy chỉ là mấy anh loanh quanh hoa tiêu, cò mồi, môi giới kinh doanh vận tải. Tôi có cái xe con con lon ton chở nhân viên của mình đi làm hằng ngày hay bạn có con ô tô ngon ngon sòn sòn chở hàng của mình chạy linh tinh đi về FOB, CIF cảng hay shịp hàng gì đó, thì chỉ là phục vụ kinh doanh, chứ sao lại là kinh doanh vận tải?
Nhưng luật xứ ta thì gọi đó là kinh doanh gián tiếp. Ừ thì phi trực tiếp ắt là gián tiếp. Nhưng nó lại gán ghép tiếp theo, kiểu hiểu thế nào cũng vẫn vận vào “kinh doanh vận tải không thu tiền trực tiếp” theo Điều khoản 3.3, Nghị định số 86/2014/NĐ-CP về “Kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô”[1].
Thế là, cứ có từ 5 chú xe trở lên, buộc phải xếp hàng chờ giấy phép và phù hiệu như doanh nghiệp “kinh doanh vận tải thu tiền trực tiếp”, kiểu con nhà chuyên nghiệp. Kéo theo đó là một đống điều kiện phải đáp ứng với những thủ tục phiền hà, rất là rắc rối.
Thà rằng cứ bắt phép tắc, phù hiệu, tiêu chuẩn, nhưng đừng quy đổi một hồi ra kiểu kinh doanh vận tải mà lại không phải để thu tiền, không kiếm ăn một đồng cước phí, mà chỉ chở hàng hóa nội bộ, đưa rước nhân viên.
Ngày 11-01-2017
[1] Nghị định 10/2020/NĐ-CP đã bỏ quy định này.