(ĐTCK) – Dưới góc nhìn của các chuyên gia pháp lý, quá trình áp dụng Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) đối với đầu tư chứng khoán đang bộc lộ nhiều điểm “bất thường”. Bởi vậy, rất cần Bộ Tài chính cũng như các bộ, ngành liên quan xem xét, để sớm có phương án sửa đổi hợp lý.
Bài 3: Các luật sư: Nhiều điểm “bất thường” là quá rõ
“Kinh doanh thua lỗ mà phải nộp thuế là phi lý”
Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI
Có 2 điểm bất hợp lý không khó nhận ra trong Luật Thuế TNCN đối với đầu tư chứng khoán là: kinh doanh thua lỗ vẫn phải nộp thuế và tình trạng “thuế chồng lên thuế”. Với quy định của Luật Thuế TNCN, NĐT kinh doanh thua lỗ nhưng vẫn phải đóng thuế là điều phi lý. Do tính bất khả thi trong lưu giữ hoá đơn, chứng từ chứng minh thu nhập khi làm thủ tục quyết toán thuế vào cuối năm nếu chọn hình thức nộp thuế 20% trên tổng lợi nhuận, nên trừ các CTCK, gần như 100% NĐT nhỏ lẻ trên TTCK bị “ép” phải chọn cách nộp 0,1% trên giá trị bán. Hệ quả là trong năm 2010, NĐT thua lỗ triền miên, nhưng vẫn phải nộp thuế. Bởi vậy, Bộ Tài chính cần phối hợp với các bộ, ngành liên quan tính toán lại kỹ thuật đánh thuế theo hướng chỉ còn một hình thức nộp thuế, để đảm bảo tính khả thi, cũng như bình đẳng cho các đối tượng chịu thuế.
Một sự bất hợp lý khác mà NĐT trên TTCK cũng đang phải gánh chịu là quy định “thuế chồng thuế”. Phần thu nhập mà NĐT có được vào cuối năm được hiểu là khoản chênh lệch giữa tổng vốn bỏ ra đầu tư trừ đi các khoản chi phí. Như vậy, tổng thu nhập mà NĐT thu được vào cuối năm đã bao gồm cổ tức. Thế nhưng, với thiết kế của Luật Thuế TNCN hiện tại thì ngoài chịu mức thuế suất 20% đánh trên thu nhập, NĐT còn phải chịu thêm 5% thuế cổ tức. Tình trạng “thuế chồng thuế” đang tạo gánh nặng cho NĐT về nghĩa vụ nộp thuế. Sự bất hợp lý này rất cần Bộ Tài chính nghiên cứu để giảm gánh nặng nghĩa vụ thuế cho NĐT, qua đó hỗ trợ TTCK phát triển.
“VAFI sắp tổ chức hội thảo về Luật Thuế TNCN”
Luật sư Phùng Anh Tuấn, Phó chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI)
Để có thể đưa ra những đánh giá và đề xuất điều chỉnh hợp lý cả về phương pháp luận lẫn thực tiễn những bất hợp lý của Luật Thuế TNCN áp dụng cho hoạt động kinh doanh nói chung và đầu tư chứng khoán nói riêng, trong lần sửa đổi sắp tới, cơ quan quản lý cần tổng hợp lấy ý kiến từ nhiều nguồn như các hiệp hội chuyên ngành, các chuyên gia và người đóng thuế… Về phần mình, VAFI đang khẩn trương chuẩn bị để sớm tổ chức hội thảo về Luật Thuế TNCN cho đầu tư tài chính, nhằm tạo diễn đàn trao đổi, đánh giá, đồng thời thu nhận ý kiến của các chuyên gia, các DN và NĐT, nhằm đề xuất sửa đổi những bất hợp lý với trọng tâm trong lĩnh vực đầu tư tài chính và chứng khoán, qua đó đảm bảo tính khả thi và hợp lý của Luật.
“Nên có quy định pháp lý công nhận hoá đơn điện tử”
Luật sư Cao Bá Trung, Giám đốc Công ty Luật INCIP
Đa số NĐT trên TTCK hiện là NĐT nhỏ lẻ, nên Luật Thuế TNCN đặt ra yêu cầu họ kê khai thu nhập, đồng thời xuất trình các hoá đơn, chứng từ để chứng minh thu nhập khi làm nghĩa vụ quyết toán thuế là điều… không tưởng, không có tính khả thi. Mặc khác, các hình thức giao dịch điện tử như qua Internet, điện thoại, tin nhắn… ngày càng được NĐT sử dụng phổ biến, trong khi chưa có quy định pháp lý công nhận các loại chứng từ điện tử này, càng khiến NĐT “bó tay” khi phải xuất trình hoá đơn, chứng từ khi làm thủ tục quyết toán thuế. Những bất hợp lý này nên được xem xét trong lần sửa đổi Luật Thuế TNCN sắp tới.
Theo đó, Luật nên bổ sung quy định chính thức công nhận dữ liệu điện tử chứng minh lỗ – lãi, căn cứ vào biến động tài khoản giao dịch trong suốt một năm của NĐT tại CTCK mà họ mở tài khoản giao dịch. Luật cũng nên quy định rõ ràng nghĩa vụ pháp lý của các CTCK trong lưu giữ, xác nhận các chứng từ điện tử và có nghĩa vụ cung cấp cho NĐT để làm thủ tục quyết toán thuế. Nếu vướng mắc về hoá đơn, chứng từ được tháo gỡ theo hướng này thì sẽ khắc phục được tình trạng đầu tư thua lỗ nhưng vẫn phải nộp thuế như hiện nay, do việc xác định thu nhập trở nên thuận lợi hơn.
Hữu Hòe thực hiện
——————————————
Đầu tư Chứng khoán 31-3-2011
http://tinnhanhchungkhoan.vn/RC/N/CGAFHJ/keu-troi–vi-thue-chung-khoan-bat-hop-ly-(bai-3).html