Thời hiệu trong dự thảo bộ luật dân sự
(ND) – Thời hiệu là một trong những nội dung đặc biệt quan trọng trong Bộ luật Dân sự. Dự thảo Bộ luật Dân sự lấy ý kiến nhân dân có những quy định thay đổi lớn về thời hiệu, đồng thời cũng còn nhiều vấn đề bất cập cần được tiếp tục xem xét.
Các loại thời hiệu
Thời hiệu là thời hạn do pháp luật quy định mà khi kết thúc thời hạn đó thì sẽ phát sinh quyền và nghĩa vụ pháp lý đối với các bên liên quan. Ngoài Bộ luật Dân sự, thời hiệu còn được quy định trong nhiều đạo luật khác, như Bộ luật Hàng hải, Bộ luật Lao động,… Trong Bộ luật Dân sự có ba loại thời hiệu chính. Thời hiệu hưởng quyền dân sự là thời hạn mà khi kết thúc, chủ thể được hưởng quyền dân sự. Thời hiệu miễn trừ nghĩa vụ dân sự là thời hạn mà khi kết thúc người có nghĩa vụ dân sự được miễn thực hiện nghĩa vụ. Thời hiệu khởi kiện là thời hạn mà chủ thể được quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án dân sự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm; nếu thời hạn đó kết thúc thì mất quyền khởi kiện.
Thời hiệu khởi kiện
Theo thống kê sơ bộ, trong hệ thống pháp luật hiện hành đã có hơn 30 loại, với các thời hạn khác nhau, như thời hiệu khởi kiện về mất hàng hóa vận chuyển theo chứng từ vận chuyển là một năm (Bộ luật Hàng hải năm 2005), thời hiệu khởi kiện tranh chấp hợp đồng dân sự hoặc thương mại là hai năm (Bộ luật Dân sự năm 2005 và Luật Thương mại năm 2005), thời hiệu khởi kiện hợp đồng bảo hiểm là ba năm (Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000), thời hiệu khởi kiện yêu cầu chia di sản thừa kế là 10 năm. Riêng thời hiệu khởi kiện tranh chấp đòi quyền sở hữu tài sản thì không bị giới hạn thời gian (Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004, sửa đổi năm 2011).
Chỉ trong khoảng 25 năm gần đây, thời hiệu khởi kiện đã được quy định một cách quá khác nhau. Có ít nhất năm thời hiệu khởi kiện sau đây đối với một hợp đồng cho vay: sáu tháng, nếu là hợp đồng kinh tế (Pháp lệnh Trọng tài kinh tế năm 1990); ba năm, nếu là hợp đồng dân sự (Pháp lệnh Hợp đồng dân sự năm 1991); không giới hạn thời gian (Bộ luật Dân sự năm 1995); hai năm (Bộ luật Dân sự năm 2005) và từ năm 2012 đến nay, lại không bị giới hạn về thời gian (Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004, đã được sửa đổi năm 2011). Theo quy định tại thời điểm hiện nay, một khoản nợ vay dù chỉ 100 đồng thì 100 năm sau vẫn có quyền khởi kiện để đòi nợ!
Thay đổi về thời hiệu
Bên cạnh việc giữ lại các quy định cơ bản về thời hiệu để yêu cầu giao dịch dân sự vô hiệu; thời hiệu để xác lập quyền sở hữu đối với người phát hiện, chiếm hữu thực tế tài sản (các điều 177, 178 và 179),… Dự thảo Bộ luật cũng tiếp tục quy định việc không tính vào thời hiệu đối với một số thời gian đã xảy ra sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan, người có quyền lợi chưa đủ 18 tuổi hoặc vì lý do chính đáng khác. Ðồng thời, thời hiệu cũng sẽ được tính trở lại trong một số trường hợp bị gián đoạn như phải chờ cơ quan có thẩm quyền giải quyết vụ việc hay bên có nghĩa vụ đã thừa nhận hoặc đã thực hiện một phần nghĩa vụ (các Ðiều 173, 174 và 175).
Ðiểm mới quan trọng nhất của Dự thảo Bộ luật này là việc bỏ quy định về thời hiệu khởi kiện rất quen thuộc từ trước đến nay, mà chỉ còn quy định về thời hiệu hưởng quyền và thời hiệu miễn trừ nghĩa vụ dân sự. Thời hiệu khởi kiện cũng đồng thời sẽ được bãi bỏ trong Bộ luật Tố tụng dân sự sẽ được sửa đổi, bổ sung. Chẳng hạn, khi quy định thời hiệu khởi kiện là hai năm như hiện nay, nếu đã hết thời hạn này, thì bên có quyền lợi sẽ không còn quyền khởi kiện đối với bên có nghĩa vụ. Khi đó, Tòa án không cần xét xử, thậm chí từ chối ngay việc tiếp nhận hồ sơ và thụ lý vụ kiện, hậu quả pháp lý là, người có quyền đương nhiên bị mất đi quyền khởi kiện trên thực tế.
Ðiểm mới quan trọng thứ hai là đã quy định mới về thời hiệu yêu cầu thực hiện nghĩa vụ. Nếu pháp luật không có quy định khác, thì thời hiệu yêu cầu thực hiện quyền, nghĩa vụ phát sinh từ nghĩa vụ và yêu cầu bồi thường thiệt hại là ba năm, kể từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền của mình bị xâm phạm và người vi phạm (Ðiều 180). Như vậy, dù đã hết thời hạn ba năm, bên có quyền lợi vẫn không đương nhiên bị mất quyền khởi kiện để yêu cầu bên kia phải thực hiện nghĩa vụ. Khi đó, Tòa án vẫn buộc phải thụ lý vụ án. Dù đã hết thời hiệu phải thực hiện nghĩa vụ, nhưng nếu bên có nghĩa vụ không từ chối nghĩa vụ của mình, thì vụ kiện vẫn được xét xử và công nhận như chưa hết thời hiệu.
Ðiểm mới quan trọng thứ ba là sửa đổi thời hiệu thừa kế, thay vì 10 năm đối với mọi tài sản như trong Bộ luật hiện hành thì dự kiến tăng lên 30 năm đối với thừa kế bất động sản (Ðiều 646). Nhưng cũng cần xem lại điều này, vì 30 năm là thời gian chờ đợi quá dài để phân chia di sản thừa kế, kéo dài sự thiếu ổn định đối với số phận pháp lý của di sản thừa kế là bất động sản.
Tuy nhiên, cách viết như Ðiều 180 và 646 của Dự thảo vẫn giống như quy định về thời hiệu khởi kiện để yêu cầu giải quyết tranh chấp và phân chia di sản thừa kế, chứ chưa chuyển hẳn sang thời hiệu hưởng quyền và miễn trừ nghĩa vụ. Ðặc biệt, Dự thảo chưa giải quyết được mâu thuẫn giữa thời hiệu hưởng quyền ba năm với đa số thời hiệu khởi kiện vẫn là hai năm đang được quy định trong các đạo luật hiện hành, như Luật Thương mại, Luật Hàng không dân dụng, Luật Các công cụ chuyển nhượng, Bộ luật Hàng hải,…
Tức là, nếu căn cứ vào câu chữ “thời hiệu yêu cầu” trong Dự thảo Bộ luật và các thời hiệu khởi kiện của các đạo luật liên quan, Tòa án có thể vẫn sẽ tiếp tục từ chối thụ lý đơn khởi kiện khi đã hết thời hiệu yêu cầu hay hết thời hiệu khởi kiện như cũ.
“Điểm mới quan trọng nhất của Dự thảo Bộ luật này là việc bỏ quy định về thời hiệu khởi kiện đã rất quen thuộc từ trước đến nay, mà chỉ còn quy định về thời hiệu hưởng quyền và thời hiệu miễn trừ nghĩa vụ dân sự”. |
Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên VIAC.
——
Nhân Dân (Chính sách & Cuộc sống) 29-6-2015:
http://www.nhandan.org.vn/xahoi/tin-tuc/item/26474702-thoi-hieu-trong-du-thao-bo-luat-dan-su.html
THỜI HIỆU TRONG DỰ THẢO BỘ LUẬT DÂN SỰ[1]
[1] Bài thứ 27 trong loạt bài tham gia xây dựng Dự thảo Bộ luật Dân sự năm 2015.