(PL) – “Mệnh lệnh” khống chế lãi suất (LS) tiền gửi USD tối đa 3%/năm, đồng thời tăng dự trữ bắt buộc bằng ngoại tệ đối với các tổ chức tín dụng (TCTD) thêm 2% được phần lớn các ngân hàng (NH) đồng tình, tuy người gửi tiền có đôi chút bất ngờ, tiếc rẻ…
“Đánh úp”
Đó là cách các NH ám chỉ các văn bản của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) được ban hành có hiệu lực ngay trong thời gian gần đây mà Thông tư 02/2011/TT-NHNN ngày 3/3/2011 quy định mức LS huy động vốn tối đa bằng VND, Thông tư 04/2011/TT-NHNN ngày 10/3/2011 quy định áp dụng LS trong trường hợp tổ chức, cá nhân rút tiền gửi trước hạn tại TCTD và Thông tư 05/2011/TT-NHNN quy định về thu phí cho vay của TCTD đối với khách hàng là những ví dụ điễn hình.
Các thông tư này được ban hành và có hiệu lực ngay trong ngày ký (0h) mặc dù đến gần trưa các NH mới biết. Với Thông tư số 09/2011/TT-NHNN quy định mức LS huy động vốn tối đa bằng USD của tổ chức, cá nhân tại TCTD ban hành hôm 9/4 vừa qua, tuy có hiệu lực từ ngày 13/4 song đây lại là ngày đi làm đầu tiên sau kỳ nghỉ Giỗ tổ Hùng vương khiến không ít khách hàng đến giao dịch ngỡ ngàng.
Hầu hết các NH không kịp treo Bảng LS mới, mà vẫn Bảng LS cũ với mức LS lên tới 5- 5,5%/năm, khiến cho khách hàng hoài nghi, nhân viên nhọc công giải thích. May mắn cho khách hàng có sổ đáo hạn đúng vào những ngay nghỉ và đương nhiên khách hàng được duy trì mức LS cũ cao gần như gấp đôi mức LS mới (3%/năm) thêm một kỳ hạn nữa.
Nhân viên của một phòng giao dịch của một NH TMCP có trụ sở trên đường Khâm Thiên (Hà Nội) cho biết, khá nhiều người tỏ ra bất ngờ với việc LS USD đột ngột giảm. Tuy nhiên, khách hàng chủ yếu hỏi để tham khảo, cân nhắc. Nhìn chung không có hiện tượng rút USD bất thường, trái lại, lượng khách hàng có nhu cầu bán USD cho NH có vẻ nhiều hơn…“Có ít “đô” dành cho cháu đi học. Tính ra bán đi gửi VND có lợi hơn nhưng bán rồi liệu có mua được không? Thôi thì cứ để ở NH an toàn hơn, lãi được đồng nào hay đồng nấy…”- một khách hàng cho biết.
Lượng kiều hối sẽ bị ảnh hưởng
Không phải không có lý do khi có ý kiến tỏ ra lo ngại với việc giảm LS huy động USD có thể sẽ ảnh hưởng đến việc thu hút dòng tiền kiều hối. “Trong gần 2 năm trở lại đây, LS huy động USD ở mức rất cao so với nhiều nước trên thế giới, mức cao hơn từ 4% – 5%/ năm. Mức LS hấp dẫn này khiến một số người nhận định rằng đã hút được dòng tiền kiều hối lớn chuyển về Việt nam để hưởng chênh lệch LS. Nhưng thực tế không phải như vậy…”- ông Nguyễn Hoàng Hải, Tổng thư ký Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) khẳng định.
Ông Hải cho biết, VAFI đã tiến hành phỏng vấn một số Việt kiều, đại diện cho nhiều thành phần của người VN định cư tại nước ngoài, trong đó có cả một số chuyên gia NH thường có mối quan hệ với các NH Việt Nam để tìm hiểu thì nhận thấy khả năng Việt kiều gửi tiền về để gửi chênh lệch LS là không nhiều. Bởi vì, chính sách hiện hành của NHNN cho phép Việt Kiều gửi ngoại tệ không hạn chế về VN, không cần giấy phép, không cần thủ tục hành chính và chỉ mất phí chuyển tiền, nhưng ngược lại, việc chuyển ngoại tệ ra nước ngoài bị kiểm soát nghiêm ngặt.
“Nguồn kiều hối gửi về chủ yếu từ số người đi xuất khẩu lao động và số người đang làm việc ở nước ngoài nhưng không có ý định ở lại …”- ông Hải nhận định. Và do đó, với việc khống chế LS ngoại tệ ở mức thấp sẽ không ảnh hưởng tới việc thu hút kiều hối .
Muộn còn hơn không
Quy định khống chế LS tiền gửi ngoại tệ ở mức thấp là vấn đề các NH mong mỏi từ lâu và là một trong số hiếm các quy định được các NH vui vẻ đón nhận. “Thực ra các NH không còn căng thẳng ngoại tệ như trước song cũng không vì thế tự giảm LS huy động ngoại tệ bởi mình giảm mà NH khác không giảm cũng không được. Đáng ra NHNN phải ban hành quy định này sớm hơn. Song dẫu sao- muộn còn hơn không…”- đại diện một NH TMCP cho biết.
Dưới góc độ phân tích của chuyên gia, luật sư Trương Thanh Đức, (Maritime Bank) cho rằng quyết định này của NHNN như một “mũi tên trúng nhiều đích”. Thứ nhất, nó có tác động đến bộ phận người dân đang nắm giữ USD sẽ chuyển bớt sang gửi VND; thứ hai, nguồn tiền ảo của nước ngoài chạy vào lấy LS cao sẽ giảm; và thứ ba, người dân sẽ đỡ tích trữ USD hơn.
Liệu có tình trạng NH và người gửi tiền thoả thuận LS tiền USD như vẫn diễn ra với tiền VND? “Điều này hoàn toàn phụ thuộc vào quan hệ cung cầu. Nhưng hiện tại, theo tôi được biết, các NH đang thừa thừa ngoại tệ (do trạng thái ngoại tệ giảm, NHNN thắt chặt điều kiện vay ngoại tệ, tăng dự dữ bắt buộc thêm 2%) nên không có chuyện đó. Thực tế, LS USD thấp bao nhiêu người ta cũng gửi, vì để giữ USD chứ không phải lấy lãi.”- ông Đức phân tích.
LS huy động ngoại tê giảm kéo theo LS cho vay bằng ngoại tệ cũng giảm trong bối cảnh LS VND vẫn đang cao, liệu có tái diễn tình trạng DN vay USD rồi bán lấy VND? Ông Đức cho rằng với các quy định mới về tăng dự trữ, giảm trạng thái ngoại tệ… việc cho vay bằng ngoại tệ sẽ ngày càng thắt chặt, chỉ DN có nhu cầu về thật sự về ngoại tệ và bảo đảm được nguồn ngoại tệ trả nợ mới được vay…
Tất cả cũng chỉ mới là nhận định. Vấn đề mà các NH cũng như người dân kỳ vọng hơn chính là sự điều hành linh hoạt, kịp thời của NHNN và xa hơn nữa là ổn định giá trị đồng tiền Việt Nam.
Hiểu My
——————————————
Pháp luật Việt Nam 15-04-2011
http://www.phapluatvn.vn/kinhte/taichinhtiente/201104/Mui-ten-trung-nhieu-dich-2044564/